Tham nhũng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia trên thế giới. Tại bài viết này chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu về tội phạm tham nhũng.
Mục lục bài viết
1. Tội phạm về tham nhũng là gì?
Tội phạm về tham nhũng được hiểu là hành vi xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, uy tín của cơ quan, tổ chức bằng cách lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn hay có hành vi thiếu trách nhiệm do người có chức vụ thực hiện, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
2. Các tội phạm tham những được pháp luật hình sự quy định:
Các tội phạm về tham nhũng được quy định tại
– Tội tham ô tài sản (Điều 353);
– Tội nhận hối lộ (Điều 354);
– Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355);
– Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ (Điều 356);
– Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357);
– Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358);
– Tội giả mạo trong công tác (Điều 359).
Tội phạm về tham nhũng trong tiếng Anh là “corruption”.
3. Các yếu tố cấu thành tội phạm về tham nhũng:
Khách thể
Các tội phạm về tham nhũng xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Hoạt động xâm hại ấy làm sai đi bản chất công việc mà cơ quan có thẩm quyền và hoạt động ấy đáng nhẽ không được làm.
Hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức là hoạt động bình thường tuân thủ các quy định của pháp luật của cơ quan, tổ chức. Cơ quan, tổ chức bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội, doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, tội phạm về tham nhũng còn xâm phạm đến quyền con người, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Mặt khách quan
Người phạm tội tham nhũng được quy định tại Mục 1, Chương XXIII
– Hành vi tham ô tài sản: hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, tức là người phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện việc chuyển dịch bất hợp pháp tài sản của cơ quan, tổ chức đang do người phạm tội quản lý thành tài sản của người phạm tội. Thủ đoạn chiếm đoạt và che dấu việc chiếm đoạt tài sản có thể rất khác nhau như công nhiên hoặc lén lút, bí mật hoặc thực hiện bằng thủ đoạn gian dối để che đậy hành vi chiếm đoạt.
– Hành vi nhận hối lộ: người nào có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên;
+ Nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý ký luật về hành vi nhận hối lộ mà còn vi phạm. Bị coi là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi nhận hối lộ mà còn vi phạm nếu trước đó đã bị người có thẩm quyên xử lý kỷ luật về hành vi nhận hối lộ nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý kỷ luật mà còn thực hiện hành vi nhận hối lộ.
+ Nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
+ Nhận hoặc sẽ nhận lợi ích phi vật chất. Nhận hoặc sẽ nhận lợi ích phi vật chất như nhận hoặc sẽ nhận hối lộ tình dục (nhận hoặc sẽ nhận được sự đồng thuận giao cấu hoặc thực hiện quan hệ tình dục khác của người khác), nhận hoặc sẽ nhận được sự can thiệp của người khác để mình hoặc người thân của mình lên chức vụ cao hơn, được sắp xếp vị trí công tác thuận lợi hơn; nhận hoặc sẽ nhận được việc con cái của họ được học trường chuyên, lớp chọn, được đi du học,…
Người phạm tội có thể nhận tiền, tài sản, lợi ích phi vật chất trực tiếp từ người đưa hối lộ hoặc qua người môi giới. Người đưa hối lộ và người môi giới hối lộ mà tùy từng trường hợp, bị truy cứu TNHS về tội đưa hối lộ theo ĐIều 364 BLHS hoặc tội môi giới hối lộ theo Điều 365 BLHS.
– Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn mà sử dụng chức vụ, quyền hạn vượt quá phạm vi thẩm quyền được giao chiếm đoạt tài sản người khác. Hành vi này cấu thành tội phạm nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
+ Chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá 2.000.000 đồng trở lên
+ Chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm
+ Chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về một trong các tội vê tham nhũng sau, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ: người nào có hành vi vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
– Hành vi lạm quyền trong thi hành công vụ: người nào có hành vi vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
– Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
– Hành vi giả mạo trong công tác: có hành vi vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện một trong các hành vi:
+ Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
+ Làm, cấp giấy tờ giả;
+ Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
Mặt chủ quan
Các tội phạm về tham nhũng được thực hiện với lỗi cố ý.
Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi. Vụ lợi ở đây được hiểu là lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đã đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng. Như vậy, khi xử lý về hành vi tham nhũng, không bắt buộc chủ thể tham nhũng phải đạt được lợi ích.
Chủ thể
Chủ thể của các tội phạm về tham nhũng là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS và có dấu hiệu chủ thể đặc biệt là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp, tổ chức khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước).
Người có chức vụ (người có chức vụ, quyền hạn) được xác định là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có thưởng lương hoặc không thưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Khi thực hiện hành vi tham nhũng, người tham nhũng phải sử dụng “chức vụ, quyền hạn của mình” như một phương tiện để mang lại lợi ích cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người khác. Đây là yếu tố cơ bản để xác định hành vi tham nhũng. Một người có chức vụ, quyền hạn nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó thì không thể có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó đều được coi là hành vi tham nhũng. Ở đây có sự giao thoa giữa hành vi này với các hành vi tội phạm khác, do vậy cần lưu ý khi phân biệt hành vi tham nhũng với các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Cơ sở pháp lý sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật hình sự 2015;