Các căn cứ quyết định hình phạt là những đòi hỏi cơ bản có tính nguyên tắc do luật hình sự quy định hoặc do giải thích luật mà có, buộc Tòa án phải tuân theo khi quyết định hình phạt đối với người thực hiện tội phạm.
Điều 50 Bộ luật hình sự quy định về căn cứ quyết định hình phạt như sau: “Khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Như vậy, theo quy định của Điều 50 Bộ luật hình sự thì các căn cứ quyết định hình phạt bao gồm: 1) các quy định của Bộ luật hình sự; 2) tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; 3) nhân thân người phạm tội; 4) các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Để có thể áp dụng chính xác những căn cứ trên đây khi quyết định hình phạt, đòi hỏi phải nhận thức đúng nội dung, bản chất, ý nghĩa pháp lý của từng căn cứ, cũng như mối liên hệ giữa các căn cứ này với nhau. Các căn cứ trên vừa có tính độc lập tương đối, lại vừa có mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau, bổ sung cho nhau tạo thành một thể thống nhất, đó là cơ sở pháp lý mà Tòa án phải tuân thủ khi quyết định hình phạt.
a) Căn cứ thứ nhất: Các quy định của Bộ luật hình sự
Đây là một căn cứ có tính bao trùm, căn cứ này bảo đảm cho việc thực hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động xét xử của Tòa án. Khi quyết định hình phạt thì các quy định của Bộ luật hình sự bao giờ cũng là tiêu chuẩn pháp lý cao nhất để đảm bảo cho Tòa án quyết định được một hình phạt đúng, tạo khả năng lớn nhất để đạt được mục đích của hình phạt.
Căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự tức là căn cứ vào các quy định trong cả Phần chung và Phần các tội phạm Bộ luật hình sự. Các quy định trong Phần chung Bộ luật hình sự như: quy định về nguyên tắc xử lý (Điều 3 Bộ luật hình sự); các quy định liên quan đến hình phạt (Điều 30 đến Điều 45 Bộ luật hình sự); các quy định về các biện pháp tư pháp (Điều 51 đến Điều 49 Bộ luật hình sự); các quy định về căn cứ quyết định hình phạt (Điều 50 Bộ luật hình sự); về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 51 Bộ luật hình sự); về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điều 52 Bộ luật hình sự); về tái phạm, tái phạm nguy hiểm (Điều 53 Bộ luật hình sự); quy định về án treo (Điều 65 Bộ luật hình sự). Các quy định trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự là những quy định về khung hình phạt chính và về hình phạt bổ sung cho từng loại tội.
Như vậy với yêu cầu của căn cứ này, khi quyết định hình phạt Tòa án cần phải căn cứ vào tất cả các quy định của Bộ luật hình sự ở dạng thống nhất, tổng thể của chúng và phải cân nhắc chỉ rõ trong bản án những quy định của Bộ luật hình sự có liên quan trực tiếp đến việc quyết định một hình phạt cụ thể đối với một bị cáo.
b) Căn cứ thứ hai: Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội
Khi quyết định hình phạt, Tòa án gặp không ít khó khăn trong việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hành vi phạm tội. Một hiểm cho xã hội của trong những nguyên nhân dẫn đến điều đó, là do các quy định của pháp luật không quy định cụ thể khái niệm, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện, không chỉ ra các dấu hiệu, cơ sở để xác định, đánh giá chúng.
Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được thể hiện ở hai khái niệm “tính chất” và “mức độ” nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Khi nói đến tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là nói đến các ranh giới: mức độ khác nhau trong cùng một khung hình phạt; mức độ khác nhau trong cùng một tội phạm; mức độ khác nhau giữa các tội phạm trong cùng một nhóm; mức độ khác nhau giữa các nhóm tội phạm với nhau.
Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm trước hết được quyết định bởi ý nghĩa, tầm quan trọng và giá trị của các quan hệ xã hội bị tội phạm đó xâm hại – khách thể của tội phạm. Bên cạnh đó, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: tính chất của hành vi phạm tội như phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện phạm tội; tính chất và mức độ của hậu quả đã gây ra hoặc đe dọa gây ra; mức độ lỗi của người phạm tội như: tính chất của động cơ, quyết tâm phạm tội, nguyên nhân và điều kiện phạm tội; hoàn cảnh chính trị – xã hội của địa điểm và thời gian xảy ra hành vi phạm tội; nhân thân của người có hành vi nguy hiểm cho xã hội…
Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được nhà làm luật cân nhắc và thể hiện khi quy định tội phạm, quy định chế tài và khung chế tài đối với tội phạm. Do đó, nhà làm luật quy định là khi quyết định hình phạt, Tòa án phải cân nhắc và căn cứ vào cả tính chất lẫn mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã được thực hiện. Tòa án phải nêu rõ trong bản án những tình tiết cụ thể chứng minh tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm cụ thể mà Tòa án căn cứ vào đó và cùng với các tình tiết khác để chọn loại và mức hình phạt cụ thể đối với bị cáo. Chỉ khi bảo đảm được sự cân nhắc tổng thể các tình tiết đó và với việc dựa vào các căn cứ khác (nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và các tình tiết tăng nặng), Tòa án mới có đầy đủ căn cứ để quyết định được loại và mức hình phạt công bằng và đúng pháp luật.
c) Căn cứ thứ ba: Nhân thân người phạm tội
Dưới góc độ khoa học luật hình sự, nhân thân người phạm tội được nghiên cứu với tính chất là một căn cứ khi quyết định hình phạt. Đây cũng là căn cứ thể hiện nguyên tắc cá thể hoá hình phạt trong luật hình sự Việt Nam. Căn cứ này đòi hỏi Toà án khi quyết định hình phạt phải xác định loại và mức hình phạt cụ thể không chỉ tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà còn phù hợp với những đặc điểm về nhân thân của người phạm tội để bảo đảm hình phạt đã tuyên đạt được mục đích trừng trị và giáo dục cải tạo người phạm tội.
Những đặc điểm thuộc về nhân thân người phạm tội có rất nhiều, nhưng không phải tất cả những đặc điểm đó đều được cân nhắc, đánh giá khi quyết định hình phạt. Theo chúng tôi, tiêu chuẩn để xác định đặc điểm nào thuộc về nhân thân người phạm tội cần được xem xét, cân nhắc khi quyết định hình phạt phải dựa vào hai tiêu chí sau đây: một là, những đặc điểm thuộc về nhân thân người phạm tội có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội; hai là, những đặc điểm thuộc về nhân thân người phạm tội có liên quan đến việc đạt được mục đích của hình phạt.
Dựa vào hai tiêu chí trên, có thể xác định được những đặc điểm về nhân thân người phạm tội như sau:
Những đặc điểm thuộc về nhân thân người phạm tội có ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Đây là những đặc điểm mà khi có ở người phạm tội thì làm tăng hoặc giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Những đặc điểm này được luật quy định thành những tình tiết định khung hình phạt hoặc tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: phạm tội lần đầu hay đã có tiền án, tiền sự; tái phạm thường hay tái phạm nguy hiểm; là người chưa thành niên phạm tội hay đã thành niên…
Những đặc điểm thuộc về nhân thân người phạm tội phản ánh khả năng cải tạo, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội. Đây là đặc điểm có liên quan đến việc đạt được mục đích của hình phạt. Cân nhắc những đặc điểm này bảo đảm cho Tòa án lựa chọn được hình phạt cụ thể cho người phạm tội sao cho tạo khả năng lớn nhất để đạt được các mục đích của hình phạt. Những đặc điểm này bao gồm: thành phần xã hội, nghề nghiệp, thái độ tự thú hoặc hối cải; lập công chuộc tội hay có thái độ ngoan cố…
Những đặc điểm thuộc về nhân thân người phạm tội phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của họ. Cân nhắc những đặc điểm này khi quyết định hình phạt giúp cho Tòa án lựa chọn được hình phạt cụ thể sao cho hình phạt đó có tính thực tế, tính khả thi, phù hợp với các quy định của luật hình sự và tạo điều kiện, khả năng lớn nhất để đạt được mục đích cải tạo giáo dục họ. Những đặc điểm này bao gồm: những người mắc bệnh hiểm nghèo, người già yếu, phụ nữ có thai hay đang nuôi con nhỏ, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
d) Căn cứ thứ tư: Những tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự
Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự không được quy định trong các cấu thành tội phạm cụ thể mà được quy định tại Phần chung của Bộ luật hình sự. Điều 51 Bộ luật hình sự quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Điều 52 Bộ luật hình sự quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự, đây chính là quy định có tính chất hướng dẫn, bắt buộc để cụ thể hóa một phần khi xem xét, cân nhắc căn cứ thứ hai và thứ ba. Bởi vì, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự và nhân thân người phạm tội cũng là một trong những cơ sở để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, trong số các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có những tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội. Do vậy, nếu xem xét, cân nhắc một cách tổng thể các căn cứ quyết định hình phạt thì căn cứ thứ tư này đã thuộc về một phần nội dung của căn cứ thứ hai và căn cứ thứ ba.
Nghiên cứu các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự với tính chất là một căn cứ để quyết định hình phạt theo chúng tôi cần làm sáng tỏ những vấn đề sau đây:
* Phân biệt tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự với tình tiết định tội và tình tiết định khung
Việc phân biệt này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì, nếu có sự nhầm lẫn giữa ba loại tình tiết trên trong quá trình định tội danh và quyết định hình phạt sẽ dẫn đến việc xét xử sai toàn bộ vụ án.
Tình tiết định tội là tình tiết nêu lên dấu hiệu đặc trưng, điển hình của một loại tội phạm nhất định, phản ánh bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đó, là cơ sở, ranh giới để phân biệt tội phạm này với tội phạm khác. Ví dụ: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản..” là tình tiết định tội của tội cướp tài sản, quy định tại khoản 1, Điều 168
Tình tiết định khung là tình tiết phản ánh tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm tăng lên hoặc giảm xuống đáng kể so với trường hợp bình thường (cấu thành tội phạm cơ bản) trong phạm vi một tội phạm cụ thể. Tình tiết định khung là cơ sở, là ranh giới để phân biệt mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm trong phạm vi một tội phạm cụ thể. Do đó, tình tiết định khung là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tăng nặng và cấu thành tội phạm giảm nhẹ của tội phạm đó.
Có hai loại tình tiết định khung: Tình tiết định khung tăng nặng và tình tiết định khung giảm nhẹ. Tình tiết định khung tăng nặng là tình tiết phản ánh mức độ tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm tăng lên so với trường hợp bình thường (cấu thành tội phạm cơ bản) trong phạm vi một tội phạm cụ thể, vì vậy tình tiết định khung tăng nặng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tăng nặng của tội phạm đó. Ví dụ: tình tiết “có tổ chức” là tình tiết định khung tăng nặng của tội cướp tài sản được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự 2015. Tình tiết định khung giảm nhẹ là tình tiết phản ánh mức độ tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm giảm xuống so với trường hợp bình thường (cấu thành tội phạm cơ bản) trong phạm vi một tội phạm cụ thể, vì vậy tình tiết định khung giảm nhẹ là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm giảm nhẹ của tội phạm đó. Ví dụ: “người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó…” là tình tiết định khung giảm nhẹ của tội giết người được quy định tại khoản 1 Điều 125 Bộ luật hình sự 2015.
Tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự là tình tiết phản ánh tội phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội tăng lên hoặc giảm xuống trong phạm vi một khung hình phạt. Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự không được quy định trong các cấu thành tội phạm cụ thể mà quy định trong Phần chung của Bộ luật hình sự, Điều 51 quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Điều 52 quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Như vậy tình tiết định tội, tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau trong quá trình định tội danh và quyết định hình phạt. Tình tiết định tội là cơ sở để định tội danh; tình tiết định khung là cơ sở để xác định khung hình phạt cụ thể; tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là một trong những căn cứ để quyết định loại và mức hình phạt cụ thể trong phạm vi một khung hình phạt đã được xác định của một tội phạm. Tình tiết định tội là ranh giới để phân biệt tội phạm này với tội phạm khác, tình tiết định khung là ranh giới để phân biệt mức độ khác nhau của tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm trong phạm vi một tội cụ thể, tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự là ranh giới để phân biệt mức độ nguy hiểm khác nhau của tội phạm trong phạm vi một khung hình phạt đã được xác định của một tội phạm cụ thể.
* Những tình tiết đã được luật quy định là tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tinh thần của quy định này xuất phát từ nguyên tắc: một tình tiết không được sử dụng nhiều lần để phân hóa trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Ví dụ: phạm tội có tổ chức là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng của tội hiếp dâm (điểm a khoản 2 Điều 141
Về vấn đề này, các quy định của pháp luật đã nêu rất rõ ràng. Đó là: đối với các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, khoản 2 Điều 52 Bộ luật hình sự đã quy định “Những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”. Đối với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tuy Bộ luật hình sự không qui định cụ thể, nhưng tại Nghị quyết số 01-89/HĐTP ngày 19-4-1989 của Hội đồng thẩm phán
* Khi quyết định hình phạt phải xác định mức độ ảnh hưởng cụ thể của từng tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự có giá trị pháp lý khác nhau trong từng tội phạm cụ thể. Điều này có nghĩa là một tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nào đó đối với tội A có giá trị làm tăng hoặc giảm rất nhiều mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, nhưng đối với tội B thì giá trị làm tăng hoặc giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm lại hạn chế hơn. Do đó, luật không quy định cụ thể từng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có ảnh hưởng đến mức độ nào trong việc quyết định hình phạt đối với từng tội phạm cụ thể. Để bảo đảm sự linh hoạt, mềm dẻo, sát với từng tội phạm và con người cụ thể khi cá thể hoá hình phạt, pháp luật đã giành cho Tòa án quyền đánh giá, cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt. Tuy nhiên, quyền trên của Tòa án phải nằm trong những nguyên tắc và quy định chung của pháp luật.
* Đối với những vụ án vừa có cả tình tiết tăng nặng, vừa có cả tình tiết giảm nhẹ thì phương pháp cân nhắc, đánh giá như thế nào các tình tiết đó khi quyết định hình phạt?
Thông thường trong một vụ án có nhiều tình tiết, có thể chỉ có tình tiết tăng nặng, hoặc có thể chỉ có tình tiết giảm nhẹ, nhưng cũng có vụ án vừa có cả tình tiết tăng nặng, vừa có cả tình tiết giảm nhẹ. Trong trường hợp như vậy, những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ không những cần được đánh giá riêng lẻ mà còn cần được đánh giá tổng thể, toàn diện trong mối quan hệ biện chứng và ảnh hưởng qua lại với nhau gắn với hoàn cảnh, điều kiện, không gian, thời gian xảy ra vụ án.
Trên cơ sở đó, Tòa án đánh giá, xác định giá trị pháp lý của hai loại tình tiết đối lập nhau trong việc làm tăng hay giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đó trong phạm vi một khung hình phạt cụ thể đã được xác định. Từ đó đưa ra quyết định hình phạt của vụ án là cần tăng nặng, cần giảm nhẹ, hay chỉ cần xử ở mức trung bình của khung hình phạt. Nếu tình tiết tăng nặng là đáng kể, tình tiết giảm nhẹ không đáng kể (tình tiết tăng nặng có mức độ ảnh hưởng lớn hơn tình tiết giảm nhẹ) thì là trường hợp cần tăng nặng, ngược lại, nếu tình tiết tăng nặng không đáng kể, tình tiết giảm nhẹ có ý nghĩa lớn (tình tiết giảm nhẹ có ảnh hưởng lớn hơn tình tiết tăng nặng) thì là trường hợp cần giảm nhẹ, nếu tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đều quan trọng hoặc đều không đáng kể (cả hai loại tình tiết đều có mức độ ảnh hưởng tương đương nhau) thì là trường hợp bình thường. Điều quan trọng trong trường hợp này là Tòa án phải đưa ra được một nhận định là cần phải tuyên cho bị cáo một hình phạt ở mức cao (tăng nặng), mức thấp (giảm nhẹ) hay ở mức trung bình (bình thường) của khung hình phạt, sao cho hình phạt đã tuyên tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiêm cho xã hội của tội phạm, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong trường hợp này khi quyết định hình phạt, Tòa án phải vận dụng các nguyên tắc quyết định hình phạt, trong đó đáng chú ý là nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa để vận dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo.
Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự, đây chính là quy định có tính chất hướng dẫn, bắt buộc để cụ thể hóa một phần khi xem xét, cân nhắc căn cứ thứ hai và thứ ba. Bởi vì, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự và nhân thân người phạm tội cũng là một trong những cơ sở để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, trong số các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có những tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội. Do vậy, nếu xem xét, cân nhắc một cách tổng thể các căn cứ quyết định hình phạt thì căn cứ thứ tư này đã thuộc về một phần nội dung của căn cứ thứ hai và căn cứ thứ ba. Cụ thể:
* Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được phân thành ba nhóm khác nhau.
Thứ nhất: các tình tiết ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội như các tình tiết liên quan đến mức độ hậu quả; các tình tiết phản ánh đặc điểm nhân thân, ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của hành vi và người phạm tội; những tình tiết ảnh hưởng đến mức độ lỗi.
Thứ hai: các tình tiết phản ánh khả năng cải tạo của người phạm tội như người phạm tội tự thú; người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm; người phạm tội lập công chuộc tội…
Thứ ba: những tình tiết phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội như người phạm tội là phụ nữ có thai; người phạm tội là người già; người phạm tội là thương binh…
Khoản 1 Điều 51, Bộ luật hình sự 2015 đã quy định những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, làm cơ sở pháp lý cho Tòa án khi quyết định hình phạt. Đây là những tình tiết giảm nhẹ được sắp xếp không theo thứ tự giảm nhẹ nhiều hay ít, mà chủ yếu dựa vào sự phân biệt các tình tiết thuộc về phương diện khách quan, chủ quan của tội phạm và các tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội.
Ngoài các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định cụ thể ở các khoản 1 Điều 51; tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự còn cho phép khi quyết định hình phạt Tòa án có thể coi những tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng lý do phải ghi vào trong bản án. Quy định này là hợp lý và có cơ sở thực tế bởi vì luật không thể dự liệu hết được những tình tiết giảm nhẹ xảy ra trong thực tiễn.
* Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng được phân thành ba nhóm khác nhau.
Thứ nhất: các tình tiết ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội như tình tiết phản ánh đối tượng bị xâm hại là đối tượng đặc biệt; tình tiết phản ánh tính chất của hành vi phạm tội; tình tiết phản ánh mức độ hậu quả; tình tiết phản ánh mức độ lỗi.
Thứ hai: các tình tiết phản ánh khả năng giáo dục, cải tạo của người phạm tội như có hành vi xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm…
Thứ ba: những tình tiết phản ánh đặc điểm về nhân thân người phạm tội như phạm tội nhiều lần; tái phạm, tái phạm nguy hiểm…
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có giá trị làm tăng mức độ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong phạm vi một khung hình phạt cụ thể đã được xác định. Vì là tình tiết được dùng làm cơ sở để xác định mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn của tội phạm, nên theo quy định của Điều 52 Bộ luật hình sự thì chỉ có những tình tiết được luật quy định mới được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, bởi vì những tình tiết mà Tòa án dùng làm cơ sở để tăng mức độ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội phải được luật quy định cụ thể, chặt chẽ, tránh việc lạm dụng để làm xấu đi tình trạng pháp lý của người phạm tội khi không có căn cứ xác đáng. Như vậy, ngoài những tình tiết được quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự, khi xét xử Tòa án không được coi bất kỳ một tình tiết nào khác là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để áp dụng cho người phạm tội. Trong những điều kiện giống nhau, việc có những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là một trong những cơ sở để Tòa án quyết định một hình phạt nghiêm khắc hơn.