Quy định của Bộ luật hình sự về tội hiếp dâm? Dấu hiệu pháp lý của tội hiếp dâm? Hình phạt đối với tội hiếp dâm? Tội hiếp dâm bị phạt tù bao nhiêu năm? (Điều 141 BLHS 2015)
Xâm hại tình dục đang là vấn nạn nhức nhối hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra trên khắp thế giới. Điều này đã, đang và sẽ xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, thậm chí là gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của nạn nhân. Vậy tội phạm hiếp dâm ở nước ta bị xử lý hình sự như thế nào? Bài viết này sẽ làm rõ.
Cơ sở pháp lý:
–
Mục lục bài viết
1. Tội hiếp dâm là gì?
Tội hiếp dâm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, xâm hại đến quyền được tôn trọng, bảo vệ về danh dự, nhân phẩm của nạn nhân bằng hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
2. Quy định của Bộ luật hình sự về tội hiếp dâm:
Tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
” Điều 141. Tội hiếp dâm
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các Khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
3. Dấu hiệu pháp lý của tội hiếp dâm:
3.1. Khách thể của tội phạm:
Tội phạm xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ về danh dự, nhân phẩm của con người.
Đối tượng tác động là người đủ 16 tuổi trở lên. Trường họp đối tượng tác động là người dưới 16 tuổi thì sẽ bị xử lý về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 142 Bộ luật hình sự 2015.
3.2. Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân. Dựa vào mô tả của điều luật thì ta thấy hành vi khách quan của tội hiếp dâm thể hiện qua 2 dạng hành vi nối tiếp nhau.
Nhóm hành vi thứ nhất:
– Dùng vũ lực là dùng sức mạnh vật chất tác động lên thân thể của người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi nhằm đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân để thực hiện hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác. Ví dụ: vật ngã, xé quần áo, trói,…
– Đe dọa dùng vũ lực là dùng lời nói, cử chỉ, hành động đe dọa sẽ dùng sức mạnh vật chất xâm hại đến tính mạng, sức khỏe với ý thức làm nạn nhân tê liệt ý chí để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của họ.
– Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại lâm vào một trong những hoàn cảnh sau đây để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác:
+ Người bị hại không thể chống cự được (ví dụ: người bị hại bị tai nạn, bị ngất, bị trói, bị khuyết tật… dẫn đến không thể chống cự được);
+ Người bị hại bị hạn chế hoặc bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (ví dụ: người bị hại bị say rượu, bia, thuốc ngủ, thuốc gây mê, ma túy, thuốc an thần, thuốc kích thích, các chất kích thích khác, bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác… dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi).
– Thủ đoạn khác bao gồm các thủ đoạn như đầu độc nạn nhân; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
Nhóm hành vi thứ hai:
– Giao cấu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.
– Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.
Bên cạnh việc mô tả hành vi thì một yếu tố quan trọng nữa để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm đó là ý muốn của nạn nhân. Theo đó, cần phải xác định nếu người phạm tội thực hiện các hành vi trên nhưng nạn nhân không đồng ý thì mới phạm tội hiếp dâm, còn ngược lại thì người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự mà có thể chỉ bị phạt hành chính. Việc xác định trái ý muốn hay không cần xem xét toàn diện các khía cạnh như: mối quan hệ giữa hai người; thủ đoạn thực hiện; hoàn cảnh khi xảy ra vụ việc, thái độ của nạn nhân trước và sau khi bị người phạm tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
Đối với tội hiếp dâm, tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội có hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân, không phân biệt việc giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác đã kết thúc hay chưa.
3.3. Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, nghĩa là người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
3.4. Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm là người đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự đối với tội phạm được quy định tại Khoản 1 Điều 141 Bộ luật hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự đối với tội phạm được quy định tại các Khoản 2, 3, 4 Điều 141 Bộ luật hình sự.
4. Hình phạt đối với tội hiếp dâm:
Khung hình phạt cơ bản
Người phạm tội bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Khung hình phạt tại Khoản 2
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
– Có tổ chức;
– Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh: Đây là trường hợp phạm tội mà người phạm tội là người có trách nhiệm chăm sóc (cha mẹ đẻ,
– Nhiều người hiếp một người;
– Phạm tội 02 lần trở lên;
– Đối với 02 người trở lên;
– Có tính chất loạn luân: Đây là trường hơp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
+ Phạm tội đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột.
+ Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi.
+ Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế.
+ Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể
– Làm nạn nhân có thai;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
– Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
– Tái phạm nguy hiểm.
Khung hình phạt tại Khoản 3
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội: Đây là trường hợp người phạm tội biết mình bị nhiễm HIV nhưng vẫn thực hiện hành vi hiếp dâm. Trong trường hợp này, người phạm tội sẽ không bị xử lý thêm về tội lấy truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 148 BLHS.
– Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
– Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
Khung hình phạt tại Khoản 4
Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
Hình phạt bổ sung tại Khoản 5
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.