Việc bảo vệ trẻ em nói chung và người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi nói riêng trước những hành vi xâm hại tình dục được pháp luật quốc tế và các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm, được sử dụng như một biện pháp phòng chống tnh trạng xâm hại tình dục trẻ em.
Mục lục bài viết
1. Tội giao cấu với người dưới 16 tuổi trong các Điều ước quốc tế:
Vấn đề bảo vệ trẻ em nói chung và người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi nói riêng trước những hành vi xâm hại tình dục được pháp luật quốc tế đặc biệt quan tâm và có nhiều quy định trực tiếp thể hiện quan điểm bảo vệ trẻ em khỏi những hành vi xâm hại tình dục. Tại Điều 12 Tuyên ngôn quốc tế về Quyền con người năm 1948 khẳng định: “không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy”. Hay tại Điều 17 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định: “không ai bị can thiệp một cách độc đoán hoặc bất hợp pháp đến đời sống riêng tư… hoặc bị xúc phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín”. Hành vi bóc lột, lạm dụng tình dục trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều là xâm hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của các em xâm phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền dân sự, chính trị cơ bản của các em.
Bên cạnh đó, để đảm bảo việc bảo vệ đầy đủ và toàn diện trẻ em nói chung và người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi nói riêng khỏi các hành vi xâm hại tình dục, pháp luật quốc tế đã xây dựng một hệ thống các văn kiện quốc tế tương đối đầy đủ, làm khuôn mẫu, là cơ sở pháp lý cho hoạt động đấu tranh, xử lý các hành vi xâm hại tình dục đối với nhóm đối tượng này.
Tại khoản 1 Điều 19 Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (CRC) năm 1989 có quy định: “Các Quốc gia thành viên phải thực hiện mọi biện pháp thích hợp về lập pháp, hành pháp, xã hội và giáo dục để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị đánh đập hay lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc sao nhãng chăm sóc, bị ngược đãi hoặc bóc lột, gồm cả sự xâm phạm tình dục, trong khi trẻ em vẫn nằm trong vòng chăm sóc của cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, của một hay nhiều người giám hộ pháp lý, hoặc của bất kỳ người nào khác được giao việc chăm sóc trẻ em”.
Hay tại Điều 34 Công ước này có quy định:
Các Quốc gia thành viên cam kết bảo vệ trẻ em trước mọi hình thức bóc lột và lạm dụng tình dục. Vì mục đích này, các Quốc gia thành viên phải đặc biệt thực hiện mọi biện pháp thích hợp ở cấp quốc gia, song phương và đa phương để ngăn ngừa;
- Việc xúi giục hay ép buộc trẻ em tham gia bất kỳ hoạt động tình dục trái pháp luật nào;
- Việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong hoạt động mại dâm hay các hoạt động tình dục trái pháp luật khác;
- Việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong các cuộc biểu diễn hay trong các tài liệu khiêu dâm.
Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1989 đã đặt ra những chuẩn mực pháp lý quan trọng giúp bảo vệ trẻ em nói chung và người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi nói riêng khỏi hành vi xâm hại tình dục. Các quy định trên là căn cứ quan trọng để các văn kiện quốc tế khác sau này dựa vào đó để kế thừa và phát triển các quy định bảo vệ trẻ em khỏi hành vi xâm hại tình dục.
Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho CRC về Buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2000, đã nhấn mạnh trách nhiệm của các quốc gia thành viên trước những hoạt động về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em. Đồng thời, Nghị định thư cũng đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có biện pháp cụ thể để nghiêm cấm việc mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và khiêu dâm trẻ em các hoạt động mà bản thân văn kiện này nhìn nhận là có liên quan mật thiết tới hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em.
Phân tích nội dung các quy định trên cho thấy, các văn bản pháp lý quốc tế này không có quy định về hành vi giao cấu với trẻ em nói chung và người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi nói riêng. Các quy định chỉ dừng ở việc bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi xâm hại tình dục, bóc lột tình dục, mại dâm hay khiêu dâm còn hành vi giao cấu, quan hệ tình dục có sự đồng ý của trẻ em thì chưa được pháp luật quốc tế điều chỉnh.
Theo quan điểm của tác giả, pháp luật quốc tế đã quá đề cao quyền tự do tình dục của trẻ em, chưa xem xét một cách toàn diện tác hại của việc trẻ em quan hệ tình dục sớm. Như đã phân tích ở trên, trẻ em chưa có sự phát triển đầy đủ về thể chất, tư duy, chưa nhận thức đầy đủ về tâm sinh lý lứa tuổi, chưa nhận thức đầy đủ về sinh lý cơ thể, dễ dàng bị các đối tượng là người trưởng thành dụ dỗ quan hệ tình dục từ đó dễ dẫn đến các hệ lụy nguy hiểm.
2. Pháp luật hình sự một số quốc gia trên thế giới:
2.1. Pháp luật hình sự Hoa Kỳ
Trong PLHS Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, người thực hiện hành vi giao cấu thuận tình với người chưa thành niên là nữ giới được quy định tại Điều 20.32 Mục 18 Bộ tổng hợp luật Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Cụ thể: “Người nào trên phạm vi đất liền hoặc lãnh hải thuộc chủ quyền tài phán của Liên bang mà giao cấu với phụ nữ không phải là vợ mình, chưa đủ 16 tuổi thì bị phạt tù giam đến 15 năm; nếu tái phạm tội này thì bị phạt tù giam đến 30 năm”. Có thể thấy các nhà xây dựng pháp luật Liên bang đã có quy định về cấu thành tội giao cấu với người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, các quy định của Điều này còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: thứ nhất, Điều này không quy định độ tuổi chịu TNHS của chủ thể thực hiện hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi; thứ hai, phạm vi điều chỉnh của Điều này chỉ dừng lại ở hành vi giao cấu với trẻ em gái dưới 16 tuổi mà chưa điều chỉnh hành vi giao cấu với trẻ em nam dưới 16 tuổi; thứ ba, phạm vi điều chỉnh của Điều này mới dừng lại ở hành vi giao cấu với trẻ em gái mà chưa điều chỉnh các hành vi quan hệ tình dục khác (quan hệ bằng miệng, quan hệ bằng công cụ khác).
2.2. Pháp luật hình sự Anh
Ở Vương quốc Anh, TNHS đối với các tội phạm về tình dục chủ yếu được quy định trong pháp luật quy chế. Theo quy định của Đạo luật về các tội phạm về tình dục năm 1976, “Người nào giao cấu với trẻ em gái chưa đủ 13 tuổi, thì bị phạt tù giam suốt đời. Nếu giao cấu với trẻ em gái từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt tù giam đến 2 năm” [44, tr.407]. Giống như PLHS Hoa Kỳ, sự thuận tình trong hành vi giao cấu với trẻ em gái trong PLHS Anh để nhằm phân biệt và loại trừ hành vi cấu thành tội hiếp dâm. Quy định này của PLHS Anh cũng tương tự như PLHS Hoa Kỳ ở điểm chưa quy định cụ thể độ tuổi của chủ thể chịu TNHS về hành vi giao cấu với trẻ em gái; chưa có quy định điều chỉnh các hành vi quan hệ tình dục khác mà có sự thuận tình của người bị hại; đặc biệt là chưa có sự điều chỉnh các hành vi giao cấu với trẻ em nam.
2.3. Pháp luật hình sự Thụy Sĩ
Trong PLHS Thụy Sĩ, các nhà làm luật đã xây dựng quy định về TNHS đối với các hành vi phạm tội tình dục đối với trẻ em. Cụ thể tại Điều 187 BLHS Cộng hòa Thụy Sĩ quy định:
Người nào thực hiện tội phạm về tình dục đối với người chưa đủ 16 tuổi, thì bị phạt tù khổ sai đến 5 năm hoặc tù giam. Hành vi không cấu thành tội phạm khi:
- Tuổi của người giao cấu và tuổi của người bị giao cấu cách nhau không quá 3 năm.
- Người thực hiện hành vi chưa đủ 12 tuổi tại thời điểm thực hiện hành vi và có các tình tiết đặc biệt (giảm nhẹ) hoặc người bị hại đã kết hôn với người đã thực hiện hành vi.
Đối với người phạm tội lầm tưởng rằng người bị hại ít nhất đã đủ 16 tuổi (tuy nhiên, nếu thận trọng sẽ tránh được sai lầm đó) thì hình phạt tù giam được áp dụng thay cho hình phạt tù khổ sai. Quy định này của BLHS Thụy Sĩ đã đề cao sự tự quyết, tự chịu trách nhiệm về hành vi chấp thuận quan hệ tình dục với người khác của người dưới 16 tuổi. Có thể thấy các nhà làm luật Thụy Sĩ đã đặc biệt quan tâm và đề cao quyền tự do tình dục của người dưới 16 tuổi. Theo đó tại Điều này, các nhà làm luật đã quy định một số trường hợp không cấu thành tội phạm và giảm nhẹ hình phạt đối với người thực hiện hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi. Đây là điểm khác biệt thú vị của PLHS Thụy Sĩ so với PLHS Việt Nam trong việc bảo vệ quyền trẻ em nói chung và quyền tự do tình dục nói riêng.
2.4. Pháp luật hình sự Trung Quốc
Giống như quy định của pháp luật một số nước Châu Âu như Đức, Bỉ, Áo,… PLHS Trung Quốc quy định về độ tuổi cho phép đồng thuận quan hệ tình dục là 14 tuổi. Tức là theo luật hiện hành ở Trung Quốc, độ tuổi được phép quan hệ tình dục là từ đủ 14 tuổi, và nếu trẻ em từ đủ 14 tuổi trở lên đồng ý quan hệ tình dục thì việc giao cấu với người này là hoàn toàn hợp pháp. Ngược lại, người nào giao cấu với trẻ em nữ chưa đủ 14 tuổi sẽ phải chịu TNHS về tội hiếp dâm theo quy định tại Điều 236 BLHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa “… Giao cấu với người chưa thành niên là nữ, dưới 14 tuổi thì bị coi là phạm tội hiếp dâm và bị trừng phạt nghiêm khắc hơn”.
Có thể thấy, PLHS Trung Quốc tồn tại rất nhiều bất cập và hạn chế. Thứ nhất, PLHS Trung Quốc quy định độ tuổi quan hệ tình dục hợp pháp quá thấp, ở độ tuổi này các em chưa thể nhận thức đầy đủ được các hậu quả, tác hại của việc quan hệ tình dục sớm và cần nhận được sự bảo vệ của pháp luật. Thứ hai, pháp luật Trung Quốc chưa xem xét đến yếu tố thuận tình, sự đồng ý giao cấu của trẻ em. Thứ ba, PLHS Trung Quốc chưa điều chỉnh các hành vi giao cấu với trẻ em nam, chưa coi nam giới nói chung và trẻ em nam nói riêng là đối tượng, nạn nhân của xâm hại tình dục.
2.5. Pháp luật hình sự Nga
Trong PLHS Liên bang Nga, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người chưa đủ 16 tuổi được quy định tại Điều 134, Chương XVIII: “Các tội xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về tình dục và tự do tình dục của cá nhân”, BLHS Liên bang Nga năm 1996. Cụ thể:
- Giao cấu, đồng tính nam hoặc đồng tính nữ do người đủ 18 tuổi thực hiện với người khác đã biết là chưa đủ mười sáu tuổi thì bị phạt tù đến bốn năm có hoặc không kèm theo bị tước quyền đảm nhiệm một số chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định đến năm năm.
- Cũng các hành vi trên thực hiện với người rõ ràng chưa đủ mười bốn tuổi thì bị phạt tù từ ba đến bảy năm có hoặc không kèm theo bị tước quyền đảm nhiệm một số chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định đến mười năm.
- Các hành vi được quy định tại khoản 1 Điều luật này được thực hiện với người mà rõ ràng là chưa đủ mười hai tuổi thì bị phạt tù từ bảy đến mười lăm năm có hoặc không kèm theo bị tước quyền đảm nhiệm một số chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định đến hai mươi năm và bị hạn chế tự do đến hai năm…
Dễ dàng nhận ra, PLHS Liên bang Nga đã có các quy định cụ thể bảo vệ người dưới 16 tuổi khỏi các hành vi quan hệ tình dục sớm. Điều này giúp hạn chế việc người dưới 16 tuổi quan hệ tình dục sớm với người từ đủ 18 tuổi trở lên. Từ đó giúp các em tránh khỏi các hậu quả, tác hại của hành vi quan hệ tình dục sớm. Cũng theo quy định tại Điều này, các nhà làm luật Liên bang Nga đã phân tách rõ ràng tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi theo độ tuổi. Đồng thời, các nhà làm luật Liên bang Nga đã thừa nhận một phần khả năng nhận thức và chịu trách nhiệm về hành vi đồng ý giao cấu với người từ đủ 18 tuổi trở lên của người dưới 16 tuổi. Theo đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên giao cấu thuận tình với người chưa đủ 12 tuổi thì người này chỉ phạm tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người chưa đủ 16 tuổi chứ không bị xử phạt về tội hiếp dâm người chưa thành niên. Một điều đặc biệt trong quy định của PLHS Liên bang Nga đó là các nhà làm luật đã mở rộng phạm vi đối tượng là nạn nhân của xâm hại tình dục, giao cấu với người dưới 16 tuổi.