Tội cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước là gì? Tội cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước tiếng Anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về Tội cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước? Dấu hiệu pháp lý? Hình phạt?
Công tác bảo vệ bí mật Nhà nước có thể nói là nhiệm vụ quan trọng của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, nhất là trong thời kỳ 4.0 hiện nay, khi mà công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, để thực hiện mưu đồ chính trị, các thế lực thù địch, phản động ở trong và ngoài nước đã và đang lợi dụng triệt để Internet để thu thập tin tức bí mật nhà nước. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Vậy Tội cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước là gì, được quy định trong Bộ luật hình sự ra sao và người phạm tội phải gánh chịu hình phạt như thế nào?
Cơ sở pháp lý:
–
– Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018.
1. Tội cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước là gì?
Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của pháp luật, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tội cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý, xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước về thông tin, vật, tài liệu bí mật nhà nước bằng hành vi làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước.
2. Tội cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước tiếng Anh là gì?
Tội cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước trong tiếng Anh là “Deliberate disclosure of classified information; appropriation, trading, destruction of classified documents”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự về Tội cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước
Tội cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước được quy định tại Điều 337 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
4. Dấu hiệu pháp lý
4.1. Khách thể của tội phạm
Tội cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước về thông tin, vật, tài liệu bí mật nhà nước.
4.2. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước.
+ Cố ý làm lộ bí mật nhà nước là hành vi làm cho người không có trách nhiệm biết được bí mật nhà nước. Hành vi làm lộ bí mật Nhà nước được biểu hiện ra bên ngoài bằng lời nói, chữ viết hoặc cho người khác xem, nghe, đọc, sao chụp bí mật Nhà nước,…
Hậu quả của tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước không phải là yếu tố định tội. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả của hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước là rất cần thiết vì nó là yếu tố định khung hình phạt. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật, nếu gây ra hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 của điều luật.
– Chiếm đoạt vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp vật, tài liệu chứa bí mật nhà nước đang do người khác quản lý thành của mình bằng các thủ đoạn khác nhau như dung vũ lực chiếm đọa, đe dọa dung vũ lực chiếm đoạt, công nhiên chiếm đoạt, cướp giật, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt, lén lút chiếm đoạt…Vật, tài liệu bí mật nhà nước bao gồm vật, tài liệu gốc chứa đựng bí mật nhà nước hoặc vật, tài liệu chứa bí mật nhà nước đã được sao lại, chụp lại.
– Mua bán tài liệu bí mật nhà nước là hành vi dùng tiền hoặc tài sản để mua tài liệu bí mật nhà nước để cất giữ, để bán lại cho người khác hoặc bán tài liệu bí mật nhà nước mà mình quản lý, cất giữ cho người khác để lấy tiền hoặc tài sản.
– Tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước là làm cho vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước không còn giá trị sử dụng được nữa.
Cũng như tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, hậu quả của tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước không phải là yếu tố định tội.
Ngoài hành vi khách quan, nhà làm luật còn quy định thêm dấu hiệu khách quan khác, đó là: hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 Bộ luật hình sự thì mới cấu thành tội cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước theo quy định tại Điều 337 Bộ luật hình sự. Nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 Bộ luật hình sự thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gián điệp. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước với tội gián điệp.
4.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
4.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người đủ 16 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự.
5. Hình phạt
Khung hình phạt tại khoản 1
Người phạm tội bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Khung hình phạt tại khoản 2
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
– Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghê, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tổ cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
– Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
Khung hình phạt tại khoản 3
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
– Có tổ chức: Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Trong thực tế, sự câu kết này có thể thể hiện dưới các dạng sau đây:
+ Những người đồng phạm đã tham gia một tổ chức phạm tội như: đảng phái, hội, đoàn phản động, băng, ổ trộm, cướp… có những tên chỉ huy, cầm đầu. Tuy nhiên, cũng có khi tổ chức phạm tội không có những tên chỉ huy, cầm đầu mà chỉ là sự tập hợp những tên chuyên phạm tội đã thống nhất cùng nhau hoạt động phạm tội. Thí dụ: sau khi đã hết hạn tù, một số tên chuyên trộm cắp đã tập hợp nhau lại và thống nhất cùng nhau tiếp tục hoạt động phạm tội.
+ Những người đồng phạm đã cùng nhau phạm tội nhiều lần theo một kế hoạch đã thống nhất trước. Thí dụ: một số nhân viên nhà nước đã thông đồng với nhau tham ô nhiều lần; một số tên chuyên cùng nhau đi trộm cắp; một số tên hoạt động đầu cơ, buôn lậu có tổ chức đường dây để nắm nguồn hàng, vận chuyển, thông tin về giá cả…
+ Những người đồng phạm chỉ thực hiện tội phạm một lần, nhưng đã tổ chức thực hiện tội phạm theo một kế hoạch được tính toán kỹ càng, chu đáo, có chuẩn bị phương tiện hoạt động và có khi còn chuẩn bị cả kế hoạch che giấu tội phạm. Thí dụ: Trong các trường hợp trộm cắp, cướp tài sản của công dân mà có phân công điều tra trước về nơi ở, quy luật sinh hoạt của gia đình chủ nhà, phân công chuẩn bị phương tiện và hoạt động của mỗi người đồng phạm; tham ô mà có bàn bạc trước về kế hoạch sửa chữa chứng từ sổ sách, hủy chứng từ, tài liệu hoặc làm giả giấy tờ; giết người mà có bàn bạc hoặc phân công điều tra sinh hoạt của nạn nhân, chuẩn bị phương tiện và kế hoạch che giấu tội phạm v.v…
– Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
– Phạm tội 02 lần trở lên;
Phạm tội 2 lần trở lên được hiểu là đã có 2 lần phạm tội trở lên mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị xử lý hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, được đưa ra truy tố, xét xử cùng một lúc.
Trường hợp phạm tội 2 lần trở lên mà người phạm tội cùng với những người đồng phạm khác phạm tội theo một kế hoạch thống nhất từ trước, thỏa mãn dấu hiệu phạm tội có tổ chức thì người phạm tội phải bị áp dụng hai tình tiết định khung hình phạt “có tổ chức” và “phạm tội 2 lần trở lên” tại điểm a, c khoản 2 Điều 337 Bộ luật hình sự.
– Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Hình phạt bổ sung tại khoản 4
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm