Tội lập quỹ trái phép được quy định tại Điều 166 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Tội lập quỹ trái phép được quy định tại Điều 166 Bộ luật hình sự với nội dung cụ thể như sau:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái phép có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng và đã sử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:
a) Dùng thủ đoạn xảo quyệt để trốn tránh việc kiểm soát;
b) Để thực hiện tội phạm khác;
c) Quỹ trái phép có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười năm:
a) Quỹ trái phép có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Phạm tội trong trường hợp quỹ trái phép có giá trị từ một tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ tám năm đến mười lăm năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng
Lập quỹ trái phép là một trong những tội phạm mang tính chất khá phức tạp và đang xảy ra rất phổ biến, để có thể hạn chế tội phạm này cần có sự hiểu biết cụ thể và nhìn nhận tội phạm một cách chính xác.
- Chủ thể tội phạm
Đây là tội phạm đòi hỏi dấu hiệu chủ thể đặc biệt. Chủ thể của tội phạm này là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ sở hoạt động kinh tế hoặc trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội.
- Mặt chủ quan của tội phạm:
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.
- Khách thể của tội phạm:
Đây là tội phạm được quy định tại Chương XVI, tội phạm xâm phạm đến về trật tự quản lí kinh tế.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
- Mặt khách quan của tội phạm
Người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái phép.
Quỹ trái phép được hiểu là quỹ tiền mặt (tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ) hoặc quỹ các loại hàng hóa khác được lập mà không có sự báo cáo và do đó không chịu sự kiểm soát của cơ quan có chức năng hoặc cơ quan cấp trên có thẩm quyền.
Việc lập quỹ trái phép bị coi là tội phạm khi quỹ có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên và đã sử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tuy chưa sử dụng nhưng người lập quỹ đã bị xử lí kỉ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm (tiếp tục phát triển quỹ hoặc không giải tán quỹ trái phép).
2. Hình phạt
Điều 166 Bộ luật hình sự quy định 4 khung hình phạt.
Khung cơ bản có mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Khung tăng nặng thứ nhất có mức hình phạt tù từ 3 năm đến 7 năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng sau:
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt để trốn tránh việc kiểm soát;
- Để thực hiện tội phạm khác;
- Quỹ trái phép có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
- Gây hậu quả nghiêm trọng.
Khung tăng nặng thứ hai có mức hình phạt tù từ 6 năm đến 10 năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng sau:
- Quỹ trái phép có giá trị từ 500 triệu đến dưới 1 tỉ đồng;
- Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Khung tăng nặng thứ ba có mức hình phạt tù từ 8 năm đến 15 năm được áp dụng cho trường hợp quỹ trái phép có giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên.
Hình phạt bổ sung được quy định cho tội này là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng.