Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là gì? Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật tiếng Anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật? Dấu hiệu pháp lý của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật? Hình phạt?
Hiện nay, tình trạng xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân đang ngày càng gia tăng cả về số lượng, tính chất lẫn mức độ nguy hiểm. Đặc biệt, khi những cơ quan, người có thẩm quyền nắm trong tay những quyền năng to lớn thì họ càng dễ sử dụng chúng một cách tùy tiện hơn. Chính vì vậy mà trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ án liên quan đến bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng cũng có những vụ án về hành vi của một người bình thường thực hiện việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Bài viết tìm hiểu về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và các quy định của Bộ luật hình sự về tội phạm này.
Cơ sở pháp lý:
–
–
Mục lục bài viết
1. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là gì?
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý, xâm hại đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người bằng hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái với các quy định về việc bắt, giữ, giam người.
2. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật tiếng Anh là gì?
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong tiếng Anh là “Illegal arrest, detention, or imprisonment of a person”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự về Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;
b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.”.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
4. Dấu hiệu pháp lý của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
4.1. Khách thể của tội phạm
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nói riêng, quyền tự do, dân chủ của công dân nói chung.
4.2. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái với các quy định của pháp luật về việc bắt, giữ hoặc giam người.
Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được hiểu là các hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động, tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với những quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục. Các hành vi này đều có cùng tính chất và đều là những hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể của người khác, có mục đích tước đoạt sự tự do hoạt động, dịch chuyển thân thể của người khác nhưng chỉ khác nhau ở hình thức thể hiện.
Theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về các trường hợp giữ người như sau:
– Giữ người trong trường hợp khẩn cấp
– Tạm giữ người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp
– Tạm giữ người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang
– Tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú
– Tạm giữ người bị bắt theo quyết định truy nã
– Tạm giữ người theo thủ tục hành chính
Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định các trường hợp bắt người như sau:
– Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp
– Bắt người phạm tội quả tang
– Bắt người đang bị truy nã
– Bắt bị can, bị cáo để tạm giam
– Bắt người theo yêu cầu dẫn độ
Tuy nhiên, trường hợp người có hành vi bắt, giữ hoặc giam người khác trái với các quy định của pháp luật về việc bắt, giữ, giam người lại có hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bào, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá người khác thì hành vi không cấu thành tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hinh sự hoặc tội làm nhục người khác theo Điều 155 bộ luật hình sự mà cấu thành tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo điểm b khoản 3 Điều 157 Bộ luật hình sự.
4.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý.
Ở mặt chủ quan, mục đích của tội phạm cũng là yếu tố quan trọng trong việc điều tra giải quyết vụ án. Mục đích phạm tội rất đa dạng, có thể do tư thù cá nhân, do muốn có thành tích, do xúi giục, do nhận tiền làm thuê;… Tuy nhiên, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này.
Dù vậy, trong quá trình xem xét mục đích phạm tội kết hợp đánh giá với hành vi khách quan của tội phạm cũng cần chú ý khi định tội danh như sau:
– Nếu người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhằm mục đích giết người hoặc cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về Tội giết người (Điều 93) hoặc Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104) trên những cơ sở chung. Tuy nhiên, nếu người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, đồng thời còn có hành vi giết người hoặc cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác từ 11 % trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp do luật định, thì bị truy cứu TNHS theo nguyên tắc phạm nhiều tội trên những cơ sở chung.
– Nếu người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhưng đối tượng là phụ nữ (hoặc trẻ em) nhằm mục đích hiếp dâm, thì bị truy cứu TNHS về Tội hiếp dâm (Điều 111) hoặc Tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112) trên những cơ sở chung.
– Nếu người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam trái pháp luật đối tượng là người lớn (từ đủ 16 tuổi trở lên, cả nam và nữ giới) hoặc trẻ em (dưới 16 tuổi) nhằm mục đích mua bán, trao đổi, thì bị truy cứu TNHS về Tội mua bán người (Điều 119) hoặc Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120) trên những cơ sở chung.
– Nếu người phạm tội có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật nhưng có mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua việc đe dọa thân nhân, gia đình của người bị hại dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị truy cứu TNHS về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134) trên những cơ sở chung.
– Nếu người phạm tội đã có ý định bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, đồng thời họ đã chuẩn bị công cụ, phương tiện, bố trí lịch trình, cách thức tiến hành, xác định thời gian, địa điểm mà người bị hại có mặt, chuẩn bị lực lượng tham gia… để thực hiện tội phạm, nhưng lại không thực hiện được hành vi phạm tội, thì căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án và tùy trường hợp cụ thể, họ có thể bị truy cứu TNHS về tội phạm này nhưng ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt trên những cơ sở chung.
4.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
5. Hình phạt
Điều luật quy định ba khoản tương ứng với ba khung hình phạt và một khoản đề cập đến hình phạt bổ sung như sau:
– Khoản 1: là hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
– Khoản 2: hình phạt tù từ một năm đến năm năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có tổ chức: Đây là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ và mang tính bền vững, thể hiện tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội giữa những người cùng thực hiện việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; do đó, cần xử lý nghiêm khắc hơn so với trường hợp thông thường.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn và có thẩm quyền trong việc bắt, giữ hoặc giam người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Trường hợp có chức vụ, quyền hạn nhưng không có thẩm quyền trong việc bắt, giam, giữ người thì xử lý theo Khoản 1 Điều luật này.
+ Đối với người thi hành công vụ: là trường hợp một người có hành vi bắt, giữ hoặc giam người đang thi hành nhiệm vụ Nhà nước giao, nhằm cản trở hoặc đe dọa không cho họ thực hiện nhiệm vụ. BLHS chỉ quy định “đối với người thi hành công vụ” nhưng cần hiểu rộng áp dụng cả đối với cả các trường hợp người “đã, đang hoặc sẽ” thi hành công vụ.
+ Phạm tội từ 2 lần trở lên: là trường hợp một người có hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật từ hai lần trở lên và chưa bị truy cứu TNHS và người phạm tội bị đưa ra xét xử cùng một lần. Cũng cần lưu ý, nếu trước đó người phạm tội đã phạm vào một tội khác thì không xác định là phạm tội nhiều lần.
+ Đối với 2 người trở lên: Đây là trường hợp một người phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật đối với từ hai người trở lên.
+ Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
Người già yếu là người 70 tuổi trở lên và có sức khỏe yếu
Người không có khả năng tự vệ là người không có khả năng chống cự, ngăn cản người khác xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của mình
+ Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn: làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ mất hoặc giảm đáng kể thu nhập, không đảm bảo hoặc chỉ đảm bảo được nhu cầu tối thiểu cuộc sống cho bản thân người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ.
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
– Khoản 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;
b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam: đánh đập, tra khảo người bị bắt, giữ, giam một cách dã man hoặc đối xử người đó một cách tội tệ; làm nhục người đó.
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
– Khoản 4: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.