Tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là hành vi được thực hiện bởi người đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực TNHS đối với trẻ em từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi thông qua hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác một cách thuận tình và phải chịu hình phạt.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm Tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi:
Tình dục với tư cách là một nhu cầu mang tính bản năng của con người không phải là vấn đề mới đối với đời sống xã hội. Ở khía cạnh khoa học, tình dục được xác định là nhu cầu cơ bản, thấp nhất và không thể thiếu (Physiological) trong cấu trúc 5 tầng nhu cầu từ thấp đến cao của con người được Araham Maslow – nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới đề cập trong “A theory of human motivation” (Học thuyết về động lực thôi thúc con người); đồng thời, có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến con người khi nó chưa được thoả mãn và liên quan trực tiếp đến khả năng tồn tại của con người. Do vậy, con người đấu tranh để thoả mãn nhu cầu cơ bản này.
Nghiên cứu về nội dung này cho thấy tồn tại nhiều quan niệm khác nhau. Theo từ điển tiếng Việt “Tình dục là nhu cầu tự nhiên của con người về quan hệ tính giao” như vậy tình dục được xác định là nhu cầu tự nhiên của con người và có xu hướng giới tính. Tuy nhiên, cũng có cách tiếp cận khác do nguồn gốc hán việt của từ tình dục, trong đó tình là cảm xúc, tình cảm, sự thăng hoa về tinh thần; dục là sự đòi hỏi về mặt sinh lý của bất kỳ ai không phân biệt giới tính. Do đó, tình dục có thể chỉ đơn thuần là biểu hiện cảm xúc (ví dụ như ham muốn) và có thể là hành vi, hoạt động sinh lý.
Các quan niệm hiện đại về tình dục có nội hàm rộng hơn các quan niệm truyền thống. Điều này xuất phát từ sự thừa nhận của xã hội về các xu hướng tính dục khác truyền thống, đặc biệt là đồng tính và lưỡng tính. Theo đó, tình dục có thể được hiểu là:
Hành vi tìm kiếm khoái cảm hoặc để sinh sản, có nội hàm rộng, không chỉ có nghĩa là giao hợp giữa người nam và người nữ mà còn bao gồm cả nhiều hành vi khác nhằm đem lại khoái cảm, bằng tay hay bằng miệng, ở vùng cơ quan sinh dục hay ở những bộ phận khác của cơ thể. Cũng vẫn là tình dục khi thực hành tìm kiếm khoái cảm với bạn tình khác giới hay cùng giới, với một hay nhiều hơn một người, tự mình gây khoái cảm (thủ dâm) hay gây khoái cảm cho nhau, mơ tưởng đến chuyện tình dục hay sử dụng dụng cụ chuyên dụng – Bác sĩ Đào Xuân Dũng. Hay “tình dục không chỉ là giao hợp, là việc đưa dương vật của người nam giới vào âm đạo của người nữ giới. Bởi, giao hợp chỉ là một hình thức của tình dục. Tình dục theo đúng nghĩa của từ đó là tất cả những gì hai người làm để gần gũi và đem lại cho nhau khoái cảm. Tình dục là biết bao cách tạo cảm xúc, từ nụ hôn, cử chỉ âu yếm, vuốt ve nhẹ nhàng đến những kích thích mạnh mẽ” – bác sĩ Phan Xuân Trung.
Rõ ràng vẫn còn nhiều hướng tiếp cận khác nhau và các quan niệm chưa đồng nhất về tình dục, tuy nhiên theo tác giả để có cái nhìn toàn diện, tình dục nên được xác định với các nội hàm sau:
Thứ nhất, Tình dục là nhu cầu tự nhiên, chính đáng và mang tính bản năng của con người bất kể giới tính nào.
Thứ hai, Tình dục không chỉ hành vi giao hợp giữa cá thể người mang giới tính nam và cá thể người mang giới tính nữ mà còn bao gồm các hành vi khác đem lại khoái cảm thông qua việc tác động vào bộ phận sinh dục và các bộ phận nhạy cảm khác trên cơ thể con người.
Thứ ba, tình dục có thể thực hiện bởi nhiều đối tượng với nhau không phân biệt giới tính.
Về bản chất, tình dục và hành vi quan hệ tình dục không mang nghĩa tiêu cực mà hoàn toàn là bản năng và nhu cầu thiết yếu của con người. Tuy nhiên, hành vi quan hệ tình dục ở độ tuổi quá nhỏ có thể để lại nhiều hậu quả đáng kể về mặt tâm lý, sinh học và sự phát triển bình thường của trẻ em; các vấn đề mang tính chất bệnh lý có thể nảy sinh do những thương tổn ở bộ phận sinh dục – đặc biệt là ở phụ nữ. Do vậy, với mục đích bảo vệ một cách tuyệt đối trẻ em ở từng độ tuổi cụ thể dựa theo từng mức độ nhận thức và sự phát triển về thể chất của trẻ em. Đối với trẻ em ở độ tuổi dưới 13 tuổi, khả năng nhận thức của các em về bản thân và xã hội còn hạn chế, suy nghĩ còn non nớt, cả tin và rất dễ bị người lớn dụ dỗ, khống chế xâm hại. Trẻ em ở độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì đã có những nhận thức cơ bản về bản thân xã hội, bắt đầu hình thành thế giới quan riêng, có khả năng tự quyết định được hành vi của mình. Ở góc độ y học, trẻ ở độ tuổi này có những chuyển biến đáng kể trong sự phát triển, ví dụ như chiều cao và cân nặng phát triển nhanh, hông rộng hơn, ngực phát triển, mọc lông mu, lông nách, mùi cơ thể thay đổi, bắt đầu xuất tinh hoặc có chu kỳ kinh nguyệt, .v.v… Điều này cho thấy, trẻ em trai ở độ tuổi này bắt đầu phát triển đầy đủ về mặt sinh học và bắt đầu sinh đẻ được, mặt khác các quan niệm dân gian “nữ thập tam, nam thập lục” cũng cho thấy ở độ tuổi này trẻ em là nữ đã phát triển nhiều về mặt sinh lý và có thể kết hôn và sinh đẻ được; trẻ em nam thì phát triển muộn hơn tuy nhiên cũng đã có thể quan hệ tình dục và một số có thể sinh con; ngoài ra ở độ tuổi này thì trẻ đã cơ bản có khả năng tự bảo vệ bản thân và tự quyết định được hành vi của mình, chính vì vậy các vấn đề liên quan đến tình dục không còn khắt khe như đối với lứa tuổi dưới 13 tuổi. Các quy định pháp luật đặc biệt trong Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì mức độ nghiêm khắc của hình phạt với người phạm tội có phần giảm nhẹ hơn so với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Về mặt pháp lý, giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác mang nội hàm là một bộ phận cấu thành của tình dục. Đồng thời có thể thấy giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác chính là cách thức tác động đến thế giới khách quan của tình dục – theo nghĩa là một nhu cầu bản năng. Nói cách khác, hành vi quan hệ tình dục được chia làm 02 loại gồm: giao cấu và hành vi quan hệ tình dục khác. Trên thực tế, việc phân loại này cho thấy mức độ để lại hậu quả đối nạn nhân chứ không dựa theo cách thức quan hệ tình dục (gồm quan hệ tình dục xâm nhập và quan hệ tình dục không xâm nhập). Điều này có thể làm yếu tố tạo nên sự khác biệt trong việc quyết định hình phạt với tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Thuật ngữ “giao cấu” xuất hiện khá sớm trong PLHS, cụ thể là trong Bản tổng kết số 329/HS2 ngày 11/5/1976 của TANDTC với quan niệm cho rằng giao cấu là “Sự cọ sát dương vật nam vào bộ phận sinh dục người phụ nữ…”. Nói cách khác, giao cấu được xác định là hành vi xâm nhập trực tiếp giữa bộ phận sinh dục nam và bộ phận sinh dục nữ mà không bao gồm sự xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào các bộ phận khác như hậu môn hay miệng của người khác. Nội dung tương tự được quy định tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS năm 2015 và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; theo đó, “Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của BLHS năm 2015 là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào”. Các hành vi quan hệ tình dục khác có thể được hiểu là gồm những hình thức quan hệ tình dục khác ngoài giao cấu. hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác, bao gồm một trong các hành vi như: Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác; Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi…), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác. Về cơ bản, Luật đã có những nhận thức đầy đủ hơn về hành vi quan hệ tình dục khi cho rằng quan hệ tình dục không phải chỉ thông qua bộ phận sinh dục nữ mà có thể thực hiện qua đường hậu môn, đường miệng, quan hệ tình dục bằng tay hay bằng đồ chơi tình dục hoặc đồng giới với nhau, .v.v…
Trong khoa học PLHS, tội phạm được xác định là hành vi của con người, điều này có nghĩa những gì mới chỉ xuất hiện trong suy nghĩ chỉ trong tư tưởng không thể hiện ra bằng hành vi thì không phải là tội phạm. Các hành vi tội phạm khi tác động ra môi trường xã hội phản ánh tính tiêu cực của mình khi tạo nên mối nguy hiểm cho xã hội. Nói cách khác, tội phạm luôn chứa đựng trong nó những đặc tính chống đối lại nhà nước, chống đối lại xã hội, đi ngược lại với lợi ích của cộng đồng, trật tự xã hội, xâm phạm đến quyền tự do và các lợi ích hợp pháp của con người. Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm cũng thể hiện thông qua tính chất quan hệ xã hội bị xâm hại, tính chất của hành vi khách quan (trong đó bao gồm cả thủ đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện hành vi); tính chất mức độ thiệt hại gây ra hoặc đe dọa gây ra; tính chất mức độ lỗi; tính chất động cơ mục đích phạm tội.
Ngoài bởi tính nguy hiểm cho xã hội, tội phạm còn đặc trưng bởi tính trái PLHS. Xét về mặt cấu trúc thì tội phạm có đặc điểm chung là đều được hợp thành bởi những yếu tố nhất định tồn tại không tách rời nhau nhưng có thể phân chia được trong tư duy và do vậy có thể cho phép nghiên cứu độc lập với nhau. Những yếu tố đó theo khoa học luật hình sự Việt Nam bao gồm khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm.
Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện bởi người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực TNHS đối với trẻ em trong độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi thông qua hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác một cách thuận tình và phải chịu hình phạt theo quy định của BLHS năm 2015.
2. Đặc điểm Tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi:
Tội giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trong BLHS năm 2015 thuộc nhóm các tội xâm hại tình dục trẻ em, được quy định tại Chương XIV; chung nhóm với các tội danh: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142 BLHS); Tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144 BLHS) và Tội dâm ô đối đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146 BLHS). Nghiên cứu về tội giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể rút ra những đặc điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi là loại tội phạm có chủ thể đặc biệt. Chủ thể của tội phạm này phải thoả mãn những điều kiện cụ thể ngoài những điều kiện chung đối với chủ thể thông thường của tội phạm; trong trường hợp này, điều kiện đó được xác định là độ tuổi. Cụ thể, ngoài những điều kiện cơ bản như khi thực hiện hành vi phạm tội họ phải có đầy đủ năng lực chịu TNHS thì chủ thể của tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi là loại tội phạm có chủ thể đặc biệt phải là người trên 18 tuổi (đã thành niên) bất kể là nam hay nữ.
Thứ hai, yếu tố lỗi được xác định là lỗi cố ý, mục đích và động cơ là thoả mãn nhu cầu tình dục của bản thân.
Thứ ba, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe sinh sản, sự phát triển bình thường về mặt sức khỏe, ổn định về mặt tâm lý của trẻ. Trẻ em nam hoặc nữ độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi – độ tuổi dậy thì là đối tượng tác động của tội phạm này.
Thứ tư, yếu tố tự nguyện trong quá trình quan hệ tình dục xuất phát từ phía trẻ từ đủ 13 đến dưới 16 mang ý nghĩa quan trọng trong việc định tội danh. Sự thuận tình có thể do quan hệ tình cảm yêu đương, các quan niệm cũ về tảo hôn,
Tuy nhiên, dù xuất phát từ nguyên nhân nào PLHS Việt Nam thông qua quy định về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi cũng khẳng định trẻ em là đối tượng quan trọng cần được bảo vệ một cách tốt nhất về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự. Vì ở độ tuổi này, do sự phát triển mất cân bằng giữa cơ thể sinh học và nhận thức khiến trẻ nhẹ dạ cả tin, dễ bị lừa gạt. Mặt khác hành vi quan hệ tình dục khi ở độ tuổi quá trẻ cũng là nguyên nhân suy giảm sức khỏe sinh sản và các bệnh lý khác sau này.