Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 107 "Bộ luật hình sự 2015" sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Điều luật này được quy định tại Điều 107 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, quy định hai tội gồm:
– Tội gây thương tích cho người khác trong khi đang thi hành công vụ.
– Tội gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ.
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Khái niệm:
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ được hiểu là hành vi của người được giao thực hiện công vụ đã làm cho người khác bị thương tích, hoặc bị tổn hại cho sức khỏe do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên.
2. Các yếu tố cấu thành tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác khi thi hành công vụ đối với người phạm tội.
2.1. Khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm quyền được bảo hộ về sức khỏe của công dân.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
a) Về hành vi:
Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép.
Việc xác định thế nào là sử dụng vũ khí ngoài những trường hợp pháp luật cho phép căn cứ vào điểm 1 phần III nghị định số 94 HĐBT ngày 2-7-1984 của Hội đồng Bộ trưởng. Nghị định quy định:
“Trong khi thi hành công vụ bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, người được giao sử dụng vụ khí chỉ được nổ súng vào các đối tượng sau:
Những kẻ đang dùng vũ lực gây bạo loạn, đang phá hoại, đang hành hung cán bộ, chiến sĩ bảo vệ, đang tấn công đối tượng hoặc mục tiêu bảo vệ. Những kẻ đang phá trại giam, cướp phạm nhân, những phạm nhân đang nổi loạn, cướp vũ khí, phá trại giam hoặc dùng vũ lực uy hiếp tính mạng các cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ quản lý, canh gác, dẫn giải tội phạm; những người phạm tội nguy hiểm đang bị giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang có lệnh bắt mà chạy trốn. Những kẻ không tuân lệnh của cán bộ, chiến sĩ đang tiến hành nhiệm vụ tuần tra, canh gác, khám, lại lợi dụng vũ lực chống lại, uy hiếp nghiêm trong tính mạng cán bộ thừa hành nhiệm vụ hoặc tính mạng của nhân dân. Bọn lưu manh, côn đồ đang giết người, hiếp dâm, gay rối trật tự rất nghiêm trọng đang dùng vũ lực cướp phá tài sản xã hội chủ nghĩa hoặc tài sản của công dân. Người điều khiển phương tiện không tuân lệnh, cố tình chạy trốn khi người kiểm soát phương tiện giao thông vận tải ra lệnh và đã biết rõ trên phương tiện có vũ khí hoặc tài liệu phản động, tài liệu bí mật quốc gia, có tài sản đặc biệt quý giá của Nhà nước; hoặc có bọn phạm tội, bọn lưu manh, côn đồ đang sử dụng phương tiện để bắt đối tượng.Trước khi nổ súng bắn chết các đối tượng trên, người thi hành công vụ phải ra lệnh hoặc bắn cảnh cáo mà đối tượng không chấp hành, thì được coi là không có tội (trừ trường hợp bắn người điều khiển phương tiện)”.
Như vậy nếu dùng vũ lực trong trường hợp không thuộc các trường hợp quy định tại Nghị định số 94 HĐBT ngày 2-7-1984 của Hội đồng Bộ trưởng thì được coi là dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép.
Hơn nữa, hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép phải gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì mới cấu thành tội gây thương tích hoặc gây tổn haị cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ. Vì vậy, trong mọi trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định pháp ý đối với nạn nhân.
b) Về hậu quả:
Hậu quả của tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ là thiệt hại về thể chất – hậu quả thương tích hoặc tổn hại đáng kể cho sức khỏe người khác. Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ hoàn thành khi hậu quả thương tích hoặc tổn hại đáng kể cho sức khỏe của người khác xảy ra. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả của tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép với hậu quả thương tích hoặc tổn hại đáng kể cho sức khỏe của người khác.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Lưu ý: Trường hợp hành vi phạm tội dẫn đến chết người thì người thực hiện hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ.
2.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý gián tiếp.
Động cơ phạm tội của người đang thi hành công vụ là nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức hoặc của công dân.Nếu không xuất phát từ động cơ này thì người phạm tội phải bị xử phạt về tội khác theo quy định của Bộ luật Hình sự.
2.4. Chủ thể của tội phạm
Là người đang thi hành công vụ, có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.
2.5. Hình phạt
Khung cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự, theo đó người nào trong khi đang thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài nhưng trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Khung tăng nặng được quy định tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm tù trong trường hợp phạm tội đối với nhiều người.
Khoản ba điều luật có quy định về hình phạt bổ sung: người phạm tội có có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến ba năm.
3. Về phía nạn nhân
Nạn nhân ( người bị hại ) là những người đang có hành vi xâm phạm đến lợi ích mà người phạm tội có nhiệm vụ bảo vệ. Hành vi xâm phạm đến các lợi ích đó phải là hành vi trái pháp luật. Ví dụ: Một người vừa trộm cắp xe đạp đang chạy trốn; một lái xe chở hàng lậu không chịu dừng xe để kiểm tra; một người không chấp hành lệnh khám nhà, khám người, khám đồ vật của cơ quan điều tra…
B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
1. Trong khi thi hành công vụ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người
Nếu trong khi thi hành công vụ do sử dụng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người và người này có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.
2. Trong khi thi hành công vụ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người trong khi thi hành công vụ là gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên và mỗi người đều bị thương tật từ 31% trở lên.Nếu có nhiều người bị thương tật nhưng chỉ có một người có tỷ lệ từ 31% trở lên thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên thực tiễn xét xử cho thấy, có trường hợp trong khi thi hành công vụ do sử dụng vũ khí ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người nhưng chỉ có một người có tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên, còn những người khác có tỷ lệ thương tật dưới 31% nhưng tổng tỷ lệ thương tật lại trên 31%, thậm chí tới trên 61%.Vậy có truy cứu người phạm tội theo khoản 2 Điều 107 không?.Theo ý kiến cá nhân tác giả do điều luật không quy định phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng khác, do đó nếu gây thương tích cho nhiều người, trong đó có một người có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên còn những người khác có tỷ lệ thương tật dưới 31 % nhưng tổng tỷ lệ thương tật của những người này từ 31% trở lên thì người phạm tội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 107 Bộ luật hình sự.