Tình trạng lập quỹ trái phép thường được thực hiện trong các cơ quan nhà nước gây tiêu cực cho hoạt động quản lý nền kinh tế. Dưới đây là quy định về tội lập quỹ trái phép theo Điều 205 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Mục lục bài viết
1. Tội lập quỹ trái phép theo Điều 205 Bộ Luật hình sự 2015:
Tội lập quỹ trái phép hiện nay được quy định tại Điều 205 của Bộ luật hình sự năm 2015. Tội lập quỹ trái phép là một trong những tội thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là những hành vi nguy hiểm cho xã hội và xâm phạm đến nền kinh tế quốc dân, những hành vi phạm tội này gây ra tác hại cho lợi ích của nhà nước và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của công dân thông qua việc thực hiện những hành vi vi phạm quy định của nhà nước trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Dấu hiệu pháp lý của tội lập quỹ trái phép căn cứ theo quy định tại Điều 205 của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:
Thứ nhất, dấu hiệu chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội phạm lập quỹ trái phép theo Điều 205 Bộ Luật hình sự 2015 này được quy định là người có chứ vụ, quyền hạn trong các cơ sở hoạt động kinh tế hoặc trong các cơ quan của nhà nước, các tổ chức xã hội.
Ngoài ra, chủ thể của tội phạm này phải đáp ứng đủ điều kiện từ đủ 16 tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện nay phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội (trong đó có tội lập quỹ trái phép theo Điều 205 Bộ Luật hình sự 2015).
Như vậy chủ thể của tội lập quỹ trái phép theo Điều 205 Bộ Luật hình sự 2015 phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân thực hiện tội phạm một mình nhưng cũng có thể là nhiều người cùng thực hiện tội phạm. Trường hợp nhiều người thực hiện cùng một tội phạm được quy định theo Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thứ hai, dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm. Hành vi được quy định là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái phép. Trong đó, quỹ trái phép được hiểu là quỹ tiền mặt (tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ) hoặc quỹ các loại hàng hoá khác được lập mà không có sự báo cáo và do đó không chịu sự kiểm soát của cơ quan có chức năng hoặc cơ quan cấp trên có thẩm quyền. Hành vi lập quỹ trái phép bị coi là tội phạm khi người phạm tội sử dụng quỹ đó gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 50 triệu đồng trở lên hoặc tuy chưa gây thiệt hại nhưng người lập quỹ đã bị xử lí kỉ luật về hành vi này mà còn vi phạm (như tiếp tục phát triển quỹ hoặc không giải tán quỹ trái phép).
Thứ ba, dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm. Lỗi của người phạm tội lập quỹ trái phép theo Điều 205 Bộ Luật hình sự 2015 được quy định là lỗi cố ý đối với hành vi lập quỹ trái phép.
Thứ tư, khách thể của tội phạm lập quỹ trái phép theo Điều 205 Bộ Luật hình sự 2015 này chính là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của Nhà nước về lập ra các loại quỹ.
2. Hình phạt đối với tội lập quỹ trái phép theo Điều 205 Bộ Luật hình sự 2015:
Điều 205 Bộ Luật hình sự 2015 quy định 03 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung, cụ thể như sau:
Thứ nhất, khung hình phạt cơ bản có mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Thứ hai, khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:
– Dùng thủ đoạn xảo quyệt để trốn tránh việc kiểm soát;
– Để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác;
– Gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 200 triệu đồng đến dưới 01 tỉ đồng.
Thứ ba, khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm được quy định cho trường hợp gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước từ 01 tỉ đồng trở lên.
Thứ tư, khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
3. Phân biệt tội lập quỹ trái phép và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản:
Tội lập quỹ trái phép và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hiện nay vẫn đang bị nhầm lẫn, có thể phân biệt qua những dấu hiệu pháp lý sau:
Tiêu chí | Tội lập quỹ trái phép | Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản |
Cơ sở pháp lí | Điều 205 Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) | Điều 355 Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) |
Khách thể | Khách thể của tội phạm tội lập quỹ trái phép theo Điều 205 Bộ Luật hình sự 2015 chính là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của cơ quan nhà nước về lập ra các loại quỹ. Đối tượng tác động của tội phạm tội lập quỹ trái phép theo Điều 205 Bộ Luật hình sự 2015 là tiền, hoặc các loại tài sản khác mà người phạm tội dùng vào việc lập quỹ trái phép. | Khách thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức; tội phạm này làm cho cơ quan bị suy yếu, các tổ chức bị mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chính quyền; cao hơn là chính thể bị sụp đổ. Ngoài ra, khách thể của tội này còn là chế độ sở hữu tài sản bởi tội phạm xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cơ quan, cá nhân khác. |
Chủ thể | Chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, chỉ có người có quyền hạn, chức vụ mới là chủ thể của tội phạm này. Ngoài ra, chủ thể của tội pham phải đáp ứng đủ điều kiện từ đủ 16 tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. | Người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản phải là người có chức vụ, quyền hạn. Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. |
Mặt chủ quan | Tội phạm được thực hiện do cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người phạm tội biết hành vi lập quỹ của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố tình thực hiện tội phạm. | Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, cũng là tội phạm có tính chất chiếm đoạt nên cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt khác, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), hay nói cách đơn giản hơn là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, người phạm tội nhìn thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Vì vậy, mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Nếu mục đích của người phạm tội chưa đạt được (chưa chiếm đoạt được tài sản), thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. |
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).