Tố cáo hành vi trộm cắp điện thoại. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản.
Tố cáo hành vi trộm cắp điện thoại. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi em đi làm thêm và mất trộm một chiếc điện thoại khi đang ngủ, em biết người lấy và đã điều tra ra người lấy trộm điện thoại của em, người lấy trộm cũng đã thừa nhận là có lấy trộm của em nhưng không trả lại. Cho em hỏi em có thể đưa đơn kiện lên cơ quan Công an không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự sửa đổi 2009
2. Giải quyết vấn đề:
Căn cứ Điều 138 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009 quy định tội trộm cắp tài sản như sau:
"1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm…”
Theo quy định trên thì trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản. Nhưng nếu giá trị của tài sản không đến 2 triệu đồng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng phải chịu xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:
"Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;
d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;
b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;
c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;
e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật tố giác hành vi trộm cắp tài sản: 1900.6568
Như vậy, với trường hợp bạn bị mất chiếc điện thoại và cũng đã biết được người lấy chiếc điện thoại, người đó cũng đã thừa nhận, như vậy bạn đã có đủ căn cứ chứng minh người đó lấy chiếc điện thoại của bạn nên bạn hoàn toàn có quyền gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an nơi xảy ra sự việc đó theo Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về tố giác và tin báo về tội phạm như sau:
"Điều 101. Tố giác và tin báo về tội phạm
Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.
Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản."
Người tố giác tội phạm sẽ được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 7 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 về bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân: Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Do vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn, bạn có thể làm đơn tố cáo lên cơ quan Công an cấp huyện để yêu cầu giải quyết.