Chống khủng bố là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố ngày càng phát triển, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, quốc gia. Vậy Khủng bố là gì?
Mục lục bài viết
1. Tội khủng bố là gì?
Thực tế cho thấy hầu hết các điều ước quốc tế đều không đưa ra được định nghĩa khủng bố, hoặc có thì cũng không nhắc đến khái niệm khủng bố một cách trực tiếp.
Các cơ quan hữu quan của Liên hợp quốc định nghĩa : Hoạt động khủng bố là hoạt động hủy hoại nhân quyền, quyền dân chủ và tự do cá nhân, uy hiếp sự an toàn và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, tạo sức ép lên quốc gia, phá vỡ văn minh xã hội, là hành vi phạm tội với việc gây hậu quả bất lợi cho sự phát triển kinh tế- xã hội.
Tuyên ngôn về vấn đề chủ nghĩa khủng bố của Liên hợp quốc nêu rõ: Tất cả các hình thức của chủ nghĩa khủng bố, dù xảy ra ở nơi nào, ai là kẻ chủ mưa, và hành vi phạm tội ra sao, cũng không thể thanh minh, cho nên thông qua các điều của Hiệp ước Quốc tế, cần thêm mức độ xử phạt.
Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013: Khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng.
Như vậy, “Tội khủng bố” là tội phạm nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Bộ luật hình sự, là hành vi gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng, chống chính quyền nhân dân, xâm phạm đến tính mạng của người khác, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân (là hành vi làm cho tài sản mất giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được).
2. Phân loại khủng bố:
Khủng bố nhà nước (State terrorism)
– Đây là hành động khủng bố do nhà nước thực thi, sử dụng các công cụ mà một nhà nước có sẵn như các cơ quan cưỡng chế, thực thi pháp luật dựa trên những phương tiện đã được hợp thức hóa.
– Vụ Israel giết hại những thủ lĩnh của phong trào Hamas thuộc Palestine năm 2004 được cho là một ví dụ của khủng bố nhà nước.
Khủng bố có sự tài trợ của nhà nước (State-sponsored terrorism)
– Đây là hành động khủng bố của một nhóm khủng bố trong nước hoặc quốc tế, có sự tài trợ của chính quyền quốc gia.
– Theo Mỹ, Afghanistan, Libya và Iraq là ba quốc gia chính tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế vì những mục đích riêng. Với phương thức này, quốc gia tài trợ khủng bố có thể sử dụng các nhân viên mật vụ hoặc người đại diện cùa mình nhằm tạo nên sự bất ổn về kinh tế và chính trị tại một quốc gia khác.
– Các quốc gia còn có thể tài trợ khủng bố bằng cách hỗ trợ phương tiện, tiền bạc, vũ khí và các thiết bị quân sự, huấn luyện và cung cấp thông tin tình báo về đường di chuyển cho những kẻ khủng bố.
Khủng bố của những người theo chủ nghĩa dân tộc (Nationalist terrorism), hoặc chủ nghĩa khủng bố mang màu sắc li khai sắc tộc.
– Theo đó, các hoạt động khủng bố thường được dùng trong những hoạt động của các phong trào chống thực dân của những người theo chủ nghĩa dân tộc, hoặc bởi các nhóm đấu tranh đòi li khai khỏi một quốc gia nào đó.
– Ví dụ như phong trào xứ Basque ở Tây Ban Nha, phong trào của người Sikh ở Ấn Độ, hay các phong trào chống Israel của người Palestine.
Khủng bố ý thức hệ (Ideological terrorism/Social terrorism)
Với hình thức này, những kẻ khủng bố sử dụng hoạt động khủng bố để thay đổi một chính sách đối nội (ví dụ như luật phá thai) hoặc để lật đổ một Chính phủ nào đó. Loại khủng bố này cũng có thể mang màu sắc tôn giáo.
Khủng bố của tổ chức tội phạm xuyên quốc gia (Criminal terrorism)
– Các tập đoàn buôn bán ma túy có thể dùng hoạt động khủng bố để bảo vệ lợi ích riêng bằng cách tấn công Chính phủ và các cá nhân có ý định gây khó khăn cho hoạt động và tầm ảnh hưởng của họ.
– Ví dụ, những tổ chức Mafia của Ý đã sử dụng khủng bố để ngăn chặn các nỗ lực trấn áp hoạt động tội phạm của Chính phủ nước này.
3. Tội khủng bố theo Bộ luật hình sự năm 2015 , sửa đổi bổ sung năm 2017:
Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội khủng bố tại hai Điều luật, cụ thể như sau:
“Điều 299. Tội khủng bố
1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
* Về dấu hiệu khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm ở khoản 1 là hành vi xâm phạm đến tính mạng người khác, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức cá nhân.
Nhóm hành vi thứ hại (Khoản 2) là :Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố; Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nhóm thứ ba là hành vi đe dọa thực hiện các hành vi trên (khoản 2) hoặc hành vi khác uy hiếp tinh thần, có thể được thực hiện bằng lời nói, gửi tin nhắn, hình ảnh hoặc bằng các hành vi khác làm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân biết được và lo sợ về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ
* Mặt chủ quan của tội phạm:
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.
Mục đích của người phạm tội là gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng- là trạng thái tâm lý lo lắng, sợ hãi, hoang mang của người dân về an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ (ví dụ: hành vi gây nổ ở khu vực bến xe làm cho người dân lo lắng về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của họ khi tham gia giao thông).
Để gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, các hành vi khủng bố quy định tại Điều 299 của Bộ luật Hình sự có thể được thực hiện ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người (ví dụ: quảng trường, trung tâm thương mại, nơi giao cắt đường giao thông, tại nhà ga các phương tiện giao thông, trên các phương tiện giao thông, tại các nơi vui chơi, giải trí, du lịch, trường học, bệnh viện, khu dân cư, tại các tòa nhà,…).
Hành vi được thực hiện ở những địa điểm có tính biệt lập, không phải nơi công cộng (ví dụ: tại nhà riêng hoặc trong trụ sở cơ quan…) nhưng nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố theo Điều 299 của Bộ luật Hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này.
* Chủ thể của tội phạm: Là người đủ tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự, là chủ thể bình thường.
* Khách thể của tội phạm: Tội khủng bố làm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.
* Hình phạt: Điều 299 quy định 3 khung hình phạt cho ba dạng hành vi phạm tội.
Khung hình phạt đối với hành vi phạm tội thứ nhất là bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Khung hình phạt đối với nhóm hành vi thứ hai, bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.
Khung hình phạt đối với nhóm hành vi thứ ba, bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Khung hình phạt bổ sung: bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
“Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3.Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
– Người thực hiện hành vi khủng bố phải nhằm một trong hai mục đích là nhằm chống chính quyền nhân dân hoặc nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Các dạng hành vi khủng bố bao gồm: Xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân; Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố; Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.
– Hậu quả do hành vi khủng bố gây ra bắt buộc và được coi là phương tiện để người phạm tội đạt được với mục đích chống chính quyền nhân dân.
– Người phạm tội khủng bố phải chịu hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình và có hình phạt từ 01 năm đến 05 năm đối với người chuẩn bị phạm tội.
Tuy nhiên các hành vi trong Điều 113 này chỉ cấu thành tội phạm khủng bố theo quy định của
Kết luận: Thiếu pháp luật quốc tế, sự hợp tác của các quốc gia trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố khó mang lại hiệu quả thiết thực. Cơ sở của luật pháp quốc tế về chống chủ nghĩa khủng bố nói riêng và chủ nghĩa khủng bố quốc tế nói chung đã có, song chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ. Tuy nhiên, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố đã được tăng cường hơn, ý thức của cộng đồng quốc tế về mối nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố cũng được nâng cao hơn. Chính vì thế, pháp luật quốc tế về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố cũng đang có nhiều triển vọng phát triển và hoàn thiện, vượt qua sự khác biệt về tôn giáo, ý thức hệ và bối cảnh phức tạp của các quốc gia.
Cơ sở pháp lý sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017
– Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013.
– Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 299 và Điều 300 Bộ luật hình sự.