Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là gì? Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách trong tiếng Anh là gì? Cấu thành tội phạm của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách?
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp mới thành lập gia tăng đột biến, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh cá thể. Nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế chính sách, sự mở cửa của nền kinh tế để thành lập doanh nghiệp với mục đích in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước nhằm trục lợi thuế. Hiện nay Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN được quy định tại Điều 203
Cơ sở pháp lý
1. In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ là gì:
Trong nền kinh tế thị trường, mở rộng hợp tác quốc tế như hiện nay, việc in, phát hành và mua bán hóa đơn, chứng từ là công việc thường nhật, hằng ngày của các doanh nghiệp. Để đơn giản hóa thủ tục, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp theo kịp sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước, các cơ quan nhà nước đã giảm sự can thiệp vào hoạt động in, phát hành, mua bán hóa đơn, chứng từ của các doanh nghiệp. Các cơ quan thuế và tài chính đã giao quyền cho các doanh nghiệp để họ tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động này, các cơ quan nhà nước sẽ chỉ thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp này khi có dấu hiệu vi phạm hoặc nghi ngờ. Vậy nên, để thuận tiện và dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp khi thực hiện việc in, phát hành, mua bán hóa đơn, chứng từ nhà nước đã ban hành và liên tục cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này.
1.1. Về in, phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ:
Về nguyên tắc in, khởi tạo, phát hành hóa đơn, chứng từ được quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định số 51/2010/NĐ–CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ ngày 14/05/2010 và tại Điều 5 Thông tư số 39/2014/TT–BTC Thông tư hướng dẫn thi hành nghị định số 51/2010/NĐ–CP ngày 14/05/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ–CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Có thể thấy, nhà nước đã quy định cụ thể về khái niệm cũng như nguyên tắc in, phát hành hóa đơn, chứng từ. Đây là những nguyên tắc cơ bản mang tính định hướng trong hoạt động in, phát hành hóa đơn, chứng từ. Điều này giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận các thông tin, quy định của pháp luật về hoạt động in, phát hành hóa đơn, chứng từ.
Ngoài việc quy định về nguyên tắc mang tính định hướng, tại Nghị định số 51/2010/NĐ–CP ngày 14/05/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ–CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ cũng có những quy định hết sức chi tiết và cụ thể về đối tượng, thẩm quyền, hình thức, nội dung, hợp đồng, hoạt động in, phát hành, khởi tạo hóa đơn, hóa đơn điện tử.
Việc quy định cụ thể như vậy vừa đảm bảo thuận lợi cho hoạt động tự in hóa đơn của doanh nghiệp, vừa xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động in hóa đơn tự in của các doanh nghiệp này. Mặt khác, việc quy định chi tiết như vậy giúp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có một thước đo, một chuẩn mực khi thực hiện pháp luật. Giúp các cá nhân, có quan có thẩm quyền nhanh chóng rà soát sai phạm, rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất doanh nghiệp.
Tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT–BTP–BCA–TANDTC VKSNDTC–BTC ngày 26/06/2013 hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính – kế toán và chứng khoán có quy định hướng dẫn, giải thích về các hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ. Theo đó, hành vi in trái phép hóa đơn, chứng từ được hiểu: “Là hành vi tự in hóa đơn hoặc tự khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ điều kiện hoặc không đúng, không đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật; In hóa đơn giả hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả”. Còn hành vi phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ được hiểu là: “là hành vi lập tờ thông báo phát hành không đầy đủ nội dung, không gửi hoặc không niêm yết tờ thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định”.
Từ những phân tích trên, có thể hiểu việc in, phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ là hoạt động in, khởi tạo, phát hành hóa đơn, chứng từ trái với quy định của pháp luật, vi phạm các điều kiện về nguyên tắc, chủ thể, thẩm quyền, hình thức, nội dung của hóa đơn, chứng từ.
1.2. Về mua, bán trái phép hóa đơn, chứng từ:
Hóa đơn, chứng từ có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động quản lý doanh nghiệp và truy thu thuế nộp NSNN. Với vai trò là loại hàng hóa đặc biệt quan trọng như vậy, việc mua bán hóa đơn, chứng từ cần được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt ngăn chặn việc gian lận gây thất thu cho NSNN. Cũng giống như việc mua bán các loại hàng hóa thông thường, mua bán hóa đơn, chứng từ là việc trao đổi “hàng hóa” – (ở đây là hóa đơn và chứng từ) giữa bên có hàng hóa và bên có nhu cầu mua hàng hóa trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận ý chí giữa các bên. Phương thức trao đổi, mua bán hàng hoá có thể do các bên mua bán hàng hóa tự thiết lập trực tiếp quan hệ mua bán hàng hóa với nhau. Điểm khác biệt ở đây là việc hóa đơn, chứng từ là loại hàng hóa đặc biệt, cần có sự quản lý nghiêm ngặt của các cơ quan có thẩm quyền nhằm bảo vệ TTQLKT và sự lành mạnh trong môi trường kinh doanh. Chính vì vậy, chủ thể có thẩm quyền bán ra loại hàng hóa này chỉ có thể là các cơ quan Thuế, Cục Thuế. Các chủ thể này đại diện cho nhà nước xác lập các quan hệ mua bán hóa đơn, chứng từ cho các chủ thể có nhu cầu mua chúng.
Theo quy định của pháp luật, hoạt động mua, bán hóa đơn, chứng từ chỉ đặt ra trong trường hợp khi cơ quan thuế bán hóa đơn cho bên mua là các đối tượng được pháp luật ghi nhận tại Điều 11 Thông tư 39/2014/TT–BTC. Ngoài ra, việc bán và cấp hóa đơn do cơ quan thuế đặt in cũng được quy định trong Điều 10 Nghị định số 51/2010/NĐ–CP.
Có thể thấy, việc quản lý hoạt động bán hóa đơn được pháp luật quy định rất chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm ngăn chặn những đối tượng lợi dụng hoạt động mua bán hóa đơn, chứng từ để thu lợi bất chính. Việc quy định cụ thể giá cả hóa đơn giúp các doanh nghiệp có nhu cầu mua hóa đơn có thể mua với giá cả hợp lý, tránh việc bị mua giá cao do sự độc quyền trong việc bán hóa đơn của cơ quan Thuế. Mặt khác, việc quy định chi tiết các chủ thể có thẩm quyền mua hóa đơn, chứng từ giúp hạn chế số lượng chủ thể mua hóa đơn, đồng thời giúp việc quản lý của cơ quan Thuế đối với các chủ thể này được dễ dàng hơn. Từ đó ngăn chặn và hạn chế việc các chủ thể này bán lại hóa đơn cho đối tượng khác, những đối tượng không thể tự mua hóa đơn, chứng từ từ các cơ quan Thuế.
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT–BTP BCA–TANDTC–VKSNDTC–BTC đã hướng dẫn và giải thích thuật ngữ mua bán hóa đơn, chứng từ gồm các hành vi:
“Mua, bán hóa đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo quy định;
Mua, bán hóa đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo;
Mua, bán hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ;
Mua, bán, sử dụng hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ giữa các liên của hóa đơn”.
Qua đó có thể thấy, nhà nước đã có những quy định và hướng dẫn hết sức cụ thể về hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ nói chung và hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nói riêng. Mặt khác, ta có thể hiểu đơn giản khái niệm hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ là hoạt động mua, bán lại, trao đổi hóa đơn, chứng từ trái với quy định của pháp luật.
2. Khái niệm về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước:
Tại Điều 8 BLHS năm 2015 quy định: “tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.
Từ việc phân tích những khái niệm về hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN, hoạt động in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ như trên, ta có thể đưa ra cái nhìn tổng quan về khái niệm của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN như sau:
Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN là những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, do cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại cố ý làm trái các quy định của pháp luật hình sự trong hoạt động in, khởi tạo, phát hành, mua bán hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực thuế, tài chính, kế toán gây thiệt hại cho nguồn NSNN và phải bị xử lý hình sự theo quy định của BLHS.
3. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo Bộ luật Hình sự 2015 :
Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có khái niệm như sau:
“Tội in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được hiểu là hành vi in, phát hành, mua bán hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phô từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.”
4. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách trong tiếng Anh là gì:
Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách trong tiếng Anh là “Printing, issuing, dealing in illegal invoices and receipts for payment of state revenues”.
5. Cấu thành tội phạm của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách:
Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 203 BLHS 2015 sửa đổi sung 2017:
“1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;
đ) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
e) Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
Cấu thành tội phạm:
Thứ nhất, khách thể của tội phạm:
Cũng như các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nói chung, tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước có khách thể là các quan hệ xã hội nhằm đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân trong từng lĩnh vực nhất định. Cụ thể là các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực thuế, tài chính – kế toán mà hóa đơn, chứng từ được sử dụng để thực hiện nghĩa cụ nộp ngân sách nhà nước. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước xâm phạm chế độ quản lý nhà nước đối với các loại hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước đang lưu thông trên thị trường.
Đối tượng của tội phạm bao gồm:
a) Hóa đơn xuất khẩu dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hóa đơn giá trị gia tăng;
b) Lệnh thu nộp ngân sách nhà nước, giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước, bảng kê nộp thuế, biên lại thu ngân sách nhà nước và chứng từ phục hồi trong quản lý thu ngân sách nhà nước.
Thứ hai, Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan là những biểu hiện của tội phạm ra bên ngoài bao gồm: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, các dấu hiệu biểu hiện sự thực hiện hành vi phạm tội và gắn liền với hành vi như: công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn phạm tội, thời gian, địa điểm và hoàn cảnh phạm tội.
Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan, trong đó hành vi khách quan là biểu hiện cơ bản và được phản ánh trong tất cả các cấu thành tội phạm. Hành vi khách quan có thể được biểu hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động mà mặt thực tế của nó được ý thức kiểm soát và ý chí điều khiển và đó phải là những hành vi trái pháp luật hình sự. Các hành vi khách quan được phản ánh tại Điều 203 thể hiện dưới dạng hành động, bao gồm:
Hành vi in trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước: là hành vi tự in hóa đơn hoặc tự khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ điều kiện hoặc không đúng, không đây đủ các nội dung theo quy định của pháp luật; In hóa đơn giả hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả. Có thể liệt kê như các doanh nghiệp không đủ điều kiện tự in hóa đơn nhưng không đặt in hóa đơn mà tự in hóa đơn để sử dụng; đặt in hóa đơn không đúng với hợp đồng đã ký với bên đặt in về số lượng, ký hiệu, số thứ tự; in hóa đơn không theo mẫu quy định; in hoặc tự khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ điều kiện hoặc không đúng, không đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật; in hóa đơn giả hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả …
Hành vi phát hành trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước: là hành vi lập tờ thông báo phát hành không đầy đủ nội dung; không gửi hoặc không niêm yết tờ thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định. Hành vi này được thể hiện thông qua việc thông báo phát hành hóa đơn mà tờ thông báo phát hành hóa đơn thiếu một trong các nội dung
Hành vi mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gồm các hành vi:
a) Mua bán hóa đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo quy định.
b) Mua, bán hóa đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hóa, dịch vụ kèm;
c) Mua, bán hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa một dịch vụ;
d) Mua, bán, sử dụng hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ giữa các liên của hóa đơn. Những hành vi khách quan trên thể hiện cụ thể thông qua việc vi phạm các điều kiện về chủ thể được phép mua, bán hóa đơn, chứng từ; bán hóa đơn đã mua mà chưa lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; khai không đúng điều kiện để được mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành; cơ quan thuế bán quá số lượng hóa đơn được phép bán lần đầu cho các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh (quá một quyền – năm mươi số cho mỗi loại hóa đơn).
Hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước chỉ cấu thành tội phạm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất: Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số trở lên
Trường hợp thứ hai: Hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số trở lên số.
Trường hợp thứ ba: thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên. Tính trái phép ở đây được được hiểu là sự thể hiện ở chỗ in, phát hành, mua bán không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ ba, mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực thực hiện các hành vi đó
Thứ tư, chủ thể của tội phạm:
Tại Điều 8, Điều 12, Điều 75 BLHS 2015 thì chủ thể của “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” đối với cá nhân phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS thực hiện một trong các hành vi phạm tội kể trên và là cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc người của tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; người của tổ chức nhận in hoặc đặt in hóa đơn; cá nhân hoặc người của tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, chủ thể của tội phạm này còn có pháp nhân thương mại đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo luật định.