Giới hạn của hành vi phòng vệ chính đáng? Gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng? Tội cố ý gây thương tích cho người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng?
Tóm tắt câu hỏi:
Khi đưa bạn gái tôi về nhà thì bị 3 thanh niên say rượu kiếm chuyện chặn đường và đuổi theo. Trong lúc nóng giận, tôi đã đánh và lỡ tay đâm 1 người bị thương nhưng vết thương không đáng kể. Như vậy tôi có bị phạt hay không?
Luật sư tư vấn:
Theo như bạn trình bày, khi đưa bạn gái về nhà thì gặp hai thanh niên chặn đường và đuổi theo. Sau đó trong lúc nóng giận bạn đã đâm gây thương tích cho một người bị thương.
Căn cứ Điều 106 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:
‘1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.’
Như vậy, cấu thành của tội phạm quy định tại Điều 106 Bộ luật hình sự năm 1999 phải có lỗi cố ý của người phạm tội đồng thời phải gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người bị hại từ 31% trở lên do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Do bạn không nói rõ về mức độ và tỷ lệ thương tật của người bị hại là bao nhiêu? Nếu trường hợp của bạn có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 106 Bộ luật hình sự năm 1999. Nếu trong trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a) Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:
‘Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;”
Tuy nhiên, trong trường hợp này 2 thanh niên kia cũng có lỗi nên phải xem xét mức độ lỗi của hai bên để truy cứu trách nhiệm hình sự hay xử phạt vi phạm hành chính.
Mục lục bài viết
1. Giới hạn của hành vi phòng vệ chính đáng
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Gần nhà tôi sinh sống có một cái đầm khá rộng, được nhà nước cho tư nhân thầu để nuôi cá. Hôm qua, em trai tôi có ra đó câu cá và bị người ta dùng dao chém làm em tôi phải khâu 8 mũi, sau đó còn đánh em tôi làm dập sống mũi và tụ máu ở vành giác mạc, và còn dìm đầu em tôi xuống ao khiến em tôi phỉa vào viện điều trị. Em trai tôi cũng đánh trả lại, khiến người đó bị gẫy hai cái răng và chẹo xương quai hàm khiến người đó phải nhập viện. Vậy thưa Luật sư, em trai tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không ạ? Mong nhận được phản hồi sớm từ phía Luật sư! Xin cám ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 104, Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009 thì những người cố tình gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 30% hoặc dưới 11% nhưng có sử dụng hung khí nguy hiểm thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tức là, trong trường hợp này, người gây thương tích cho em trai bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định của Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009.
Còn về phía em trai bạn, thì trước tiên, chúng ta phải xét đến khía cạnh hành vi phòng vệ của em trai bạn. Trong trường hợp việc phòng vệ của em trai bạn là hành vi phòng vệ chính đáng (theo nội dung của Khoản 1, Điều 15, Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009) thì em trai bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bởi hành vi này đủ để ngăn chặn hành vi gây thương tích cho em trai bạn của người đó, mà không mang tính chất côn đồ, hay gây nguy hại cho xã hội. Tuy nhiên, nếu hành vi này của em trai bạn vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng thì có thể em trai bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh cố ý gây thương tích cho người khác (Điều 104, Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009).
Tuy nhiên, việc xác định hành vi phòng vệ chính đáng của em trai bạn, cũng như tỷ lệ thương tật của cả hai người là em trai bạn và người gây thương tích cho em trai bạn sẽ phụ thuộc vào kết luận của cơ quan giám định pháp y, cũng như cơ quan điều tra được thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự. Theo đó, việc có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không cũng sẽ phụ thuộc vào kết luận giám định pháp y và cơ quan điều tra cũng dựa vào kết luận đó hay yêu cầu của em trai bạn để ra quyết định khởi tố vụ án theo căn cứ tại Điều 100, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003.
2. Gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Tóm tắt câu hỏi:
Sự việc của tôi như sau: Khoảng cuối tháng 12 năm 2015, tôi và 4 anh bạn cùng cơ quan đi ăn cơm trưa tại quán thì hai anh bạn trong chúng tôi bị hai đối tượng cũng là khách đến ăn tại quán gây sự đánh (tất cả chúng tôi đều không quen biết nhau và cũng không có thù hằn hay xích mích gì trước đó cả). Khi anh bạn tôi bị đánh thì tôi và anh chủ quán can ngăn nên hai anh bạn tôi chạy thoát ra khỏi quán được nhưng vẫn bị hai đối tượng trên đuổi đánh theo. Khoảng 5 phút sau thì hai đối tượng trên quay lại quán và chử bới, đồng thời đập phá đồ đạc trong quán. Lúc đó tôi và anh chủ quán vẫn đứng tại quán nhưng hai đối tượng trên không gây sự hay động vào chúng tôi.
Khoảng 10 phút sau có hai anh công an xã tới quán thì bị hai đối tượng trên lao vào chửi bới và đấm vào mặt một anh công an xã. Sau đó hai đối tượng trên bỏ đi khỏi quán. Khoảng 15 phút sau thì có 5 anh công an huyện xuống điều tra sự việc và yêu cầu những ai chứng kiến thì ngồi làm bản tường trình. Khi tôi và anh chủ quán cùng người bạn tôi đang ngồi tường trình sự việc, hai đối tượng trên lại quay trở lại quán. Một đối tượng lấy cốc trong tủ đồ ném về phía bàn chúng tôi đang ngồi đồng thời lao vào đạp đổ bàn chúng tôi và các anh công an đang viết biên bản. Thấy vậy khi đó tôi nói:
Có các anh công an ở đây mà chúng mày không coi pháp luật ra gì à? Sao các anh không khóa chúng lại đi? Vừa nói dứt câu tôi bị một đối tượng cầm cốc ném và lao vào định đánh tôi. Sợ quá tôi bỏ chạy ra phía cửa thì bị đối tượng chặn cửa, túm cổ áo và đấm vào mặt tôi. Còn đối tượng còn lại cầm cốc lao về phía tôi (khi đó các anh công an cũng chưa khống chế hai đối tượng trên lại). Lúc đó một tay tôi che mặt, một tay nhặt được chiếc cố dưới đất và khua khoắng về phía trước, thì trúng vào mặt đối tượng đang cầm cốc lao vào tôi. Thấy tôi cầm cốc đối tượng túm cổ áo tôi cũng buông tay khỏi cổ áo tôi. Tôi liền chạy vào trong và được anh công an xã đưa ra khỏi quán bằng cửa sau để lên công an xã viết lại tường trình sự việc.
Hai đối tượng trên thì được cho về để đi băng bó vết thương. Hôm sau tôi và 3 anh bạn được gọi lên công an huyện để lấy lời khai lại sự việc. Từ hôm đó đến nay tôi đã bị yêu cầu lên công an huyện 3 lần để lấy lời khai và viết bản tường trình lại sự việc. Lần gần nhất tôi được phía công an
Luật sư tư vấn:
Điều 15
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Khi xem xét một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần hội tủ các yếu tố:
– Về phía nạn nhân: là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác (người thứ ba). Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân (người có hành vi xâm phạm).
– Về phía người phòng vệ: Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, có thể là thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻ về cho người có hành vi xâm phạm.
– Về hành vi chống trả là cần thiết: Cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.
Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 15 Bộ luật hình sự có quy định về vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng:
“đó là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, chúng tôi chưa thể khẳng định được hành vi của bạn là “phòng vệ chính đáng” hay là “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Việc xác định này còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, khám nghiệm hiện trường, cũng với việc thu thập các chứng cứ chứng minh của cơ quan có thẩm quyền. Nếu hành vi của bạn là phòng vệ chính đáng thì bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự. Còn nếu hành vi của bạn là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 106 Bộ Luật hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.
Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, tỷ lệ thương tật bạn gây ra cho đối tượng kia là 13% (dưới 31%) nên nếu xác định hành vi của bạn là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bạn cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà bạn có thể sẽ bị xử phạt hành chính đối với hành vi này.
3. Tội cố ý gây thương tích cho người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình em vừa xảy ra một chuyện như sau: chồng em đang đi làm vô tình rơi túi đồ rồi quay lại nhặt một thanh niên đi xe qua rồi xuống xe đánh chồng em túi bụi chồng em không phản kháng gì. Vừa lúc đó anh trai em đi đến can thì thanh niên đó ra xe lấy thanh kiếm đánh bị thương vào tay anh em để tự vệ đã cầm thanh sắt đánh vào đầu thanh niên đó bị nứt hộp sọ. Luật sư cho em hỏi gia đình em có thể tố cáo thanh niên đó không? Anh em tự vệ vậy có vi phạm luật pháp không ạ? Mong nhận đựợc phản hồi sớm nhất. Xin cảm ơn?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, Hành vi của người thanh niên dùng vũ lực với chồng chị để nhằm chiếm đoạt túi đồ của chồng chị Theo quy định tại Khoản 1, Điều 133, Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:
“Điều 133. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.”
Và hành vi dùng kiếm đánh anh trai bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 104, Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:
“Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Thứ hai, Xem xét về hành vi của anh trai bạn là hành vi đánh trả lại người khác để bảo vệ quyền và lợi ích cho bạn và anh trai bạn và hành vi này vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Khoản 2, Điều 15, Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:
“2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.“
Tình tiết giảm nhẹ để tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.
Với hành vi của anh bạn đã đánh lại người đánh bạn, gây thương tích cho họ và sử dụng hung khí nguy hiểm là cây sắt thì sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích, theo quy định tại Khoản 1, Điều 106, Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:
“Điều 106. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.“
Và căn cứ tại Điều 105, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 như sau:
“1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.
Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”.
Như vậy trong trường hợp này nếu có yêu cầu của người bị hại thì anh trai bạn mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi là chủ quán của một quán ăn gia đình. Vào ngày hôm đó, có một bàn nhậu gồm 4 nam 3 nữ, nhậu được một lúc thì có hai thanh niên về nhà và chở dàn âm thanh của mình lên và hát inh ỏi. Người chủ quán có ra nói để cho họ nghỉ, 2,3 lần nhưng vẫn không có tác dụng. Được một lúc thì vợ chủ quán ra nói: “Thôi mấy em nghĩ đi”, họ không chịu, đòi đập phá quán và yêu cầu chủ quán (nam) ra để nói chuyện. Người chủ quán ra nói và định đi vào thì có 1 thanh niên cầm chén ném. Người chủ quán quay lại và nói: “Thôi anh đi vào, các em muốn làm gì làm”. Vừa đi được vài bước thì thanh niên cầm chén lúc nãy bây giờ đã cầm 2 chai bia trên tay và ném 1 chai bia vào người chủ quán. Người chủ quán kịp thời né và chụp được 1 cái cây gần đó lao vào khống chế người thanh niên và đánh vào tay đang cầm chai bia còn lại để không cho người thanh niên đó chọi bia vào người xung quanh trong đó có các em bé. Trong lúc khống chế vô tình người chủ quán đập vào tay và tay người thanh niên đó bị gãy xương tay. Vậy chủ quán có bị truy tố hình sự và hành hung gây thương tích cho người hay không, nếu có thì mức án hình sự như thế nào? Xin cám ơn.
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 15 Bộ luật hình sự 1999 có quy định về phòng vệ chính đáng như sau:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.”
Khi xem xét một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần hội tủ các yếu tố:
– Về phía nạn nhân: là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác (người thứ ba). Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân (người có hành vi xâm phạm).
– Về phía người phòng vệ: Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, có thể là thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻ về cho người có hành vi xâm phạm.
– Về hành vi chống trả là cần thiết: Cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.
Luật sư
Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 15 Bộ luật hình sự 1999 có quy định về vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng: “đó là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, chưa thể khẳng định được hành vi này là “phòng vệ chính đáng” hay là “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Việc xác định này còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, khám nghiệm hiện trường, cũng với việc thu thập các chứng cứ chứng minh của cơ quan có thẩm quyền.
Nếu hành vi của người này là phòng vệ chính đáng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Còn nếu hành vi của người này là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 106 Bộ luật hình sự 1999 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.”