Toàn cầu hoá kinh tế có lẽ không còn là khái niệm quá xa lạ trong nền kinh tế thị trường phát triển và mở rộng các quan hệ quốc tế ngày nay. Để giúp việc kinh doanh quốc tế thành công, mỗi doanh nghiệp, con người cần đảm bảo quá trình hoạt động diễn ra theo xu hướng toàn cầu hoá. Vậy, toàn cầu hoá kinh tế là gì? cùng bài viết này tìm hiểu nhé:
Mục lục bài viết
1. Toàn cầu hóa là gì?
Toàn cầu hóa là khái niệm dùng để miêu tả các thay đổi trong xã hội và trong nền kinh tế thế giới. Toàn cầu hóa tiếng Anh là “globalization”
Toàn cầu hóa chính là sự kết nối nền kinh tế trên khắp thế giới về các mảng như: thương mại, đầu tư, lao động, ngân hàng, dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ và con người… là quá trình liên kết các quốc gia trên thế giới về nhiều mặt, từ kinh tế đến văn hóa, khoa học,… Việc thực hiện theo xu hướng toàn cầu hóa sẽ cho phép các doanh nghiệp, con người trên toàn thế giới có thể kết nối với nhau một cách dễ dàng và thuận tiện hơn. Chẳng hạn, chính phủ sẽ cho phép công dân của nước mình được làm việc “xuyên biên giới” và cần đảm bảo thực hiện đúng theo quy định mà các chính phủ các nước đã đề ra.
Bản chất quả toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia,các dân tộc trên thế giới. Toàn cầu hóa kinh tế có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của nền kinh tế – xã hội thế giới.
Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, toàn cầu hoá hầu như được dùng để chỉ các tác động của thương mại nói chung và tự do hóa thương mại hay “tự do thương mại” nói riêng. Cũng ở góc độ kinh tế, người ta chỉ thấy các thay đổi tư bản ở quy mô toàn cầu kéo theo cả sự thay đổi của thương mại, kỹ thuật, công nghệ, thông tin, văn hóa.
2. Đặc điểm của toàn cầu hóa:
Toàn cầu hóa là một thuật ngữ rộng, ở mỗi một giai đoạn và thời kì khác nhau chúng lại có sự chuyển dịch, thay đổi để phù hợp với tình hình chung của thế giới. Do đó, có thể hiểu toàn cầu hóa là sự kết nối nhiều mặt (chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa) giữa các quốc gia khác nhau trên thế giới. Toàn cầu hóa sẽ có những đặc điểm như sau:
– Về kinh tế: cho phép các tập đoàn, công ty kinh tế có lợi thế của mình có thể hợp tác và phát triển trên các quốc gia khác. Từ đó giúp hạn chế được chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, nhân công lao động, nguồn nhiên liệu, khách hàng…
– Về xã hội: toàn cầu hóa giúp liên kết dân cư giữa các vùng kinh tế khác nhau, giữa các quốc gia khác nhau, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa người với người.
– Về chính trị: sự liên kết tích cực giữa các quốc gia đồng thời tạo ra nhiều tổ chức chính trị lớn hợp pháp bảo vệ quyền lợi cho các đơn vị đầu tư, đơn vị được đầu tư và con người nói chung.
– Trong lĩnh vực pháp lý: toàn cầu hóa sẽ làm thay đổi cách thức luật pháp quốc tế được tạo ra và việc thực thi luật pháp quốc tế.
– Về văn hóa: sự liên kết về nhiều mặt giữa các quốc gia với nhau sẽ tạo ra sự giao lưu văn hóa, nghệ thuật, xu hướng nghệ thuật, cảm thụ nghệ thuật của thế giới…
3. Toàn cầu hóa kinh tế là gì?
Toàn cầu hóa kinh tế là một trong ba khía cạnh chính của toàn cầu hóa ở các quốc gia trên thế giới, hai khía cạnh khác là toàn cầu hóa chính trị và toàn cầu hóa văn hóa.
Toàn cầu hóa kinh tế là sự chuyển động vĩ mô, mang tầm quốc tế quy mô lớn ở các lĩnh vực của kinh tế như dịch vụ, hàng hóa, tài chính, sản xuất và lao động. Ngoài ra còn có thể chế lao động, vốn đầu tư, công nghệ hay thông tin truyền thông… Đó là sự hội nhập kinh tế ngày càng tăng và phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế quốc gia, khu vực và địa phương trên toàn thế giới. Toàn cầu hóa kinh tế chủ yếu bao gồm toàn cầu hóa sản xuất, tài chính, thị trường, công nghệ, chế độ tổ chức, thể chế, tập đoàn và lao động.
Toàn cầu hoá kinh tế bắt nguồn từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, từ tính chất xã hội hoá của sản xuất trên phạm vi quốc tế. Khi đã xuất hiện, toàn cầu hoá kinh tế tác động trở lại thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của lực lƣợng sản xuất và xã hội hoá sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế cao. Với quá trính toàn cầu hoá kinh tế, thị trường được mở rộng, sự giao lưu hàng hoá thông thoáng hơn, hàng rào thuế quan và phi quan thuế thuyên giảm; nhờ đó, sự trao đổi hàng hoá tăng mạnh, có lợi cho sự phát triển của các nước.
Toàn cầu hóa kinh tế có những biểu hiện rõ nét sau:
– Thương mại thế giới phát triển mạnh:
+ Tốc độ tăng trưởng thương mại của quốc gia thực hiện theo hướng toàn cầu hóa luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế thế giới.
+ Tổ chức thương mại thế giới (WTO) với 150 thành viên (tính đến tháng 1 – 2007) chi phối tới 95% hoạt động thương mại của thế giới.
– Đầu tư nước ngoài tăng nhanh:
+ Từ năm 1990 đến 2004 đầu tư nước ngoài tăng từ 1774 tỉ USD lên 8895 tỉ USD.
+ Lĩnh vực dịch vụ chiếm tỉ trọng ngày càng lớn ở các quốc gia, nổi lên mạnh nhất là hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm,..
– Thị trường tài chính quốc tế mở rộng:
+ Hàng vạn ngân hàng được nối với nhau qua mạng viễn thông điện tử.
+ Các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) ngày càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế toàn cầu và đời sống kinh tế – xã hội của các quốc gia.
– Các công ty xuyên quốc gia có vai trò ngày càng lớn với sự liên kết này.
Tuy nhiên, hệ quả của toàn cầu hóa kinh tế cũng mang tính hai mặt. Mặt tích cực se làm thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đẩy nhanh đầu tư, tăng cường sự hợp tác quốc tế … Toàn cầu hóa kinh tế cũng có những mặt trái của nó, đặc biệt làm gia tăng nhanh chóng khoảng cách giàu nghèo.
4. Các xu hướng mới trong vấn đề toàn cầu hóa kinh tế:
– Xu hướng chuyên môn hoá:
Quá trình toàn cầu hóa kinh tế không những mở rộng thị trường ra nước ngoài, mà còn mở rộng thị trường trong nước do nền kinh tế có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Theo lý thuyết, mỗi quốc gia có lợi thế so sánh nhất định về sản xuất một số sản phẩm và kém lợi thế so sánh nhất định về sản xuất các sản phẩm khác. Thực tế những quốc gia mang một số lợi thế nhất định sẽ hoàn toàn hơn hẳn các nước khác về lĩnh lực đó hoặc có thể là hơn về nền kinh tế mà lợi thế đó mang lại; hoặc ngược lại quốc gia đó cũng bị kém lợi thế so với các nước khác trong sản xuất mọi sản phẩm, thì vẫn có thể và vẫn có lợi khi tham gia vào phân công lao động và thương mại quốc tế. Bằng việc chuyên môn hoá sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mà nước đó có lợi thế so sánh, tổng sản lượng về sản phẩm trên thế giới sẽ tăng lên, kết quả là mỗi nước đều có lợi ích từ thương mại.
Ở Việt Nam, thực tế diễn ra cạnh tranh gay gắt giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam cần phải lựa chọn sản phẩm có nhiều lợi thế để xuất khẩu nhằm mang lại lợi ích cao nhất. Vì vậy, lĩnh vực ưu tiên trong xuất khẩu nào phù hợp đưa vào chuyên môn hoá cần phải mang tính chiến lược cho cả một quốc gia.
– Xu hướng khoa học công nghệ cao và nền kinh tế internet:
Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế – chính trị – xã hội của các các quốc gia trên thế giới, đây là tiền đề làm xuất hiện nền kinh tế tri thức, tạo nên một kỷ nguyên kết nối toàn cầu thông qua internet. Đồng thời, công nghệ cao và internet ngày càng hiện đại và phổ biến có vai trò rất quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách về địa lý, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy giao thương, nâng cao năng suất lao động… Mặt khác, sự phát triển đồng đều giữa các ngành khoa học trong tất cả các lĩnh vực cũng góp phần tạo nên triển vọng phát triển cho nhân loại.
– Xu hướng chuyển dịch lao động giữa các quốc gia:
Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế, nền kinh tế sản xuất phát triển theo xu hướng chuyên môn hoá mang tính quốc tế, làm cho thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn, sản xuất nhiều hơn dẫn đến quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, sự chuyển dịch lao động quốc tế cũng theo đó mà diễn ra một cách mạnh mẽ, đặc biệt là cơ hội cho lao động các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, giảm dân số cơ học là một vấn đề lo ngại ở các nước phát triển, đồng thời, tăng dân số cơ học lại là vấn đề lo ngại ở các nước đang phát triển, điều này dẫn đến quá tải trong vấn đề kết cấu hạ tầng do chưa được đầu tư mở rộng kịp thời, chất lượng cuộc sống sẽ có nhiều thay đổi do khác biệt văn hóa, kinh tế…
– Xu hướng phát triển bền vững:
Toàn cầu hoá trong phạm vi kinh tế, thực tế đã thấy các dòng chảy tư bản ở quy mô toàn cầu, kéo theo các dòng chảy về thương mại, kỹ thuật, công nghệ, thông tin và văn hóa. Toàn cầu hóa kinh tế có thể dẫn đến phát triển một thị trường thế giới mới với nhiều cạnh tranh và tồn tại không ít rủi ro khó kiểm soát của các chính phủ.
Vì vậy mà phát triển kinh tế bền vững là một xu hướng, là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia hiện nay. Phát triển bền vững được thể hiện trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội và đặc biệt là môi trường. Trong ngôn ngữ của các nhà khoa học, một môi trường đáng sống đã trở thành một hàng hóa công cộng, tức là sẽ tạo ra nhiều giá trị khác, có ích cho cả cộng đồng quốc gia đó.
5. Câu hỏi luyện tập:
Câu 1. Toàn cầu hóa và khu vực hóa là xu hướng tất yếu, dẫn đến:
A. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế
B. Sự liên kết giữa các nước phát triển với nhau
C. Các nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn
D. Ít phụ thuộc lẫn nhau hơn giữa các nền kinh tế
Đáp án: A
Câu 2. Xu hướng khu vực hóa đặt ra một trong những vấn đề đòi hỏi các quốc gia phải quan tâm giải quyết là:
A. Tự chủ về kinh tế
B. Như cầu đi lại giữa các nước
C. Thị trường tiêu thụ sản phẩm
D. Khai thác và sử dụng tài nguyên
Đáp án: A
Câu 3. Các tổ chức liên kết khu vực vừa hợp tác, vừa cạnh tranh không phải để:
A. Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế
B. Tăng cường đầu tư dịch vụ giữa các khu vực
C. Hạn chế khả năng tự do hóa thương mại
D. Bảo vệ lợi ích kinh tế của các nước thành viên.
Đáp án: C