Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân là gì? Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân trong Tiếng anh là gì? Dấu hiệu pháp lý đối với tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân?
Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của con người đều được pháp luật pháp luật quốc tế cũng như pháp luật các quốc gia ghi nhân và bảo vệ. Tiếp cận dưới góc độ lý luận, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến về những quyền này, dưới góc độ pháp luật, nước ta ghi nhận các quyền ở các văn bản luật, dưới luật và đặc biệt là Hiến pháp. Việc xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tin của công dân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của
Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
1. Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân là gì?
Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin và quyền biểu tình của công dân được ghi nhận tại Điều 25 Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cụ thể: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Xét nghĩa các quyền này như sau:
Quyền tự do ngôn luận.
– Về quan niệm: Tự do ngôn luận được hiểu là sự tự do phát tán quan điểm mà không bị kiểm duyệt hay hạn chế. Thuật ngữ này đồng nghĩa với tự do biểu đạt hoặc tự do thể hiện đôi khi còn được dùng để nói đến cả hành động tìm kiếm, tiếp cận và chia se thông tin hoặc quan niệm, quan điểm, bất kể bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông nào.
Khái niệm tự do ngôn luận còn được hiểu là một quyền đa diện bao gồm không chỉ quyền được biểu đạt hay phát tán thông tin và tư tưởng mà còn bao gồm 3 khía cạnh sau: Quyền tìm kiếm thông tin và tư tưởng; quyền tiếp cận thông tin và tư tưởng; quyền chia sẻ thông tin và tư tưởng.
Quyền tự do báo chí.
Tự do báo chí là một trong những điều kiện thiết yếu để thực hiện chức năng xã hội cơ bản của truyền thông. Hoạt động báo chí có tự do là hoạt động bất chấp những tác động lung lạc bên ngoài báo chí, nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là thông tin khách quan và rộng rãi cho xã hội về sự thật đời sống con người, trên tinh thần phụng sự cho hạnh phúc dân tộc và nhân loại. Tự do báo chí là một bộ phận cấu thành tự do tư tưởng- ngôn luận và là thành phần quan trọng biểu hiện quyền con người cơ bản vốn đã được khẳng định không chỉ trong Hiến chương tổn hợp về quyền con người của Liên hợp quốc mà cả trong Hiến pháp của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quyền tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của công dân, được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận và bảo vệ, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, thể hiện ý kiến, quan điểm, tình cảm của mình trước các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Quyền tiếp cận thông tin:
Thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra.
Quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân, được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận và bảo vệ theo đó công dân có quyền đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin.
Quyền biểu tình.
Từ cách tiếp cận về pháp lí, biểu tình là hành vi của công chúng để bày tỏ nguyện vọng nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật, để bảo đảm lợi ích công và quyền, lợi ích của các nhóm công chúng khác. Quyền biểu tình là một trong những quyền tự do cơ bản của công dân được pháp luật quốc tế và pháp luật của hầu hết quốc gia trên thế giới thừa nhận. Biểu tình và quyền biểu tình là hai mặt của một vấn đề. Chúng có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời nhưng không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Quyền biểu tình là hình thức bề ngoài, thể hiện qua những quy phạm pháp luật do các nhà nước thừa nhận hoặc xây dựng nên. Biểu tình là nội dung của quyền biểu tình, thể hiện thông qua những hình thức tập hợp của người dân để thể hiện ý chí, quan điểm, nguyện vọng chung về một vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.
Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân là tội phạm nguy hiểm cho xã hội, theo đó người phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, xâm hại quan hệ mà luật hình sự bảo vệ.
Điều 167 Bộ luật hình sự quy định:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.”
2. Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân trong Tiếng anh là gì?
Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân trong Tiếng anh là “Infringement upon freedom of speech, freedom of the press, the right of access to information, and the right to protest of citizens”.
3. Dấu hiệu pháp lý đối với tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân?
3.1. Dấu hiệu khách quan của tội phạm.
Hành vi khách quan của tội này được mô tả tại Điều 167 là hành vi cản trở người khác thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình. Hành vi này được thực hiện bằng các thủ đoạn khác nhau như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác (lôi kéo, dụ dỗ,…)
3.2. Dấu hiệu chủ quan của tội phạm.
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình nhưng vẫn thực hiện và mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc không mong muốn nhưng vẫn cố tình bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ và mục đích không phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản.
3.3. Dấu hiệu về chủ thể của tội phạm.
Chủ thể của tội phạm này trước hết là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự, đồng thời phải là người đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cản trở nêu trên mà còn vi phạm.
3.4. Dấu hiệu về khách thể của tội phạm.
Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ.
Khách thể của tội này là những quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ bị hành vi phạm tội gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại.
3.5. Hình phạt
Điều 167 quy định hình phạt đối với tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân như sau:
– Khung hình phạt cơ bản: phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
– Khung hình phạt tăng nặng: bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, khi người phạm tội có hành vi có các hành vi thuộc dấu hiệu định khung tăng nặng:
+ Có tổ chức Là trường hợp có từ hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm và đòi hỏi phải có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Khi đã xác định được trường hợp cụ thể đó là phạm tội có tổ chức, thì phải áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với tất cả những người cùng thực hiện tội phạm (người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức). Mức độ tăng nặng phụ thuộc vào quy mô tổ chức, vai trò của từng người trong việc tham gia vụ án.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội là người có chức vụ đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng quyền hạn trong khi thực hiện công vụ để phạm tội.
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đó hành vi của một cá nhân làm phá vỡ trật tự, kỷ cương của xã hội một cách nghiêm trọng, khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân mất niềm tin, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phá vỡ quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành; xâm phạm những giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức được mọi người tôn trọng, thừa nhận, tuân thủ.
– Khung hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm