Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán là gì? Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán?
Chào bán, niêm yết chứng khoán là quan trọng để tiếp cận với thị trường, hoạt động này cần có sự chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, kỹ lưỡng, làm cơ sở quan trọng cho mọi hoạt động quản lý. Hành vi làm giải tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán là hành vi vi phạm pháp luật, được coi là tội phạm theo quy định tại Điều 212
Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
– Luật Chứng khoán năm 2019.
1. Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán là gì?
Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
– Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
– Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
– Chứng khoán phái sinh;
– Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.
Chào bán chứng khoán là hoạt động phát hành các loại chứng khoán ra công chúng để thu hút vốn nhằm thỏa mãn nhu cầu về vốn của chủ thể chào bán.
Niêm yết chứng khoán là việc đưa các chứng khoán có đủ điều kiện vào giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán.
Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi cố ý làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán và thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng từ hành vi đó.
2. Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán trong Tiếng anh là gì?
Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán trong Tiếng anh là “Forging documents in offering or listing profile”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự về tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán?
Điều 212 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
“1. Người nào làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;
c) Có tổ chức;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
3.1. Dấu hiệu khách thể của tội phạm.
Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán.
Đối tượng của tội phạm là hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán. Hồ sơ chào bán chứng khoán (hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán) ví dụ như đối với hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu đối với công ty cổ phần bao gồm:
– Giấy đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng;
– Bản cáo bạch;
– Điều lệ của tổ chức phát hành;
– Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán và văn bản cam kết niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán;
– Văn bản cam kết đáp ứng quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều 15 của Luật này;
– Văn bản cam kết của các cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành về việc cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
– Hợp đồng tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng với công ty chứng khoán;
– Văn bản xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán;
– Cam kết bảo lãnh phát hành (nếu có).
Hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của công ty chào bán cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cổ phần hóa bao gồm:
– Giấy đăng ký niêm yết cổ phiếu theo Mẫu.
– Bản cáo bạch niêm yết theo Mẫu ; Giấy chứng nhận đăng ký chào bán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, báo cáo kết quả chào bán chứng khoán ra công chúng của tổ chức đăng ký niêm yết hoặc quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về Đề án cổ phần hóa (trong trường hợp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp cổ phần hóa); Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu;
– Sổ đăng ký cổ đông của tổ chức đăng ký niêm yết được lập trong thời hạn 01 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký niêm yết; kèm theo danh sách cổ đông lớn, cổ đông chiến lược, người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ (số lượng, tỷ lệ nắm giữ, thời gian bị hạn chế chuyển nhượng (nếu có));
– Cam kết của cổ đông là cá nhân, tổ chức có đại diện sở hữu là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban Kiểm soát (Kiểm soát viên), Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính và các chức danh quản lý tương đương do Đại hội đồng cổ đông bầu hoặc Hội đồng quản trị bổ nhiệm và cam kết của cổ đông lớn là người có liên quan của các đối tượng trên về việc nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 06 tháng kể từ ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 06 tháng tiếp theo;
– Hợp đồng tư vấn niêm yết, trừ trường hợp tổ chức đăng ký niêm yết là công ty chứng khoán;
– Giấy chứng nhận của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam về việc cổ phiếu của tổ chức đăng ký niêm yết đã đăng ký chứng khoán tập trung;
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương;
–
3.2. Dấu hiệu khách quan của tội phạm.
Hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm là: làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán.
Làm giả là hành vi được thực hiện bằng các thủ đoạn khác nhau làm cho các tài liệu bị sai hoặc khác hơn so với tài liệu gốc. Ví dụ như hành vi làm giả báo cáo tài chính của công ty cổ phần hoặc phần vốn góp được hoán đổi đã được kiểm toán, làm giả bản chính ý kiến bằng văn bản của tổ chức thẩm định giá độc lập… Hành vi làm giả này dẫn đến việc hiểu sai của nhà đầu tư về chứng khoán được niêm yết hoặc chào bán từ đó có thể gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Cùng với đó phải thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
3.3. Dấu hiệu chủ quan của tội phạm.
Người phạm tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ là vì vụ vụ lợi.
3.4. Dấu hiệu chủ thể của tội phạm.
Chủ thể của tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán là chủ thể bình thường, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật định.
3.5. Hình phạt áp dụng.
Điều 212 quy định có 2 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung, cụ thể:
– Khung hình phạt cơ bản: bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Khung hình phạt tăng nặng: bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, khi có một trong các tình tiết sau:
+ Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;
+ Có tổ chức: Là trường hợp có từ hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm và đòi hỏi phải có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Khi đã xác định được trường hợp cụ thể đó là phạm tội có tổ chức, thì phải áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với tất cả những người cùng thực hiện tội phạm (người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức). Mức độ tăng nặng phụ thuộc vào quy mô tổ chức, vai trò của từng người trong việc tham gia vụ án
+ Tái phạm nguy hiểm: Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; hoặc Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho nhà đầu tư phải có mối quan hệ nhân quả với hành vi.
– Khung hình phạt bổ sung: bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán mới được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, là cơ sở pháp lý cho việc xử lý nghiêm những hành vi có ảnh hưởng xấu cho thị trường chứng khoán, gây thiệt hại cho quyền lợi của nhà đầu tư. Từ đó, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.