Thời gian gần đây, hoạt động buôn lậu đang có những diễn biến hết sức phức tạp, nhất là ở các vùng biên giới với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Chính vì vậy, quy định về tội buôn lậu nhằm phát hiện ra tội phạm, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Cùng bài viết tìm hiểu rõ hơn:
Mục lục bài viết
1. Tội buôn lậu là gì?
Tội buôn lậu được quy định riêng biệt lần đầu tiên tại điều 153 BLHS 1999 là tội phạm được tách ra từ tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới được quy định tại Điều 97 BLHS 1985. Trong BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, tội buôn lậu được quy định tại điều 188.
Một người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự nếu buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thì phạm tội buôn lậu.
Buôn bán trái pháp luật qua biên giới, từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại là hành vi trao đổi hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật mà không khai báo, khai báo gian dối, dùng giấy tờ giả mạo, không có giấy tờ hợp lệ, trốn tránh sự kiểm soát của hải quan, bộ đội biên phòng,…. Người phạm tội có thể chuyên chở hàng hóa trái phép bằng đường thủy, đường bộ, đường hàng không hoặc qua bưu điện quốc tế.
Trường hợp người được thuê vận chuyển (khuân vác, lái xe) có hành vi vận chuyển hàng hóa, tiền tệ, …qua biên giới, từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại cũng được coi là phạm tội buôn lậu với vai trò người giúp sức hoặc đồng phạm.
2. Các yếu tố cấu thành tội buôn lậu theo quy định của Bộ luật hình sự:
Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm:
Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm này không có gì đặc biệt so với các tội phạm khác (chủ thể thường), chỉ cần người có năng lực trách nhiệm hình sự (có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi và đủ tuổi theo quy định của pháp luật) là có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu. Vì vậy, khi định tội danh đối với người có hành vi buôn lậu các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định đúng tuổi để tránh bỏ lọt tội phạm hoặc xử oan người vô tội
Mặt khách quan của tội buôn lậu
– Hành vi khách quan: Người phạm tội buôn lậu chỉ có một hành vi khách quan là buôn bán trái phép.
Việc buôn bán trái phép được thể hiện ở chỗ mua hoặc bán không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép xuất, nhập khẩu và các quy định khác của Nhà nước về hải quan (ví dụ: Giấy phép nhập khẩu là máy móc, thiết bị dùng cho sản xuất nông nghiệp nhưng thực tế lại mua bán máy móc sử dụng cho tiêu dùng như tủ lạnh, xe gắn máy, ti vi…).
Trường hợp kinh doanh xuất nhập khẩu đúng giấy phép nhưng khai không đúng số lượng (khai ít hơn số lượng thực nhập) hoặc nhập vượt quá mức mà giấy phép xuất, nhập khẩu cho phép thì cũng bị coi là buôn lậu nhưng chỉ truy cứu trách nhiệm đối với phần chưa khai hoặc xuất nhập khẩu vượt mức cho phép.
Thủ đoạn của tội buôn lậu rất đa dạng. Có nhiều trường hợp người phạm tội móc nối với cơ quan Hải quan để nhập hàng không đúng với giấy phép. Một thủ đoạn buôn lậu thường gặp và cũng khó phát hiện, đó là, việc nhập hàng hoá núp dưới hình thức tạm nhập, tái xuất. Nhưng khi hàng đã nhập về rồi thì không xuất mà tiêu thụ ngay trong nước.
Có thể nói, những thủ đoạn buôn lậu mà người phạm tội thực hiện rất đa dạng, tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế xã hội cũng như các chính sách của Nhà nước đối với việc xuất nhập khẩu.
Ngoài hành vi khách quan, đối với tội buôn lậu, nhà làm luật quy định một số dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu băt buộc của cấu thành tội phạm như: Giá trị, số lượng hàng phạm pháp; địa điểm phạm tội. Nếu thiếu các dấu hiệu này thì không đủ căn cứ để xác định một hành vi buôn bán trái phép là phạm tội buôn lậu.
Mặt chủ quan của tội phạm
Người thực hiện hành vi buôn lậu là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới, thấy trước được hậu quả của của hành vi buôn bán trái phép qua biên giới và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.
Mục đích của người phạm tội là thụ lợi bất chính từ hành vi buôn lậu. Biểu hiện của mục đích thu lợi là người phạm tội tìm cách trốn thuế xuất nhập khẩu.
Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội buôn lậu là trật tự quản lý việc xuất, nhập khẩu hàng hoá, tiền tệ, kim khí đá quý, di vật, cổ vật, vật phẩm thuộc di tích lịch sử.
Chính sách xuất, nhập khẩu của Nhà nước ta luôn thay đổi theo chính sách kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường, vì vậy việc xác định khách thể trực tiếp của tội buôn lậu có thể thay đổi tuỳ thuộc vào chính sách xuất nhập khẩu của Nhà nước.
Đối tượng tác động của tội buôn lậu là hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá và hàng cấm. Khi xác định đối tượng tác động, nếu cần phải trưng cầu giám định của cơ quan chuyên môn thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định.
– Hàng hoá: là vật phẩm được làm ra trong qua trình sản xuất, có giá trị và được đem trao đổi trong thị trường.
– Tiền Việt Nam: là tiền, ngân phiếu, trái phiếu và các loại thẻ tín dụng hoặc giấy tờ khác có giá trị thanh toán do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
– Kim khí quý: là các loại kim khí thuộc loại quý hiếm dạng tự nhiên hoặc các chế phẩm làm từ kim khi quý theo danh mục do Nhà nước Việt Nam ban hành như: Vàng, bạc, bạch kim…
– Đá quý: là các loại đá tự nhiên và các thành phẩm từ đá quí theo danh mục do Nhà nước Việt Nam ban hành như: Kim cương, Rubi, Saphia, Emôrot và những đá quý tự nhiên khác có giá trị tương đương.
– Di vật, cổ vật: là vật có giá trị lịch sử, văn hóa do Nhà nước quy định.
– Hàng cấm: là hàng hoá mà Nhà nước cấm buôn bán trên lãnh thổ Việt Nam và cấm nhập, cấm xuất
3. Hình phạt đối với tội buôn lậu:
Theo điều luật quy định thì mức hình phạt của tội này được chia thành bốn khung, cụ thể như sau:
– Khung 1 (khoản 1): Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, áp dụng đối với trường hợp:
+ Buôn lậu hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tê, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.
+ Buôn lậu hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tê, kim khí quý, đá quý trị giá dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định về tội buôn lậu hoặc một trong các tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (điều 189), tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (điều 190), tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (điều 191), tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (điều 192), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (điều 193), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc (điều 194), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y (điều 195), tội đầu cơ (điều 196), tội trốn thuế (điều 200), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc một trong các trường hợp pháp luật quy định.
+ Buôn lậu di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
– Khung 2 (khoản 2): Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm khi:
+ Phạm tội có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
+ Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để buôn lậu;
+ Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để buôn lâu;
+ Buôn lậu hai lần trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Khung 3 (khoản 3): Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm khi:
+ Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
+ Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
– Khung 4 (khoản 4): Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
+ Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
+ Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
+ Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác để buôn lậu.
Ngoài ra, Bộ luật hình sự cũng bổ sung thêm hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Đây là một trong những điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
4. Hình phạt bổ sung đối với tội buôn lậu:
Người phạm tội buôn lậu còn có thể chịu một hoặc một vài hình phạt bổ sung sau đây:
– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng;
– Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm;
– Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Kết luận: Buôn lậu là tội đặc biệt nghiêm trọng, thế nên việc xác định đúng và đủ các yếu tố cấu thành của hành vi này giúp cho các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, góp phần duy trì hoạt động đúng đắn của nền kinh tế thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữ các cá nhân, tổ chức trong xã hội.