Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là gì? Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi?
Trước đây,
Mục lục bài viết
1. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là gì?
Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi cố ý dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi xâm phạm đến quyền của người dưới 16 tuổi.
2. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi trong Tiếng anh là gì?
Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi trong Tiếng anh là “Abduction of a person under 16”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi?
Điều 153 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
3.1. Khách thể của tội phạm.
Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi xâm phạm đến quyền trẻ em, quyền được sống cùng bố mẹ, quyền được nhận sự chăm sóc, nuôi dưỡng từ bố mẹ, xâm phạm sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm của người dưới 16 tuổi.
Đối tượng của tội phạm là người dưới 16 tuổi.
3.2. Hành vi khách quan của tội phạm.
Hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm là: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi. Đây được coi là điểm tiến bộ so với Bộ luật hình sự năm 1999 khi mô tả hành vi cụ thể hơn.
Chiếm đoạt ở đây được hiểu là hành vi tác chuyển, cách ly trái phép đứa trẻ khỏi sự quản lý của gia đình hoặc người quản lý hợp pháp và thiết lập sự quản lý đó cho mình hoặc người khác bằng các thủ đoạn nêu trên. Thủ đoạn khác có thể là lén lút, lừa dối, bắt trộm, lợi dụng tình trạng khó khăn,…
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, nhưng là dấu hiệu tăng nặng hình phạt đối với tội phạm này.
3.3. Dấu hiệu chủ quan của tội phạm.
Người thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi với lỗi cố ý, cụ thể là cố ý trực tiếp- Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
3.4. Dấu hiệu về chủ thể của tội phạm.
Chủ thể của tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật định.
3.5. Hình phạt áp dụng:
Để phù hợp với mức độ nguy hiểm mà hành vi phạm tội gây ra, nhà làm luật quy định khung hình phạt cho tội này thành 3 khung: khung cơ bản: hình phạt từ 03 năm đến 07 năm tù; khung tăng nặng thứ nhất: hình phạt từ 05 đến 10 năm tù; khung tăng nặng thứ hai: hình phạt từ 10 năm đến 15 năm tù. Cụ thể như sau:
– Khung hình phạt cơ bản: bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
– Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất: bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm, khi có một trong các tình tiết tăng nặng sau:
+ Có tổ chức: Là trường hợp có từ hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm và đòi hỏi phải có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Khi đã xác định được trường hợp cụ thể đó là phạm tội có tổ chức, thì phải áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với tất cả những người cùng thực hiện tội phạm (người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức). Mức độ tăng nặng phụ thuộc vào quy mô tổ chức, vai trò của từng người trong việc tham gia vụ án.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp: Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội là người có chức vụ đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng quyền hạn trong khi thực hiện công vụ để phạm tội.
+ Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
+ Đối với từ 02 người đến 05 người
+ Phạm tội 02 lần trở lên: Là việc thực hiện hành vi phạm tội đã cấu thành tội phạm nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này đồng thời chưa hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%.
– Khung hình phạt tăng nặng thứ hai: bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm, khi có một trong các tình tiết tăng nặng sau:
+ Có tính chất chuyên nghiệp: Là cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án, đồng thời người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
+ Đối với 06 người trở lên;
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Làm nạn nhân chết;
+ Tái phạm nguy hiểm: Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
So với Bộ luật hình sự năm 1999 nhà làm luật cũng đã bổ sung thêm những tình tiết định khung tăng nặng mới, giúp cho việc xác định mức nguy hiểm của hành vi được rõ ràng nhằm xác định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm cụ thế đưoc chính xác hơn. Theo đó, có những tình tiết mới đó là: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp” (K2 điểm b), “Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng” (k2 điểm c), “Gây rồi loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” (K2 điểm e), “Gây thương tích hoặc gây tốn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên” (K2 điểm g), “Gây rồi loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” (K3 điểm c), “Làm nạn nhân chết” (K3 điểm d).
– Khung hình phạt bổ sung: bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, người phạm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi có thể bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù.
Thực tế đã có nhiều vụ án về chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, dưới đây là bản án điển hình cho tội phạm này:
Bản án 104/2019/HS-ST ngày 4/6/2019 về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi:
Ngày 04 tháng 6 năm 2019 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo: Ngô Văn B, sinh năm: 1984, tại: Tỉnh Vĩnh Long; thường trú: Ấp HA, xã H, huyện V, tỉnh Vĩnh Long.
Khoảng 8 giờ 15 phút ngày 15/11/2018, Ngô Văn B đi bộ ngang qua phòng trọ số 7 B đẩy cửa, bước vào phòng bế bé T đi ra thì bị bà H ngăn cản, giằng co với B để giành lại bé T; B dùng tay gạt bà H và đi ra khỏi phòng trọ thì bà H truy hô “bắt cóc. Anh Hồ Văn M (ở cùng dãy nhà trọ) đi ra thì thấy B đang ôm bé T thì bắt giữ B, lấy lại bé T giao bà H, đồng thời điện thoại báo Công an xã TK đến hiện trường tiếp nhận, lập biên bản bắt người phạm tội quả tang.
Tại kết luận giám định số 742/KLGĐ ngày 21/3/2019 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực TP. Hồ Chí Minh đối với Ngô Văn B, kết luận: Về y học: Trước, trong, sau khi thực hiện hành vi phạm tội ngày 15/11/2018, bị can có rối loạn tâm thần và hành vi khác do rượu (F10.8-ICD10) Hiện tại tâm thần bình thường.
Nhận định của Tòa: Vào ngày 15/11/2018, bị cáo Ngô Văn B có hành vi dùng vũ lực đối với bà H nhằm chiếm giữ bé T (sinh ngày 15/11/2008), mục đích của bị cáo là để mang bé T về nuôi. Với hành vi đó bị cáo đã phạm tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 153 của Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Quyết định: Tuyên bố bị cáo Ngô Văn B phạm tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”. Xử phạt bị cáo Ngô Văn B 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 15/11/2018.