Tội mua bán người dưới 16 tuổi là gì? Tội mua bán người dưới 16 tuổi theo Điều 151 Bộ luật hình sự năm 2015? Quy định hình phạt đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi?
Xuất phát từ đặc điểm thể chất, tâm sinh lý của người dưới 16 tuổi mà đối tượng này luôn trở thành “tầm ngắm” của các tội phạm buôn bán người. Thực tế cho thấy, hoạt động mua bán người diễn ra ngày càng phức tạp với đường dây quy mô lớn, trong đó nạn nhân chủ yếu là người dưới 16 tuổi. Pháp luật hình sự Việt Nam đã có quy định về tội mua bán người dưới 16 tuổi, dưới đây là bài viết của tác giả về tội phạm này.
Cơ sở pháp lý:
–
Mục lục bài viết
1. Tội mua bán người dưới 16 tuổi là gì?
Theo Công ước ASEAN về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2004, “Buôn bán người” là việc tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa đảo, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa hay nhận tiền hoặc lợi ích để đạt được sự đồng ý của người có quyền kiểm soát người khác. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ở mức tối thiểu, việc bóc lột mại dâm những người khác hay những hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc việc lấy các bộ phận cơ thể.
Việc tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận trẻ em nhằm mục đích bóc lột sẽ bị coi là “buôn bán người” ngay cả khi việc này được thực hiện không cần dùng đến bất kỳ cách thức nào được quy định tại điểm (a) của Điều này;
“Trẻ em” là bất kỳ người nào dưới mười tám (18) tuổi;
Ở mức độ quốc tế và khu vực hành vi buôn bán người dưới 16 tuổi bao gồm tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận có thể được thực hiện bới bất kỳ phương thức nào nhằm mục đích bóc lột mại dâm, các hình thức bóc lột tình dục, lao động hoặc dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hay các hình thức tương tự nô lệ, khổ sai, lấy cơ quan nội tạng. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, các đặc điểm nói trên về hành vi, phương thức và mục đích được áp dụng để bảo vệ tất cả những nạn nhân dưới 18 tuổi.
Tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, có giải thích từ ngữ về hành vi mua bán trẻ em như sau:
““Mua bán trẻ em” là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi trẻ em (người dưới 16 tuổi) như một loại hàng hóa; cụ thể là một trong các hành vi sau đây:
a) Bán trẻ em cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua;
b) Mua trẻ em để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào;
c) Dùng trẻ em làm phương tiện để trao đổi, thanh toán;
d) Mua trẻ em để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích trái pháp luật khác.”
Căn cứ vào Điều 151 có thể đưa ra khái niệm về tội mua bán người dưới 16 tuổi như sau: Tội mua bán người dưới 16 tuổi là trường hợp người phạm tội có hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để
Như vậy, khái niệm tội mua bán người dưới 16 tuổi đã mô tả khái quát các dấu hiệu đặc trưng của tội mua bán người dưới 16 tuổi, qua đó thể hiện rõ chính sách hình sự của Việt nam hướng tới bảo vệ quyền con người, quyền công dân nói chung và đặc biệt là quyền của nhóm người yếu thế trong xã hội đó là trẻ em. Đồng thời, làm rõ khái niệm tội mua bán người dưới 16 tuổi trong Bộ luật hình sự năm 2015 không chỉ giúp mọi người hiểu rõ về đặc điểm pháp lý của tội phạm này mà còn tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền nhận thức và áp dụng pháp luật một cách thống nhất. Hơn nữa, làm rõ khái niệm tội mua bán người dưới 16 tuổi trên cơ sở quy định tội mua bán người dưới 16 tuổi trong Bộ luật hình sự năm 2015 góp phần khắc phục những khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian
2. Quy định về tội mua bán người dưới 16 tuổi:
Điều 151, Bộ luật hình sự quy định như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội;
c) Đối với từ 02 người đến 05 người;
d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Vì động cơ đê hèn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
e) Đối với 06 người trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
3. Các dấu hiệu pháp lý của tội mua bán người dưới 16 tuổi:
Về khách thể của tội phạm.
Khi đánh giá về khách thế của tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi có giáo trình – tài liệu giảng dạy chính thức cho rằng khách thế của tội phạm này là “nhân phẩm và sự phát triển bình thường của trẻ em”. Có tài liệu – giáo trình lại hiểu tội phạm này “xâm phạm vào quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của con người, xâm hại đến các quyền được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được Hiến pháp và pháp luật quy định.
Dưới góc độ các công trình nghiên cứu, có tác giả cho rằng tội mua bán người dưới 16 tuổi xâm phạm đến “quyền tự do thân thể, danh dự, nhân phẩm của con người được pháp luật bảo vệ”. Có tác giả lại đưa ra quan điểm khác “trẻ em bị mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt bị xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và quyền được quản lý, chăm sóc, giáo dục được luật hình sự bảo vệ”28. Quan điểm khác thì cho rằng “khách thể của tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em là quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của trẻ em; quyền của các em được nuôi dưỡng, quản lý, chăm sóc, giáo dục bởi gia đình (cha mẹ, người thân, người giám hộ, đơn vị nuôi dưỡng…), nhà trường, các cơ quan chức năng cũng như toàn xã hội”.
Về mặt khách quan của tội mua bán người dưới 16 tuổi:
Nhóm hành vi khách quan thứ nhất: Hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Đây là nhóm hành vi được kế thừa theo quy định của khoản 1 Điều 119 và Điều 120
Nhóm hành vi khách quan thứ hai: Hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Trong đó bóc lột tình dục được hiểu là ép buộc người khác bán dâm.
Nhóm hành vi khách quan thứ ba: Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi thuộc nhóm thứ nhất hoặc thứ hai. Tuyển mộ dưới góc độ ngôn ngữ được hiểu là “tuyển chọn người một cách rộng rãi để tổ chức thành lực lượng làm gì”. Theo đó tuyển mộ người dưới 16 tuổi ở trong điều luật này có thể được xác định là những hành vi tuyển lựa, lựa chọn người dưới 16 tuổi để thực hiện các hành vi như chuyển giao, tiếp nhận nhằm để giao, nhận tiến, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo) hay để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Hậu quả của tội mua bán người dưới 16 tuổi là việc nạn nhân bị đưa ra mua bán, trao đổi như hàng hóa, danh dự, nhân phẩm của họ bị chà đạp. Họ có thể bị bóc lột sức lao động, bị bóc lột tình dục, bị khổ sai, bị đánh đập và cũng có thể bị sử dụng vào những mục đích vô nhân đạo khác. Từ quy định của Điều 151 Bộ luật hình sự năm 2015 có thể thấy rằng hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, không có ý nghĩa trong việc xác định tội danh, tuy nhiên hậu quả trong trường hợp này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Tội mua bán người dưới 16 tuổi được coi là hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện được các hành vi khách quan đã được để cập ở trên, khi đó nhân phẩm của người dưới 16 tuổi đã bị xâm hại.
Về mặt chủ quan của tội mua bán người dưới 16 tuổi:
Nghiên cứu quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự năm 2015 chúng tôi cho rằng lỗi trong tội mua bán người dưới 16 tuổi là lỗi cố ý trực tiếp bởi người phạm tội nhận thức hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn thực hiện hành vi để đạt được những mục đích nhất định.
Tại Điều 151 Bộ luật hình sự năm 2015 nhà làm luật quy định các dầu hiệu mục đích khác nhau tương ứng với các hành vi phạm tội. Đối với hành vi chuyên giao hoặc nhận người, mục đích của người phạm tội được phân thành hai nhóm:
1) Mục đích “vụ lợi”, cụ thể là hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người “đế giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác”;
2) Mục đích bóc lột hoặc vô nhân đạo, bao gồm “bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lầy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc mục đích vô nhân đạo khác”.
Riêng đối với hành vi tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người thì mục đích phạm tội là thực hiện một trong các hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để đạt mục đích lợi ích vật chất hoặc mục đích bóc lột hoặc vô nhân đạo khác
Về chủ thể của tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi: Hai dấu hiệu pháp lý bắt buộc của chủ thể tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi là năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi. Người phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi có năng lực trách nhiệm hình sự là người mà khi thực hiện hành vi phạm tội này có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi và điều khiển được hành vi đó.
4. Hình phạt đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi:
– Khung hình phạt cơ bản: Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
– Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm
– Khung hình phạt tăng nặng thứ hai: Phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
– Hình phạt bổ sung: Bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản