Hành vi gây gổ đánh nhau là một hiện tượng tội phạm phổ biến. Chỉ với một xích mích nhỏ, con người cũng không ngại lao vào đánh đấm dẫn đến nhiều hậu quả thương tâm, đặc biệt là có thể dẫn đến chết người. Dưới đây sẽ là một số phân tích về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo Bộ luật Hình sự.
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái niệm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người:
- 2 2. Dấu hiệu pháp lý tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người:
- 3 3. Hình phạt của tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người:
- 4 4. Phân biệt tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người và tội giết người
- 5 5. Cố ý gây thương tích cho người khác 21% có bị xử lý hình sự?
1. Khái niệm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người:
Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người là một trong những trường hợp thuộc loại tội phạm cố ý gây thương tích. Để hiểu rõ về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, trước tiên cần nắm rõ tội cố ý gây thương tích là gì.
Khái niệm tội cố ý gây thương tích:
Bộ luật hình sự cũng như các văn bản luật hướng dẫn không hề có quy định i niệm về tội cố ý gây thương tích là gì. Tuy nhiên, từ dấu hiệu phạm tội có thể hiểu rằng, tội cố ý gây thương tích là hành vi cố ý gây tổn hại cho sức khỏe người khác dưới dạng thương tích hoặc tổn thương khác.
Khái niệm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người:
Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người là những hành vi nguy hiểm cho xã hội thực hiện bởi người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi nhằm mục đích gây tổn hại đến sức khỏe người khác nhưng hậu quả dẫn đến chết người không mong muốn.
2. Dấu hiệu pháp lý tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người:
Khách thể của tội phạm:
Quyền được tôn trọng sức khỏe và bảo vệ sức khỏe. Đối tượng là những chủ thể có quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, những người đang sống, đang tồn tại với tư cách là thực thể tự nhiên và xã hội.
Mặt khách quan:
- Hành vi của tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người: Thực hiện những hành vi có khả năng gây ra tổn hại cho sức khỏe (gây thương tích hoặc những tổn thương khác) của con người. Những hành vi này có thể thực hiện bằng công cụ, phương tiện phạm tội hoặc không có công cụ, phương tiện phạm tội hoặc thông qua súc vật hay cơ thể người khác,…
- Hậu quả của tội này: Gây thương tật dẫn đến chết người.
- Quan hệ nhân quả: Hành vi và hậu quả thương tích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Khi đã xác định có hành vi gây thương tích dẫn đến chết người phải là hậu quả do các hành vi này gây ra
Chủ thể của tội phạm:
- Là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự
- Đủ 14 tuổi trở lên
Mặt chủ quan:
- Lỗi: cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.
- Hậu quả: Người phạm tội mong muốn gây thương tích hoặc không mong muốn gây thương tích nhưng biết hậu quả sẽ xảy ra mà vẫn cố tình thực hiện. Tuy nhiên, không hề mong muốn và không biết hậu quả gây chết người sẽ xảy ra. Chết người là ngoài ý muốn.
3. Hình phạt của tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người:
Điều 134
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.
4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
5. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Như vậy, trường hợp cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 năm tùy từng trường hợp như sau:
- Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm đối với trường hợp cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo khoản 5 điều này.
- Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu cố ý gây thương tích làm chết 2 người trở lên.
4. Phân biệt tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người và tội giết người
Mặc dù tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người và tội giết người đều là lỗi cố ý và dẫn đến hậu quả chết người được thực hiện bởi người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự; tuy nhiên, hai tội này cũng có những điểm khác biệt sau đây:
Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người | Tội giết người | |
Căn cứ pháp lý | Điều 134/ Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 | Điều 123/ Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 |
Mục đích phạm tội | Người phạm tội thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể nạn nhân. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội | Người phạm tội thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân |
Xác định mức độ, cường độ tấn công | Mức độ tấn công yếu hơn và không liên tục dồn dập với cường độ tấn công nhẹ hơn | Mức độ tấn công nhanh và liên tục với cường độ tấn công mạnh có thể gây chết người |
Vị trí tác động trên cơ thể | Thường là những vị trí không gây nguy hiểm chết người như vùng vai, tay, chân,… | Thường là những vị trí trọng yếu trên cơ thế như vùng đầu, ngực, bụng,… |
Yếu tố lỗi | Người thực hiện hành vi có lỗi cố ý gây thương tích nhưng vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra. Nghĩa là họ thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra | Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Trong trường hợp một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra thì được xác định là lỗi cố ý trực tiếp. Trong trường hợp một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra thì được xác định là lỗi cố ý gián tiếp |
Ngoài ra, cần lưu ý rằng việc xác định hung khí, vũ khí sử dụng hoặc các tác nhân khác tấn công như súng, dao, gậy… cũng là yếu tố quan trọng nhằm phân biệt hai tội này.
Trường hợp người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có khả năng làm chết người mà vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra muốn sao cũng được, nếu hậu quả là gây thương tích thì định tội cố ý gây thương tích, nếu hậu quả là chết người thì người phạm tội phạm vào tội giết người.
5. Cố ý gây thương tích cho người khác 21% có bị xử lý hình sự?
Tóm tắt câu hỏi:
Chú tôi có mâu thuẫn từ trước với bà đã 75 tuổi, chú tôi dùng xe honda tông vào bà ấy, làm bà ấy gãy xương chậu, giám định thương tật 21%. Luật Dương Gia cho tôi hỏi? Chú tôi có bị đi tù không và bị bao nhiêu năm vậy?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ vào khoản 1, 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Trong trường hợp của bạn, chú bạn đã có mâu thuẫn từ trước đó với bà 75 tuổi, và dùng xe Honda tông vào bà ấy, làm bà ấy gãy xương chậu, giám định thương tật 21%. Căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm nêu trên chú bạn đã có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Cụ thể:
+ Về khách thể của tội phạm: quyền được bảo vệ sức khỏe của bà cụ đã bị xâm phạm.
+ Về mặt khách quan của tội phạm: chú bạn đã có hành vi dùng xe Honda tông vào bà cụ, hậu quả là gãy xương chậu và tỷ lệ thương tật là 21%.
+ Về mặt chủ quan của tội phạm: đây là lỗi cố ý do chú bạn có mâu thuẫn từ trước với bà cụ và cố tình dùng xe Honda đâm vào bà ấy.
+ Về chủ thể của tội phạm: Chú bạn có lỗi trong trường hợp này, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12, vì bạn không nói rõ độ tuổi của chú bạn, nên nếu chú bạn đã đủ 16 tuổi trở lên và có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì chú bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 134, hành vi phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% “đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ” theo điểm c khoản 1 Điều 134, hành vi này có thể bị xử lý hình sự, phạt tù từ 02 năm đến 06 năm tù giam.
Vậy, trong trường hợp nếu chú bạn đã đủ 16 tuổi trở lên, có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì chú bạn có thể bị xử lý hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác theo quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, mức phạt tù từ 02 năm đến 06 năm tù giam.