Quy định về tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông Dấu hiệu pháp lý của tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông? Hình phạt đối với tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông?
Trong rất nhiều năm qua, ngành vận tải đường bộ đã đóng góp không ít tiền bạc vào nguồn ngân sách nhà nước, đem lại lợi ích lớn đối với nền kinh tế quốc gia. Đồng thời sự phát triển nhanh chóng của ngành vận tải đường bộ đã tạo ra công ăn việc làm ổn định, nguồn thu nhập cao cho rất nhiều người lao động góp phần giải quyết vấn đề việc làm của nhà nước, giảm tỷ lệ thất nghiệp từ đó hạn chế được các tệ nạn xã hội xảy ra. Với những vai trò đó mà vận tải đường bộ đã trở thành phương thức vận chuyển phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của giao thông đường bộ thì các hành vi phạm tội phát sinh trong lĩnh vực này cũng ngày càng tăng lên. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm theo quy định của pháp luật hình sự.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Quy định về tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông:
Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm được ban hành và quy định cụ thể tại Điều 204
“Điều 262. Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông
1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt từ từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật hình sự, đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn là hành vi của người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ rõ ràng không đảm bảo an toàn kỹ thuật gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.
2. Dấu hiệu pháp lý của tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông:
2.1. Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm này được xác định là chủ thể đặc biệt, chỉ những người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật về phương tiện giao thông đường bộ mới là chủ thể của tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông.
Pháp luật quy định, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm được thực hiện do vô ý và không có trường hợp nào là tội đặc biệt nghiêm trọng.
2.2. Khách thể của tội phạm:
Khách thể của tội phạm này là trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Đối tượng tác động của tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông là:
– Phương tiện giao thông đường bộ bao gồm: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, nhưng chủ yếu là phương tiện giao thông cơ giới đương bộ.
– Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật.
– Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ gồm các loại xe không di chuyển bằng sức động cơ như xe đạp, xe xích lô, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.
Khi các chủ thể tham gia giao thông, sự an toàn của các phương tiện giao thông vận tải phụ thuộc vào các tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện và năng lực, điều kiện của người điều khiển phương tiện, vì vậy đòi hỏi phương tiện tham gia giao thông và người điều khiển phải có đủ các điều kiện cần thiết để đản bảo khi vận hành phương tiện giao thông đường bộ.
Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông xâm phạm vào những quy định của nhà nước về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của công dân.
2.3. Mặt chủ quan của tội phạm:
Người thực hiện hành vi đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ rõ ràng không bảo đảm an toàn là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả, nhưng chủ yếu là vô ý vì quá tự tin).
Người phạm tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông có thể vì động cơ khác nhau nhưng không có mục đích vì lỗi của người phạm tội là do vô ý nên không thể có mục đích. Nếu người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ rõ ràng không bảo đảm an toàn kỹ thuật gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản của người khác, thì ngoài tội “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn” họ còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “nhận hối lộ” theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.
2.4. Mặt khách quan của tội phạm:
Về hành vi:
– Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông được thể hiện ở hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không đảm bảo an toàn: hỏng bộ phận chuyển động, hỏng tay lái, hỏng phanh, hỏng gầm, lốp, vỏ xe… đã mòn quá quy định, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn báo hãm, đèn báo hiệu các loại không đạt tiêu chuẩn, hệ thống chuyển hướng không có hiệu lực, bánh lốp không đúng kích cỡ, tiêu chuẩn kỹ thuật và áp lực hơi theo quy định cho từng loại xe…
– Hành vi cho phép các chủ phương tiện sử dụng các phương tiện giao thông vận tải đường bộ không bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết, hành vi này thường là của những người có thẩm quyền cho phép các chủ phương tiện sử dụng các phương tiện giao thông vận tải: cán bộ cơ quan đăng kiểm…
– Hành vi thực hiện điều động các phương tiện giao thông vận tải đường bộ không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật tham gia vào các hoạt động giao thông.
– Dấu hiệu hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc: chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi người phạm tội có một trong những hành vi nêu trên gây chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.
– Các dấu hiệu khác. Hành vi nêu trên phải gây thiệt hại về tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì các chủ thể có hành vi vi phạm mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông
Cũng cần lưu ý rằng phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn về kỹ thuật phải được xác định rõ ràng, tức là có thể dễ dàng nhận biết ngay hoặc nhìn thấy ngay mà không cần phải qua kiểm tra kỹ thuật. Đây là dấu hiệu khách quan buộc, cũng là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội phạm này.
Như vậy, ta nhận thấy, tuỳ thuộc vào trách nhiệm của họ về phương tiện giao thông người phạm tội thực hiện một trong hai hành vi sau:
– Nếu là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động phương tiện giao thông đường bộ thì hành vi khách quan của họ là hành vi điều động phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn.
– Nếu là người chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, thì hành vi khách quan của họ là chứng nhận không đúng về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường bộ.
Nếu hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm.
3. Hình phạt đối với tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông:
Có bốn khung hình phạt khi phạm tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông cụ thể như sau:
Khung thứ nhất được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 262 Bộ luật hình sự năm 2015.
Mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với các hành vi dẫn đến hậu quả sau đây:
– Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%.
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Khung thứ hai được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 262 Bộ luật hình sự năm 2015.
Khung thứ hia quy định mức phạt tù từ ba năm đến bảy năm. Khung hình phạt này được áp dụng đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Khung thứ ba được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 262 Bộ luật hình sự năm 2015.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp cụ thể sau đây, thì các chủ thể sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
– Làm chết 03 người trở lên.
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên.
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
– Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Khung thứ bốn được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 262 Bộ luật hình sự năm 2015.
Đối với trường hợp người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Ngoài ra còn hình phạt bổ sung được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 262 Bộ luật hình sự năm 2015.
Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị:
– Cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.
– Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hình sự, hình phạt đối với tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông được quy định bốn khung hình phạt cụ thể, nhẹ nhất là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đến nặng nhất là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Ngoài ra, các chủ thể phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung tùy vào từng trường hợp cụ thể của người phạm tội.