Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 164b Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Điều 164b Bộ luật hình sự quy định:
“ Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước
1. Người nào có trách nhiệm bảo quản, quản lý hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước mà vi phạm quy định của Nhà nước về bảo quản, quản lý hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
1. Cấu thành tội phạm
- Chủ thể của tội phạm
Đây là tội đòi hỏi dấu hiệu chủ thể đặc biệt. Chủ thể của tội phạm là người có trách nhiệm trong quản lí, bảo quản hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, bao gồm:
a) Người mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ;
b) Người có trách nhiệm của tổ chức mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ;
c) Người có trách nhiệm của tổ chức đặt in hoặc nhận in hóa đơn.
- Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm đến chế độ quản lí nhà nước đối với các loại hóa đơn, chứng từ lưu thông trên thị trường.
Đối tượng tác động của tội phạm là các loại hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
- Mặt khách quan của tội phạm
Người phạm tội có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về bảo quản, quản lí hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Hành vi bao gồm:
a) Lưu trữ, bảo quản hóa đơn không đúng qui định;
b) Không báo cáo hoặc báo cáo không chính xác tình hình sử dụng, thanh toán, quyết toán sử dụng hóa đơn;
c) Làm hư hỏng, mất hóa đơn;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
d) Thực hiện hủy hóa đơn không theo đúng qui định của pháp luật;
đ) Xử lý việc mất, cháy, hỏng hóa đơn không theo đúng qui định của pháp luật.
Hành vi này bị coi là tội phạm nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính, xử lí kỉ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích còn vi phạm.
- Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý
- Hình phạt
_ Hình phạt chính:
Điều 164b quy định hai khung hình phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ hai tháng đến 2 năm.
Khung tăng nặng có mức hình phạt tù từ 1 năm đến 5 năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng sau:
- Có tổ chức;
- Phạm tội nhiều lần;
- Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
– Hình phạt bổ sung: người phạm tội bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.