Theo quy định tại khoản 1 Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015: “Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm” . Quy định này là cấu thành cơ bản của tội phạm, không có các tình tiết là yếu tố định khung của hình phạt.
Các tội phạm về ma túy được quy định tại chương XX BLHS năm 2015, từ điều 247 đến Điều 259 bao gồm 13 tội sau: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy; Tội sản xuất trái phép chất ma túy; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội mua bán trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy; Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó, tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 255 BLHS năm 2015.
Các dấu hiệu pháp lý của tội sử dụng trái phép chất ma túy tại các BLHS cơ bản giống nhau, do đó, Mục này chỉ đi sâu phân tích quy định về hình phạt, yếu tố định khung đối với tội phạm này tại Điều 255 BLHS năm 2015, đồng thời, tiến hành so sánh với quy định tương ứng tại Điều 197 BLHS năm 1999.
Các quy định tại Điều 255 BLHS năm 2015 kết cấu thành 3 phần chính: (1) khoản 1 quy định về hình phạt và cấu thành tội phạm cơ bản; (2) khoản 2, 3, 4 quy định về hình phạt và cấu thành tội phạm tăng nặng và (3) khoản 5 quy định về hình thức phạt bổ sung, cụ thể:
Mục lục bài viết
- 1 1. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 255 BLHS năm 2015:
- 2 2. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 255 BLHS năm 2015:
- 2.1 2.1. Phạm tội 02 lần trở lên:
- 2.2 2.2. Đối với 02 người trở lên:
- 2.3 2.3. Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi:
- 2.4 2.4. Đối với phụ nữ mà biết là có thai:
- 2.5 2.5. Đối với người đang cai nghiện:
- 2.6 2.6. Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%:
- 2.7 2.7. Gây bệnh nguy hiểm cho người khác:
- 2.8 2.8. Tái phạm nguy hiểm:
- 3 3. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 255 BLHS năm 2015:
- 3.1 3.1. Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người:
- 3.2 3.2. Gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%:
- 3.3 3.3. Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên:
- 3.4 3.4. Đối với trẻ em dưới 18 tuổi:
- 4 4. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 255 BLHS năm 2015:
- 5 5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội:
1. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 255 BLHS năm 2015:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 255 BLHS năm 2015 thì: “Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm” . Quy định này là cấu thành cơ bản của tội phạm, không có các tình tiết là yếu tố định khung của hình phạt.
2. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 255 BLHS năm 2015:
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 255 BLHS năm 2015 thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
2.1. Phạm tội 02 lần trở lên:
Người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hai lần trở lên mà mỗi lần phạm tội đều có đầy đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, đồng thời trong số các lần tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý đó chưa có lần nào bị truy cứu TNHS.
Trường hợp, người phạm tội có hai lần tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý trong đó có một lần chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng không thuộc trường hợp này.
Trong trường hợp, người phạm tội có từ ba, bốn, năm... lần tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý trong đó có một lần bị kết án hoặc được miễn TNHS, được miễn hình phạt hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật đối với tội phạm này nhưng những lần còn lại vẫn đáp ứng điều kiện nêu trên thì vẫn bị truy cứu TNHS theo quy định này.
2.2. Đối với 02 người trở lên:
Quy định này áp dụng đối với người phạm tội một lần tổ chức cho hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma tuý. Trường hợp người phạm tội tổ chức 02 lần trở lên nhưng mỗi lần tổ chức cho một người sử dụng trái phép chất ma tuý thì không áp dụng quy định tại điểm này mà áp dụng quy định tại điểm a như trên.
Nếu người phạm tội nhiều lần mà mỗi lần tổ chức cho hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma tuý, thì vừa thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần vừa phạm tội đối với nhiều người.
Ví dụ: Ngày 01/8/2020, A tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cho B và C, đến ngày 20/8/2020, A lại tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cho D, E và F. Như vậy, A vừa phạm tội nhiều lần lại vừa đối với nhiều người.
2.3. Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi:
Pháp luật Việt Nam nói chung và luật hình sự nói riêng thì người chưa thành niên luôn là đối tượng được bảo vệ đặc biệt do đây là đối tượng dễ bị tổn thương, kích động, lôi kéo, khả năng nhận thức chưa cao, bởi vậy, phạm tội đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi được quy định là tình tiết tăng nặng định khung đối với tội phạm này. So sánh với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 197 BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã bổ sung, làm rõ khái niệm, giới hạn độ tuổi của người chưa thành niên, góp phần thống nhất việc nghiên cứu, áp dụng đối với điều khoản này.
2.4. Đối với phụ nữ mà biết là có thai:
Đối với trường hợp này dấu hiệu nhận biết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội chứ không phải dấu hiệu khách quan như trường hợp phạm tội đối với phụ nữ có thai quy định ở một số tội phạm khác. Nghĩa là việc xác định yếu tố cấu thành này không phụ thuộc vào vấn đề người phụ nữ đó có thai là thật hay giả mà phụ thuộc vào nhận thức của người phạm tội. Trong trường hợp, phụ nữ sử dụng trái phép chất ma tuý có thai thật, nhưng có căn cứ để xác định người phạm tội không biết họ đang có thai thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai. Ngược lại, trong trường hợp người phụ nữ sử dụng trái phép không có thai, người phạm tội tin lầm là có thai nhưng vẫn tổ chức cho họ sử dụng trái phép chất ma tuý thì vẫn bị coi là phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai.
2.5. Đối với người đang cai nghiện:
Đây là trường hợp tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cho người đang cai nghiện. Người đang cai nghiện được xác định là người đã nghiện ma tuý bắt đầu cai nghiện và đến thời điểm người phạm tội thực hiện tội phạm mà chưa kết thúc thời gian cai nghiện ở trong trung tâm cai nghiện hoặc cai nghiện tại nơi ở theo sự chỉ dẫn của cơ quan chuyên môn.
Đối với trường hợp này, dấu hiệu nhận biết lại thuộc hành vi khách quan là người phạm tội đối với người đang cai nghiện mà không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội (có biết hay không đối tượng sử dụng là người đang cai nghiện).
Nếu người nghiện ma tuý đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đưa vào trung tâm cai nghiện nhưng vì lý do khách quan nên chưa vào trung tâm cai nghiện mà tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cho người này thì không thuộc trường hợp phạm tội đối với người đang cai nghiện.
Ví dụ: Phạm Văn Th đã có quyết định vào trung tâm cai nghiện của thành phố H để cai nghiện, nhưng gia đình Th xin cho Th ở nhà giải quyết việc gia đình xong mới đi. Trong thời gian này, Th và một số con nghiện khác đến nhà Nguyễn Hoàng B để tiêm chích ma tuý. B đã pha chế ma tuý để chích cho Th và các con nghiện khác. Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý của Nguyễn Hoàng B không thuộc trường hợp phạm tội đối với người đang cai nghiện.
Nếu người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuy không biết người mà mình đưa chất ma tuý vào cơ thể của họ là người đang cai nghiện thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội này.
Ví dụ: Hoàng Văn R đang cai nghiện tại trung tâm cai nghiện thành phố H, nhưng R đã bỏ trốn khỏi trung tâm, đến nhà Đào Ngọc N để tiêm chích ma tuý. N không biết R đang cai nghiện ở trung tâm cai nghiện nên đã lấy ma tuý pha chế rồi tiêm chích cho R.
Nếu người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không cần biết người mà mình đưa chất ma tuý vào cơ thể của họ là người đang cai nghiện hay không miễn mà vẫn tổ chức cho họ sử dụng trái phép chất ma tuý, nhưng sau khi đã giúp họ sử dụng trái phép chất ma tuý mới biết họ đang cai nghiện, thì vẫn bị coi là phạm tội đối với người đang cai nghiện.
Ví dụ: Nguyễn Văn X đang cai nghiện tại trung tâm cai nghiện đã bỏ trốn khỏi trung tâm và rủ thêm Nguyễn Văn Q và Khiếu Đức T đến nhà Nguyễn Thị Thu M để tiêm chích ma tuý. M đã lấy ma tuý pha chế và tiêm chích cho X và đồng bọn thì bị bắt. Khi bị bắt, M khai rằng, M không cần biết ai đang cai nghiện, ai không miễn là có nhu cầu sử dụng chất ma tuý là M cung cấp và giúp họ sử dụng.
2.6. Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%:
Trường hợp phạm tội này quy định người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% là trường hợp do tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, nên đã làm cho người sử dụng bị gặp biến chứng (sốc thuốc, bị tai biến,...) dẫn đến tổn hại sức khoẻ cho người sử dụng.
Như vậy, khi xác định trường hợp phạm tội này cần chú ý đến mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Nếu hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn hại đến sức khỏe cho người khác thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Hồ Văn Tr chiếm chích ma tuý cho Nguyễn Đức N. Sau khi tiêm xong, Tr bảo N nằm nghỉ một rồi hãy về, nhưng N không nghe mà tự đi xe máy về. Khi ra khỏi nhà Tr được 50m thì N ngã xe bị gãy tay có tỷ lệ thương tật là 35%.
Ngoài ra, đối tượng bị ảnh hưởng về sức khỏe trong trường hợp này không chỉ là người sử dụng ma túy mà còn có thể là người khác không liên quan. Ví dụ: Gây nổ trong quá trình pha chế ma túy gây tổn hại cho sức khoẻ hàng xóm hoặc người đi đường.
2.7. Gây bệnh nguy hiểm cho người khác:
Trường hợp phạm tội này không phải là tình tiết thuộc mặt chủ quan mà là tình tiết thuộc mặt khách quan của tội phạm (tình tiết về hậu quả) và hậu quả này người phạm tội không mong muốn nhưng có thể bỏ mặc hoặc có thể ngoài ý muốn chủ quan (không nhận thức được hậu quả). Bệnh nguy hiểm mà người phạm tội gây cho người khác là do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý gây ra nhưng về ý thức chủ quan của người phạm tội thì có thể họ không biết là hành vi của mình sẽ gây ra bệnh đó cho người sử dụng trái phép chất ma tuý; trong trường hợp chưa gây bệnh thì không bị coi là phạm tội trong trường hợp này.
Được coi là bệnh nguy hiểm là những bệnh không có khả năng cứu chữa, dễ dẫn đến tử vong hoặc tuy không dẫn đến tử vong nhưng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ suốt đời. Đối với tội phạm này, bệnh nguy hiểm thường xác định là HIV, do đó, khi xác định trường hợp phạm tội này, cần phân biệt với trường hợp lây truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 148; cố ý truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 149 BLHS năm 2015. Nếu cố ý gây bệnh cho người khác (không phải HIV) bằng cách tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, người phạm tội còn bị truy cứu TNHS về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” quy định tại Điều 134 BLHS năm 2015.
2.8. Tái phạm nguy hiểm:
Tình tiết “tái phạm nguy hiểm” là tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội, có ý nghĩa trong việc định tội, định khung và quyết định hình phạt. Trường hợp phạm tội này lại hoàn toàn giống với tất cả những trường hợp tái phạm nguy hiểm khác, chỉ cần xác định người phạm tội có đủ các dấu hiệu quy định tại khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015, theo đó, người phạm tội trong trường hợp này đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của Điều 255, hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của Điều 255 BLHS năm 2015.
3. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 255 BLHS năm 2015:
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 255 BLHS năm 2015 thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
3.1. Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người:
Trường hợp gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 của điều luật, chỉ khác ở chỗ tỷ lệ thương tật mà người phạm tội gây ra cho người khác là từ 61% trở lên.
Trường hợp gây hậu quả chết người cũng tương tự như trường hợp gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác nhưng chỉ khác là hậu quả của hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý gây ra hậu quả chết người chứ không phải chỉ gây thương tích. Tuy nhiên, hậu quả chết người này là ngoài sự mong muốn của người phạm tội, không phải do chủ đích. Do đó, cần phân biệt với tội giết người quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015.
3.2. Gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%:
Trường hợp phạm tội này cũng xác định trên cơ sở tỷ lệ thương tật như các điều khoản tương tự đối với hành vi này nhưng khác nhau ở chỗ phải có từ hai người bị tổn hại đến sức khoẻ trở lên mà mỗi người đều có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; hậu quả ở đây phải nguyên nhân tất yếu của tội phạm gây ra.
3.3. Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên:
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp gây bệnh nguy hiểm cho người khác, chỉ khác ở chỗ trong trường hợp này phải có từ hai người trở lên bị gây bệnh nguy hiểm.
3.4. Đối với trẻ em dưới 18 tuổi:
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật, chỉ cần xác định tuổi thật của người sử dụng chất ma tuý mà không cần phải xác định ý thức chủ quan của người phạm tội có biết người mà họ tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý dưới 13 tuổi hay không.
4. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 255 BLHS năm 2015:
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 255 BLHS năm 2015 thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
4.1. Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên:
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% quy định tại điểm b khoản 3 của điều luật, chỉ khác nhau ở chỗ, tỷ lệ thương tật của nhiều người từ 61% trở lên.
4.2. Làm chết 02 người trở lên:
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 của điều luật, tuy nhiên, số lượng người chết ở đây được xác định từ 02 người trở lên do tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Chỉ những người chết do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý trực tiếp gây ra mới thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 điều luật; không phân biệt gây ra chết ngay hay sau một thời gian mới tử vong.
Quy định tại điều khoản này đã bỏ quy định “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác” quy định tại điểm b khoản 4 Điều 197 BLHS năm 1999. Việc loại bỏ quy định này là phù hợp với tình hình thực tế do thực tiễn xét xử cũng chưa có trường hợp nào xảy ra cần phải xác định tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội:
Ngoài hình phạt chính người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT BCA–VKSNDTC–TANDTC–BTP thì: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất...) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác, chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác); chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ...) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ .
Như vậy, khi nghiên cứu, xem xét, áp dụng quy định tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, các tội phạm khác có liên quan cũng cần lưu ý đến việc xác định đồng phạm đối với tội phạm này.
Nhìn chung, quy định về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại BLHS năm 2015 chỉ sửa đổi về mặt kỹ thuật lập pháp, không thay đổi nhiều so với BLHS năm 1999, tuy nhiên, việc quy định rõ các trường hợp từ nhiều người”, “nhiều lần”, “người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên”, “phụ nữ mà biết là đang có thai” thành “02 người trở lên”, “02 lần trở lên”, “người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi”, “phụ nữ mà biết là có thai” cũng giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật của người tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Bên cạnh đó, việc bỏ quy định “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác” cũng phản ánh chính xác thực tiễn xét xử vào văn bản pháp luật, thể hiện các nhà lập pháp đã thường xuyên xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng.