Toà án có được từ chối giải quyết vụ án dân sự do chưa có điều luật áp dụng không? Có được lấy lý do không thuộc thẩm quyền của Toà để từ chối không?
Toà án có được từ chối giải quyết vụ án dân sự do chưa có điều luật áp dụng không? Có được lấy lý do không thuộc thẩm quyền của Toà để từ chối không?
Tóm tắt câu hỏi:
Đối chiếu với khoản 2 điều 4 của BLTTDS năm 2015 thì tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng nhưng tòa án trả lại đơn khởi kiện theo điểm đ khoản 2 điều 192 BLTTDS năm 2015 để giải quyết đúng không? Khi tôi kiện đòi tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, căn cứ Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp như sau:
“2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.”
Khoản này được hiểu: vụ việc dân sự chưa có điều luật là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu tòa án giải quyết chưa có điều luật áp dụng.
Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về nguyên tắc giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng. Theo đó, Tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định. Tuy nhiên tập quán không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Bộ luật dân sự.
Khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu tòa án xem xét áp dụng. Trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.
Tòa án áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng. Khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
Trường hợp không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật thì Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự.
Như vậy, Tòa án có thẩm quyền không được từ chối thụ lý vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng vì tùy từng trường hợp cụ thể Tòa án có thể áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự.
Thứ hai, điểm đ, khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện như sau:
“1. Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:
đ) Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;”
Tòa án có quyền trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định từ Điều 26 đến Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Và thẩm quyền giải quyết của Tòa án các cấp theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015 từ Điều 36 đến Điều 39.
Việc trả lại đơn theo điểm đ, khoản 1, Điều 192 và việc Tòa án không được từ chối thụ lý khi chưa có điều luật áp dụng là hai điều khoản hoàn toàn độc lập, bản chất và nội dung không liên quan đến nhau.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ ba, việc bạn kiện đòi tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo Điều 163 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Tài sản gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Tuy nhiên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ là văn bản chứa đựng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất là quyền tài sản theo Điều 163 còn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tài sản và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Ngoài ra, Điều 2 Công văn 141/2011/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 của Tòa án nhân dân tối cao về: “Thẩm quyền giải quyết yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản” cũng làm rõ việc quy định “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” không phải là tài sản. Cụ thể:
“2. Theo các quy định trên đây thì các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; Giấy đăng ký xe ô tô…) không phải là “giấy tờ có giá” quy định tại Điều 163 của Bộ luật dân sự năm 2005; do đó, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này thì Tòa án không thụ lý giải quyết.”