Tố cáo trong hoạt động tố tụng dân sự? Thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo trong hoạt động tố tụng dân sự? Thủ tục giải quyết tố cáo trong tố tụng dân sự?
Bên cạnh khiếu nại thì tố cáo cũng là một trong những quyền của công dân được nhà nước bảo vệ. Quyền tố cáo của cá nhân không bị hạn chế chỉ ở một lĩnh vực mà nó dàn trải qua các lĩnh vực, trong đó có cả trong các hoạt động tố tụng dân sự. Khi có các dấu hiệu cần tố cáo thì các cá nhân có quyền tố cáo và cơ quan nhận được tố cáo có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đó. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về tố cáo và giải quyết tố cáo trong hoạt động tố tụng dân sự.
Luật sư
1. Tố cáo trong hoạt động tố tụng dân sự
Theo quy định tại Điều 509
“Điều 509. Người có quyền tố cáo
Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
Tố cáo trong tố tụng dân sự là việc công dân theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng dân sự quy định báo cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Hành vi vi phạm pháp luật đó chưa có dấu hiệu của tội phạm.
Từ đó, có thể nhận thấy Một số đặc điểm của tố cáo, cụ thể:
Thứ nhất, phạm vi tố cáo trong tố tụng dân sự chỉ là hành vi của người tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động tố tụng. Do hành vi thực hiện, nên các quyết định tố tụng không phải đối tượng của tố cáo. Số lượng hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo không hạn chế.
Thứ hai, chủ thể có quyền tố cáo là công dân theo quy định tại Điều 509 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:
“Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
Pháp luật không quy định tổ chức là chủ thể của tố cáo. Xuất phát từ việc ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo, thậm chí ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người bị tố cáo nếu nội dung tố cáo sai sự thật nên trách nhiệm của người tố cáo khi thực hiện quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật quan trọng. Người tố cáo phải nhận thức, buộc phải nhận thức và chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo của mình. Trường hợp tố cáo sai sự thật, vụ khống, người tố cáo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm tương ứng và bị cá thể hóa trách nhiệm. Đó cũng là lý do tại sao chỉ có cá nhân mới có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong tố tụng dân sự mà không quy định là tổ chức.
Thứ ba, chủ thể có quyền tố cáo trong tố tụng dân sự cũng tương tự như tố cáo trong các lĩnh vực khác là quyền của mọi công dân có đủ năng lực pháp luật. Pháp luật không hạn chế bởi chỉ có những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ hành vi vi phạm pháp luật gây ra. Bất cứ hành vi tố tụng nào trái pháp luật xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến lợi ích của Nhà nước hoặc của người khác đều bị tố cáo.
Thứ tư, hành vi vi phạm pháp luật này trước khi bị tố cáo chưa bị phát hiện ra. Bất cứ người có thẩm quyền tiến hành các hoạt động tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật đều có thể bị phát hiện và bị tố cáo.
Thứ năm, hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo trong tố tụng dân sự phải chưa có dấu hiệu của tội phạm. Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật này có dấu hiệu của tội phạm thì không thực hiện và giải quyết theo quy trình tố cáo mà chuyển sang một quy trình khác, đó là quy trình giải quyết về tố giác tội phạm.
2. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo trong hoạt động tố tụng dân sự
Thẩm quyền giải quyết tố cáo trong tố tụng dân sự được quy định tại Điều 512 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tương tự như việc giải quyết khiếu nại, thì chủ thể có thẩm quyền giải quyết tố cáo đó chính là người đứng đầu của cơ quan nơi người có thẩm quyền tố tụng bị tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của Kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm sát của mình; Chánh án Tòa án có thẩm quyền giải quyết tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của Thẩm phán, Thư kí Tòa án thuộc Tòa án của mình. Trong trường hợp người bị tố cáo là Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thì Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết.
Thời hạn để các chủ thể có thẩm quyền tiến hành giải quyết tố cáo là không quá 02 tháng, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá 03 tháng. (Khoản 1 Điều 512)
Đối với những tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được thì thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
3. Thủ tục giải quyết tố cáo trong tố tụng dân sự
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thủ tục giải quyết tố cáo trong tố tụng dân sự như sau:
“Điều 513. Thủ tục giải quyết tố cáo
Thủ tục giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.”
Như vậy, thì Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định riêng về thủ tục giải quyết tố cáo trong tố tụng dân sự mà tuân theo quy định trong Luật Tố cáo, điều này nhằm đảm bảo tính thống nhất, hạn chế chồng chéo trong việc áp dụng pháp luật.
Cá nhân khi tố cáo có thể thực hiện viên đơn tố cáo và gửi đến cơ quan có thẩm quyền hoặc tiến hành trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Khi Tòa án, Viện Kiểm sát nhận thấy việc tố cáo được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, chủ thể thực hiện hành vi tố cáo là người đủ năng lực hành vi dân sự, nội dung tố cáo là về hành vi vi phạm pháp luật của là nhân là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc cơ quan mình (hoặc chủ thể có hành vi tố cáo đó chính Chánh án, Phó Chánh án của Tòa án cấp dưới trực tiếp, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới trực tiếp) và vụ việc tố cáo đó thuộc thẩm quyền giải quyết thì Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện Kiểm sát ra quyết định thụ lý tố cáo.
Sau khi tiến hành thụ lý tố cáo thì Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện Kiểm sát tiến hành xác minh hoặc giao cho cơ quan thanh tra cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác xác minh nội dung tố cáo. Khi nhận được việc giao xác minh, thì các cá nhân, cơ quan, tổ chức được giao tiến hành các hoạt động nghiệp vụ như điều tra, thu thập thông tin, thống kê dữ liệu,…. nhằm làm rõ về hành vi của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bị tố cáo. Thông thường, các chủ thể này sẽ yêu cầu người tố cáo giải trình, đưa ra những bằng chứng chứng minh cho việc tố cáo của mình. Sau khi kết thúc việc xác minh, cơ quan được giao xác minh phải có văn bản thể hiện kết quả xác minh nội dung tố cáo, đồng thời đưa ra kiến nghị về biện pháp xử lý và văn bản này được gửi đến Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện Kiểm sát đã yêu cầu xác minh.
Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện Kiểm sát sẽ căn cứ vào nội dung tố cáo, giải trình của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo, tài liệu, chứng cứ có liên quan, Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện Kiểm ban hành kết luận nội dung tố cáo. Trong văn bản Kết luận nội dung tố cáo này thể hiện các nội dung như theo quy định tại Khoản 2 Điều 35
“2. Kết luận nội dung tố cáo phải có các nội dung chính sau đây:
a) Kết quả xác minh nội dung tố cáo;
b) Căn cứ pháp luật để xác định có hay không có hành vi vi phạm pháp luật;
c) Kết luận về nội dung tố cáo là đúng, đúng một phần hoặc tố cáo sai sự thật; xác định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung tố cáo;
d) Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền cần thực hiện; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật;
đ) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
Sau khi ban hành Kết luận nội dung tố cáo, thì văn bản này được gửi đến người bị tố cáo, người tố cáo, các cá nhân, tổ chức có liên quan trong thời hạn 05 ngày làm việc. Trong trường hợp người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật mà có dấu hiệu tội phạm thì tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự theo quy định; nếu có hành vi vi phạm nhưng không có dấu hiệu tội phạm thì tiến hành xử lý theo thẩm quyền; còn trong trường hợp người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không có hành vi vi phạm pháp luật thì khôi phục quyền và lợi ích của các cá nhân đó, đồng thời xử lý việc tố cáo sai sự thật.