Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước là gì? Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Tiếng Anh là gì? Cấu thành tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước? Quy định về hình phạt đối với tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước?
Tội xâm phạm an ninh quốc gia là tội phạm xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là nhóm tội nguy hiểm nhất bao gồm nhiều tội phạm khác nhau được quy định tại Chương XIII: Quy định các tội phạm xâm phạm đến an ninh Quốc gia
1. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước là gì?
Điều 117
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia làm suy yếu sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.
2. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Tiếng Anh là gì?
Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Tiếng Anh là: “Making, storing, spreading information, materials, items for the purpose of opposing the State of Socialist Republic of Vietnam”.
3. Cấu thành tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước
Về khách thể:
Khách thể của tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là an ninh trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tư tưởng là quan điểm, ý nghĩ chung của con người đối với hiện thực khách quan.
Văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần do con người và loài người sáng tạo nhờ lao động và hoạt động thực tiễn trong quá trình lịch sử của mình.
An ninh trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa là sự ổn định của đời sống tinh thần và sự thống nhất về nền tảng chính trị – tư tưởng ở mỗi một quốc gia, là lòng tin của quân chúng vào hệ thống chính trị và thể chế chính trị quốc gia, bảo đảm cho quốc gia có được sự ổn định cần thiết đề phát triển mọi mặt.
Mặt khách quan:
Mặt khách quan của tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện ở những hành vi sau đây:
– Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân
+ Người phạm tội có hành vi làm ra, tạo ra, xác lập thông tin, tài liệu, vật phẩm có những nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân như viết, vẽ, dựng lên, sao chép, ghi âm, ghi hình, in ấn, chế tạo, sản xuất ra…thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo ra hình ảnh méo mó, phản cảm, làm sai lệch về việc làm, hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội nhằm truyền bá, gieo rắc những tư tưởng nghi ngờ, bất mãn đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, kích động tư tưởng, hành động chống đối, oán ghét, căm thù chính quyền hoặc có lời nói, việc làm xúc phạm chính quyền nhân dân.
Khái niệm “vật phẩm” được hiểu là những vật do người phạm tội làm ra hoặc sử dụng để ghi nhận, phản ánh, chứa đựng các thông tin hoặc tài liệu trái pháp luật. Trong thực tế, vật phẩm thường là băng rôn, khẩu hiệu, băng đĩa ghi âm, ghi hình .v.v..
Xuyên tạc là việc cố ý đưa ra thông tin sai sự thật với dụng ý xâu.
Phỉ báng là bôi nhọ, nói xấu, vu khống, vụ cáo theo cách cay nghiệt.
+ Người phạm tội có hành vi tàng trữ (cất giấu trong người, trong hành lý, trong phương tiện giao thông, lưu trữ trong máy tính, tại nơi ở, nơi làm việc…) thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.
+ Người phạm tội có hành vi phát tán (rải tờ rơi, đưa truyền trên mạng Internet, mạng viễn thông…) thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.
+ Người phạm tội có hành vi tuyên truyền (có lời nói, cho xem, cho đọc, cho nghe…) nhằm truyền bá, chuyển tải đến cho người khác thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.
– Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.
Bịa đặt là việc đưa ra thông tin không đúng sự thật.
Đó là những thông tin, tài liệu, vật phẩm không có thật trong thực tế nhưng được người phạm tội làm giả, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền hoặc có trong thực tế nhưng làm sai lệch về nội dung, bản chất của thông tin, tài liệu, vật phẩm gây hoang mang trong nhân dân, bức xúc trong nhân dân với mục đích chống chính quyền nhân dân.
– Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
Đó là những hành vi làm ra, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có tác dụng tác động đến tư tưởng, tâm lý gây ra sự bất mãn, tức giận, căm ghét chế độ chính trị, chính quyền nhân dân.
Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc các hành vi nêu trên; hành vi phạm tội có thể được thực hiện bí mật hoặc công khai hoặc có thể là hành vi có tính chất lập lờ hai mặt.
Tội phạm này có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong những hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm.
Mặt chủ quan:
Lỗi của tội phạm này là lỗi cố ý trực tiếp
Về lý trí , người thực hiện hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội trong hành vi của mình là làm phương hại đến an ninh trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thấy trước hậu quả khi thực hiện hành vi đó. Về ý chí, người thực hiện hành vi bao giờ cũng mong muốn làm mất ổn định an ninh trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa.
Mục đích của người phạm tội là chống chính quyền nhân dân.
Về chủ thể:
Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực TNHS và đã thực hiện hành vi phạm tội.
4. Quy định về hình phạt đối với tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước
Hình phạt đối với người phạm tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước gồm 3 khung hình phạt chính:
– Khung 1: Quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 12 năm
Áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.
– Khung 2: Quy định hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm
Áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
– Khung 3: Quy định hình phạt từ 01 năm đến 05 năm tù
Người chuẩn bị phạm tội này sẽ áp dụng khung hình phạt từ 01 – 05 năm tù.
Căn cứ pháp lý: Điều 117
Quy định về hình phạt bổ sung:
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung quy định tại Điều 122 BLHS năm 2015 như sau:
Tước một số quyền công dân (Quy định tại Điều 44 BLHS 2015 sửa đổi 2017)
Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước có thể bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:
– Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;
– Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Phạt quản chế (Quy định tại Điều 43 BLHS sửa đổi bổ sung năm 2017)
Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật này quy định.
Thời hạn quản chế là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Cấm cư trú (Quy định tại Điều 42 BLHS 2015 sửa đổi 2017)
– Cấm cư trú là buộc người bị kết án phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định.
– Thời hạn cấm cư trú là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù
Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Quy định tại Điều 45 BLHS 2015 sửa đổi 2017)
Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước.
Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma tuý, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.