Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nói chung, các tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc mặt chủ quan nói riêng và các tình tiết định khung, định tội có điểm tương đồng ở chỗ đều ảnh hưởng đến TNHS. Nhưng ảnh hưởng của mỗi loại tình tiết đến TNHS lại có sự khác biệt rõ rệt.
Mục lục bài viết
1. Một số khái niệm liên quan:
Các tình tiết giảm nhẹ TNHS nói chung, các tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc mặt chủ quan nói riêng và các tình tiết định khung, định tội có điểm tương đồng ở chỗ đều ảnh hưởng đến TNHS. Nhưng ảnh hưởng của mỗi loại tình tiết đến TNHS lại có sự khác biệt rõ rệt.
“Tình tiết định tội là tình tiết được quy định trong BLHS để xác định hành vi đã thực hiện phạm tội gì”. Khi quy định các tội phạm cụ thể, luật hình sự xác định các dấu hiệu của mỗi tội và các dấu hiệu đó cho phép phân biệt giữa tội này với tội khác. Đó là các dấu hiệu định tội. Khi áp dụng luật, người áp dụng phải so sánh tình tiết thực tế của vụ án với các dấu hiệu định tội của tội cụ thể để xác định người phạm tội đã phạm tội đó. Tình tiết thực tế thỏa mãn dấu hiệu định tội được gọi là tình tiết định tội.
“Tình tiết định khung là tình tiết được quy định trong các khoản của điều luật của BLHS được sử dụng để xác định trường hợp phạm tội thực tế cần áp dụng khung hình phạt tăng nặng hay khung hình phạt giảm nhẹ”. Khi xây dựng các khung hình phạt tăng nặng hoặc giảm nhẹ cho một tội phạm, luật hình sự xác định dấu hiệu cho phép áp dụng các khung hình phạt đó. Đó là các dấu hiệu định khung hình phạt. Khi áp dụng luật, người áp dụng phải so sánh tình tiết thực tế của vụ án với dấu hiệu định khung (tăng nặng hoặc giảm nhẹ) để xác định khung hình phạt tương ứng. Tình tiết thực tế thỏa mãn dấu hiệu định khung hình phạt cụ thể thì phải áp dụng tình tiết định khung hình phạt đó.
2. Phân biệt tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan và tình tiết định tội, định khung hình phạt:
Các tình tiết giảm nhẹ TNHS nói chung, các tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc mặt chủ quan nói riêng khác với các tình tiết định tội, tình tiết định khung về vị trí pháp lý và phạm vi ảnh hưởng đến TNHS.
Về vị trí pháp lý: Các tình tiết định tội, định khung là những tình tiết được quy định trong cấu thành tội phạm (cấu thành cơ bản, cấu thành tăng nặng, cấu thành giảm nhẹ) và là cơ sở để truy cứu TNHS. Còn các tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc mặt chủ quan tuy cùng được biểu hiện mặt chủ quan của tội phạm nhưng là những tình tiết thể hiện các mức độ khác nhau trong trường hợp phạm tội cụ thể và ở đây thể hiện cơ sở cho việc cá thể hóa TNHS.
Về ảnh hưởng đến TNHS: Tình tiết định tội, định khung là những tình tiết có giá trị xác định tội danh hoặc khung hình phạt đối với trường hợp phạm tội cụ thể. Giá trị giảm nhẹ TNHS của các tình tiết định tội, định khung hình phạt đã được thể hiện trong phạm vi được quy định trong BLHS. Còn các tình tiết giảm nhẹ TNHS nói chung, các tình tiết giảm nhẹ thuộc mặt chủ quan nói riêng có giá trị làm giảm nhẹ mức độ TNHS đối với một trường hợp phạm tội cụ thể sau khi đã định tội và định khung hình phạt. Chính sự khác biệt này đã tạo ra nét đặc biệt trong việc vận dụng các tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc mặt chủ quan. Nếu các tình tiết định tội, định khung là cơ sở để xác định tội danh, khung hình phạt và hình phạt được quyết định phải nằm trong giới hạn chế tài do các tình tiết này quy định thì các tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc mặt chủ quan không có tác dụng làm thay đổi tội danh, chuyển khung hình phạt từ trường hợp đặc biệt có thể đưa đến khả năng quyết định một hình phạt thấp hơn khuôn khổ chế tài theo hướng giảm nhẹ (Điều 54 BLHS năm 2015).
Pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành, quy định các tình tiết định tội, định khung, tình tiết giảm nhẹ TNHS nói chung đôi khi có thể cùng một tên gọi. Tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc mặt chủ quan quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 “Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội” lại là tình tiết định tội đối với Tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội quy định tại Điều 126 BLHS năm 2015; Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (tình tiết định tội này cũng được quy định là tình tiết giảm nhẹ tại điểm c khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (tình tiết định tội này cũng được quy định là tình tiết giảm nhẹ tại điểm c, d khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015). Ngoài ra, BLHS năm 2015 cũng quy định một số tình tiết định khung cùng tên gọi với các tình tiết giảm nhẹ TNHS nói chung, các tình tiết giảm nhẹ TNHS nói riêng, như: Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng đối với một số tội xâm phạm an ninh quốc gia như tội gián điệp (khoản 2 Điều 110 BLHS năm 2015); Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 2 Điều 104 BLHS năm 2015); Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội (khoản 2 Điều 115 BLHS năm 2015); Tội phá hoại chính sách đoàn kết (khoản 2 Điều 116 BLHS năm 2015). Trong trường hợp này, việc quyết định hình phạt phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 51 BLHS năm 2015 “các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”.
Tóm lại, khi đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành một tội phạm (phạm tội gì) thì việc tiếp theo là xác định mức phạt cụ thể đối với tội đó là bao nhiêu, khi này khái niệm khung hình phạt bắt đầu được xem xét đến. Thông thường một Điều luật sẽ có 1 hoặc nhiều khung hình phạt và sắp xếp theo hướng khung hình phạt sau cao hơn khung hình phạt trước (thường Khoản 2, 3, 4 trở đi mức phạt sẽ cao hơn Khoản 1) cá biệt có một số điều luật được thiết kế theo hướng ngược lại (ví dụ như Điều 123 Tội giết người Khoản 1 khung hình phạt là cao nhất – tử hình, nhưng Khoản 2 mức tối đa chỉ 15 năm). Tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội sẽ thuộc vào một khung nhất định. Khi đã thuộc vào một khung nào đó thì sẽ xem xét đến ý nghĩa của những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Nếu một tội phạm được thực hiện mà không có bất kỳ tình tiết tăng nặng hay giảm nhe nào thì mức án được tuyên sẽ là khoảng giữa của khung. Ví dụ: Khung hình phạt áp dụng là từ 03 năm đến 07 năm tù giam thì mức án sẽ là 05 năm tù giam ((03 + 07)/2 = 05). Nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì mức hình phạt có thể xuống dưới mức 05 năm nhưng không được thấp hơn 03 năm. Trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng thì mức phạt được tuyên có thể nhiều hơn 05 năm nhưng tối đa không quá 07 năm. Như vậy có thể thấy tình tiết giảm nhẹ chỉ có giá trị sau khi đã xác định người phạm tội phạm tội nào và khung hình phạt là bao nhiêu để tuyên mức phạt dưới mức trung bình của khung. Do đó khi tình tiết giảm nhẹ nào đó đã được dùng để định tội (khá phổ biến) và dùng để định khung (rất hiếm gặp, nhưng nhà làm luật vẫn quy định phòng hờ) thì sẽ không áp dụng để xem xét định lượng hình phạt nữa vì như vậy 1 tình tiết giảm nhẹ lại áp dụng đến 02 lần.
3. Ý nghĩa pháp lý tình tiết giảm nhẹ TNHS thuộc mặt chủ quan:
Sự thể hiện của các quy định về trách nhiệm hình sự có tính chất rộng, bao trùm toàn bộ quy định Bộ luật Hình sự. Bởi vậy việc giải quyết trách nhiệm hình sự là một trong những vấn đề then chốt của vụ án hình sự. Việc giải quyết đó không thể không xem xét, cân nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự . Vì vậy, việc quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nói chung, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan nói riêng trong pháp luật hình sự có ý nghĩa – vai trò quan trọng về pháp lý. Xét về phạm vi, đây là quy định có phạm vi rộng trong quyết định hình phạt cũng như thi hành án thể hiện ở việc áp dụng đối với mọi trường hợp tội cụ thể khi hội đủ điều kiện luật định và đảm bảo sự tương xứng giữa tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm với mức độ trách nhiệm hình sự .
Cụ thể về mặt pháp lý, các quy định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện:
Thứ nhất, quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan trong pháp luật hình sự có ý nghĩa là một phương tiện phân hóa trách nhiệm hình sự trong luật. Cụ thể, chúng là những tình tiết có giá trị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự – nhà làm luật dựa vào đó để phân biệt các mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác nhau dưới sự ảnh hưởng của một hay tập hợp các tình tiết giảm nhẹ trong toàn bộ quá trình giải quyết và thực hiện trách nhiệm hình sự . Sự phân hóa các giá trị này thể hiện trong hai hoạt động quyết định hình quạt và thi hành án. Không phải mọi hành vi phạm tội đều phải áp dụng đến hình phạt, cũng như không phải mọi trường hợp bị kết án đều phải chấp hành hết thời hạn hình phạt đã tuyên, song cũng không phải mọi trường hợp đều phải chấp hành ngay hình phạt tù ...Việc có áp dụng hình phạt hay một biện pháp xử lý khoan hồng, có giảm thời hạn chấp hành hình phạt hoặc miễn chấp hành hình phạt hay không, có buộc người bị kết án thi hành ngay hình phạt được tuyên hay không... đều được quyết định trên cơ sở quy định của pháp luật hình sự về hệ thống biện pháp miễn giảm trách nhiệm hình sự .
Thứ hai, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan được sử dụng như là phương tiện cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong áp dụng pháp luật. Việc lựa chọn một hình phạt tương thích trong khoảng cách rộng rãi ( khoảng cách trong một khung hình phạt và khoảng cách giữa các khung hình phạt với nhau) cần phải được cân nhắc đầy đủ các căn cứ quyết định hình phạt. “Với ý nghĩa là một căn cứ quyết định hình phạt, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải được sử dụng như một phương tiện cá thể hóa trách nhiệm hình sự là một trong những thước đo về mức độ trách nhiệm hình sự sao cho hình phạt được quyết định phải sát nhất đối với từng trường hợp phạm tội”. Đồng thời, đối với mỗi tội phạm, trong khung hình phạt quy định thì tùy vào từng trường hợp cụ thể để áp dụng các tình tiết đó để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự một cách hợp lý và công bằng, đảm bảo ý nghĩa của việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đem lại hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thứ ba, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan là một trong những điều kiện cần thiết để đạt được mục đích của hình phạt. Thực chất đưa ra hình phạt không chỉ để trừng trị người phạm tội mà để cải tạo người phạm tội, khiến họ nhận ra sai lầm và sửa chữa nó. Vì vậy, trong quá trình giải quyết trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, sử dụng tình tiết giảm nhẹ sẽ phải bảo đảm cho một phán quyết công bằng cho từng trường hợp phạm tội cụ thể, để nhờ đó người phạm tội dễ dàng nhìn thấy được sự hợp lý trong phán quyết đó mà có tâm lý sẵn sàng chấp nhận phần trách nhiệm đã được quyết định cho cá nhân mình. Yếu tố tâm lý đó là điều kiện tích cực trong quá trình cảm hóa hay làm biến đổi trạng thái ăn năn hối cải của người phạm tội, nhờ đó người phạm tội quyết tâm phục thiện. Trong thực tế xét xử, một phán quyết quá nghiêm khắc về trách nhiệm hình sự không phù hợp với trường hợp cụ thể thường tạo tâm lý bị oan sai. Đó là tâm lý tiêu cực có thể trở thành vật cản thực sự cho việc cải tạo giáo dục người phạm tội để họ hướng thiện. Bởi vậy, nếu vận dụng tốt các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ có tác dụng khuyến khích người bị kết án phục thiện bằng những biểu hiện tiến bộ của chính bản thân trong quá trình cải tạo trong sự giúp đỡ của cơ quan có trách nhiệm. Đây cũng là cách để đạt đến mục đích chủ yếu của hình phạt là cảm hóa người phạm tội.
Tóm lại, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc mặt chủ quan của người phạm tội là một chế định có ý nghĩa lớn cả về phương diện xã hội cũng như phương diện pháp lý. Nhờ đó, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện phân hóa và cá thể hóa trách nhiệm hình sự , áp dụng các biện pháp xử lý khoan hồng về hình sự, đảm bảo một phán quyết công bằng và nhân đạo, tạo tiền đề quan trọng về tâm lý cho quá trình cảm hóa người phạm tội trên con đường dẫn đến sự ăn năn hối cải thực sự.