Tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015? Dấu hiệu pháp lý của tội cản trở giao thông đường bộ? Quy định về hình phạt của tội gây cản trở giao thông đường bộ?
Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của đất nước, hệ thống giao thông cũng cần được cải thiện và phát triển ở khắp các địa phương trên đất nước. Giao thông đường bộ là yêu cầu đi lại công cộng rất quan trọng và thường xuyên của con người, nên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tùy theo mức độ làm cản trở gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc mức độ xâm hại gây thiệt hại nghiêm trọng mà ban hành mức xử phạt tương xứng. Trên thực tế, pháp luật nước ta cũng đã ban hành những quy định cụ thể để xử lý các hành vi gây cản trở giao thông đường bộ. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 261
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015:
Theo Điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội cản trở giao thông đường bộ có nội dung cơ bản như sau:
“1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.”
Như vậy, ta nhận thấy, theo quy định của pháp luật, cản trở giao thông đường bộ là hành vi của các cá nhân hay tổ chức thực hiện đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có giải phân cách; lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ; vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ và các hành vi khác nhằm mục đích chung đó là gây cản trở giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.
Điều luật quy định về tội cản trở giao thông đường bộ được ban hành và có hiệu lực đối áp dụng đối với mọi hành vi cản trở giao thông đường bộ xảy ra trong lãnh thổ Việt Nam hoặc thậm chí có thể được áp dụng đối với hành vi cản trở giao thông đường bộ xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam theo quy định cụ thể tại Điều 6 Bộ luật hình sự năm 2015.
2. Dấu hiệu pháp lý của tội cản trở giao thông đường bộ:
2.1. Chủ thể của tội phạm:
Như các đối tượng khác, chủ thể của tội cản trở giao thông đường bộ không phải là một chủ thể đặc biệt. Theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này.
Đối với các chủ thể là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tội cản trở giao thông đường bộ bởi vì tội phạm này là tội phạm được thực hiện do vô ý và không có trường hợp nào là tội đặc biệt nghiêm trọng đối với tội cản trở giao thông đường bộ.
2.2. Khách thể của tội phạm:
Khách thể của tội tội cản trở giao thông đường bộ là an toàn giao thông đường bộ.
Đối tượng tác động của tội phạm này là các công trình giao thông đường bộ.
Công trình đường bộ bao gồm: các công trình đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường, hệ thống thoát nước, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, dải phân cách và công trình, thiết bị phụ trợ khác.
2.3. Mặt chủ quan của tội phạm:
Người thực hiện hành vi gây cản trở giao thông đường bộ là do vô ý.
Bao gồm vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả, nhưng chủ yếu cá chủ thể thực hiện hành vi này là vô ý vì quá tự tin.
2.4. Mặt khách quan của tội phạm:
Các chủ thể vi phạm tội cản trở giao thông đường bộ có một trong các hành vi cụ thể như sau:
– Thực hiện các hành vi đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ. Các chủ thể thực hiện hành vi này được thể hiện qua việc tiến hành các hoạt động đào, khoan, xẻ các công trình giao thông mà không được sự cho phép của người, cơ quan có thẩm quyền, lấy cát, đá hoặc cản trở hoạt động lưu thông bình thường của các loại phương tiện trên.
– Thực hiện các hành vi đặt trái phép các chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ được thể hiện qua hành vi đặt các chướng ngại vật như: đất, đá, gạch… lên các trục đường giao thông như đường quốc lộ, tỉnh lộ mà không được phép của người, cơ quan có thẩm quyền.
– Thực hiện các hành vi tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ được thể hiện qua các hành vi sau đây:
+ Tháo dỡ: Được hiểu là hành vi làm cho biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ không thể đưa và sử dụng bình thường (nhưng chưa phá hủy).
+ Di chuyển trái phép: Được hiểu là hành vi di dời các biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ từ nơi này đến nơi khác (thay đổi vị trí) trong các trường hợp không được sự cho phép của người, cơ quan có thẩm quyền.
+ Làm sai lệch nội dung biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ: Được hiểu là hành vi làm cho nội dung của các đôi tượng trên bị mất tác dụng như thấm hay gạch bỏ, tẩy xóa… trên các biến báo hiệu.
+ Che khuất: Được hiểu là hành vi làm khuất tầm quan sát từ mọi phía của các biển báo, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ như dựng các quầy buôn bán lưu động, xây nhà….
+ Phá hủy: Được hiểu là hành vi làm cho các biển báo hiệu mất hẳn chức năng chỉ dẫn (như đập, phá, đốt các biển báo hiệu, thiết bị an toàn giao thông).
– Thực hiện các hành vi mở đường giao cắt trái phép trên đường bộ, đường có dải phân cách. Được thể hiện qua hành vi mở đường giao thông cắt ngang qua các trục đường chính như (đường quốc lộ, tỉnh lộ) hoặc mở đường cắt ngang các đường có dải phân cách mà không được sự đồng ý của người hoặc cơ quan có thẩm quyền.
– Thực hiện các hành vi lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường.
– Thực hiện các hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ.
– Thực hiện các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ.
– Thực hiện các hành vi khác (ngoài các hành vi nêu trên) gây cản trở giao thông đường bộ.
Cần lưu ý rằng, các hành vi phạm tội được nêu cụ thể bên trên cần phải gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu quan trọng và cấu thành cơ bản của tội gây cản trở giao thông đường bộ.
Như vậy, hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội gây cản trở giao thông đường bộ. Nếu hành vi cản trở giao thông đường bộ mà chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015.
3. Quy định về hình phạt của tội gây cản trở giao thông đường bộ:
Mức hình phạt của tội phạm này được chia cụ thể làm bốn khung như sau:
Khung thứ nhất được quy định tại Khoản 1 Điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015.
Khoản 1 Điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định mức hình phạt là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với các hành vi sau đây:
– Thực hiện hành vi gây cản trở giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả làm chết người.
– Thực hiện hành vi gây cản trở giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
– Thực hiện hành vi gây cản trở giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
– Thực hiện hành vi gây cản trở giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Khung thứ hai được quy định tại Khoản 2 Điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, cụ thể:
– Thực hiện hành vi gây cản trở giao thông đường bộ tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm.
– Thực hiện hành vi gây cản trở giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả làm chết 02 người.
– Thực hiện hành vi gây cản trở giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
– Thực hiện hành vi gây cản trở giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Khung thứ ba quy định tại Khoản 3 Điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo Khoản 3 Điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định mức phạt tù từ năm năm đến mười năm. Được áp dụng đối với trường hợp sau đây:
– Thực hiện hành vi gây cản trở giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả làm chết 03 người trở lên.
– Thực hiện hành vi gây cản trở giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
– Thực hiện hành vi gây cản trở giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Khung thứ bốn quy định tại Khoản 3 Điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 261 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, đối với tội cản trở giao thông đường bộ, căn cứ vào tính chất và mức độ của hành vi mà pháp luật hình sự đã quy định bốn khung hình phạt cụ thể nhẹ nhất là mức hình phạt là bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm và nặng nhất là mức phạt tù từ năm năm đến mười năm.