Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ? Quy định mới nhất về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ? Dấu hiệu pháp lý của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ?
Trên thực tế có các hành vi phạm tội cùng gây ra một hậu quả giống nhau cụ thể đối với hậu quả làm chết người. Tuy nhiên dựa theo những yếu tố cấu thành tội phạm đó lại được phân ra các tội phạm liên quan tới hậu quả làm chết người khác nhau như tội giết người, tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ….Trong số đó có tội làm chết người trong khi thi hành công vụ so với các tội gây hậu quả chết người thì tội làm chết người trong khi thi hành công vụ có những yếu tố rất riêng biệt về chủ thể, lỗi… Vậy cụ thể pháp luật có quy định mới nhất về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ như thế nào? Dưới đây là thông tin chi tiết về nội dung này.
Cơ sở pháp lý:
1. Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
Chúng ta có thể hiểu đơn giản về tội này đó là khi một người nào đó làm chết người trong khi thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp được pháp luật cho phép trong khi thi hành công vụ dẫn đến chết người. Pháp luật có quy định cụ thể về hình phạt đối với tội này tại
2. Quy định mới nhất về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
Để thực hiện công vụ của mình, pháp luật trao cho người thi hành công vụ những công cụ cần thiết để cưỡng chế, trấn áp người vi phạm pháp luật nếu họ có hành vi chống trả. Tuy nhiên nếu người thi hành công vụ lạm dụng quyền năng này gây thiệt hại cho tính mạng của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Điều 127. Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau:
1. Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó pháp luật đã có quy định cụ thể đối với tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, Hình phạt được áp dụng có thể là từ 5 đến 10 năm tù, từ 8 đến 15 năm tù…Tùy theo các đặc điểm về tính chất và mức độ của tội phạm. Cấu thành tội phạm cơ bản của tội phạm là phạt tù từ 5 đến 10 năm. Cấu thành tội phạm tăng nặng là phạt tù từ 8 đến 15 năm đối với trường hợp phạm tội làm chết 02 người trở lên hoặc đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Những trường hợp luật cho phép sử dụng vũ lực khi thi hành công vụ được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự và theo Điều 23. Các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.
Người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong trường hợp sau đây:
+ Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó
+ Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ
+ Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật
+ Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác;(v) Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ
+ Được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Ngoài những hình phạt kể trên theo quy định thì người phạm tội làm chết người trong khi thi hành công vụ còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, trong trường hợp mà hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Như vậy, dù xuất phát từ lý do nào, nếu trong quá trình thực hiện công vụ, nhiệm vụ của mình dẫn đến hậu quả chết người, người đảm nhiệm chức vụ, nhiệm vụ vẫn phải chịu trách nhiệm vì hành vi của mình. Vì xét về mặt khách quan, người thi hành công vụ phải ý thức được công việc và giới hạn được nhiệm vụ của mình, ý thức được hành vi của mình. Yếu tố lỗi vẫn được đặt ra ở đây đối với người có hành vi tước đi mạng sống của người khác. Các quy định của pháp luật về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này là hoàn toàn hợp lý vì mức độ nguy hiểm của hành vi.
3. Dấu hiệu pháp lý của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
3.1. Chủ thể của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
Đầu tiên, khi xét về một tội phạm nào đó với các hành vi nguy hiểm cụ thể do pháp luật quy định thì vấn đề đầu tiên thường được quan tâm và quan trọng đối với việc xác định tội danh và cấu thành tội phạm đó chính là chủ thể, chủ thể của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi theo luật định. Bên cạnh đó, họ còn phải là những người đang thi hành công vụ nói chung như đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, đó cũng có thể là những công dân được huy động làm nhiệm vụ như: tuần tra, canh gác, bảo vệ theo kế hoạch của các cơ quan có thẩm quyền hoặc công dân, vì lợi ích chung của xã hội.
3.2. Khách thể của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
Khách thể của tội này đó là việc xâm phạm tới các quan hệ nhân thân cụ thể là quyền sống của con người.
3.3. Mặt khách quan của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
Xét về mặt khách quan của tội làm chết người trong thi hành công vụ đó là xét trên các hành vi khách quan của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ đó là các hành vi như dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép trong khi thi hành công vụ và hành vi này phải liên quan trực tiếp đến công vụ mà người đó đang thực hiện. Hành vi dùng vũ lực có thể là dùng sức mạnh vật chất tác động vào thân thể người khác làm cho họ chết hoặc bị thương. Các hình thức dùng vũ lực như dùng vũ khí hoặc tay chân đấm, đá… Các loại vũ khí bao gồm: súng, đạn, lựu đạn, bom, mìn, thuốc nổ, lê, dao găm, mã tấu và các vũ khí thô sơ khác được giao cho người có quyền sử dụng để thực hiện công vụ.
Ngoài ra còn dựa trên dấu hiệu đó là các hành vi dùng vũ lực của chủ thể trong trường hợp này chứa đựng nguy cơ gây thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp, và không được pháp luật cho phép. Trong trường hợp đang thi hành công vụ coi thường tính mạng của người khác, sử dụng vũ khí vô nguyên tắc làm chết người thì dù là người đang thi hành công vụ vẫn phạm tội giết người. Người đang thực hiện công vụ có hành vi làm chết người nhưng nạn nhân không liên quan trực tiếp đến công vụ của họ thì không phạm tội làm chết người trong khi thi hành công vụ mà có thể bị kết án về tội giết người.
3.4. Mặt chủ quan của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
Theo quy định của pháp luật căn cứ vào đó co thể thấy mặt chủ quan của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ đó là người phạm tội này có lỗi và lỗi của người phạm tội trong khi thi hành công vụ là lỗi cố ý gián tiếp, có nghĩa là người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra. Động cơ phạm tội của người đang thi hành công vụ là nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức hoặc của công dân. Nếu không xuất phát từ động cơ này thì người phạm tội phải bị xử phạt về tội khác.
3.5. Hậu quả của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
Dựa vào những dấu hiệu và căn cứ vào hành vi của người phạm tội có thể nhận thấy hậu quả của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ là thiệt hại về vật chất – hậu quả chết người, dấu hiệu hậu quả là dấu hiệu bắt buộc với loại tội này.
3.6. Mối quan hệ nhân quả của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
Mối quan hệ nhân quả ở đây đó là hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép chính là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung Quy định mới nhất về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ và các thông tin pháp lý khác dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.