Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là gì? Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân tên tiếng Anh là gì? Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Bộ luật hình sự?
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những hành vi cố ý xâm hại đến sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm hại sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia có tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân được quy định tại Bộ luật hình sự
Căn cứ pháp lý:
1. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là gì?
Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân được quy định là: hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
2. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân tên tiếng Anh là gì?
Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân tên tiếng Anh là: “Activities against the people’s government”.
3. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Bộ luật hình sự
Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân được quy định tại Điều 109 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
” Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
3.1. Dấu hiệu pháp lý
Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm
Cấu thành tội phạm của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân quy định hành vi của tội phạm này là hành vi hoạt động thành lập hoặc hoạt động tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Để hiểu đúng dấu hiệu hành vi này cần làm rõ các điểm sau:
– Đối tượng mà hành vi của tội phạm này hướng tới là tổ chức bất hợp pháp có mục đích lật đổ chính quyền nhân dân. Mục đích lật đổ chính quyền này có thể được dự kiến thực hiện đồng thời trong toàn hệ thống, có thể từng bước từ cấp cơ sở đến cấp cao hơn, từ địa phương này đến địa phương khác với các kế hoạch và phương thức thực hiện cụ thể.
– Hành vi khách quan của tội này là hoạt động thành lập, hoạt động tham gia tổ chức nói trên. Ở đây có điểm cần chú ý: Hoạt động thành lập không đồng nhất với hành vi thành lập cũng như hoạt động tham gia không đồng nhất với hành vi tham gia. Hoạt động theo Từ điển tiếng Việt là: “Tiến hành những việc làm có quan hệ với nhau chặt chẽ nhằm một mục đích nhất định trong đời sống xã hội”.”
Từ đó có thể hiểu hoạt động thành lập có nội dung rộng hơn hành vi thành lập, bao gồm tất cả các hành vi cụ thể có liên quan với nhau và hướng tới việc thành lập. Tương tự như vậy, hoạt động tham gia có nội dung rộng hơn hành vi tham gia, bao gồm tất cả các hành vi cụ thể có liên quan với nhau và hướng tới việc tham gia.
Như vậy, hoạt động thành lập tổ chức (có mục đích lật đổ chính quyền) – một dạng hành vi của tội phạm được hiểu là hành vi cụ thể bất kì trong chuỗi hành vi hướng tới sự ra đời của tổ chức đó. Ví dụ: Hành vi xây dựng hoạch chuẩn bị cho việc ra đời tổ chức…; hành vi soạn thảo các văn kiện của tổ chức như chính cương, điều lệ…; v.v..
Khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi cụ thể đó thì dấu hiệu hoạt động thành lập tổ chức đã được thoả mãn. Tương tự như vậy, hoạt động tham gia tổ chức (có mục đích lật đổ chính quyền) – dạng hành vi thứ hai của tội phạm được hiểu là hành vi cụ thể bất kì thể hiện sự sẵn sàng trở thành thành viên của tổ chức đó. Ví dụ: Hành vi viết và gửi đơn xin ra nhập tổ chức…; hành vi điền và kí tên vào danh sách cam kết tham gia tổ chức, hành vi đóng góp tài chính cho tổ chức…; v.v..
Từ phân tích trên cần khẳng định: Dấu hiệu hoạt động thành lập… cũng như dấu hiệu hoạt động tham gia… được coi là đã thoả mãn mà không phụ thuộc vào việc tổ chức có mục đích lật đổ chính quyền đã ra đời hay chưa, đã hoạt động hay chưa cũng như người phạm tội đã chính thức trở thành thành viên của tổ chức này hay chưa. CTTP của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là CTTP đặc biệt vì trong đó không mô tả hành vi “thực” của tội phạm mà mô tả hoạt động hướng tới hành vi đó. Cụ thể: Hành vi “thực” của tội phạm này là hành vi thành lập hoặc hành vi tham gia tổ chứ… nhưng điều luật lại mô tả hoạt động thành lập cũng như hoạt động tham gia tổ chức…”
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyển nhân dân là một trong các hành vi sau đây:
– Hoạt động thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Hành vi thực hiện hoạt động này gồm nhiều dạng khác nhau và có thể do nhiều loại người thực hiện, trong đó có thể là hành vi của người tổ chức, người thực hành, người giúp sức, người xúi giục. Hoạt động thành lập có thể là những hành vi để tiến tới thành lập, chuẩn bị cho việc thành lập hoặc là hành vi thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Hoạt động thành lập tổ chức có thể được thực hiện dưới các hình thức như sau:
+ Khởi xướng và thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân;
+ Không khởi xướng việc thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nhưng trực tiếp đứng ra thành lập tổ chức, tuyên truyền, lôi kéo người tham gia tổ chức…,
+ Bàn bạc, thảo luận về việc thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, phân công nhiệm vụ, tiến hành những hoạt động cần thiết để thành lập tổ chức;
+ Soạn thảo cương lĩnh, điều lệ hoặc vạch ra phương hướng, kế hoạch hoạt động cụ thể của tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
+ Ủng hộ vật chất, tinh thần cho việc thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
– Tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hành vi của người gia nhập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân khi tổ chức đã được thành lập. Thể hiện cụ thể của hành vi tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân rất đa dạng, phong phú như nhận lời tham gia dưới hình thức thỏa thuận miệng; nhận lời tham gia bằng văn bản như viết đơn, cam đoan xin gia nhập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân…
+ Nếu do bị lừa dối, không nhận thức được tính chất và mục đích của tổ chức là lật đổ chính quyền nhân dân thì không bị coi là phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tôi là lỗi cố ý. Tính chất của hành vi hoạt động thành lập cũng như của hành vi hoạt động tham gia đã thể hiện lỗi của chủ thể là lỗi cố ý. Điều quan trọng là chủ thể phải cố ý đối với tính chất của tổ chức. Cụ thể: Người phạm tội phải biết tổ chức có mục đích lật đổ chính quyền nhân dân. Người phạm tội nhận thức rõ mục đích “lật đổ” của tổ chức và do vậy họ cũng có mục đích này. Mục đích phạm tội của họ và mục đích của tổ chức cùng là mục đích lật đổ chính quyền nhân dân.
Dấu hiệu mặt chủ thể của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Chủ thể của hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS và đã thực hiện hành vi phạm tội.
Khách thể của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là sự tồn tại, vững mạnh của chính quyền nhân dân.
Đối tượng tác động của tội phạm này là chính quyền nhân dân các cấp từ trung ương đến địa phương. Tùy theo tính chất, quy mô của tội phạm, những người phạm tội có thể hoạt động nhằm lật đổ chính quyền ở một cấp, một địa phương nào đó, song mục tiêu cuối cùng của chúng là lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi chế độ chính trị, kinh tế – xã hội.
Mục đích
Mục đích của người phạm tội là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi thành lập hay tham gia tổ chức nhưng người thực hiện hành vi không có mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì không cấu thành tội phạm này.
3.2. Hình phạt
” ….thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
– Điều luật quy định 02 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt cho chuẩn bị phạm tội.
– Khung hình phạt có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình được quy định cho người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
– Trong đó, người tổ chức được hiểu là người có các hoạt động thành lập tổ chức, người xúi giục là người kích động, lôi kéo người khác có hoạt động tham gia tổ chức, người hoạt động đắc lực là người có hoạt động tham gia tổ chức và đã thực hiện các hành vi thế hiện vai trò tích cực và mức độ tham gia quan trọng của mình, người gây hậu quả nghiêm trọng là người có hoạt động tham gia tổ chức và đã thực hiện các hành vi cụ thể trong hoạt động chung của tổ chức gây hậu quả nghiêm trọng.
– Khung hình phạt có mức phạt tù từ 5 năm đến 12 năm được quy định cho người đồng phạm khác.