Truyện cổ tích là một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của mỗi con người đất Việt. Chính vì thế câu chuyện hay như Sọ Dừa mới được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Vậy bạn đã hiểu rõ ý nghĩa truyện cổ tích Sọ Dừa là gì chưa? Nếu chưa thì đừng bỏ qua bài viết sau đây.
Mục lục bài viết
1. Tóm tắt truyện cổ tích Sọ Dừa hay nhất:
1.1. Mẫu 1:
Ngày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo phải đi làm thuê ở nhà phú ông. Họ đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa thể có con. Một hôm bà vợ vào rừng kiếm củi. Trên đường về nhà, bà khát nước lắm mà lại không nhìn thấy suối. Bà thấy một cái sọ dừa đựng nước mưa ở gốc cây bèn cầm lên uống. Ít lâu sau, bà có bầu, rồi đẻ ra một đứa bé kì dị, không chân không tay, tròn trịa như một quả dừa. Thấy đứa trẻ biết nói, bà giữ lại nuôi dưỡng và đặt tên con là Sọ Dừa. Thương mẹ vất vả, Sọ Dừa đi chăn đàn bò nhà phú ông. Cậu chăn bò rất tốt, con nào cũng béo tốt. Ba cô con gái nhà phú ông thay mẹ đút cơm cho Sọ Dừa. Hai cô chị kênh kiệu hay hắt hủi Sọ Dừa, chỉ có cô út đối xử với cậu tử tế. Phát hiện ra vẻ đẹp bên trong cái dáng vẻ kì lạ của Sọ Dừa, cô út đem lòng yêu mến. Sọ Dừa nhờ mẹ đến nhà phú ông hỏi vợ. Phú ông thách cưới rất nặng nề. Đến ngày cưới, Sọ Dừa đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật thách cưới. Phú ông đành phải mời ba cô con gái đến hỏi chuyện. Chỉ có cô em út là chấp nhận cưới Sọ Dừa. Ngày thành hôn, Sọ Dừa biến thành một chàng trai trẻ đẹp xứng đôi với cô em út, làm hai cô chị vô cùng ghen tị. Nhờ siêng năng học hành, Sọ Dừa thi đậu trạng nguyên và được nhà vua phái đi sứ nước ngoài. Trước lúc đi chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà nhằm phòng ngừa tai hoạ khi vắng nhà. Sọ Dừa đi vắng, hai người chị tìm cách hãm hại cô em út, ném cô xuống biển để cướp chồng em. Nhờ có những thứ chồng trao cho, cô em út thoát nạn, được chồng cứu giúp trên đường đi sứ về. Hai vợ chồng đoàn tụ. Hai cô chị xấu hổ bỏ nhà đi biệt tích.
1.2. Mẫu 2:
Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo đi ở cho một nhà phú ông. Họ hiền lành, siêng năng làm lụng quanh năm mà mãi không có con. Một hôm, người vợ đi làm, vì khát nước nên khi thấy chiếc sọ dừa bên gốc cây lớn chứa nước mưa, bà bèn lấy uống. Ít lâu sau, bà có bầu và đẻ ra một đứa trẻ không có tay chân, đầu nó tròn xoe giống như một quả dừa. Bà toan vứt thằng bé đi thì đứa trẻ van xin mẹ đừng vứt nó. Lớn lên, Sọ Dừa đòi mẹ đưa đi ở ở nhà phú ông. Cậu chăn bò cực giỏi. Ngày mùa, khi tôi tớ ra đồng làm lúa, phú ông liền sai ba đứa con gái của mình thay phiên nhau mang cơm cho câu. Hai cô chị tỏ thái độ ghét bỏ Sọ Dừa, chỉ có cô út là đối đãi với cậu rất tốt. Đến hết mùa ở thuê, Sọ Dừa nói với mẹ muốn lấy con gái nhà phú ông về làm vợ. Bà mẹ đến hỏi, biết phú ông thách cưới rất nặng bèn về nói với con dừng lại việc cưới vợ. Đến ngày hẹn, Sọ Dừa đã chuẩn bị đủ sính lễ khiến bà mẹ vô cùng ngỡ ngàng. Còn phú ông đành chấp nhận gả con gái cho Sọ Dừa. Hai cô chị chê bai, chỉ có cô em út là bằng lòng. Đến ngày thành hôn, không ai thấy Sọ Dừa đâu, người ta nhìn thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú chứ không phải Sọ Dừa, hai cô chị thấy vậy vừa ghen tị vừa tiếc. Từ đấy, Sọ Dừa hạnh phúc bên người vợ và thi đỗ quan tể tướng nhưng không bao lâu, chàng lại đi sứ. Trước lúc đi, chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng bảo là để phòng thân. Ghen tị với cô em, hai cô chị liền bảo em út chèo thuyền rồi dìm em xuống nước để thay em làm vợ quan trạng. Nhưng nhờ những đồ vật mà người chồng đã chuẩn bị, cô đã thoát nạn. Một hôm có chiếc thuyền đi ngang đảo, hoá ra đó là người chồng của cô. Hai vợ chồng gặp nhau, mừng rỡ. Chàng đưa vợ về nhà và mở tiệc mừng bà con đến chia vui nhưng lại giấu vợ trong nhà không cho ai biết. Hai cô chị thấy thế khấp khởi mừng thầm, kể chuyện cô em xảy ra rủi ro. Sọ Dừa không nói gì, chỉ gọi vợ ra. Hai cô chị nhìn thấy cô em thì rất xấu hổ, liền bỏ đi biệt xứ.
2. Nội dung tác phẩm:
2.1. Sự ra đời của Sọ Dừa:
– Bà mẹ vào rừng hái củi, khát nước mà không tìm thấy suối, bà uống nước mưa trong cái sọ dừa bên gốc cây to rồi mang thai
– Bà sinh ra một đứa bé không chân, không tay, tròn như quả dừa nhưng lại biết nói.
→ Sự ra đời kì lạ. Qua đó, đề cập đến những người đau khổ, thấp hèn trong xã hội xưa, vẻ ngoài xấu xí, nhân dân nhận thức sâu sắc về số phận và địa vị xã hội của mình.
2.2. Sọ Dừa cưới cô út, trở về với hình dạng ban đầu và thi đỗ trạng nguyên:
– Tài năng của Sọ Dừa:
+ Chăn bò rất giỏi: ngày nắng cũng như ngày mưa,bò con nào con nấy bụng no căng
+ Thổi sáo rất hay: thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ
+ Tự biết khả năng của mình: gì chứ cho phú ông thì con cũng làm được, muốn cưới con gái phú ông làm vợ
→ Tuy có vẻ ngoài xấu xí nhưng Sọ Dừa có bên trong đẹp đẽ.
– Nhân vật cô Út:
+ Hiền lành, tử tế, thông minh, biết xử trí kịp thời để thoát nạn, là người đầy tình thương
+ Cô út bằng lòng lấy Sọ Dừa vì tính tình hiền lành, tử tế, không phân biệt, xét đoán qua vẻ bề ngoài; cô nhận ra vẻ đẹp bên trong Sọ Dừa, tình yêu chân thành.
– Sọ Dừa lấy cô út:
+ Có đầy đủ sính lễ theo yêu cầu của phú ông
+ Sọ Dừa trở về hình dạng ban đầu là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú
– Sọ Dừa thi đỗ Trạng nguyên và được cử đi sứ
→ Mơ ước đổi đời của nhân dân lao động
2.3. Biến cố bị hãm hại và sự đoàn tụ của vợ chồng Sọ Dừa:
– Trong thời gian Sọ Dừa đi sứ, hai cô chị sinh lòng ghen ghét, định tâm hại em để làm bà trạng
– Nhớ lời dặn của chồng, cô út thoát được chết, dựng lều sống giữa đảo vắng
– Sọ Dừa gặp lại vợ ở đảo vắng,đón vợ về nhà
– Kết thúc: hai vợ chồng Sọ Dừa sống hạnh phúc, hai cô chị bỏ đi biệt xứ
→ Mơ ước về một xã hội công bằng,cái thiện chiến thắng cái ác
3. Ý nghĩa của truyện:
* Ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của con người
Sọ Dừa là hình tượng tiêu biểu nhất về mẫu nhân vật có bề ngoài xấu xí nhưng lại có vẻ đẹp bên trong toả sáng, trong sáng và nhân hậu. Đọc truyện cổ tích Sọ Dừa, ta bắt gặp mối liên hệ giữa hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật. Về hình dáng bề ngoài, Sọ Dừa dị dạng (tròn như sọ dừa) đối lập với phẩm chất bên trong (tốt bụng, giỏi giang). Sự tương phản giữa hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của Sọ Dừa khẳng định giá trị đích thực và chân chính của con người.
Người xưa có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, ý muốn nhấn mạnh vẻ đẹp nhân cách con người mới là yếu tố quyết định, không nên có thái độ khinh thường với bề ngoài thô kệch của một con người. Sự thật đã chứng minh, Sọ Dừa có khả năng làm tốt hầu hết những điều mà những người khác có khả năng làm được, đôi khi tốt hơn. chàng chăn bò rất tốt, thổi sáo cực hay, tự tin (chăn bò, xin mẹ hỏi con gái phú ông làm vợ và chuẩn bị đầy đủ sính lễ theo yêu cầu phú ông đề ra), tài giỏi (thi đỗ Trạng nguyên), có khả năng tiên đoán tương lai chính xác (khi đi xứ, đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà, dặn vợ hãy luôn giắt trong người). Điều đó chứng tỏ vẻ đẹp bên trong mới là vẻ đẹp vĩnh cửu và trường tồn.
Ca ngợi vẻ đẹp của Sọ Dừa, truyện đồng thời cũng phản ánh một hiện thực bất công trong cuộc sống, những con người bất hạnh có ngoại hình không được xinh đẹp phải chịu đựng sự chê bai, khinh miệt của người đời. Họ không dám lên tiếng mà gửi gắm tâm tư vào trong những áng văn
* Kín đáo truyền tải thông điệp yêu thương những người khác mình.
Để yêu thương một người là một điều tương đối dễ dàng, nhưng để yêu thương ai đó khác biệt mình lại là một điều rất khó khăn. Con người ta vẫn luôn tự tin mình có tấm lòng nhân ái, bao dung nhưng mỗi khi đối diện với những con người khác biệt mình, họ tự cho mình có quyền được đánh giá, được phán xét người khác, họ tự cho mình quyền được đặt bản thân lên trên quyền được sống và yêu thương của đồng loại. Sọ Dừa không chỉ đơn giản là chuyện cổ tích dành cho trẻ em, nó là một lưỡi dao vô cùng tinh tế xoáy sâu vào hiện thực của cuộc sống, vừa đủ để ta nhìn thấy rằng liệu có khi ta cần phải học cách yêu thương lại từ ban đầu. Ta cần tôn trọng phẩm chất và năng lực của họ, ghi nhận sự cống hiến của họ. Các nhân vật này không phải là quái vật mà họ là con người bình thường, họ đáng được đối đãi như bao người bình thường khác. Ta nên đối xử với họ như cách cô Út đã đối xử với Sọ Dừa.
Khi đánh giá con người: phải xem xét toàn diện, không được phiến diện chỉ dừng lại ở biểu hiện bề ngoài. Đó là ý nghĩa nhân bản, thể hiện đạo lý truyền thống của nhân dân. Truyện còn đề cao lòng nhân ái: “Thương người như thể thương thân”. Chính lòng nhân ái sẽ đem lại hạnh phúc cho con người.