Cấu thành tội phạm, mức phạt tù đối với tội dâm ô với trẻ em? Hành vi dâm ô với trẻ em xử lý như thế nào? Mức hình phạt tù đối với hành vi dâm ô theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015?
Bác Hồ đã từng khẳng định “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Có thể thấy, trẻ em là lứa tuổi hồn nhiên, ngây thơ nhất, cần được chăm sóc và bảo vệ. Thế nhưng, trong xã hội ngày nay, trẻ em đang phải đối mặt với những nguy hiểm tiềm ẩn đến từ những người lớn – những người đáng ra phải bảo vệ, chỉ dẫn cho trẻ. Trong những nguồn nguy hiểm đó, xâm hại tình dục đối với trẻ em, trong đó có dâm ô với trẻ em là một trong những vấn đề đang được đề cập nhiều trong thời gian gần đây, nhất là khi phong trào MeToo phát triển.
Vậy người có hành vi dâm ô với trẻ em thì sẽ bị xử lý như thế nào, cấu thành của tội dâm ô với trẻ em ra sao? Để giải quyết vấn đề này, trong phạm vi bài viết này, đội ngũ luật sư và chuyên viên Luật dương gia sẽ đề cập đến cấu thành Tội dâm ô với trẻ em, mức phạt tù áp dụng đối với tội này theo quy định của Bộ luật hình sự.
Hiện nay, về tội dâm ô với trẻ em và mức phạt tù được áp dụng với tội này được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể:
Mục lục bài viết
- 1 1. Cấu thành tội phạm của tội dâm ô với trẻ em
- 2 2. Mức hình phạt tù đối với Tội dâm ô với trẻ em
- 3 3. Hành vi dâm ô với trẻ em sẽ bị xử lý thế nào?
- 4 4. Rút đơn kiện có bị đi tù khi có hành vi dâm ô với trẻ em?
- 5 5. Dâm ô trẻ em không thành do bị phát hiện thì chịu tội gì?
- 6 6. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội dâm ô trẻ em
1. Cấu thành tội phạm của tội dâm ô với trẻ em
Trẻ em, theo quy định tại Điều 1 Luật trẻ em năm 2016 được xác định là người dưới 16 tuổi, vậy nên, Tội dâm ô với trẻ em được xác định là “tội dâm ô với người dưới 16 tuổi”. Hiện nay, Tội dâm ô với trẻ em là một trong những tội phạm được quy định tại
Cấu thành một tội phạm nói chung, bao gồm 04 yếu tố cơ bản: mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể, khách thể, được xác định là những mặt, những phương diện để cấu tạo, hình thành nên một tội phạm, là cơ sở để phân biệt một tội phạm này với tội phạm khác. Đối với tội dâm ô với trẻ em, căn cứ theo quy định tại Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung
- Về mặt khách quan:
Hiểu một cách khái quát thì mặt khách quan trong cấu thành tội phạm là dùng để chỉ những phương diện mà tội phạm thể hiện ra ngoài, là cơ sở để nhận biết ngay dấu hiệu phạm tội của tội phạm, và thường được thể hiện dưới các yếu tố như hành vi, hậu quả của hành vi và các yếu tố khác như: công cụ, phương tiện phạm tội, địa điểm phạm tội… – những yếu tố đóng vai trò hỗ trợ trong việc thực hiện hành vi phạm tội.
Trong Tội dâm ô với trẻ em, người phạm tội phải có hành vi “dâm ô”. “Dâm ô”, nếu hiểu theo nghĩa của từ điển Tiếng Việt online được hiểu là dâm dục một cách xấu xa, nhơ nhuốc. Còn nếu căn cứ theo quy định về Tội dâm ô trẻ em theo Điều 146 Bộ luật hình sự 2015 và trên phương diện lý luận chung thì được hiểu là hành vi kích thích, kích dục hoặc thỏa mãn những dục vọng, cảm giác tình dục thông qua những hành vi xúc phạm nhân phẩm hay những thủ đoạn khác có tính chất dâm dục, dâm loạn nhưng không giao cấu với nạn nhân, không thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân. Hành vi dâm ô có thể thể hiện qua các hành vi như sờ, chạm, bóp, “hôn hít” hoặc dùng các bộ phận nhạy cảm về tình dục để cọ xát vào vào bộ phận sinh dục hay những bộ phận nhạy cảm khác như mông, ngực… của nạn nhân. Hành vi đó cũng có thể thể hiện dưới dạng buộc trẻ em sờ, bóp, cọ xát, “hôn hít” vào những bộ phận sinh dục của người phạm tội để kích thích, tạo ra “khoái cảm” cho người phạm tội. Cho dù thể hiện dưới hình thức nào thì hành vi dâm ô đều là nhằm mục đích thỏa mãn dục vọng mà không có ý định giao cấu với nạn nhân. Điều này hoàn toàn khác với việc có ý định giao cấu mà chưa/hoặc không giao cấu được. Trường hợp có ý định giao cấu với nạn nhân nhưng chưa giao cấu được hoặc không giao cấu được thì được xác định là không phải hành vi dâm ô, mà có thể xác định về hành vi khác tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Hành vi dâm ô này là nguyên nhân dẫn đến hậu quả xâm hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ, gây ra sự sợ hãi về mặt tâm lý và sự phát triển bình thường của trẻ.
- Về mặt chủ quan:
Mặt chủ quan trong cấu thành tội phạm là những yếu tố thể hiện nội tại (yếu tố bên trong) của một tội phạm, thường thể hiện qua yếu tố lỗi, động cơ phạm tội, mục đích phạm tội, phương diện tâm lý của người phạm tội.
Trong tội dâm ô với trẻ em, người phạm tội thực hiện hành vi “dâm ô” với lỗi cố ý, có nghĩa là bản thân người phạm tội biết rõ hành vi của mình có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với người bị dâm ô (cả về mặt sức khỏe, cả về mặt tâm lý tinh thần) nhưng để thỏa mãn dục vọng của mình, họ vẫn thực hiện hành vi này. Về mặt tâm lý, người phạm tội dâm ô trẻ em thường đều có dấu hiệu khao khát dục vọng, thậm chí thể hiện một cách biến thái, và khi thực hiện hành vi phạm tội thì đều có cảm giác thỏa mãn về dục vọng.
- Về mặt chủ thể:
Căn cứ theo quy định Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2015 thì chủ thể phạm tội của Tội dâm ô với trẻ em (Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi) được xác định là người đã thành niên, có thể là nam hoặc nữ nhưng phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
- Về mặt khách thể:
Trong cấu thành Tội dâm ô với trẻ em (Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi), khách thể – quan hệ xã hội bị xâm phạm của tội này được xác định là sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em, quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của trẻ em, xâm phạm đến sự phát triển bình thường, tâm sinh lý và cuộc sống bình thường của trẻ em. Trong đó, đối tượng bị tác động (nạn nhân) ở đây có thể là nam (bé trai) hoặc nữ (bé gái), có thể bị ép buộc phải thực hiện dâm ô nhưng cũng có thể có sự đồng tình với người phạm tội trong việc thực hiện hành vi dâm ô.
Trên thực tế hiện nay, có rất nhiều vụ việc dâm ô với trẻ em xảy ra và đã bị phát hiện. Ví dụ như vụ việc bé trai 14 tuổi bị người đàn ông dâm ô nhiều lần được đăng tải trên báo điện tử 24h ngà 17/07/2018. Theo đó, ngày 16/07, công an Thành phố Biên Hòa, Đồng nai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Võ Bá Thọ (55 tuổi, cư trú tại Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) về tội dâm ô với trẻ em. Theo thông tin, từ tháng 26/12/2017, bé trai tên Đ, 14 tuổi – nạn nhân trong vụ việc và là người quen biết với ông Thọ đã đến kho vật liệu chơi và gặp ông Thọ. Ông Thọ đã dụ dỗ cháu bé xem phim đồi trụy (xem phim sex) rồi trong lúc “cao hứng” đã thực hiện hành vi dâm ô với bé Đ, thông qua việc cầm nắm, sờ mó bộ phận sinh dục của cháu Đ và yêu cầu cháu Đ thực hiện tương tự với “bộ phận sinh dục” của mình. Cứ mỗi lần thực hiện hành vi dâm ô, ông Thọ đã cho bé tiền và yêu cầu bé không được kể lại với ai. Sau đó sự việc đã bị phát hiện, công an vào cuộc điều tra và Thọ đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Có thể thấy, hành vi của Thọ đang có dấu hiệu của Tội dâm ô với trẻ em, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Hay như vụ việc ông Nguyễn Khắc Thủy đã bị kết án 03 năm tù về Tội dâm ô với trẻ em. Theo nội dung hồ sơ điều tra và cáo trạng thì trong khoảng thời gian từ tháng 4/2014 đến tháng 5/2014, ông Nguyễn Khắc Thủy đã thực hiện hành vi dâm ô với nhiều cháu gái tại chung cư Lakeside, phường Nguyễn An Ninh, Thành phố Vũng tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cụ thể, lợi dụng việc các cháu chơi ở khuôn viên chung cư, hay nói chuyện với bạn tại cửa phòng với nhau mà Thủy đã nhiều lần dùng tay luồn vào trong váy của bé gái để sờ mó bộ phận sinh dục của cháu, rồi nắn, bóp những bộ phận nhạy cảm của cháu. Việc thực hiện hành vi nêu trên đã có nhân chứng chứng kiến và sớm trình báo lên cơ quan có thẩm quyền và sự việc đã điều tra làm rõ.
Trên đây là những vụ việc đã xảy ra và được điều tra làm rõ, người phạm tội cũng đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tuy nhiên, đó có thể chỉ là một số ít trong số những sự việc lạm dụng tình dục, “dâm ô với trẻ em” xảy ra trên thực tế. Bởi trên thực tế, trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng nhiều, mà hành vi xâm hại càng tinh vi, phức tạp nhưng việc phát hiện ra những vụ việc dâm ô với trẻ em lại không dễ dàng, do thiếu chứng cứ, hoặc do tâm lý e ngại, thiếu sự hợp tác từ nạn nhân. Trong các vụ việc dâm ô thường không có vật chứng như quần áo, mẫu vật, tinh dịch, ADN, hơn nữa, hành vi dâm ô thường là “sờ nắn bên ngoài bộ phận sinh dục”, tức là hành vi chỉ xảy ra bên ngoài nên nếu không có chứng cứ, không có nhân chứng, chỉ dựa vào lời khai của nạn nhân thì việc xác định tội danh, căn cứ để xử lý vụ việc sẽ gặp nhiều khó khăn.
2. Mức hình phạt tù đối với Tội dâm ô với trẻ em
Về mức hình phạt được áp dụng với người phạm tội trong Tội dâm ô với trẻ em sẽ được xác định cụ thể dựa trên mức độ vi phạm, tính chất của hành vi phạm tội, hậu quả và quy định của Bộ luật hình sự. Cụ thể, theo quy định tại Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2015, mức hình phạt áp dụng đối với Tội dâm ô với trẻ em được xác định như sau:
– Mức hình phạt: Bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
Khung hình phạt này được áp dụng cho tất cả những chủ thể đáp ứng các yếu tố cấu thành của tội dâm ô trẻ em và thể hiện rõ về việc thực hiện hành vi dâm ô với trẻ em không nhằm mục đích giao cấu hay thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
– Mức hình phạt: Bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm tù.
Mức hình phạt này áp dụng cho những đối tượng thực hiện hành vi dâm ô với trẻ em không nhằm mục đích giao cấu nhưng có các tình tiết định khung như: Phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần (từ 02 lần trở lên); phạm tội với nhiều người (từ 02 người trở lên), có tính chất tái phạm, phạm tội với người mà mình đang chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, chữa bệnh (ví dụ bác sĩ dâm ô với bệnh nhân, hoặc thầy cô thực hiện hành vi dâm ô với học sinh của mình…), gây ảnh hưởng về tâm lý dẫn đến rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân với mức từ 31% đến 60% mức độ tổn thương cơ thể.
– Mức hình phạt: từ 07 đến 12 năm tù:
Mức hình phạt tù này áp dụng đối với những người có hành vi dâm ô với trẻ em (không nhằm mục đích giao cấu, hay quan hệ tình dục khác) nhưng có hậu quả làm cho nạn nhân tự sát hoặc ảnh hưởng quá lớn đến tâm lý, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.
Như vậy, Hành vi dâm ô với trẻ em cũng giống như bất kỳ một trong những hành vi xâm phạm tình dục khác đều gây tác động và ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý, cuộc sống cũng như sự phát triển bình thường của trẻ em, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội dâm ô với trẻ em nếu đáp ứng đầy đủ 04 yếu tố cấu thành nên tội phạm này. Mức hình phạt áp dụng đối với tội dâm ô với trẻ em sẽ được xác định tùy vào từng trường hợp, tính chất và mức độ phạm tội.
3. Hành vi dâm ô với trẻ em sẽ bị xử lý thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư. Tôi có 1 trường hợp rất mong sự tư vấn của Luật sư. Tôi có 1 người cháu năm nay 17 tuổi, có hành vi dâm ô với đứa bé 4 tuổi. Tôi muốn hỏi hành vi đó sẽ giải quyết như thế nào? Xin cảm ơn rất nhiều!
Luật sư tư vấn:
Theo như trình bày trường hợp của cháu bạn 17 tuổi có hành vi dâm ô với bé 4 tuổi. Hiện nay, quy định tại Điều 116 Bộ luật hình sự thì hành vi dâm ô với trẻ em sẽ bị xử lý như sau: “1. Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
…
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Như vậy, theo quy định trên chủ thể của tội dâm ô là người thành niên. Theo quy định tại Điều 18 “Bộ luật dân sự năm 2015” về người thành niên như sau: “ Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên”. Đối chiếu với trường hợp của cháu bạn 17 tuổi cho nên cháu bạn là người chưa thành niên. Mặc dù có hành vi dâm với trẻ em, tuy nhiên sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Biện pháp xử lý: Trong trường hợp của cháu bạn mặc dù không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn phải áp dụng một số biện pháp xử lý sau:
Thứ nhất: Áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình, cần kết hợp với nhà trường trong việc giáo dục, sửa chữa sai lầm để cháu bạn phát triển lành mạnh.
Thứ hai: Cháu bạn và gia đình cần phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho em bé theo quy định về bồi thường thiệt hại tại “Bộ luật dân sự năm 2015”.
4. Rút đơn kiện có bị đi tù khi có hành vi dâm ô với trẻ em?
Tóm tắt câu hỏi:
Cậu tôi hiện nay đang bị bắt về hành vi dâm ô với cháu gái họ nhà mình. Cháu sinh năm 2000. Đến nay, cháu không muốn cậu tôi đi tù, cậu tôi cũng ăn năn hối cải. Vậy gia đình tôi rút đơn khởi kiện thì có được không? Việc này giải quyết như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Theo Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định về việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại như sau:
“1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật Hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.”
Mà tội dâm ô trẻ em được quy định tại Điều 116 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009:
“1. Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều trẻ em;
c) Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Như vậy, Điều 116 không nằm trong những điều luật được quy định theo Điều 105 BLTTHS, vì vậy dù cháu gái và gia đình bạn rút đơn bãi nại thì công an vẫn có quyền khởi tố về hành vi này của cậu bạn.
5. Dâm ô trẻ em không thành do bị phát hiện thì chịu tội gì?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có vấn đề này khá lo lắng cho cháu của tôi. Thực ra cháu tôi nó còn quá nhỏ con bé sinh năm 2010. Xóm tôi thì có cái thằng này nó thuộc dạng hay đi làm chuyện thất đức, chuyên đi dâm ô với trẻ em, nó làm cái việc này nhiều lần rồi nhưng nó dân giang hồ quá nên không ai đụng chạm đến nó.
Hôm vừa rồi cháu tôi chơi ở nhà một mình vì bố mẹ có đều có việc cháu tôi nó chơi với mấy đứa trẻ nhà bên, nhà bên thì có người lớn nên bố mẹ nó cũng yên tâm để cho cháu nó chơi ở đấy. Mấy đứa bé nó chơi đùa với nhau thì lúc sau cái thằng đó nó đến bắt cháu tôi đến nghĩa trang xã khác định giở trò đồi bại, đang lột quần áo của cháu tôi thì có người đi ngang quá nó thấy bị phát hiện thì bỏ chạy mất. Người nhìn thấy mới báo cho gia đình lên nhận và đón cháu tôi về.
Tôi muốn hỏi với trường hợp này thì thằng đó nó sẽ bị xử như thế nào, cái thằng này nó đã lớn tuổi rồi gần 30 tuổi rồi.
Luật sư tư vấn:
Cháu bạn sinh năm 2010 đến nay là 2015 là dưới 13 tuổi là tuổi trẻ em. Việc tên đó chỉ mới lột áo, nếu chưa chạm vào bộ phận sinh dục của cháu bạn thì hắn chưa được coi là cấu thành của tội dâm ô quy định tại Điều 116 Bộ luật Hình sự về tội dâm ô đối với trẻ em đối với cháu bạn.
Tuy nhiên, việc hắn có hành vi chở cháu của bạn đến nơi khác mà không có sự đồng ý của gia đình nhà bạn, không một ai biết về việc hắn chở cháu bạn đi đến một nơi khác thì hắn sẽ phải chịu tội theo Điều 123 Bộ luật Hình sự về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo đó:
“1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người.
3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.
Bên cạnh đó, nếu bạn làm đơn kiện ra
Trường hợp nếu cháu bạn bị tổn thương về mặt tinh thần do hành vi bắt cóc và có ý định dâm ô hay giao cấu đối với cháu bạn thì sẽ phải bồi thường thêm khoản chi phí tổn thất về mặt tinh thần cho cháu của bạn.
6. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội dâm ô trẻ em
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi, gia đình tôi đang ở chung cư, hôm trước tôi đi làm về thấy con tôi khóc trong nhà vệ sinh con tôi mới 14 tuổi. Tôi gặng hỏi con tôi không nói, nhưng thấy biểu hiện của cháu rất hoảng sợ. Sau một hồi con tôi mới nói, cháu quen một người hàng xóm ở tầng dưới hôm đó cháu xuống nhà hàng xóm đó chơi chị vợ người này đi vắng, tên chồng này đã có hành vi sờ soạng con tôi ép con tôi cởi bỏ quần áo, nói nếu không sẽ chụp ảnh con tôi không mặc gì gửi lên facebook. Tôi phải làm gì để bảo vệ con tôi.
Luật sư tư vấn:
Theo quy định của Bộ luật hình sự, Điều 116 đã có quy định như sau về tội dâm ô đối với trẻ em
“1. Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều trẻ em;
c) Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”
Trước hết ta phải xác định với hành vi yêu cầu con gái bạn thực hiện hành động cởi quần áo, rồi có hành vi sờ soạng con gái bạn, nhưng hoàn toàn không hề có ý định giao cấu với con gái bạn. Đây là hành vi cấu thành nên tội phạm được quy định tại Điều 116, Bộ luật hình sự. Tại quy định tội phạm tại điều luật này ghi nhận hành vi dâm ô thể hiện ở các hành động sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà sát với bộ phận của nạn nhân. Mục đích nhằm thỏa mãn dục vọng nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân. Nếu có ý định giao cấu với nạn nhân nhưng không giao cấu được thì đây sẽ không coi là hành vi dâm ô nữa mà sẽ tiến hành truy cứu hình sự về tội hiếp dâm trẻ em hoặc tội giao cấu với trẻ em.