Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là gì? Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự tiếng Anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự? Dấu hiệu pháp lý? Hình phạt?
Bảo vệ Tổ quốc có thể nói là nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý nhất của mỗi công dân.
Cơ sở pháp lý:
–
Mục lục bài viết
1. Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là gì?
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ bắt buộc của mỗi công dân. Nghĩa vụ quân sự được quy định tại Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 như sau:
“1. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
2. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.
3. Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
4. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình:
a) Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực;
b) Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên;
c) Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị;
d) Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế – quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
đ) Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.
Theo đó, làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ với các nghĩa vụ trên.
Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý, xâm phạm đến… bằng hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm không đúng các quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện.
2. Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự tiếng Anh là gì?
Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong tiếng Anh là “Violation against regulations of law on conscription”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự về Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự
Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự được quy định tại Điều 334 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“Điều 334. Tội làm trái quy định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội trong thời chiến, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
4. Dấu hiệu pháp lý
4.1. Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý của Nhà nước đối với việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân.
4.2. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với các quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với các quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, như người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm báo cáo nhưng không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, chính xác danh sách công dân trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự hoặc số lượng quân nhân dự bị và người sẵn sàng nhập ngũ ở cơ quan, tổ chức mình theo quy định, không bố trí thời gian cho công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự, thực hiện việc sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự…
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với các quy định của pháp về gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện như không gọi hoặc không phát giấy gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện đối với người phải gọi nhập ngũ, phải gọi tập trung huấn luyện..
4.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, tức người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi gây ra nhưng vẫn thực hiện tội phạm.
4.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người đủ tuổi và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, tội phạm này có dấu hiệu chủ thể đặc biệt.
Theo đó, chủ thể đặc biệt bao gồm những người có chức vụ, quyền hạn trong việc thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện. Người có chức vụ quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Người có chức vụ, quyền hạn trong việc thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ gọi tập trung huấn luận có thể kể đến như:
– Cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự:
+ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân cư trú tại địa phương.
+ Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân làm việc, học tập tại cơ quan, tổ chức và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện) nơi cơ quan, tổ chức đặt trụ sở; trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự ở cơ sở thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tại nơi cư trú.
– Thẩm quyền quyết định việc gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
+ Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian, số lượng gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); quyết định gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân lần thứ hai; quyết định điều chỉnh số lượng, thời gian gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân đối với cấp tỉnh theo quy định tại Điều 33 của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.
+ Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định số lượng gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho đơn vị thuộc quyền ở từng địa phương cấp tỉnh.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao số lượng gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho địa phương cấp huyện.
+ Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự cấp tỉnh, cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc giao số lượng gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho địa phương cấp huyện, cấp xã và cơ quan, tổ chức trên địa bàn; chỉ đạo tuyển chọn công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao số lượng gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho địa phương cấp xã và cơ quan, tổ chức trên địa bàn; quyết định danh sách công dân gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo đề nghị của Hội đồng nghĩa vụ quân sự cùng cấp.
+ Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi từng công dân nhập ngũ; Trưởng Công an cấp huyện ra lệnh gọi từng công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Lệnh gọi nhập ngũ, gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phải được giao cho công dân trước thời gian ghi trong lệnh 15 ngày.
5. Hình phạt
Khung hình phạt tại Khoản 1
Người phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Khung hình phạt tại Khoản 2
Phạm tội trong thời chiến, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Khung hình phạt tại Khoản 3
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội. Thời hạn cấm là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Thực hiện nghĩa vụ quân sự là tham gia, đóng góp một phần sức lực của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng và toàn dân tộc, trong đó hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn đi đầu và được xem là tấm gương sáng cho mọi thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo. Điều này có sự đóng góp không nhỏ của những người có thẩm quyền trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để góp phần bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự theo đúng quy định của pháp luật, tạo nên sự vững mạnh cho nền quốc phòng toàn dân.