Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là gì? Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm tiếng anh là gì? Những quy định về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm?
Theo luật kinh doanh bảo hiểm thì kinh doanh bảo hiểm là Hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Có kinh doanh dẫn đến có gian lân, việc gian lận trong kinh doanh bảo hiểm vẫn đang là vấn đề nhức nhối, và là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. Hành vi gian lận bảo hiểm có các hình thức ngày càng đa dạng, phức tạp, tinh vi và xuất hiện trong bất kỳ khâu nào trong quy trình kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm.
Đối tượng của hành vi gian lận có thể là người tham gia bảo hiểm, người thụ hưởng bảo hiểm, người thuê tài sản bảo hiểm, người được giao quản lý, sử dụng tài sản bảo hiểm hoặc chính là các cán bộ bảo hiểm nhân viên công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, các cộng tác viên…Vậy tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm được Bộ Luật hình sự nước ta quy định như thế nào, hình thức xử phạt ra sao? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ đi vào tìm hiểu các quy định của pháp luật để giúp người đọc hiểu rõ hơn về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm?
Cơ sở pháp lý:
1. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là gì?
Theo Điều 8 Bộ Luật hình sự 2015: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.”
Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là hành vi vi phạm các quy định về thụ hưởng bảo hiểm, hoạt động bảo hiểm nhằm mục đích chiếm đoạt tiền bảo hiểm hoặc gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện với lỗi cố ý.
2. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm tiếng anh là gì?
Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm tiếng anh là “fraud in insurance business”.
3. Những quy định về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm?
Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm được quy định tại Điều 213 Bộ Luật hình sự 2015:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, với số tiền chiếm đoạt từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 400.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều này, với số tiền chiếm đoạt từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội với số tiền chiếm đoạt 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
Cấu thành tội phạm là tổng thể các dấu hiệu pháp lý đặc trưng khách quan và chủ quan được quy định trong Luật Hình sự thể hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể là tội phạm, tức là căn cứ vào các dấu hiệu đó một hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm. Cấu thành tội phạm của tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm bao gồm:
– Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi khách quan phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi nguy hiểm này được thể hiện bằng việc thực hiện hay không thực hiện hành động thuộc các trường hợp cấm của luật. Người thực hiện hành vi biết hoặc có nghĩa vụ phải biết việc mình làm hay không thực hiện hành động mà từ đó gây nên nguy hiểm cho xã hội thì sẽ có hành vi khách quan để cấu thành tội phạm.
Hành vi khách quan của tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm này thể hiện qua việc thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm, giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin, tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe… để chiếm đoạt tiền bảo hiểm.
Đây là tội có cấu thành vật chất được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra hậu quả thực tế, hành vi gian lận, giả mạo tài liệu…được người phạm tội hoàn thành và đã gian lận được tiền bảo hiểm. Điều kiện của mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của tội phạm dựa vào: hành vi vi phạm phải xảy ra trước thời điểm phát sinh hậu quả, trong hành vi phải chứa đựng khả năng thực tế, nguyên nhân trực tiếp phát sinh hậu quả, một hậu quả xảy ra có thể do một hoặc nhiều hành vi gây ra.
– Mặt chủ quan của tội phạm:
Về dấu hiệu lỗi của tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm: Lỗi là thái độ tâm lý của người thực hiện hành vi đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả do hành vi đó của mình gây ra, đây là dấu hiệu bắt buộc phải có ở mọi tội phạm. Người thực hiện hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm có lỗi cố ý trực tiếp khi nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và thấy trước hậu quả của hành vi đó mà vẫn mong muốn nó xảy ra.
Về động cơ và mục đích của người phạm tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm: Động cơ là động lực bên trong thúc đẩy con người thực hiện hành vi biểu hiện ra bên ngoài. Mục đích là kết quả trong ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi. Động cơ và mục đích phạm tội là yếu tố phải có trong lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm với động cơ muốn có tiền và mục đích là muốn hưởng quyền lợi từ bảo hiểm một cách trái pháp luật.
– Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là người có năng lực trách nhiệm hình sự và pháp nhân thương mại.
Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, có năng lực trách nhiệm hình sự được hiểu là trong lúc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì người đó bị mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
– Khách thể của tội phạm:
Khách thể của tội phạm là những mối quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ, bị tội phạm xâm hại, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại.
Hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm xâm phạm đến quy định quản lý hoạt động bảo hiểm của Nhà nước.
Hình phạt đối với tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm:
– Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản:
Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.
Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm
– Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng:
Có tổ chức;
Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
Tái phạm nguy hiểm;
Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;
Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. doanh bảo hiểm là Hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.