Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là viêc cố ý chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác hoặc chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ để sử dụng trái phép chất ma túy
Mục lục bài viết
1. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là gì:
Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là một trong các tội phạm về ma túy được quy định trong tất cả các BLHS đã được ban hành tuy nhiên các bộ luật đều không nêu định nghĩa pháp lý về tội phạm này.
Dưới góc độ ngôn ngữ học, để nhận thức chính xác khái niệm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cần phải làm sáng tỏ nội dung các thuật ngữ cấu thành của khái niệm này là: “tội phạm”; “tổ chức”; “sử dụng”; “trái phép”, “chất ma túy”.
Theo Từ điển tiếng Việt, “tội phạm” là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong luật .
Thuật ngữ “tổ chức” trong tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được sử dụng với tính chất là động từ. Động từ tổ chức được giải thích với các nghĩa là: (1) “sắp xếp, bố trí thành các bộ phận để cùng thực hiện nhiệm vụ hoặc một chức năng chung”; (2) “sắp xếp, bố trí để tiến hành công việc theo cách thức, trình tự nào đó”; (3) “sắp xếp, bố trí để làm cho có trật tự, nề nếp”. Đối với việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì động từ “tổ chức” được hiểu với nghĩa sắp xếp, bố trí để bảo đảm tiến hành được việc sử dụng trái phép chất ma túy là phù hợp nhất.
Các cụm từ “sử dụng”, “trái phép”, “ma túy” được định nghĩa như sau: “Sử dụng” (động từ) được định nghĩa là lấy làm phương tiện để phục vụ nhu cầu, mục đích nào đó (như sử dụng vật liệu để làm nhà, sử dụng quyền hạn, v.v.) ; “Trái phép” (tính từ) có nghĩa là trái với pháp luật hoặc với điều được cấp có thẩm quyền cho phép ; “Ma túy” (danh từ) là những chất thuốc làm đê mê tinh thần, cảm giác bạc nhược hay buồn ngủ, phần nhiều rút trong á phiện .
Từ các khái niệm nêu trên, ta có thể rút ra kết luận, tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong luật thông qua sắp xếp, bố trí để bảo đảm tiến hành được việc sử dụng chất ma túy trái với pháp luật. Tuy nhiên, định nghĩa theo phương thức nêu trên không làm nổi bật được các dấu hiệu của tội phạm này.
Dưới góc độ khoa học pháp lý, tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng là đề tài nghiên cứu của nhiều học giả; trong các cuốn sách chuyên khảo hoặc giáo trình luật hình sự, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhiều cách tiếp cận và khái niệm khác nhau về tội phạm này.
TSKH.GS. Lê Cảm đã đưa ra định nghĩa khoa học về tội phạm như sau: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong pháp luật hình sự (hay còn gọi là “trái pháp luật hình sự” hoặc “bị pháp luật hình sự cấm”), do cá nhân (người) có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS thực hiện một cách có lỗi (cố ý hoặc vô ý)” . Bên cạnh đó, TSKH.GS. Lê Cảm cũng nêu năm đặc điểm (dấu hiệu) của khái niệm tội phạm trên cả ba bình diện khách quan, pháp lý và chủ quan: Bình diện khách quan (nội dung) – tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội (1); Bình diện pháp lý (hình thức) – tội phạm là hành vi do pháp luật hình sự quy định (2); Bình diện chủ quan – tội phạm là hành vi do người có năng lực TNHS (TNHS) (3) và đủ tuổi chịu TNHS (4) thực hiện một cách có lỗi (5) .
Theo Giáo trình Luật hình sự Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội đưa ra quan điểm cho rằng: “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi chủ động tụ tập và tạo những điều kiện cần thiết để có thể tiến hành được việc sử dụng chất ma túy (đưa chất ma túy vào cơ thể người khác)”.
Tác giả Đinh Văn Quế xây dựng khái niệm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dựa trên mô tả các dạng biểu hiện khách quan của hành vi này như sau: “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào”.
Mặc dù, các quan điểm nêu trên đã nêu một cách khái quát chung về hành vị tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, cơ bản phù hợp với các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, khắc phục được hạn chế về khái niệm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy so với các Từ điển, tuy nhiên, cách định nghĩa tại các giáo trình, sách chuyên khảo cũng tồn tại một số điểm hạn chế như dưới góc độ khoa học trong khái niệm nếu chưa đưa ra được dấu hiệu chủ thể của tội phạm; chưa làm rõ khái niệm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Về mặt pháp lý, như đã nêu ở trên, hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được ghi nhận là một tội phạm trong tất cả các BLHS của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được ban hành tuy nhiên các bộ luật đều không nêu định nghĩa pháp lý đối với tội phạm này. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 có định nghĩa về tội phạm như sau:
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực TNHS hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự .
Đồng thời, qua nghiên cứu BLHS năm 2015 cho thấy hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cũng tương tự như một số hành vi tổ chức phạm các tội như: tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 120); tổ chức tảo hôn (Điều 183); tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187); tổ chức đua xe trái phép (Điều 265); tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (Điều 322); tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348); tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 349). Khái niệm “tổ chức” trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cũng như các tội phạm cụ thể nêu ở trên là hành vi phạm tội mà không phải là chỉ quy mô của tội phạm.
“Tổ chức” trong tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không đồng nhất với khái niệm “phạm tội có tổ chức”. Theo quy định tại Điều 17 của BLHS năm 2015 thì “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.” Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Còn tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, điểm, phương tiện, dụng cụ... để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Bên cạnh đó, cụm từ “ma túy” cũng được các tổ chức quốc tế định nghĩa:
Theo Tổ chức Liên Hợp Quốc: Ma túy được hiểu là “Các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng”.
Theo Tổ chức y tế thế giới: Ma túy theo nghĩa rộng nhất là “Mọi thực thể hoá học hoặc là những thực thể hỗn hợp khác với tất cả những cái được đòi hỏi, để duy trì một sức khoẻ bình thường, việc sử dụng những cái đó sẽ làm biến đổi chức năng sinh học và có thể cả cấu trúc của vật”.
Cụm từ “ma túy” xuất hiện khá muộn ở nước ta và chính thức được sử dụng lần đầu tiên trong pháp luật Việt Nam tại BLHS năm 1985 với việc quy định tội danh: “Tổ chức dùng chất ma túy” (Điều 203). Hiện nay, cụm từ “ma túy” đã xuất hiện ngay trong tên gọi của các văn bản luật như Luật Phòng, chống ma túy.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008) định nghĩa về chất ma túy tại khoản 1 Điều 2 như sau: “Chất ma túy bao gồm chất gây nghiện và chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành” .
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008) định nghĩa “chất gây nghiện” và “chất hướng thần” tại khoản 2, 3 Điều này, theo đó:
2. Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng. 3. Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng . Như vậy, trong pháp luật Việt Nam, cụm từ “chất ma túy” được định nghĩa và giải thích một cách gián tiếp qua các khái niệm “chất gây nghiện” và “chất hướng thần”.
Để hướng dẫn chung về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tư pháp cũng đưa ra định nghĩa:
Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây: a) Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; b) Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy .
Các khái niệm nêu trên cơ bản mô tả đầy đủ dấu hiệu đặc trưng của tội phạm; nội hàm của chất ma túy; tuy nhiên, các khái niệm còn rời rạc, chưa tập trung định nghĩa hoàn chỉnh tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, bên cạnh đó, văn bản pháp luật xây dựng khái niệm trên phương pháp mô tả liệt kê cũng sẽ không bảo đảm tính khái quát của khái niệm đó.
Tập hợp nội dung các khái niệm cấu thành là “tội phạm”, “tổ chức”, “sử dụng”, “trái phép”, “chất ma túy” đã được xác định ở trên cùng với tiếp thu nhân tố hợp lý trong các khái niệm đã có về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, có thể đưa ra định nghĩa khoa học về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy như sau: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi cố ý của một hoặc nhiều người trở lên, có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS thực hiện một trong các hành vi sau đây, bao gồm: chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác hoặc chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ, dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng trái phép chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác một cách thuận lợi.
2. Các dấu hiệu pháp lý về tội sử dụng trái phép chất ma túy:
Các dấu hiệu pháp lý của tội phạm hay các yếu tố cấu thành tội phạm là các dấu hiệu khách quan, chủ quan của hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể mà căn cứ vào các dấu hiệu này hành vi đó bị coi là tội phạm và bị trừng phạt. Theo quan điểm truyền thống được thừa nhận chung trong khoa học luật hình sự, cấu thành tội phạm gồm bốn yếu tố: khách thể của tội phạm, chủ thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm . Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy bị coi là tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy khi thỏa mãn những dấu hiệu cấu thành thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội và xứng đáng bị trừng phạt như sau:
2.1. Khách thể của tội sử dụng trái phép chất ma túy:
Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ tránh khỏi sự xâm phạm có tính chất tội phạm, nhưng bị tội phạm xâm hại đến và gây nên (hoặc đe dọa thực tế gây nên thiệt hại đáng kể nhất định .
Bất kỳ một hành vi phạm tội nào cũng đều xâm hại đến khách thể chung, cũng đều xâm hại đến một trong những quan hệ xã hội nhất định được luật hình sự bảo vệ bằng cách gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội đó.
Những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, đó là: ... độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa... .
Hiện nay, theo quy định pháp luật, chỉ có một số cơ quan Nhà nước mới được thực hiện hoạt động liên quan đến ma túy như: sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, kê đơn, bán thuốc, giám định, nghiên cứu chất ma túy, tiền chất. Các hoạt động này phải được thực hiện theo quy định do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và được thể hiện trong Hiến pháp; Luật phòng, chống ma túy; các Nghị định của Chính phủ quy định về những vấn đề liên quan đến chế độ quản lý các chất ma túy, tiền chất quy định của các bộ, ngành liên quan đến chế độ quản lý chất ma túy.
Như vậy, khách thể của các tội phạm về ma túy nói chung và tội sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng là chế độ thống nhất quản lý các chất ma túy của Nhà nước.
Ngoài ra, còn xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người và sự phát triển bình thường của giống nòi dân tộc.
Đối tượng tác động của tội phạm này là người sử dụng ma tuý, nếu không có người sử dụng chất ma tuý thì không thể có người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, người sử dụng chất ma tuý lại không hoàn toàn là người bị hại mà ngược lại trong một số trường hợp nếu thỏa mãn các dấu hiệu của tội sử dụng trái phép chất ma tuý thì họ còn là người phạm tội.
2.2. Mặt khách quan của tội sử dụng trái phép chất ma túy:
Mặt khách quan của tội phạm là sự tổng hợp các dấu hiệu do luật hình sự quy định và các tình tiết phản ánh hành vi bên ngoài của sự xâm hại cụ thể gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến khách thể được bảo vệ bằng pháp luật hình sự, tức là sự thể hiện cách xử sự có tính chất tội phạm trong thực tế khách quan.
Mặt khách quan gồm những dấu hiệu như: Hành vi nguy hiểm cho xã hội; hậu quả nguy hiểm cho xã hội; mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả phạm tội, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh (điều kiện), phương pháp (thủ đoạn), công cụ và phương tiện phạm tội .
– Hành vi nguy hiểm cho xã hội (hành vi khách quan)
Hành vi phạm tội là hoạt động khách quan bên ngoài của người phạm tội. Hành vi được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động. Trong hành động, người phạm tội thực hiện những động tác cơ học của cơ thể mà luật cấm. Trong không hành động, người phạm tội không thực hiện những động tác mà mình có nghĩa vụ phải làm và có thể làm được.
Về hành vi khách quan của tội phạm này, có ý kiến cho rằng, người phạm tội thực hiện nhiều hành vi khách quan khác nhau, còn tổ chức chỉ là quy mô của tội phạm cũng như phạm tội có tổ chức là tình tiết là yếu tố định khung hình phạt trong nhiều tội phạm. Tuy nhiên, như đã phân tích tại phần khái niệm, “tổ chức” đối với tội phạm này là hành vi phạm tội, là dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm. Theo đó, người phạm tội thực hiện việc chỉ huy, phân công, điều hành để thực hiện các công việc phục vụ cho tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Việc chứng minh yếu tố “Chỉ huy, phân công, điều hành” thường dễ hiểu lầm sang dấu hiệu khách quan của các yếu tố “Phạm tội có tổ chức”, “Tổ chức phạm tội”. Các khái niệm này đều có những đặc điểm chung là yếu tố đồng phạm (có nhiều người thực hiện hành vi phạm tội, có câu kết chặt chẽ, có đủ vai trò thực hiện tội phạm: người chủ mưu, cầm đầu người thực hành, người giúp sức...) nên đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong việc đánh giá chứng cứ giữa những người tiến hành tố tụng và giữa các cơ quan tiến hành tụng.
Theo Mục 20 Phần Hình sự – Phần các tội phạm văn bản Giải đáp về những khó khăn vướng mắc – Kỷ yếu Hội nghị tập huấn trực tuyến công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự ngày 12/11/2020 của VKSNDTC thì hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là những hành vi chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng trái phép chất ma túy như bố trí, sắp xếp con người, phương tiện, dụng cụ hoặc cung cấp chất ma túy để người khác sử dụng”.
Hành vi này khác và không đồng nhất với tình tiết “phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm”. Yếu tố đồng phạm trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đơn giản hơn, không bắt buộc phải có sự phân công, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ các đồng phạm trong tình tiết “phạm tội có tổ chức”. Việc chỉ huy, phân công điều hành chỉ là việc bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện, cung cấp chất ma túy, điểm, phương tiện, dụng cụ... để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy .
Đây là một trong những đặc điểm chủ yếu để phân biệt hành vi “tổ chức” và “phạm tội có tổ chức”.
Hành vi này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm:
+ Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác.
Theo quy định của nhà nước ta thì chất ma túy có thể được dùng trong các trường hợp nghiên cứu, phân tích khoa học, kiểm nghiệm hoặc để chữa bệnh… Ngoài những mục đích trên, thì việc đưa chất ma túy vào cơ thể con người bằng mọi hình thức đều bị coi là trái phép.
Người phạm tội thực hiện hành vi của mình như người tổ chức trong vụ án có tổ chức và việc chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác, trường hợp phạm tội này, người phạm tội thường có một vị trí, quyền uy nhất định.
Người thực hiện đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác theo theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Yếu tố đồng phạm nêu trên thuộc trường hợp đồng phạm đơn giản, đa số các đối tượng đều là người thực hành nhưng cũng có những người không được bàn bạc, thỏa thuận trước nhưng lại được sử dụng ma túy mà không phải đóng góp bất kỳ thứ gì. Từ đó, xuất hiện các khái niệm trong tội này là người thực hiện hành vi phạm tội, người giúp sức và “người thụ hưởng”.
Yếu tố “người khác” trong hành vi khách quan này phải là người khác so với nhóm người thực hiện hành vi phạm tội (khác với chủ thể của hành vi phạm tội) tức là “người thụ hưởng”. Chỉ những vụ án nào các cơ quan tiến hành tố tụng xác định được “người thụ hưởng” thì mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng khác.
+ Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy
Thứ nhất, về chuẩn bị, cung cấp chất ma túy: Người phạm tội chuẩn bị chất ma tuý dưới bất kỳ nguồn nào như: mua được, xin được, được cho, được gửi giữ, nhặt được, … cung cấp cho người khác để họ sử dụng trái phép. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ, trường hợp này không bao gồm việc bán chất ma tuý đó cho người khác để họ sử dụng trái phép (sẽ bị truy cứu TNHS về tội mua bán trái phép chất ma tuý).
Thứ hai, về chuẩn bị, cung cấp địa điểm: Việc chuẩn bị địa điểm để thực hiện tội phạm có thể thực hiện thông qua hình thức tìm, thuê, mượn, sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác. Khi xác định trường hợp chuẩn bị, cung cấp địa điểm nêu trên cần chú ý dấu hiệu để phân biệt các tội phạm khác về ma túy.
Thứ ba, về chuẩn bị, cung cấp phương tiện, dụng cụ: Người phạm tội chuẩn bị phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý, đối với hành vi này, chỉ cần xác định người phạm tội có mục đích dùng phương tiện, dụng cụ của người phạm tội.
Thứ tư, tìm người sử dụng chất ma tuý: Khi có người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, nhưng vì những động cơ mục đích khác nhau nên người phạm tội bằng các thủ đoạn như: tìm kiếm, rủ rê, mua chuộc,... người có nhu cầu sử dụng chất ma tuý để người này đồng ý sử dụng chất ma tuý và giới thiệu với người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý để nhằm đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người này.
Người nào thực hiện các hành vi nêu trên theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Việc phân loại các đối tượng, xác định vai trò chủ mưu, chỉ huy, phân công điều hành, người thực hành, người giúp sức, người thụ hưởng trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xử lý người phạm tội, tránh oan, bỏ lọt tội phạm.
– Hậu quả: Hậu quả của hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là những thiệt hại cho xã hội, trong đó trực tiếp gây ra những thiệt hại về trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khoẻ của chính người sử dụng trái phép chất ma tuý. Mặc dù hậu quả không phải yếu tố cấu thành bắt buộc của tội phạm này nhưng nếu thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ có xảy ra đối với người sử dụng trái phép chất ma tuý thì những thiệt hại đó là yếu tố định khung hình phạt, được quy định áp dụng biện pháp trừng phạt thích đáng.
2.3. Chủ thể của tội sử dụng trái phép chất ma túy:
Trước khi BLHS năm 2015 được ban hành, trong nhận thức lý luận ở Việt Nam, nói đến chủ thể của tội phạm tức là nói đến cá nhân với hai điều kiện: có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS theo quy định.
Trong các giáo trình, sách tham khảo chuyên ngành xác định rõ:
Chủ thể của tội phạm là người đã có lỗi (cố ý hoặc vô ý) trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm (tức bị luật hình sự coi là tội phạm), có đủ năng lực TNHS và đạt độ tuổi chịu TNHS theo luật định hoặc chủ thể của tội phạm là con người cụ thể đang sống, đã thực hiện tội phạm, đạt độ tuổi chịu TNHS và có năng lực TNHS .
Tuy nhiên, phù hợp với xu thế chung của của nhiều quốc gia trên thế giới và thực tiễn hiện nay, BLHS năm 2015 đã thừa nhận chủ thể của tội phạm bên cạnh cá nhân còn có pháp nhân thương mại đối với 33 tội danh. Riêng tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy chưa quy định chủ thể của tội phạm là pháp nhân.
Về độ tuổi chịu TNHS, pháp luật hình sự hiện hành quy định như sau:
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. 2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này , .
Căn cứ khung hình phạt quy định tại quy định tại Điều 255 BLHS năm 2015, tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được chia thành 03 nhóm tội: Tội phạm nghiêm trọng (khoản 1); tội phạm rất nghiêm trọng (khoản 2); Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (khoản 3, 4).
Tuy nhiên, khoản 2, 3, 4 Điều 255 BLHS năm 2015 không thuộc nhóm tội mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS.
Đây là một trong số các điểm mới của BLHS năm 2015 so với các BLHS trước đó, được xem là bước tiến có tính chất đột phá đối với trẻ em phạm tội, trong đó, có gia đình, nhà trường và các tổ chức phải phấn đấu và có biện pháp giáo dục trẻ em, vì tình trạng trẻ em phạm tội ngày một gia tăng, nhất là trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay.
Như vậy, căn cứ quy định quy định tại Điều 2, Điều 8 BLHS năm 2015 và quy định dẫn chiếu, chủ thể tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là người đã có lỗi trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị pháp luật hình sự cấm, có năng lực TNHS và đủ 16 tuổi trở lên.
2.4. Mặt chủ quan của tội sử dụng trái phép chất ma túy:
Mặt chủ quan của tội phạm là đặc điểm tâm lý bên trong của cách xử sự có tính chất tội phạm xâm hại đến khách thể được bảo vệ bằng pháp luật hình sự, tức là thái độ tâm lý của chủ thể được thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội do mình thực hiện và đối với hậu quả của hành vi đó (lỗi); hoặc là mặt bên trong của tội phạm, là trạng thái tâm lý của chủ thể khi thực hiện hành vi phạm tội, bao gồm các dấu hiệu lỗi, động cơ phạm tội, mục đích phạm tội.
Luật hình sự chỉ xem xét TNHS khi hành vi khách quan có mối quan hệ chặt chẽ với mặt chủ quan của chủ thể thực hiện hành vi phạm tội.
Đối với tội phạm nói chung có nhiều hình thức lỗi, bao gồm cả cố ý và vô ý. Riêng mặt chủ quan của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy chỉ thể hiện dưới hình thức lỗi cố ý bởi vì phương thức thực hiện tội phạm này luôn luôn mang tính có tổ chức. Để bố trí, sắp xếp, bảo đảm cho việc sử dụng trái phép chất ma túy trái phép chắc chắn không thể thiếu kế hoạch tổ chức, thiếu người chỉ huy, cầm đầu, phân công việc tập hợp, thu hút người sử dụng trái phép chất ma túy, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bảo đảm cho việc sử dụng trái phép chất ma túy. Với tính có tổ chức như vậy chắc chắn hình thức lỗi trong mặt chủ quan của tội phạm phải là lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội biết rõ việc mình tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trái phép là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị pháp luật cấm nhưng vẫn thực hiện.
Động cơ và mục đích phạm tội phổ biến trong thực tế của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là trục lợi vật chất. Tuy nhiên, động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Mục đích phi lợi nhuận không làm biến mất tính nguy hiểm đối với trật tự xã hội của hành vi này. Do đó, tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không loại trừ những trường hợp tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trái phép không phải vì mục đích trục lợi vật chất.