Tội xâm phạm thư tín? Xem trộm thư, tin nhắn bị xử lý như thế nào? Mức xử phạt tội phạm tội xâm phạm thư tín, điện tín năm 2020.
Thư tín là một trong những hình thức trao đổi, truyền đạt thông tin giữa con người với con người. Có những thông tin có thể truyền đạt cho nhiều người, tuy nhiên có những thông tin mang tính riêng tư, bảo mật chỉ có những người có liên quan hoặc chỉ riêng một cá nhân, chủ thể nào đó được biết. Trên thực tế trong quá trình vận chuyển thư tín hay trong sinh hoạt đời sống thường ngày các thư tín mang tính chất riêng tư rất hay bị xâm phạm mà kể ca người xâm phạm hay người bị xâm phạm đều chưa ý thức rõ được quyền và nghĩa vụ của mình cũng như chưa xác định rõ được như thế có cấu thành nên một tội phạm nào đó hay không. Qua bài viết này, hy vọng Luật Dương Gia sẽ giúp mọi người nhận định rõ về tội xâm phạm thư tín và các hình thức xử lý, mức phạt khi có hành vi xâm phạm thư tín xảy ra
Mục lục bài viết
1. Khái niệm thư tín, các hình thức của thư tín
– Khái niệm:
Thư tín được hiểu là một dạng văn bản chứa đựng những thông tin mà một người muốn báo sang cho một hoặc nhiều người khác, phụ thuộc vào ý chí của người gửi.
– Hình thức:
Luật sư
Thư tín được tồn tại dưới một dạng hình thức vật chất nhất định, đây cũng phương thức bảo quản thông tin trong quá trình di chuyển thông tin. Hiện nay thư tín có rất nhiều hình thức, trong đó ta có thể phân ra năm hình thức phổ biến sau:
+ Thư viết trên giấy bằng chữ viết thông thường hoặc bằng một hệ thống kí hiệu dựa theo quy ước của hai bên;
+ Thông tin được chứa đựng trong các thiết bị lưu trữ thông tin như băng, đĩa từ, USB dưới dạng chữ viết, tiếng nói, hình ảnh hoặc cả ba;
+ Thư điện tử như email, thư được soạn thảo trên máy tính và gửi cho người nhận thông qua mạng internet;
+ Lời nhắn trên hộp thư thoại hoặc hộp tin nhắn của một số điện thoại, lời nhắn trên các phần mềm nhắn tin;
+ Hình thức trao đổi, lưu trữ thông tin khác.
2. Tội xâm phạm thư tín theo Điều 159 Bộ luật hình sự 2015
Theo ngôn ngữ thông thường, nói tắt ta hay gọi hành vi xâm phạm thư tín đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ cấu thành tội xâm phạm thư tín. Tuy nhiên theo ngôn ngữ pháp lý, tên gọi đầy đủ của loại tội này là tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác theo quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 sau đây gội chung là tội xâm phạm thư tín.
Các yếu tố cấu thành tội xâm phạm thư tín được quy định như sau:
Một là, mặt khách quan:
Mặt khách quan của tội phạm được quy định bao gồm hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả, công cụ, phương tiện phạm tội, thời gian, địa điểm phạm tội. Trong đó:
– Hành vi phạm tội:
Hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 159 được liệt kê bao gồm các hành vi sau đây:
+ Hành vi chiếm đoạt:
Chiếm đoạt các loại thư tín, điện tín, fax, telex hoặc các loại văn bản khác được truyền qua mạng bưu chính, mạng viễn thông dưới bất kỳ hình thức, thủ đoạn khác nhau. Hình thức chiếm đoạt ở đây có thể là trộm cắp, đe dọa dùng vũ lực, dùng vũ lực, công nhiên chiếm đoạt hoặc chiếm đoạt một cách lén lút, gian dối,…
Tuy nhiên hành vi chiếm đoạt luật quy định không cần chiếm đoạt về để sở hữu mới là hành vi phạm tội mà chiếm đoạt có thể để về vứt bỏ, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt để lưu trữ,… miễn sao có hành vi chiếm đoạt xảy ra dẫn đến hậu quả là thông tin lưu trữ trong các hình thức nêu trên không đến được với người nhận.
+ Hành vi cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của các loại thư tín, điện báo, telex, fax hoặc là văn bản khác của người khác mà được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông:
Hành vi này tương tự như hành vi chiếm đoạt rất đa dạng về cách thức thực hiện như: tiêu huỷ, phá hoại, xé bỏ, có các hành vi dẫn đến việc thất lạc thông tin hoặc cố ý lấy thông tin có trong fax, telex, thư tín, điện tín, điện báo và các văn bản lưu trữ thông tin của người khác.
+ Hành vi nghe, ghi âm các cuộc đàm thoại một cách trái pháp luật:
Các cuộc đàm thoại thường mang tính chất riêng tư giữa các cá nhân với nhau, dẫn đến việc nghe hoặc ghi âm các cuộc điện thoại của người khác khi không được sự đồng ý của họ xâm phạm quyền riêng tư của công dân về thông tin. Tuy nhiên luật quy định các trường hợp được nghe, các trường hợp không được nghe chứ không phải mọi hành vi nghe lén, ghi âm cuộc đàm thoại vì mọi mục đích đều là trái pháp luật.
Ví dụ: hành vi cài đặt phần mềm, thiết bị nghe lén vào máy điện thoại của người khác được xác định là hành vi ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật.
+ Hành vi khám xét, thu giữ trái phép thư tín, điện tín:
Khám xét được hiểu là hành vi tự lý lục lọi, xem xét thư tín, điện tín của người khác.
Thu giữ trái phép là hành vi giữ thư tín, điện tín của người khác trong các trường hợp không được pháp luật cho phép. Ví dụ: chỉ có nhân viên giao phát thư, nhân viên bưu điện mới được giữ thư của người gửi để thực hiện quá trình vận chuyển. Tuy nhiên nếu hết thời hạn vận chuyển mà bưu điện đề ra nhưng người giao phát thư không giao phát cho người nhận mà giữ lại cho bản thân thì sẽ là hành vi thu giữ trái phép thư tín, điện tín.
+ Các hành vi khác:
Bao gồm tất cả các hành vi khác mà nhà làm luật chưa mô tả được trong cấu thành tội phạm kể trên, phát sinh thêm trong quá trình phát triển của xã hội.
– Hậu quả của hành vi phạm tội và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả:
Đối với những hành vi xâm phạm thư tín sẽ gây ra những thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần người gửi, người nhận hoặc gây ra những thiệt hại khác về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Như vậy thiệt hại xảy ra có thể tính được bằng tiền, nhưng cũng có thể sẽ không tính ra được bằng tiền. Tuy nhiên hậu quả trước tiên của hành vi này là làm cho các loại thư tín nói chung không còn giữ được bí mật riêng tư hoặc không đến được tay người nhận gây ra hậu quả cho người nhận hoặc có thể gây ra hậu quả cho người khác.
Chỉ cần chứng minh được có thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần xảy ra, không quan trọng ngưỡng thiệt hại nhưng hành vi phạm tội xâm phạm thư tín vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức độ của thiệt hại chỉ để làm căn cứ xác định mức độ nghiêm trọng của hành vi và xác định khung hình phạt của hành vi phạm tội.
Hậu quả được nêu trên phải do việc thực hiện hành vi phạm tội mà có, hậu quả sẽ phải có sau hành vi phạm tội của người phạm tội.
Hai là, khách thể:
Khách thể của tội xâm phạm thư tín là quyền được bảo đảm bí mật và an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử hoặc các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015.
Ba là, mặt chủ quan:
Mặt chủ quan của tội phạm được xác định dựa trên lỗi, động cơ, mục đích của hành vi phạm tội.
+ Lỗi: Tội xâm phạm thư tín được thực hiện dựa trên lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp) của chủ thể thực hiện hành vi, người phạm tội có khả năng và nhận thức rõ ràng về hành vi của mình là trái phép, thấy được hậu quả xảy ra và ý chí chủ quan mong muốn hậu quả đó xảy ra trên thực tế hoặc thấy được hậu quả xảy ra, ý chí chủ quan không mong muốn cho hậu qủa xảy ra nhưng lại để mặc hậu quả xảy ra mà không ngăn cản.
+ Động cơ:
Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành nên tội này, việc xác định động cơ phạm tội để xác định mức hình phạt. Động cơ phạm tội ở đây đa dạng có nhiều động cơ khác nhau như để chiếm đoạt thông tin, để tiết lộ thông tin, để sử dụng thông tin,…
Mục đích phạm tội ở đây là mong muốn xâm phạm bí mật hoặc an toàn của các loại thư tín, điện thoại, điện tín hoặc các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Mục đích của mỗi người phạm tội lại khác nhau, có người xâm phạm với mục đích xem trộm thư biết thông tin rồi trả lại, có người chiếm đoạt, có người lưu giữ…
Bốn là, chủ thể:
Chủ thể của tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 là những người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực hành vi hình sự đầy đủ, không mắc các bệnh về tâm thần dẫn đến việc không thể điều khiển được hành vi của mình.
3. Hình phạt khi xem trộm tin nhắn, xâm phạm thư tín
Người thực hiện hành vi phạm tội nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì áp dụng các hình thức xử phạt sau:
– Phạt tiền:
+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu thực hiện các hành vi phạm tội nêu trên đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm. Áp dụng cho hình thức xử phạt chính.
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 159. Áp dụng mức tiền này chỉ cho hình phạt bổ sung.
– Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm nếu thực hiện các hành vi phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 159 như đã được phân tích ở trên.
– Phạt cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 – 05 năm cho hình thức xử phạt bổ sung khi thực hiện hành vi phạm tội.
– Phạt tù có thời hạn từ 01 – 03 năm nếu thuộc một trong số các trường hợp sau đây:
+ Phạm tội có tổ chức:
+ Thực hiện hành vi phạm tội 02 lần trở lên:
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của bản thân để thực hiện hành vi;
+ Tiết lộ các thông tin có được từ hành vi chiếm đoạt; làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác từ việc thực hiện hành vi phạm tội;
+ Hậu quả của hành vi phạm tội làm nạn nhân tự sát.
Lưu ý:
Người phạm tội xâm phạm an toàn, bí mật thư tín nhưng không phải trong mội trường hợp đều bị truy cứu về tội này mà có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm khác như tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước quy định tại Điều 337; tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;… nếu có đủ căn cứ để truy cứu.
Trên thực tế tình trạng xâm phạm các loại thư tín, điện thoại, điện tín hoặc xâm phạm các loại hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác xảy ra thường xuyên, khá phổ biến nhưng việc truy cứu trách nhiệm hình sự hay đặt ra vấn đề xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm này còn rất hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xảy ra phổ biến là do người phạm tội chưa ý thức được hành vi của mình, người bị thiệt hại không biết hoặc biệt nhưng bỏ qua, chỉ yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có thiệt hại, hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Cho nên các vụ án về tội phạm này cũng rất hiếm hoi trên thực tế.
4. Xâm phạm thư tín, xúc phạm danh dự xử phạt như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Ngày 29/6/2014, đồng nghiệp của tôi (tạm gọi là bà A) đã truy cập trái phép vào tài khoản facebook của tôi và đọc tin nhắn giữa tôi và bạn tôi. Tôi làm ở phòng kế hoạch, bạn tôi làm ở đội xe. Cả hai đều trong công ty vận tải. Nội dung tin nhắn như sau:
“Tiền thừa lái xe tớ với cậu chia 50:50. Tớ trêu cậu thôi”
“Bà kế toán trưởng già rồi còn mặc váy ngắn, tóc xoăn”
Bà A đã cắt mất dòng chữ: “Tớ trêu cậu thôi’” của tôi đi và phát tán trong công ty nhằm bôi nhọ danh dự của tôi. Bà A đã mang tập tin nhắn cho kế toán trưởng đọc dẫn đến sự việc kế toán trưởng đến túm tóc, lăng nhục tôi trước sự chứng kiến của toàn công ty bằng những lời lẽ lăng nhục tôi. Tôi hiện có chứng cứ là tập tin nhắn do bà A phát tán trong công ty, ông trưởng phòng tổ chức xác nhận là bà A in ra, và tôi chụp ảnh được tiến trình lịch sử trang web máy tính bà A đã sử dụng để đăng nhập vào tài khoản của cá nhân tôi. Chiếc máy tính bà A dùng là của công ty. Thời gian là đêm ngày 29/6 do bà A phải trực đêm ở công ty, nên chỉ duy nhất bà A ở tại công ty vào thời điểm đó.
Các Luật sư cho tôi hỏi:
1. Bà A có vi phạm pháp luật không và bị xử lý ra sao. Tôi có thể khởi kiện được bà A không?
2. Bà kế toán trưởng lăng nhục danh dự của tôi như vậy thì vi phạm luật gì? Và cho tôi hỏi, mức hình phạt cho bà A như thế nào?
Tôi rất mong luật sư tư vấn cho tôi, tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, về hành vi của bà A
Về quyền riêng tư của mỗi cá nhân cụ thể trong “Bộ luật dân sự năm 2015” quy định như sau tại Điều 38 như sau:
Điều 38. Quyền bí mật đời tư
“1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật”.
Còn trong Bộ luật Hình sự có quy định về tội “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” tại Điều 125 như sau:
“1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.
Thứ hai, về hành vi của kế toán trưởng
Việc xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác được hiểu là làm tổn thương nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Việc đánh giá việc xúc phạm có ở mức độ nghiêm trọng hay không phải căn cứ vào thái độ, nhận thức của người phạm tội; cường độ và thời gian kéo dài của hành vi xúc phạm; vị trí và môi trường xung quanh; vị trí, vai trò, uy tín của người bị hại trong gia đình, tổ chức hoặc trong xã hội; dư luận xã hội về hành vi xúc phạm đó.
Dựa theo những căn cứ mà bạn đưa ra, bạn có thể xem xét việc tố cáo với cơ quan điều tra công an cấp huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) hành vi của kế toán trưởng với tội danh theo quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự về tội làm nhục người khác: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc tù từ 3 tháng đến 2 năm.”
Hoặc hành vi của kế toán trưởng có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Cụ thể như sau: có thể sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, theo những thông tin mà bạn cung cấp, hành vi của kế toán trưởng có cấu thành tội phạm chưa rõ ràng. Do vậy, bạn và kế toán trưởng có thể nên tính đến các khả năng giải quyết khác sao cho hợp cả tình lẫn lý.
5. Xử lý hành vi đọc trộm tin nhắn facebook
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi hiện tại đã ly hôn (có quyết định của Tòa Án). Nhưng trong thời gian tôi nộp đơn xin ly hôn chờ Tòa Án mời lên làm việc, tôi rời khỏi nhà chồng tôi và tôi có liên lạc lại với người yêu cũ của tôi. Chúng tôi gặp lại nhau và sai lầm là khi tôi và anh ấy có quan hệ với nhau. Sau đó chúng tôi có trao đổi tin nhắn trên Facebook và Skype. Bên chồng tôi đã tìm cách vào Facebook của tôi để xem những tin nhắn và cả việc truy cập vào tài khoản skype để chụp lại những tin nhắn đó. Bây giờ khi đã có quyết định ly hôn thì bên nhà chồng tôi đòi đem những bằng chứng đã chụp lại trên facebook và skype của tôi để kiện chúng tôi ngoại tình.
Tôi muốn hỏi việc truy cập vào facebook và skype của chồng cũ tôi có phạm pháp không?
Những bằng chứng tin nhắn trên mạng có phải là bằng chứng ngoại tình được pháp luật công nhận?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, quyền riêng tư của mỗi cá nhân được pháp luật công nhận và được quy định trong các văn bản pháp luật cụ thể như sau:
Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định:
“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.
Điều 38 “Bộ luật dân sự 2015” quy định:
“Điều 38. Quyền bí mật đời tư
1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Điều 125 “Bộ luật hình sự 2015” sửa đổi 2009 quy định:
“Điều 125. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác
1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.
Hành vi truy cập tài khoản facebook và Skype và đọc trộm, chụp lại tin nhắn của chồng cũ của bạn mà chưa được sự đồng ý của bạn đó là hành vi xâm phạm bí mật đời tư.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Thứ hai, Điều 83 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 quy định về xác định chứng cứ như sau:
“Điều 83. Xác định chứng cứ
1. Các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
2. Các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
3. Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.
…..
8. Kết quả định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá được tiến hành theo thủ tục do pháp luật quy định hoặc văn bản do chuyên gia về giá cả cung cấp theo quy định tại khoản 1 Điều này.”
Như vậy, ảnh chụp tin nhắn facebook và skype có thể được xem là chứng cứ ngoại tình. Tuy nhiên, chỉ có ảnh chụp từ facebook và skype có thể chưa chứng minh được việc bạn ngoại tình. Nều chồng cũ của bạn chứng minh được việc bạn ngoại tình trong thời gian hai người còn đang trong thời kì hôn nhân, bạn có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP thì bạn có thể bị xử phạt từ 1000000 đồng đến 3000000 đồng.