Tội phá hoại chính sách đoàn kết là gì? Tội phá hoại chính sách đoàn kết Tiếng Anh là gì? Cấu thành tội phá hoại chính sách đoàn kết? Quy định về hình phạt đối với tội phá hoại chính sách đoàn kết?
Đại đoàn kết toàn dân tộc là tập hợp, huy động và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tạo thành nguồn sức mạnh tổng hợp, vững chắc, là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của mọi cuộc cách mạng. Xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vừa là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, vừa là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo xây dựng đất nước của Đảng ta.
Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, để tổ chức Mặt trận thực hiện tốt nhiệm vụ: tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quan điểm về đại đoàn kết dân tộc được thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật. Cụ thể,
1. Tội phá hoại chính sách đoàn kết là gì?
Tội phá hoại cơ sở vật chất, kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại Điều 116
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội;
b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội;
d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc là hành vi nguy hiểm, đe dọa đến sự ổn định xã hội, gây ra những hậu quả khôn lường về chia rẽ dân tộc, phân rã xã hội, phá vỡ nền tảng quốc gia và vô vàn những nguy hại khác cho an ninh quốc gia Việt Nam.
Như vậy có thể hiểu: Tội phá hoại chính sách đoàn kết là hành vi gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị – Xã hội; gây kỳ thị, chia rẽ, thù hằn, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội; phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế nhằm chống chính quyền nhân dân.
2. Tội phá hoại chính sách đoàn kết Tiếng Anh là gì?
Tội phá hoại chính sách đoàn kết Tiếng Anh là “Sabotaging implementation of solidarity policies”.
3. Cấu thành tội phá hoại chính sách đoàn kết
Về khách thể:
Khách thể của tội phá hại chính sách đoàn kết là an ninh quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên các lĩnh vực xã hội, dân tộc, tôn giáo và đối ngoại.
Xác định khách thể của tội phá hoại chính sách đoàn kết phản ánh bản chất, xu hướng của tội phạm. Bản chất của tội i phạm là sự chống đối, đi ngược lại với lợi ích chung của toàn thể dân tộc, mang tính chất phản động. Thông qua hành vi phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế nhằm làm suy yếu chính quyền, tạo tiền đề, cơ sở thực hiện các hoạt động chống phá có tính chất nguy hiểm cao hơn.
Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội phá hoại chính sách đoàn kết được thể hiện ở một trong số các hành vi sau:
– Hành vi gây chia rẽ :
+ Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội
Gây chia rẽ là hành vi cố ý tạo ra hoặc lợi dụng, khoét sâu thêm sự bất đồng, thiếu nhất trí, mâu thuẫn, xung đột sẵn có về lợi ích, quan điểm, quan niệm, nhận thức và tình cảm giữa các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Gây chia rẽ còn là hành vi tạo ra trạng thái tâm lý ác cảm, không thiện chí, bất hợp tác, thậm chí là thù hằn giữa một bộ phận người dân với lực lượng vũ trang nhân dân
Thủ đoạn gây chia rẽ thường là tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ cán bộ, công chức nhà nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân.
+ Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội;
Người phạm tội lợi dụng niềm tin vào tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận nhân dân cùng những phức tạp, thiếu sót trong việc thực hiện tôn giáo để xuyên tạc, bội nhọ, gây mất lòng tin tạo sự bất hóa giữa những người theo và không theo tôn giáo, giữa những người theo tôn giáo khác nhau, giữa người theo tôn giáo với chính quyền nhân dân,…
– Hành vi gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;
Gây thù hằn là hành vi gây mâu thuẫn, hận thù giữa các dân tộc: giữa dân tộc thiểu số với dân tộc đa số, hoặc giữa các dân tộc thiểu số với nhau.
Gây kì thị là hành vi tạo ra trạng thái miệt thị, coi thường những dân tộc khác với dân tộc mình.
Hành vi gây thù hằn, kì thị, chia rẽ dân tộc sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng là hoạt đông ly khai.
Kích động ly khai là một trong số những dạng biểu hiện của loại tội phạm này.
Thủ đoạn của tội phạm này là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số bộ phận người dân ở khu vực có đời sống kinh tế lạc hậu hay những sơ hở từ việc thực hiện chủ trương, chính sách của một số cấp chính quyền hoặc những vấn đề lịch sử để thực hiện hành vi kích động gây thù hằn, kyf thị, chia rẽ, đòi ly khai dân tộc.
– Hành vi phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.
Hành vi phá hoại chính sách đoàn kết có thể thực hiện bằng nhiều thủ đoạn như: xuyên tạc đường lối chính sách đối ngoại, đưa thông tin sai sự thật, gây hiềm khích thù hận giữa các dân tộc, gây khó khăn cho quan hệ Việt Nam…
Tội phá hoại chính sách có cấu thành hình thức nên trong mặt khách quan của tội phạm chỉ có dấu hiệu hành vi phạm tội là dấu hiệu có tính chất bắt buộc. Các dấu hiệu khác trong mặt khách quan không có tính chất bắt buộc
Mặt chủ quan:
Nếu mặt khách quan của tội phạm là sự biểu hiện bên ngoài của hoạt động phạm tội thì mặt chủ quan của tội phạm là thái độ tâm lý bên trong của người phạm tội được thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội do mình thực hiện và đối với hậu quả của hành vi đó.
Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm các dấu hiệu: Lỗi, động cơ phạm tội, mục đích phạm tội.
Dấu hiệu lỗi là dấu hiệu quan trọng để xác định một hành vi nguy hiểm cho xã hội có phải là tội phạm hay không. Việc xác định chính xác hình thức lỗi hay xác định được lý trí và ý chí người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có vai trò quan trọng trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội.
Lỗi cố ý trực tiếp. Về lý trí, người thực hiện hành vi phá hoại chính sách đoàn kết nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội trong hành vi của mình là làm phương hại đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, thấy trước hậu quả khi thực hiện hành vi đó. Về ý chí, người thực hiện hành vi phá hoại chính sách đoàn kết bao giờ cũng mong muốn khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết quốc tế bị phá vỡ.
Mục đích là dấu hiệu bắt buộc trong định tội.
Mục đích của tội phá hoại chính sách đoàn kết là nhằm chống chính quyền nhân dân. So với các đối tượng chứng minh khác, chứng minh mục đích phạm tội đối với tội phá hoại chính sách đoàn kết là hết sức phức tạp và khó khăn. Mục đích là dấu hiệu của mặt chủ quan của tội phạm này, là diễn biến trạng thái tâm lý bên trong của người thực hiện hành vi phạm tội nên không thể nhận thức bằng các giác quan giống như nhận thức về mặt khách quan của tội phạm mà phải bằng sự phân tích tổng hợp qua hoạt động tư duy để xác định.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phá hoại chính sách đoàn kết là người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.
4. Quy định về hình phạt đối với tội phá hoại chính sách đoàn kết
Khung 1: Từ 07 năm đến 15 năm ( quy định tại Khoản 1, Điều 116 BLHS 2015 SĐ 2017)
Khung 2: Từ 02 năm đến 07 năm (quy định tại Khoản 2, Điều 116 BLHS 2015 SĐ 2017)
áp dụng đối với trường hợp ít nghiêm trọng (chưa gây ra hậu quả hoặc gây hậu quả không đáng kể, hậu quả đã khắc phục, ngăn chặn kịp thời; người phạm tội tự thú, đâu thú, ăn năn hối cải, lập công chuộc tội)
Khung 3: 06 tháng đến 03 năm (quy định tại Khoản 3, Điều 116 BLHS 2015 SĐ 2017)
Áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết.