Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì? Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếng Anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự hiện hành về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản? Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay?
Trong pháp luật hình sự, quyền sở hữu được bảo vệ thông qua các quy định về các tội xâm phạm sở hữu. Đây cũng là một trong những nhóm tội được quy định sớm nhất trong pháp luật hình sự thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng. Hiện nay, các tội phạm xâm phạm sở hữu xảy ra ngày càng phổ biến và có tính chất tinh vi, chuyên nghiệp hơn, trong đó có Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chính vì vậy mà việc có những nhận thức đúng đắn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trở thành vấn đề quan trọng và cần thiết đối với mỗi người. Bài viết tìm hiểu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và quy định của Bộ luật hình sự 2015 đối với tội phạm này.
Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Hình sự 2015.
1. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì?
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội với thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
2. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếng Anh là gì?
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếng Anh là “Obtaining property by fraud”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự hiện hành về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Từ quy định của Bộ luật hình sự 2015, ta thấy đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm như sau:
Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm quyền sở hữu về tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi này có thể được thực hiện bằng thủ đoạn có tính chất giả mạo, không đúng sự thật với ý thức lừa dối người quản lý tài sản rồi chiếm đoạt tài sản do người đó quản lý.
Tuy nhiên, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá 2.000.000 đồng trở lên.
– Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.
– Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Lưu ý, hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản của người khác bằng các thủ đoạn gian dối nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì người thực hiện hành vi không bị truy cứu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bị truy cứu TNHS về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 Bộ luật hình sự 2015.
Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Tức người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của mình, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn cho hậu quả xảy ra.
Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS.
4. Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế xã hội, đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ viễn thông và công nghệ thông tin, những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sự phát triển, biến tướng ngày càng tinh vi, khó dự đoán và khó phòng ngừa hơn, tội phạm gia tăng cả về số lượng lẫn độ nguy hiểm về thủ đoạn, hành vi của mình. Trong đó có một số hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến như sau:
– Lừa đảo thông qua việc trao đổi mua bán. Đây là hình thức lừa đảo này ít xuất hiện trong thời gian qua, tuy nhiên khi dịch Covid-19 bùng phát thì dạng lừa đảo này lại xuất hiện trở lại.
Có thể kể đến vụ án sau: Đầu năm 2020, Hồ Thúy N (SN 1986, HKTT tại H. Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhu cầu về khẩu trang và thiết bị đo thân nhiệt ở Trung Quốc tăng cao, N đã liên lạc và thỏa thuận qua điện thoại với một số người sinh sống tại Trung Quốc về việc N nhận đặt mua các loại mặt hàng này ở Việt Nam sau đó gửi sang Trung Quốc cho họ để bán và N hưởng tiền công. Sau khi thỏa thuận được, những người này đã chuyển tiền cho N hơn 1,6 tỷ đồng, số tiền này N không dùng để mua hàng như đã thỏa thuận mà sử dụng vào mục đích cá nhân.
– Lừa đảo thông qua hình thức nhận xin việc.
Đây có thể nói là hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay khi mà nhu cầu về thị trường lao động tăng cao. Chính vì vậy mà vụ việc các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn, tự giới thiệu bản thân có khả năng xin việc hoặc nhờ xin việc vào các cơ quan nhà nước, sau đó nhận hồ sơ, giấy tờ cùng tiền xin việc của những người có nhu cầu và hứa hẹn thời Điểm được đi làm.
Trong Khoảng thời gian đã hứa hẹn, các đối tượng tiếp tục đưa ra nhiều lý do khác nhau liên quan đến xin việc để bị hại chuyển thêm tiền. Các vụ án khi bị phát hiện, các đối tượng đều trình bày đã chuyển tiền cho một hoặc một số người khác để nhờ xin việc và bị chiếm đoạt, bản thân các đối tượng cũng là bị hại, tuy nhiên quá trình Điều tra không xác định được những đối tượng này hoặc xác định được nhưng không có tài liệu gì chứng minh việc giao nhận tiền, vì vậy việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt hầu như không thực hiện được.
– Lừa đảo thông qua hình thức giả danh cán bộ cơ quan nhà nước hoặc cơ quan chức năng khác
Trong Khoảng thời gian nửa cuối năm 2019, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về vụ nhiều người bị các đối tượng gọi điện thoại giả danh là cán bộ của các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thông báo người này hoặc gia đình của họ đang liên quan đến một vụ án hình sự, yêu cầu phải cung cấp số tài Khoản, mật khẩu hoặc yêu cầu chuyển tiền đến một số tài Khoản lạ để phục vụ công tác Điều tra. Đây là một thủ đoạn mới hết sức nguy hiểm, không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản mà còn gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan chức năng.
Đầu năm 2020, tại Việt Nam xuất hiện thêm hình thức giả danh thương hiệu lừa đảo qua tin nhắn trên mạng viễn thông. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các đối tượng thu thập thông tin khách hàng, sau đó giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brand Name) của các Ngân hàng phát tán tin nhắn đến số điện thoại của khách hàng trong đó kèm theo đường dẫn (Link) các web giả mạo có tên gần giống với tên trang web chính thức của Ngân hàng. Ví dụ: “***Bank thông báo: Tài Khoản của quý khách sẽ bị tạm ngưng dịch vụ vào ngày 01 tháng 12. Quý khách nhanh chóng đăng nhập vào http://www.***bank.top để kích hoạt và cập nhật tài Khoản”. Khách hàng khi đọc những tin nhắn này rất dễ nhầm lẫn đây là tin nhắn chính thức của Ngân hàng.
– Lừa đảo thông qua mạng xã hội
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin tuy mang đến nhiều tiện ích mới cho xã hội nhưng lại kéo theo nguy cơ phát sinh nhiều hình thức phạm tội mới tinh vi và khó kiểm soát hơn. Hiện nay các đối tượng phạm tội lợi dụng vào hai yếu tố: Một là tính bảo mật của ứng dụng, thiết bị chưa cao, hai là tầm hiểu biết của người dân về công nghệ thông tin chưa đồng đều và còn nhiều hạn chế.
Như vụ án Lê Tiến Đ (SN 1998, HKTT tại H. Kim Động, tỉnh Hưng Yên) lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội Zalo, Đ giả danh là người đại diện của Công ty Zalo thông báo đến anh Trần Văn T (SN 1972, HKTT tại TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) về việc tài Khoản anh T đã bị hack (chiếm quyền sử dụng) và yêu cầu anh T cung cấp cho Đ mật khẩu đăng nhập tài Khoản để khắc phục. Do tâm lý lo lắng và không hiểu biết rõ nên anh T đã cung cấp mật khẩu, sau đó Đ yêu cầu anh T đăng xuất tài Khoản. Ngay khi anh T đăng xuất, Đ đã đăng nhập vào và chiếm quyền sử dụng, thay đổi mật khẩu, sử dụng tài Khoản này dưới danh nghĩa là anh T để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.
Hoặc có thể kể đến một hình thức khác phổ biến hiện nay đó là lập các tài Khoản ảo với nội dung thông tin gần giống với thông tin của tài Khoản thật để lừa đảo người khác chuyển tiền hoặc nạp tiền. Tuy nhiên, do những hạn chế về kỹ thuật cũng như thủ đoạn của các đối tượng này là đặt máy chủ ở nước ngoài dẫn đến thực trạng các tài Khoản này vẫn tồn tại rất nhiều và ngày càng khó phân biệt với tài Khoản thật hơn, dễ gây nhầm lẫn.