Tổng hợp các bài văn chứng minh, giải thích lớp 7 hay nhất sau đây sẽ giúp các bạn học sinh lớp 7 tổng hợp lại kiến thức, tham khảo cách viết văn để làm tốt các bài tập trên lớp và bài thi học kỳ. Mời các bạn cùng tham khảo
Mục lục bài viết
1. Giải thích câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”:
Kho tàng văn học Việt Nam là nơi lưu giữ nhiều câu ca dao, tục ngữ đặc sắc và nhiều ý nghĩa. Nói về lối sống thanh cao, trong sạch, giữ gìn phẩm giá trong hoàn cảnh khó khăn, tục ngữ có câu: Đói cho sạch, rách cho thơm.
Trong xã hội phong kiến trước đây, người lao động thường bị giai cấp bóc lột khinh thường, rẻ rúng. Bần cùng sinh đạo tặc hay đói ăn vụng, túng làm càn là những điều người lao động nghèo phải gánh chịu. Lúc đói bản năng tự nhiên của con người trỗi dậy rất mạnh để bảo tồn sự sống. Liệu có còn đủ lí trí để không bị tha hóa. Câu tục ngữ này nêu lên một triết lí sống, một quan điểm sống, một nền tảng đạo đức của nhân dân ta. Câu tục ngữ lấy đói và rách là hai biểu hiện cụ thể của hoàn cảnh khó khăn trong đời sống vật chất của con người để tượng trưng cho cuộc sống gian truân, vất vả. Nước ta là một nước nông nghiệp, quanh năm nông dân vất vả dầm mưa dãi nắng, đổ mồ hôi trên đồng ruộng. Cực nhọc trăm bề nhưng nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói bởi sưu cao, thuế nặng, bởi chính sách áp bức, bóc lột tàn khốc của giai cấp thống trị. Sống trong cảnh đói kéo dài triền miên như vậy, nếu không giữ gìn phẩm cách, con người sẽ rất dễ bị tha hóa. Người lao động khuyên nhau, nhắc nhở nhau hãy sống cho trong sạch, đúng với bản chất lương thiện, để cho lương tâm mình không bị cắn rứt. Quan điểm này đối lập với quan điểm sống tiêu cực của giai cấp boc lột; là sự tự khẳng định và đề cao quan điểm sống thanh cao của người lao động. Không một uy lực nào, một cám dỗ nào có thể khiến cho những con người chân chính khuất phục.
Chúng ta trong sạch trong lối sống, trong suy nghĩ, thơm ở danh dự, đạo lí làm người. Điều đó đã được kết tụ trong cách sống cao thượng của những bậc chính nhân quân tử như Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến,… Quan niệm sống ấy là quan niệm sống cao đẹp của nhân dân ta từ xưa truyền lại, nó giống như những bông hoa sen vươn lên trên đầm lầy với vẻ đẹp thanh cao và mùi hương thơm ngát.
2. Giải thích và chứng minh câu nói Lòng khiêm tốn có thể coi là một bản tính căn bản cho con người trong nghệ thuật xử thế và đối đãi với sự vật:
Để trưởng thành và thành đạt trong cuộc đời, người ta cần đến rất nhiều yếu tố nhưng có một yếu tố quan trọng không thể thiếu là tính khiêm tốn. Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: Lòng khiêm tốn có thể coi là một bản tính căn bản cho con người trong nghệ thuật xử thế và đối đãi với sự vật
Ý kiến này là một nhận xét, một lời khuyên thiết thực cho mọi người nhất là giới trẻ. Tự tin vào bản thân là điều nên có, nhưng niềm tin ấy phải được xây dựng trên cơ sở là đức và tài thì mới có thể biến mục tiêu thành hiện thực. Còn tự cao tự đại một cách mù quáng thì lại là một tất xấu thường gây ra những hậu quả tiêu cực. Muốn đánh giá đúng đắn, chính xác về bản thân, mỗi người cần phải sáng suốt, khách quan và khiêm tốn. Khiêm tốn giúp nâng cao giá trị cá nhân con người trong xã hội, là biểu hiện phẩm giá tốt đẹp của một con người đúng đắn, có trình độ hiểu biết và tầm nhìn xa trông rộng. Trong giao tiếp hằng ngày viêc gây được thiện cảm với người xung quanh sẽ tạo cho ta nhiều thuận lợi trong công việc. Khiêm tốn lắng nghe, khiêm tốn học hỏi để rút ra được những kinh nghiệm bổ ích cho bản thân, điều đó quan trọng vô cùng. Khiêm tốn là thái độ hòa nhã, nhún nhường của con người có văn hóa trong khi ứng xử. Người khiêm tốn là người có bản lĩnh cứng cỏi làm chủ được mình, làm chủ được tình huống giao tiếp, luôn tỏ ra tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác. Trong công việc, họ không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đã đạt được mà luôn cố gắng phấn đấu vươn lên để đạt được những kết quả cao hơn. Chính vì thế mà họ thường gặt hái được thành công. Khiêm tốn được coi là cái gốc của đạo đức, phẩm giá con người cho nên chúng ta phải rèn luyện cho mình đức khiêm tốn. Sự hiểu biết của mỗi cá nhân là không đáng kể, không thể đem so sánh với mọi người. Cho dù có tài giỏi đến đâu thì vẫn phải học hỏi và học hỏi suốt đời để không ngừng mở mang hiểu biết, nâng cao khả năng làm việc.
Ý kiến trên về đức tính khiêm tốn là bài học nhân sinh sâu sắc và thấm thía. Con người khiêm tốn là con người biết mình, hiểu người, không tự cao tự đạo, không ngừng vươn lên phấn đấu trong cuộc sống. Khiêm tốn là điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời.
3. Chứng minh rằng: Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta:
Rừng là món quà quý giá mà mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho con người. Rừng đem đến cho chúng ta rất nhiều ý nghĩa giá trị lớn lao không gì có thể thay thế được. Sự tồn tại phát triển của rừng có mối quan hệ mật thiết với cuộc sống con người chính vì thế bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta.
Rừng là một hệ sinh thái bao gồm quần thể động vật, thực vật, vi sinh vật, đất,…cùng sinh sôi nảy nở trên những vùng đất cao rộng, đặc biệt là đồi núi. Trên dải đất hình chứ S này, diện tích đồi núi chiếm tới 3/4 lãnh thổ cả nước cho nên ta luôn tự hào về một đất nước có tài nguyên rừng phong phú, dồi dào, giàu giá trị. Rừng được xem là lá phổi xanh của con người giúp điều hòa không khí, thanh lọc môi trường bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của chúng ta. Cây xanh trong rừng qua quá trình quang hợp sinh ra khí Oxi và thu lại khí CO2 phục vụ cho quá trình hô hấp của con người và động vật. Những tác nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhờ có rừng cây cũng được giảm thiểu rất nhiều. Rừng có vai trò như một bộ phận quan trọng không thể thiếu trên cơ thể con người, vì vậy bảo vệ rừng cũng là bảo vệ chính chúng ta. Bên cạnh đó rừng phòng hộ có vai trò chặn lũ quét, sói mòn đất, làm dịu bớt sự gay gắt của thiên tai, những biến đổi bất thường của thời tiết. Thiên tai như một hung thần dữ tợn thường đến bất ngờ cướp đi tính mạng và tài sản của biết bao con người. Nhưng nhờ có rừng che chắn bảo vệ đã giúp ngăn chặn và giảm thiểu rất nhiều sự tàn khốc cũng những thiệt hại to lớn do bão lũ gây ra cho con người. Nhận thức được tầm quan trọng ấy chúng ta cần phải biết trân trọng và bảo vệ rừng. Không chỉ vậy rừng còn đem lại cho con người giá trị kinh tế to lớn. Hằng năm, rừng cung cấp cho con người một lượng gỗ lớn phục vụ cho đời sống và sản xuất. Không chỉ vậy nơi đây còn có rất nhiều sản vật quý hiếm như nhân sâm, tam thất,.. đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho con người. Nhiều loài động vật quý, thực vật, vi sinh vật quý cũng đều trú ấn trong rừng cho nên đây cũng là nơi các nhà thám hiểm thường xuyên lui tới để khám phá, tìm tỏi sự bí ẩn của thế giới thiên nhiên. Với ý nghĩa thực tiễn to lớn như thế, chúng ta càng thêm yêu quý và trân trọng những cánh rừng này.
Rừng còn có giá trị lớn lao về mặt quân sự. Rừng là ranh giới để ngăn cách nước ta với các nước láng giềng, là đường biên giới để phân định rõ ràng ranh giới của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì thế bảo vệ rừng chính là bảo vệ phần lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò to lớn của rừng mỗi chúng ta cần phải biết trân trọng và bảo vệ rừng. Mỗi người cần có ý thức tự giác trong việc giữ gìn và phát triển rừng. Thực hiện trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc để cuộc sống của mỗi chúng ta luôn trong lành. Thời gian gần đây, một số đối tượng xấu vì lời ích kinh tế trước mắt mà đang tâm phá hoại rừng, chặt cây lấy gỗ trái phép để làm giàu bất chính. Người dân kém hiểu hiết đốt rừng làm nương rẫy, tàn phá cây xanh. Diện tích rừng bị thu hẹp nghiêm trọng, hàng ngàn sinh vật không có nơi cư trú để lại hậu quả khôn lường ở phía sau. Những hành động ấy đáng lên án phê phán gay gắt. Cần phải có biện pháp cứng rắn để cảnh tỉnh đối với những kẻ phá hoại rừng.
Bởi vậy, rừng có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người, bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng cần có sự chung tay hợp sức của tất cả mọi người. Vì sức khỏe, vì cuộc sống của bản thân gia đình và cộng đồng, chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ rừng, bảo vệ màu xanh của đất nước.