Trong hệ thống các cấp Tòa án, Tòa anh nhân dân cấp tỉnh được đánh giá là cấp quan trọng nhất, mọi hoạt động xét xử phần lớn tập trung vào TAND cấp tỉnh, vì vậy, việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn một cách chặt chẽ đối với cơ quan này là hoàn toàn cần thiết.
Mục lục bài viết
- 1 1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh là gì?
- 2 2. Thẩm quyền TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW trong giai đoạn sơ thẩm:
- 3 3. Thẩm quyền TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW trong giai đoạn phúc thẩm:
- 4 4. Thẩm quyền TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW khi xem xét lại bản án:
- 5 5. Thẩm quyền TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW khi giải quyết việc dân sự khác:
1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh là gì?
Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan xét xử địa phương thuộc hệ thống Tòa án nhân dân, thực hiện chức năng xét xử theo nhiệm vụ, quyền hạn luật định.
Tòa án nhân dân tỉnh trong Tiếng Anh là “The People’s Court of Province”
2. Thẩm quyền TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW trong giai đoạn sơ thẩm:
Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn hay thẩm quyền như sau:
+ Trong tố tụng hình sự:
“ Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm những vụ án: Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện; Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài; Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.” theo Khoản 2, Điều 268
“ Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoặc Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử.” Theo Khoản 2, Điều 269, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
+ Trong tố tụng dân sự:
“ Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;
b) Yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật này, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 35 của Bộ luật
c) Tranh chấp, yêu cầu mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.” theo Điều 37
+ Trong tố tụng hành chính:
Theo Điều 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:
“1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.
2. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.
3. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó.
4. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
5. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
6. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
7. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
8. Trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện theo quy định tại Điều 31 của Luật này.”
3. Thẩm quyền TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW trong giai đoạn phúc thẩm:
Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
+ Trong Tố tụng hình sự: Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị. Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị. (Khoản 1, Điều 344; Điều 345 Bộ luật tố tụng hình sự 2015).
+ Trong Tố tụng dân sự: thẩm quyền phúc thẩm được quy định dành cho các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh (Tòa dân sự, tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa kinh tế, Tòa lao động )- Điều 38 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
4. Thẩm quyền TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW khi xem xét lại bản án:
Kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương,
Khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý, khi Tòa án nhân dân cấp huyện là cơ quan cấp dưới trực tiếp, vì vậy, mọi sai phạm trong tố tụng cần được Tòa án nhân dân tỉnh phát hiện và kháng nghị lên cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
5. Thẩm quyền TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW khi giải quyết việc dân sự khác:
Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật: giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật dân sự
Ví dụ như tuyên bố mất tích hoặc đã chết; quyết định cho thi hành bản án nước ngoài tại Việt Nam; quyết định cho thi hành phán quyết của Trọng tại thương mại; hủy kết hôn trái pháp luật; yêu cầu chấm dứt việc nuôi con;…
Vai trò của Tòa án nhân dân tỉnh được thể hiện rõ thông qua việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân tỉnh bao gồm: Tòa hình sự, Tòa dân sự; Tòa hành chính; Tòa kinh tế; Tòa lao động; Tòa gia đình và người chưa thành niên hoặc tòa khác (tùy thuộc vào thực tiễn xét xử tại các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
Hiện nay, hệ thống tòa án nhân dân tỉnh đã được tổ chức 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đang là cánh tay nối dài cho hệ thống Tòa án nhằm đảm bảo được chức năng xét xử, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của đất nước. Tòa án nhân dân tỉnh vừa hoạt động một cách độc lập, vừa phụ thuộc trong mối quan hệ với cả hệ thống.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014;
– Luật Tố tụng dân sự 2015;
– Luật Tố tụng hình sự 2015;
– Luật tố tụng hành chính 2015.