Cơ sở Lý Luận về quyền sở hữu công nghiệp? Giải quyết tình huống thực tế? Quan điểm cá nhân về một số vấn đề liên quan?
Cùng với sự phát triển của nền sản xuất hàng hoá, đặc biệt là sự phát triển của nền kinh tế thị trường và thương mại quốc tế, các nhãn hiệu trong đó có nhãn hiệu nổi tiếng (NHNT) ngày càng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của chủ thể kinh doanh. Từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng được quan tâm hơn. Việt Nam là quốc gia đang từng bước đi vào nền kinh tế thị trường và là thành viên của công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp và đang thực hiện các quy định của hiệp định TRIPS nên có trách nhiệm phải thực hiện các cam kết về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng quy định trong các điều ước quốc tế này. Sau đây em xin trình bày những quan điểm của mình về đề bài số 13.Trong quá trình làm bài, do hiểu biết của em còn hạn chế nên không thể tránh khỏi những thiếu sót, em rất mong nhận được sự góp ý của thầy cô để hướng nhìn nhận vấn đề của em được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn!
Mục lục bài viết
1. Cơ sở Lý Luận về quyền sở hữu công nghiệp
1.1. Khái quát về nhãn hiệu nổi tiếng
Nhãn hiệu là dấu hiệu có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ do một doanh nghiệp sản xuất hoặc cung cấp với hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp khác. Theo khoản 16 điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ ( SHTT ) “ Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.”Nhãn hiệu thương là các dấu hiệu như một từ, ngữ ( một cụm từ ), hình ảnh, biểu tượng, lô gô, hoặc sự kết hợp các yếu tố này được sử dụng trên hàng hóa hoặc dịch vụ để giúp người tiêu dùng có thể phân biệt được các sản phẩm, dịch vụ khác nhau trên thị trường.
Nhãn hiệu nổi tiếng (famous marks) là một trong số những loại nhãn hiệu được phân loại dựa trên tiêu chí tính chất, chức năng của nhãu hiệu. Theo khoản 20 điều 4 Luật SHTT “ Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.
Nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ theo cơ chế riêng, khác với bảo hộ nhãn hiệu thường:
– Về căn cứ xác lập quyền: Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng kí.
– Về tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng: Căn cứ vào điều 75, Luật SHTT thì các tiêu chí sau đây được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng:Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
>>> Luật sư
– Về cơ chế bảo hộ chống lại việc đăng ký và sử dụng bất hợp pháp bởi các chủ thể khác:
+ Về viêc đăng kí: Chủ NHNT có quyền phản đối việc đăng kí hoặc yêu cầu hủy bỏ hiệu lực các Giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu đối với các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với NHNT của mình kể cả trong trường hợp nhãn hiệu đăng kí cho hàng hóa dịch vụ không trùng hoặc không tương tự nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ, có khả năng ảnh hưởng đến sự phân biệt của NHNT hoặc lợi dụng danh tiếng, uy tín của NHNT, căn cứ điểm khoản i 2 điều 74 bởi nhãn hiệu đó được coi là không có khả năng phân biệt.
+ Về việc sử dụng: Chủ NHNT có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chống lại các hành vi như: sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng; sử dụng dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu đó cho hàng hóa, dịch vụ không cùng loại, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nếu việc sử dụng đó có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu với chủ thể có nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng, căn cứ điểm d khoản 1 điều 129 Luật SHTT.
1.2. Khái quát về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Theo từ điển Tiếng Việt 2001 giải thích xâm phạm là phạm đến, động đến. Xâm phạm quyền là hành vi của một tổ chức, cá nhân động chạm đến quyền lợi của tổ chức cá nhân khác.
Căn cứ để xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu được quy định tại điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ – CP, theo đó hành vi bị xem xét bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp khi có đủ 4 căn cứ như sau:
Thứ nhất: Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ hai: Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại khoản 4 điều 11 Nghị định 105/2006 như sau:
Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là yếu tố xâm phạm nếu:
a) Dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
b) Hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều này hoặc hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Thứ ba:Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Thứ tư: Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.
2. Giải quyết tình huống thực tế
2.1. Phân tích tình huống
– Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp: Nhãn hiệu nổi tiếng Adidas và nhãn hiệu nổi tiếng Nike, đã được đăng kí bảo hộ tại Việt Nam.
– Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp: hai chủ thể sở hữu hai nhãn hiệu nổi tiếng Adidas và Nike.
+ Có các quyền chung của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp quy định ở khoản 1 điều 23 Luật SHTT như: Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có các quyền tài sản sau đây: Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 124 và Chương X của Luật này;Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 125 của Luật này;Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Chương X của Luật này.Khoản 5 điều 124 quy định: Sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ;Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.Khoản 1 điều 125 quy định: Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp nếu việc sử dụng đó không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Như đã phân tích ở phần trên, NHNT còn được bảo hộ theo cơ chế riêng, khác với bảo hộ nhãn hiệu thường nên ngoài những quyền chung được nêu ở phần này thì còn các quyền về chống lại việc đăng kí và sử dụng bất hợp pháp bởi các chủ thể khác đã nêu ở phần I.
+ Có nghĩa vụ quy định tại khoản 2 điều 136: Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ năm năm trở lên thì quyền sở hữu nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại Điều 95 của Luật này.
– Chủ thể có hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp: Anh A là Giám đốc Công ty May và xuất nhập khẩu Hoàng Huỳnh tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh và B – người được A đặt hàng sản xuất tem, nhãn mang nhãn hiệu Adidas và Nike. Hành vi vi phạm cụ thể của A và B sẽ được phân tích ở phần sau.
2.2. Hành vi của A và B đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Anh A nhận hợp đồng may gia công 3000 chiếc áo thun lưới gắn nhãn hiệu Adidas và Nike cho một người buôn bán quần áo tại Nga. A đặt hàng cho B sản xuất cho mình tem, nhãn mang nhãn hiệu Adidas và Nike, còn doanh nghiệp của A tự mua vải về cắt may. Như vậy, hành vi của A và B đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cụ thể như sau:
Căn cứ khoản 4 điều 11 nghị định 105/2006/NĐ – CP như đã phân tích ở phần I.2 thì hành vi của A và B là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu bởi đã có đầy đủ 4 căn cứ:
Thứ nhất: Nhãn hiệu Adidas và Nike thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ. Hai nhãn hiệu là là nhãn hiệu nổi tiếng và được đăng kí bảo hộ tại Việt Nam
Nhãn hiệu Adidas và Nike đã được công nhận là nhữngNHNT không chỉ ở Việt Nam và trên cả thế giới.Công ty Interbrand và Tạp chí BusinessWeek hằng năm đưa ra danh sách các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới. Các điều kiện để xếp hạng 100 NH nổi tiếng của Interbrand và BusinessWeek cũng tương tự như quy định tại Điều 75 Luật SHTT. Trong danh sách 100 NH nỗi tiếng do Interbrand và BusinessWeek đưa ra hàng năm có NH Adidas, Nike.
NH Adidas (Đức) nhóm HH thể thao, năm 2006 xếp thứ 64, năm 2007 xếp thứ 70 (trị giá chuyển nhượng 4,6 tỷ USD), năm 2008 xếp thứ 70 và năm 2009 xếp thứ 62 (trị giá 5, 4 tỷ USD).NH Nike (Mỹ) nhóm HH thể thao, năm 2006 xếp thứ 31, năm 2007 xếp thứ 29 (trị giá chuyển nhượng 12 tỷ USD), năm 2008 xếp thứ 29, năm 2009 xếp thứ 26 (trị giá 13,179 tỷ USD). Như vậy, Adidas và Nike liên tục trong nhiều năm được xếp loại thuộc 100 NHNT trên thế giới.
Thứ hai:Có yếu tố xâm phạm NHNT Adidas và Nike trong hành vi của A và B
Khi được thừa nhận, được coi là nổi tiếng, NH đó có sức mạnh riêng. Điều 6BIS của Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (SHCN) có quy định: “… các nước thành viên Công ước có trách nhiệm, theo chức năng quản lý nếu luật quốc gia cho phép điều đó, hoặc theo đề nghị của bên có liên quan, từ chối hoặc hủy bỏ đăng ký, ngăn cấm việc sử dụng NH mà NH đó là sự sao chép, bắt chước, chuyển đổi và có khả năng gây nhầm lẫn với các NH đã được cơ quan có thẩm quyền của nước đăng ký hoặc nước sử dụng coi là NH nổi tiếng tại nước đó như là NH thuộc về người được hưởng lợi thế của Công ước và sử dụng trên các loại HH giống hoặc tương tự. Những quy định này cũng được áp dụng trong trường hợp thành phần chủ yếu của NH là sự sao chép của bất kỳ NH nổi tiếng nào hoặc sự bắt chước có khả năng gây nhầm lẫn với NH trước đó…”. Việt Nam là thành viên của Công ước Pari năm 1883.
Điểm d Khoản 1 Điều 129 Luật SHTT xác định hành vi xâm phạm quyền NHNT là khi “Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với NHNT hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang NHNT, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu NHNT”.
Điểm b khoản 4 điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ – CP cũng quy định yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng: “…hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.”
Tóm lại, giám đốc A sản xuất các hàng hóa thuộchay không thuộc nhóm hàng hóa của Adidas và Nike cũng đều xâm phạm đến hai NHNT này theo những căn cứ pháp lý đã nêu và đều bị xử lý. Là một trong những hành vi bị xử phạt về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo khoản 2 điều 213: “Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.”
Đối với hành vi của B cũng là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn được quy định tại điểm c khoản 1 điều 211 : “Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này” và được quy định tại điều 13:Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo – Nghị định 99/2013/NĐ – CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Thứ ba, A và B thực hiện hành vi không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Thứ tư, hành vi của A và B xảy ra tại Việt Nam, cụ thể là quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh.
=> Như vậy, đã có đủ 4 căn cứ để kết luận hành vi của A và B là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cụ thể đối với hai NHNT Adidas và Nike.Chế tài để xử lý những hành vi này cũng đã được quy định cụ thể và sẽ được làm rõ ở phần sau.
2.3. Các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của A và B
A và B đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì thẩm quyền xử lý hành vi này sẽ căn cứ điều 200.1 Luật SHTT, điều 15 vềthẩm quyền xử phạt của Nghị định 99/2013/NĐ – CP,điều 4 Nghị định 105/2006/NĐ – CP, phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước và chức năng xét xử, những cơ quan dưới đây có chức năng xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xét xử.
Đề bài không nói rõ giá trị của hàng hóa giả mạo, A và B đã sản xuất số lượng thực tế bao nhiêu, hay làm thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng ở mức độ nào và lô hàng này đã được xuất ra biên giới hay chưa, có yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng không, hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm chưa… nên theo các quy định chung thì thẩm quyền xử lí hành vi và tùy theo tính chất, mức độ hành vi xâm phạm thì em chia ra các trường hợp như sau:
Thứ nhất: Thẩm quyền của cơ quan Tòa án
– Nếu như có yêu cầu của chủ sở hữu hai NHNT Adidas và Nike hay tổ chức cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm của A và B gây ra, kể cả khi hành vi này đã hoặc đang được xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự ( tòa dân sự).
– Nếu hành vi của A và B có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật HÌnh sự.Tòa hình sự sẽ xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp có dấu hiệu tội phạm (Điều 200.2 Luật SHTT) (tòa hình sự).
Căn cứ mục 2 Thông tư Liên tịch của Tòa án Nhân dân Tối cao – Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao – Bộ Công an – Bộ Tư pháp số 01 ngày 20.2.2008 thì đối với hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các mức độ đánh giá hành vi nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (Điều 25, Điều 27, Điều 33, Điều 34), thẩm quyền giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ của Toà án được xác định như sau: 1.Nếu tranh chấp sở hữu trí tuệ thuần tuý là tranh chấp dân sự, thuộc thẩm quyền của Toà án cấp huyện; 2.Nếu tranh chấp sở hữu trí tuệ thuần tuý là tranh chấp dân sự nhưng có đương sự hoặc đối tượng sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, thuộc quyền của Toà án cấp tỉnh; 3.Nếu tranh chấp sở hữu trí tuệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận được coi là tranh chấp thương mại, kinh doanh và thuộc thẩm quyền của Toà án cấp tỉnh.Như vậy, trường hợp xâm phạm của A và B sẽ do Tòa án cấp Tỉnh xử lý.
Thứ hai: Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan như sau căn cứ Nghị định 99/2013/NĐ – CP
Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 211 Luật SHTT, theo yêu cầu của chủ sở hữu hai NHNT, tổ chức cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm của A và B gây ra, tổ chức cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hay do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện.
1. Cơ quan thanh tra Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định 99/2013/NĐ – CP trong đó có quy định về hành xi xâm phạm của A và B tùy theo mức độ vi phạm.
2. Cơ quan quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt hành vi của A và B nếu hành vi vi phạm tại thị trường trong nước quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Nghị định 99/2003 trong hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa vi phạm tại thị trường trong nước; hành vi vi phạm quy định tại các Điều 9, 11 của Nghị định này trong hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa tại thị trường trong nước. Trong trường hợp xử lý hành vi vi phạm mà xác định được cơ sở sản xuất loại hàng hóa đó thì Quản lý thị trường có thẩm quyền tiếp tục xử lý hành vi vi phạm tại cơ sở sản xuất.
3.Cơ quan hải quan có thẩm quyền xử phạt hành vi xâm phạm của A và B nếu hành vi được thực hiện trong hoạt động quá cảnh, nhập khẩu hàng hóa, quy định tại các Điều 9, 11, 12, 13 của Nghị định này liên quan đến hành vi của A và B sẽ tùy theo mức độ vi phạm.
4.Cơ quan công an có thẩm quyền phát hiện, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ các hành vi xâm phạm quyền về sở hữu công nghiệp và cung cấp cho các cơ quan xử lý vi phạm nêu trên; có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm của A và B quy định tại các Điều 9, 12 và 13 của Nghị định 99/2013.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp của A và B nếu xảy ra tại địa phương theo nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 38 và Điều 52 của
Thứ 3: Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.Công ty do A làm giám đốc là công ty May và xuất nhập khẩu. A nhận hợp đồng của một người buôn bán quần áo tại Nga với số lượng 3000 áo thun. Như vậy, trường hợp này có yếu tố xuất nhập khẩu hàng hóa liên quan đến sở hữu trí tuệ, nếu A và B có hành vi xuất khẩu hàng hóa vi phạm thì cơ quan hải quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp này.
* Nhận xét về mối quan hệ của các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
Ngoài hệ thống Toà án các cấp độc lập trong hoạt động xét xử hình sự, dân sự các vụ án vi phạm quy định quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, các cơ quan hành chính có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính có các mối quan hệ:
Phối hợp trong việc cung cấp thông tin về diễn biến tình hình hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp, quy luật, thủ đoạn hoạt động trong sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp. Phối hợp trong việc hoạch định chủ trương, chính sách, kế hoạch liên quan đến hoạt động chống hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp của từng ngành và từng địa phương.
Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong việc sản xuất buôn bán hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp. Phối hợp trong việc xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể, cử cán bộ tham gia thanh tra, kiểm tra.Hỗ trợ nhau về phương tiện, kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Tiến hành công tác thẩm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, giám định về sở hữu công nghiệp đối với hàng hoá, sản phẩm có dấu hiệu vi phạm.
Phối hợp trong việc xử phạt các vụ việc phức tạp, thực hiện các
Trên lý thuyết là như vậy nhưng trên thực tế còn một số bất cập sẽ được phân tích ở phần sau.
3. Quan điểm cá nhân về một số vấn đề liên quan
3.1. Một số quy định liên quan về nhãn hiệu nổi tiếng
Theo Điều 4.20 Luật SHTT, “NHNT là nhãn hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.Theo quy định này có thể hiểu, để được công nhận là NHNT, nhãn hiệu đó phải được người tiêu dùng trên toàn lãnh thổ Việt Nam biết đến.Rất khó cho chủ nhãn hiệu có thể chứng minh được điều này khi muốn nhãn hiệu của mình được công nhận là nổi tiếng.Quy định này dường như đã đi xa hơn những yêu cầu quy định bởi Điều 16.2 Hiệp định TRIPS vì TRIPS chỉ đòi hỏi “khi đánh giá liệu một nhãn hiệu có nổi tiếng hay không, các nước thành viên sẽ xem xét đến sự biết đến rộng rãi nhãn hiệu của nhóm công chúng tương ứng”. Vậy liệu một NHNT là phải được biết đến bởi tất cả mọi người hay chỉ cần được biết đến trong số nhóm người tiêu dùng mà hàng hoá, dịch vụ đó có liên quan tới? Có bảo hộ hay không một NHNT ở tầm thế giới nhưng chưa có mặt ở thị trường Việt Nam? Việc một người đăng ký bảo hộ một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với NHNT ở nước ngoài thì có bị coi là đang xâm phạm tới quyền của một NHNT hay không? Những vấn đề trên chưa được đưa vào Luật SHTT.
Với NHNT – đối tượng sở hữu trí tuệ mà quyền được xác lập trên cơ sở sử dụng rộng rãi, không cần thông qua thủ tục đăng ký – thì xác định đối tượng đang được bảo vệ và phạm vi quyền của đối tượng đó là vấn đề hết sức khó khăn. Với các quy định pháp luật liên quan đến NHNT thì có thể hiểu, ở bất kỳ thời điểm nào, nếu chủ nhãn hiệu cung cấp được các tài liệu chứng minh nhãn hiệu của mình nổi tiếng thì đồng nghĩa họ đã chứng minh được quyền của mình đối với nhãn hiệu đó và họ có quyền thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền của mình, trong đó có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, do các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, do năng lực của các cơ quan thực thi nên việc công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng trong quá trình thực thi là rất khó khăn.
3.2. Về thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Một bất cập lớn trong việc thực thi quyền SHTT hiện nay là thiếu sự phối hợp xử lý một cách khoa học của các cơ quan chuyên trách.Hiện nay Việt Nam có tới 6 cơ quan được giao trách nhiệm bảo đảm thực thi về SHTT là toà án; quản lý thị trường; thanh tra; công an; hải quan; UBND các cấp.Mặc dù thẩm quyền của mỗi cơ quan đã được quy định rõ trong Nghị định 99/2013/NĐ – CP, nhưng vẫn có hiện tượng chồng chéo.Cũng không thể không nói đến năng lực của đội ngũ cán bộ thực thi quyền SHTT, vừa ít về số lượng, vừa không được đào tạo chuyên sâu về SHTT để có thể sẵn sàng giải quyết các hành vi xâm phạm quyền SHTT ở mức độ tinh vi, phức tạp. Bên Cạnh đó, tòa phải chờ kết quả trưng cầu giám định hoặc kết luận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền để giải quyết án mà nhiều khi quá trình chờ đợi này rất lâu.
Theo em, cần có một tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Do tính chất của các vụ án liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ cần phải được chuyên môn hóa trong hệ thống tòa án và các thẩm phán phải là chuyên gia trong lĩnh vực. Một khi Việt Nam xây dựng được loại hình tòa chuyên trách này thì sẽ đảm bảo được quyền của chủ sở hữu,thu hút đầu tư nước ngoài do các nhà đầu tư an tâm hơn về hành lang pháp lý.
Ở Việt Nam, thuật ngữ NHNT lần đầu tiên được ghi nhận trong hệ thống pháp luật tại Nghị định sửa đổi Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996.Theo Nghị định 63/NĐ – CP, quyền SHCN đối với NHNT phát sinh trên cơ sở quyết định công nhận của Cục SHTT. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do thiếu các quy định hướng dẫn các tiêu chí đánh giá NHNT nên không có một nhãn hiệu nào được Cục SHTT công nhận theo cách này. Năm 2005, Luật SHTT đã có quy định về NHNT. Không thể phủ nhận những hiệu quả mà luật mang lại, bên cạnh đó tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền về nhãn hiệu nổi tiếng nói riêng vẫn ngày càng tăng. Thiết nghĩ, chúng ta nên có một chế tài đủ mạnh, sửa đổi những quy định còn thiếu sót để thực tiễn bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng ngày càng chặt chẽ hơn.