Cũng như đối với tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông, người thực hiện hành vi cản trở giao thông đường thủy đến nay đã được ghi nhận trong pháp luật hình sự. Dưới đây là quy định của pháp luật hiện hành về tội cản trở giao thông đường thủy.
Mục lục bài viết
1. Tội cản trở giao thông đường thủy theo Bộ luật hình sự 2015:
1.1. Cản trở giao thông đường thủy được hiểu như thế nào?
Hằng ngày, nhiều hoạt động chung luôn diễn ra để đáp ứng nhu cầu khác nhau của từng người và của cộng đồng. Trong những hoạt động chung đó, thiệt hại cho con người và cộng đồng cũng có thể phát sinh do hành vi không đúng của chính con người, ví dụ như hành vi cản trở giao thông đường thuỷ. Từ đó đòi hỏi được đặt ra cho những hoạt động chung như vậy là sự an toàn – an toàn chung hay còn gọi là an toàn công cộng. Để đảm bảo cho sự an toàn này nhiều biện pháp khác nhau cần phải được thực hiện trong đó có biện pháp xử lý về hình sự những người có hành vi xâm phạm sự an toàn này trong các trường hợp có tính nguy hiểm của tội phạm. Bộ luật hình sự của Việt Nam quy định nhóm tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trong đó bao gồm rất nhiều loại tội phạm khác nhau liên quan đến lĩnh vực này, bao gồm cả tội Cản cho giao thông đường thủy theo Điều 273 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Như vậy có thể đưa ra khái niệm về tội cản trở giao thông đường thủy như sau: Cản trở giao thông đường thủy là những hành vi gây trở ngại cho hoạt động giao thông đường thủy, làm cho hoạt động giao thông đường thủy diễn ra không được dễ dàng và thuận lợi. Theo đó, nếu chủ thể nào đáp ứng được đầy đủ quy định của pháp luật về các yếu tố cấu thành tội phạm, thì hoàn toàn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với loại tội về cản trở giao thông đường thuỷ.
1.2. Dấu hiệu pháp lí của tội cản trở giao thông đường thủy theo Điều 273 của Bộ luật Hình sự năm 2015:
Thứ nhất, yếu tố chủ thể của tội phạm. Nhìn chung thì loại tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, mà là chủ thể thường, những người điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ vi phạm quy định của pháp luật hình sự thì sẽ trở thành chủ thể của loại tội phạm này. Người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy bao gồm nhiều chủ thể khác nhau, được phân loại dựa trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm tàu, thuyền có động cơ hoặc các phương tiện khác không có động cơ trên đường thủy nội địa. Những người nào từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì sẽ được coi là chủ thể của loại tội phạm này.
Thứ hai, yếu tố khách thể của tội phạm này là xâm phạm đến trật tự an toàn giao thông đường thủy, gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực mà nhà nước quản lí.
Thứ ba, dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm. Hành vi khách quan của tội phạm cản trở giao thông đường thủy được quy định là hành vi gây cản trở cho hoạt động giao thông, làm cho hoạt động giao thông diễn ra không được dễ dàng và thuận lợi. Căn cứ vào đặc điểm của lĩnh vực giao thông đường thủy cũng như suất phát từ thực tế, thì pháp luật hình sự Việt Nam đã liệt kê các hành vi cụ thể có thể coi là hành vi vi phạm tội cản trở giao thông đường thủy, cụ thể như sau:
– Hành vi khoan hoặc đào trái phép làm hư hại kết cấu của các công trình giao thông đường thủy mà các chủ thể có thẩm quyền đã xây dựng;
– Tạo ra các chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy mà không đặt và duy trì các biển báo tín hiệu;
– Di chuyển làm giảm hiệu lực hoặc tác dụng của các biển báo tín hiệu trong lĩnh vực giao thông đường thủy;
– Tháo giữa các biển báo tín hiệu hoặc phá hoại các công trình giao thông đường thủy phục vụ cho mục đích công cộng;
– Lấn chiếm luôn đường hoặc hành lang bảo vệ luôn giao thông đường thủy hoặc các hành vi khác gây cản trở giao thông đường thủy vi phạm quy định của pháp luật.
Có thể nói rằng hành vi cản trở giao thông đường thủy được liệt kê không bị giới hạn, bởi ở lĩnh vực này thì điều luật đó bỏ ngò bằng quy định “hành vi khác cản trở giao thông đường thủy”. Hậu quả của tội phạm được quy định là hậu quả thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe (với mức tổn thương cơ thể từ 61% trở lên) hoặc tài sản (với giá trị tài sản từ 100 triệu đồng trở lên). Hậu quả trên đòi hỏi phải có quan hệ nhân quả với hành vi khách quan của tội phạm.
Thứ tư, dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm. Lỗi của người phạm tội là tội cản trở giao thông đường thủy trong trường hợp gây ra hậu quả thiệt hại được quy định là lỗi vô ý. Người phạm tội khi có hành vi cản trở giao thông đường thủy đều không mong muốn gây ra hậu quả thiệt hại mà tin rằng hậu quả đó không xảy ra hoặc không thấy trước được hậu quả đó do cẩu thả.
2. Hình phạt đối với tội cản trở giao thông đường thủy theo Bộ luật hình sự 2015:
Điều 273 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định 4 khung hình phạt chính và một khung hình phạt bổ sung.
thứ nhất, khung hình phạt cơ bản có mức cao nhất là hình phạt tù 05 năm. Điều luật này còn quy định về khung hình phạt nhẹ hơn không hình phạt cơ bản nhưng đây không phải là trường hợp quy định dấu hiệu định khung hình phạt giảm nhẹ. Thực chất đây là cấu thành tội phạm cơ bản thứ hai bên cạnh cấu thành cơ bản đã được quy định tại khoản 1. Trong hai cấu thành tội phạm này thì hậu quả mà hành vi vi phạm gây ra được quy định khác nhau – ggây ra thiệt hại cụ thể và mới chỉ gây ra tình trạng nguy hiểm cho xã hội (tức là có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả … nếu không được ngăn chặn kịp thời).
Thứ hai, khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt cấm đảm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
3. Người phạm tội cản trở giao thông đường thủy có đương nhiên được xóa án tích không?
Căn cứ theo Điều 70 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về đương nhiên được xóa án tích như sau: Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXVI (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Như vậy thì theo phân tích nêu trên, pháp luật hình sự hiện hành có quy định rằng người bị kết án sẽ đương nhiên được xóa án tích nếu như họ thuộc những trường hợp mà pháp luật đã đưa ra, Điều này là phù hợp bởi vì luật hình sự đã loại trừ những tội phạm nguy hiểm có tính bao trùm lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài người, còn lại những loại tội phạm phát sinh giữa những chủ thể trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam với nhau thì đều thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích. Trong trường hợp này thì sau khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính và hết thời gian thử thách án treo, người phạm tội cũng đã chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây thì sẽ đương nhiên được xóa án tích:
– 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
– 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
– 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
– 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định trên thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung. Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định của pháp luật hình sự, thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn nêu trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).