Tội vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là gì? Tội vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong tiếng Anh là gì? Cấu thành tội phạm của tội vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài? Hình phạt?
Trong thời đại ngày nay sự ổn định và phát triển của nền kinh tế ở mỗi quốc gia gắn liền với vai trò tác động tích cực của nhà nước. Lĩnh vực ngân hàng là bộ phận hữu cơ của nền kinh tế và sự vận động của các quan hệ xã hội trong lĩnh vực này có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Bởi vì, lĩnh vực ngân hàng là nơi diễn ra quá trình tích tụ, điều hoà nhiều nguồn vốn, là nơi thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Chính vì sự quan trọng này mà một số cá nhân, tổ chức đã có những vi phạm nhằm chuộc lợi cho bản thân, vậy tội vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là gì? Quy định như thế nào trong Bộ luật hình sự Việt Nam.
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
1. Tội vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là gì?
Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là hành vi của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cố ý thực hiện các vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động của mình gây thiệt hại về tài sản.
2. Tội vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong tiếng Anh là gì?
Tội vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong tiếng Anh là: “Violations against regulations on operation of credit institutions and branches of foreign banks”.
3. Cấu thành tội phạm của tội vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Bộ luật hình sự Việt Nam quy định tội vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Điều 206:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;
b) Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;
c) Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng;
d) Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm;
đ) Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;
e) Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
g) Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng;
h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;
i) Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép;
k) Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của
2. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Cấu thành tội phạm:
Thứ nhất, khách thể của tội phạm
Tội xâm phạm trật tự quản lý của Nhà nước về hoạt động ngân hàng, vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xâm phạm hoạt động đúng đắn và an toàn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo khoản 12 Điều 4
Thứ hai, mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở một trong các hành vi sau đây:
– Cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp tín dụng trừ những trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng.
Cấp tín dụng là cấp cho tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc am kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc cơ bản trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ tín dụng khác. Khoản 14 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì Cấp tín dụnglà việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.
Cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp tín dụng là cấp tín dụng cho những trường hợp mà Luật Các tổ chức tín dụng quy định không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng
Ví dụ: theo Luật Các tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát; không được cấp tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng.
– Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định pháp luật
Ví dụ: cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ứu đãi cho những đối tượng sau đây:
Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thanh tra viên đang thanh tra tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban và thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh tương đương của quỹ tín dụng nhân dân;Cổ đông lớn, cổ đông sáng lập; thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn; Cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó.
– Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng:
Theo Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn sau đây: tỷ lệ khả năng chi trả; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ; tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn; Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi; tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
– Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm;
– Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ tín dụng đối với các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;
– Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định pháp luật;
– Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng;
Ví dụ: Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại là vi phạm quy định tại Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
– Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp, làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán, sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;
– Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép;
– Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng.
Các hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngần hàng trên đây cấu thành tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng nếu gây thiệt hại cho người khác về tài sản 100.000.000 đồng trở lên.
Thứ ba, mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm thực hiện với lỗi vô ý. Người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội do mình thực hiện, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng cho rằng hậu quả đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy trước hậu quả đó nhưng phải thấy trước và có thể thấy trước nếu có sự chú ý cần thiết.
Thứ tư, chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS.
4. Hình phạt
Điều 206 quy định 4 khung hình phạt:
– Người phạm tội theo khoản 1 thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Người phạm tội theo khoản 2 thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
– Người phạm tội theo khoản 3 thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
– Người phạm tội theo khoản 4 thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
– Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.