Tội phạm có tính chất quốc tế hiện là mối nguy cơ, đe dọa đến toàn thế giới bởi tính chất và hành vi nguy hiểm của chúng. Dưới góc độ pháp luật của Việt Nam, hiểu là thế nào về tội phạm có tính chất quốc tế?
Mục lục bài viết
1. Tội phạm có tính chất quốc tế theo quy định pháp luật
Hiện nay, chưa có khái niệm cụ thể nào về tội phạm có tính chất quốc tế. Để hiểu được bản chất tội phạm có tính chất quốc tế thì sẽ phân tích đi từ khái niệm của tội phạm.
Căn cứ Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội phạm là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện trên cơ sở lối cố ý hoặc lỗi vô ý. Hành vi vi phạm đó xâm phạm đến:
– Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
– Xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức.
– Xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
– Xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Thực tế có thể hiểu tội phạm có tính chất quốc tế là tội phạm hình sự chung và có chứa đựng yếu tố nước ngoài, ví dụ như chủ thể tội phạm có quốc tịch khác nhau; sự kiện phạm tội xảy ra ở nhiều nơi; khách thể của tội phạm là lợi ích của các quốc gia khác nhau bị xâm phạm.
Khái niệm tội phạm có tính chất quốc tế thường hay bị nhẫm lẫn với tội phạm quốc tế. Tội phạm quốc tế được hiểu là những hành vi đặc biệt nguy hiểm, do người có năng lực trách nhiệm hình sự, từ đủ 18 tuổi trở lên, thực hiện một cách cố ý, xâm phạm hòa bình an ninh quốc tế, gây lo ngại cho toàn thể cộng đồng quốc tế.
Còn tội phạm có tính chất quốc tế (là những tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài) bản chất là có xâm hại đến hòa bình và an ninh quốc tế nhưng về mức độ nguy hiểm, không đến mức gây nguy hại cho toàn thể cộng đồng quốc tế. Chủ thể của tội phạm có tính quốc tế là thể nhân, pháp nhân, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự không nhất thiết phải đủ 18 tuổi như đối với tội phạm quốc tế theo quy định của các công ước quốc tế liên quan.
2. Đặc điểm cơ bản của tội phạm có tính chất quốc tế hiện nay:
Thứ nhất, thường là loại tội phạm hoạt động có tổ chức, tính tổ chức rất cao và có những thủ đoạn, âm mưu nguy hiểm, được lên kế hoạch bài bản, cụ thể vì những mục đích vụ lợi nhất định.
Thứ hai, tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ của một vài quốc gia hoặc trên lãnh thổ không thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia bất kỳ nào.
Thứ ba, tội phạm chứa đựng yếu tố nước ngoài, cụ thể như:
+ Chủ thể tội phạm: quốc tịch khác nhau.
+ Khách thể: xâm phạm đến lợi ích của các quốc gia.
+ Sự kiện phạm tội: xảy ra ở nước ngoài.
Thứ tư, tội phạm thường có xu hướng móc nối, liên kết với nhau, thậm chí là liên kết xuyên quốc gia (đặc biệt như tội buôn bán ma túy, tội rửa tiền, buôn người,…)
Thứ năm, những kẻ phạm tội có tính chất quốc tế thường được đào tạo rất kỹ, bài bản, được trang bị điều kiện đầy đủ và hiện đại. Hoạt động của chúng có tính chuyên nghiệp, có khả năng thực hiện trên một phạm vi rộng lớn, cả trong nước và ngoài nước.
3. Nhóm tội phạm có tính chất quốc tế:
Về cơ bản, tội phạm có tính chất quốc tế được chia làm 04 nhóm, bao gồm:
– Nhóm 1: tội phạm xâm phạm đến khách thể là sự hợp tác hữu nghị, sự tồn tại bình thường của các quan hệ giữa các nước. Bản chất của những tội này xuất phát từ sự bất động về sắc tộc, kinh tế, chính trị,… dẫn đến việc những thành phần cực đoan đã tiến hành khủng bố nhằm mục đích gây thiệt hại về kinh tế, chính trị.
Cụ thể như: tội cướp máy bay, cướp phương tiện giao thông khác, tội khủng bố.
– Nhóm 2: tội phạm xâm phạm đến môi trường sống của con người, di sản văn hóa của dân tộc trên thế giới.
Cụ thể như: tội buôn lậu, buôn bán trái phép chất ma túy, buôn bán tiền giả,… Bản chất của những tội này xuất phát từ sự tư lợi với mục đích thu lợi nhuận bất chính.
– Nhóm 3: tội phạm xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của con người.
Cụ thể như: tội tuyên truyền các xuất bản phẩm đồi trụy,…
– Nhóm 4: tội phạm có tính chất quốc tế khác.
Cụ thể như: tội phá hoại các công trình ngầm dưới biển, các tội phạm được thực hiện trên tàu thủy, máy bay, tội cướp biển,…
4. Các nguyên nhân dẫn đến tội phạm có tính chất quốc tế xảy ra:
Do mỗi tội phạm là khác nhau và mức độ vi phạm cũng khác nhau do đó xác định nguyên nhân sẽ xác định nguyên nhân của từng tội phạm. Dưới đây là một số nguyên nhân của một số tội phạm cơ bản, cụ thể như sau:
(1) Tội phạm về buôn bán người (đặc biệt là trẻ em – phụ nữ):
Tội phạm này xảy ra có nhiều nguyên nhân, xuất phát cơ bản là thường xảy ra ở những khu vực biên giới vì nghèo đói, xung đột gia đình.
Người dân có trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết, không nắm bắt được thông tin cảnh báo về tội phạm được phổ cập.
Nguyên nhân cũng xuất phát từ quan niệm phong kiến trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới của người dân, tư tưởng phụ nữ, con gái không làm được gì nên sẽ chấp nhận mang đi bán để lấy được tiền.
(2) Tội phạm về khủng bố:
Hiện nay ở Việt Nam, mặc dù chưa xảy ra tội phạm khủng bố do các tổ chức khủng bố quốc tế tiến hành nhưng gần đây những biểu hiện của các hoạt động tội phạm cung tiềm ẩn nhiều mầm mống, đặc biệt là vụ khủng bố tại Đắk Lak vừa rồi đã đe dọa đến nền an ninh trật tự của Việt Nam nói chung. Một số đối tượng trong nước đã lợi dụng chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta để liên lạc, móc nối với một số tổ chức nước ngoài liên quan đến khủng bố. Hoạt động khủng bố được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, do nhiều lực lượng, thế lực khác nhau.
Nguyên nhân phát sinh, quy mô, tính chất và phương thức hoạt động khủng bố rất đa dạng, phức tạp; trong đó, ở từng nhóm khủng bố khác nhau thủ đoạn hoạt động cũng khác nhau, thậm chí mang tính đột biến, khó lường nên việc nhận diện, dự báo về khủng bố gặp nhiều khó khăn. Mục đích của chứng thường là sát hại, bắt giữ, khống chế công dân nước ngoài, lãnh đạo cấp cao hoặc phá hoại các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng – an ninh trọng yếu.
(3) Tội phạm về ma túy:
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tội phạm về ma túy xuất phát từ chính những cá nhân có lòng tham, lười lao động, xem thường và bất chấp pháp luật.
Và đặc biệt, lợi nhuận thu được từ việc buôn bán ma túy là rất lớn nên họ vì tham giàu mà bất chấp tất cả. Chủ yếu, những vụ buôn bán ma túy lớn thường xuất hiện ở các vùng biên giới, móc nối với bên nước ngoài, ví dụ như Campuchia, Trung Quốc,… để vận chuyển, giao dịch mua bán. Đặc biệt bọn tội phạm lợi dung toàn cầu hóa kinh tế, chính sách mở cửa thu hút đầu tư của các nước đang phát triển để thâm nhập vào sản xuất, buôn bán ma túy và tẩy rửa tiền từ buôn lậu.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng biên giới còn hạn chế, không nắm được chế tài xử lý của pháp luật về tội phạm ma túy, cũng không nhận thức được tác hại nguy hiểm do ma túy dẫn đến, từ đó mà dễ bị lợi dụng làm quân cờ, tay sai buôn bán mua túy cho những ông trùm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.