Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoại nhắm chống chính quyền nhân dân là gì? Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân Tiếng Anh là gì? Cấu thành tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân? Quy định về hình phạt đối với tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân?
Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh Quốc gia.
An ninh quốc gia là sự ổn định và phát triển vững mạnh về mọi mặt: chế độ xã hội, dân cư, không gian sinh tồn, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khả năng phòng thủ đất nước; sự bảo đảm an toàn, trật tự tổ chức đời sống lao động, sinh hoạt xã hội của dân cư theo pháp luật của một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
An ninh quốc gia bao gồm các nội dung an ninh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng – văn hoá, xã hội, quốc phòng, đối ngoại… và trật tự, an toàn xã hội trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; an ninh đối với những cơ sở quan trọng nhất của sự sinh tồn và phát triển của quốc gia.
Người có hành vi tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân sẽ bị phạt tù từ khung hình phạt là 01 – 05 năm cho đến khung hình phạt nặng nhất là tù chung thân. Do tính chất đặc biệt nguy hiểm của loại tội phạm này nên cấu thành tội phạm cũng như chế tài xử lý đối với tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân được pháp luật hình sự quy định tương đối chi tiết. Những quy định cụ thể của pháp luật hình sự về tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân sẽ được Luật Dương Gia thông tin đến bạn đọc trong bài viết dưới đây:
1. Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân là gì?
Điều 120
1. Người nào tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy có thể hiểu, tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân là tội phạm được thực hiện bởi chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự, thông qua các hành vi cưỡng ép, xúi giục, rủ rê, thuyết phục người khác đi nước ngoài nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân. Đây là một trong những tội phạm có tính chất nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia.
2. Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân Tiếng Anh là gì?
Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân Tiếng Anh là: “Organizing, coercing, instigating illegal emigration for the purpose of opposing the people’s government”
3. Cấu thành tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân
Về khách thể:
Khách thể của tội phạm này là an ninh đối nội và an ninh đối ngoại của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Mặt khách quan:
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này là tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài.
Hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài được thực hiện bởi các hành vi cụ thể như làm hoặc tổ chức làm giấy tờ giả để lừa dối cơ quan có thẩm quyền trong việc xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, chuẩn bị phương tiện, vật phẩm cần thiết như tiền, vàng, tàu thuyền, lương thực, …để rời bỏ đất nước một cách lén lút hoặc bằng con đường công khai
Hành vi cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài được biểu hiện thông qua việc chủ thể thực hiện những hành vi, sử dụng những thủ đoạn buộc người khác phải trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài trái với ý muốn của họ.
Hành vi xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài là hành vi dụ dỗ, rủ rê, thuyết phục, khuyến khích…tác động vào tâm lý của người khác dẫn đến họ nảy sinh ý định và thực hiện hành vi trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài.
Đây là tội phạm này có cấu thành hình thức: Tội phạm được cho là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Việc người đó có thực hiện được mục đích là người được tổ chức, xúi giục, người bị cưỡng bức trốn hay không trốn đi nước ngoài hoặc trốn hay không trốn ở lại nước ngoài không có ý nghĩa trong việc định tội mà chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.
Mặt chủ quan:
Đây là tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra
Mục đích chống chính quyền nhân dân là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này. Nếu người thực hiện một trong các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm này nhưng không nhằm chống chính quyền nhân dân thì không cấu thành tội phạm này, mà tùy từng trường hợp có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu TNHS về tội phạm tương ứng như tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép quy định tại Điều 348 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017, tội tổ chức, mô giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép quy định tại Điều 349 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017, tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép quy định tại Điều 350 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017.
Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự và đã thực hiện hành vi phạm tội.
4. Quy định về hình phạt đối với tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân
Hình phạt đối với người phạm tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân gồm ba khung hình phạt chính:
– Khung 1. Quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 15 năm
Khung hình phạt được áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.
– Khung 2. Quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân
Khung hình phạt được áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
– Khung 3. Quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
Khung hình phạt được áp dụng đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội này.
Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung quy định tại Điều 122 BLHS năm 2015, đó là tước một số quyền công dân từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Hình phạt bổ sung là hình phạt được áp dụng kèm theo hình phạt chính bổ sung cho hình phạt chính, nếu người bị kết án không bị áp dụng hình phạt chính thì
Theo Điều 32 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 quy định:
Hình phạt bổ sung bao gồm:
a) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
b) Cấm cư trú;
c) Quản chế;
d) Tước một số quyền công dân;
đ) Tịch thu tài sản;
e) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;
g) Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Tước một số quyền công dân (Quy định tại Điều 44 BLHS 2015 sửa đổi 2017)
Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân có thể bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:
– Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;
– Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Phạt quản chế (Quy định tại Điều 43 BLHS sửa đổi bổ sung năm 2017)
Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật này quy định.
Thời hạn quản chế là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Cấm cư trú (Quy định tại Điều 42 BLHS 2015 sửa đổi 2017)
– Cấm cư trú là buộc người bị kết án phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định.
– Thời hạn cấm cư trú là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù
Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Quy định tại Điều 45 BLHS 2015 sửa đổi 2017)
Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước.
Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma tuý, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.