Tình hình ly thân trên thực tế tại Việt Nam hiện nay? Hệ lụy của việc ly thân trên thực tế không được pháp luật hôn nhân và gia đình quy định?
Mục lục bài viết
1. Tình hình ly thân trên thực tế hiện nay:
Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa vợ/chồng năm 2019 giảm 4,3 điểm phần trăm so với năm 2009, tương ứng là 22,5% và 26,8%; tuy nhiên, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên ly hôn hoặc ly thân tăng so với năm 2009, tương ứng là 2,1% và 1,4% . Theo đó, có thể thấy sau 10 năm, ly thân tại Việt Nam có chiều hướng tăng (tăng 1,4% so với năm 2009), đây có thể là do hệ quả của sự phát triển xã hội và cách mạng công nghệ 4.0 làm cho Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đồng nghĩa với việc người dân dễ dàng thu nhận những luồng tư tưởng cởi mở (chủ yếu từ các nước phương Tây) qua nhiều hình thức, phương tiện truyền thông mới (mạng xã hội Facebook, ứng dụng Instagram, Twitter...). Yếu tố xu hướng tư duy cộng đồng cũng là một yếu tố có sức ảnh hưởng lớn đến quyết định ly thân của vợ chồng như đã phân tích ở phần trên. Hơn nữa, do sự phát triển kinh tế – xã hội, vợ chồng độc lập hơn về kinh tế nên có khả năng tự quyết định việc ly hôn/ly thân.
Theo Kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2017 của Ban chỉ đạo điều tra dân số và nhà ở trung ương , tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn của cả nước là 77,5%. Trong đó, số người đang có vợ/chồng chiếm 69,2%, số người đã ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,1%.
Có thể thấy, ly thân tăng nói lên đây là xu hướng tất yếu của xã hội Việt Nam. Vợ chồng chọn ly thân bởi thấy rằng đây là giải pháp hữu ích và hiệu quả để giải quyết mâu thuẫn vợ chồng. Tuy nhiên, tỷ lệ ly hôn qua 10 năm cũng tăng (tăng 2,1% so với năm 2009) bởi lẽ ở nước ta hiện nay không công nhận ly thân pháp lý. Pháp luật không ngăn cấm được ly thân thực tế vì đây là quyền nhân thân của cá nhân, do vợ chồng tự quyết định, những việc không quy định ly thân làm phức tạp hóa và có khi làm trầm trọng hơn mâu thuẫn giữa vợ chồng.
Bởi lẽ, vợ chồng ban đầu lựa chọn ly thân, coi đây là khoảng thời gian suy nghĩ lại và tìm hướng đi chung, nhưng giữa họ còn rất nhiều vấn đề không được giải quyết về con cái, tài sản chung, cấp dưỡng... do pháp luật không quy định. Từ đó, vợ chồng không những không thể giải quyết mâu thuẫn ban đầu, mà đôi khi còn nảy sinh những tranh chấp mới do không có căn cứ pháp luật để viện dẫn. Nếu trong hoàn cảnh đó, pháp luật quy định cụ thể, chi tiết về ly thân thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vợ chồng giải quyết mâu thuẫn nhanh chóng, dễ dàng hơn. Hơn nữa, qua số liệu năm 2009 và năm 2019 cho thấy ly thân là hiện tượng xã hội tất yếu mà pháp luật không thể né tránh.
Theo Báo cáo số 153/BC–BTP ngày 15/7/2013 của Bộ Tư pháp tổng kết thi hành Luật HNGD năm 2000 thì: “...theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho thấy có tới 90% các cuộc ly hôn đều trải qua giai đoạn ly thân”. Pháp luật nước ta chưa quy định vấn đề này, đây chính là những khó khăn, vướng mắc mà Tòa án thường gặp khi giải quyết các tranh chấp trong thời gian ly thân. Bởi không có luật điều chỉnh nên Thẩm phán không có căn cứ pháp lý để giải quyết. Ly thân lại là một giai đoạn hết sức nhạy cảm của vợ chồng, hay đây chính là khoảng thời gian quyết định vợ chồng có thể tái hợp hoặc kết thúc bằng bản án/quyết định ly hôn.
Do đó, những mâu thuẫn của vợ chồng trong giai đoạn ly thân nếu được giải quyết thỏa đáng, hợp tình hợp lý thì sẽ góp phần tích cực xoa dịu mâu thuẫn giữa vợ chồng đã có trước đó hay chính những mâu thuẫn phát sinh trong thời gian ly thân. Nếu vợ chồng phải đi đến quyết định cuối cùng là kết thúc cuộc hôn nhân bằng cách ly hôn chỉ vì những mâu thuẫn nảy sinh trong thời gian này không thể được giải quyết bởi lý do pháp luật không điều chỉnh thì quả là điều đáng tiếc.
2. Hệ lụy của việc ly thân trên thực tế không được pháp luật quy định:
Khi các cặp vợ chồng trẻ gặp mâu thuẫn, bên nào cũng cho là mình đúng, chỉ nhìn thấy lỗi lầm ở đối phương. Trong lúc tức giận, họ thường chọn ngày giải pháp đơn giản và tiêu cực là ly hôn. Để khắc phục sự nóng vội này, trên thực tế đã có Thẩm phán ở nhiều địa phương đưa ra giải pháp: “Ly hôn thử nghiệm”, nghĩa là, khi cảm thấy không chung sống với nhau được nữa, thay vì ly hôn, vợ chồng nên chọn giải pháp ly thân, thử sống xa nhau một thời gian để chiêm nghiệm lại tình cảm. Xưa nay, nhắc đến hai từ “ly thân” nhiều người thường “dị ứng”, nghĩ rằng ly thân thì đương nhiên sẽ ly hôn, nên không nhận ra mặt tích cực của ly thân. Tuy pháp luật Việt Nam hiện nay không có định chế về ly thân, nhưng nó vẫn hiện hữu trong đời sống với giá trị tích cực vốn có – ly thân là khoảng lặng để cứu vãn cuộc hôn nhân, là cầu nối tình cảm, không chỉ là bước đệm để ly hôn.
Trên thực tế, nhiều trường hợp “hậu” ly thân đã sống hạnh phúc. Chị Kiều Liên ở phường 4, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Khi ly thân, may mà chúng tôi kịp nhận ra lỗi của mình, đồng thời cũng thấy được ưu điểm của người kia nên quay lại, cùng nhau sửa đổi. Tôi nghĩ, ly thân chưa hẳn sẽ giúp tất cả các đôi vợ chồng cứu vãn được cuộc hôn nhân của mình, nhưng ít nhất nó cũng không làm mình hối tiếc hay thấy có lỗi với con cái, vì mình đã cố gắng hết sức nhưng không thể cứu vãn được gia đình” .
Về khía cạnh tâm lý, bà Nguyễn Thị Tâm – Giám đốc Công ty ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt cho rằng: “Đối với những gia đình thường xuyên mâu thuẫn, xung đột và có nguy cơ đổ vỡ thì ly thân là việc nên làm.
Sự xa cách sẽ giúp vợ/chồng tạm tránh được những căng thẳng diễn ra hàng ngày để có thời gian, điều kiện nhìn lại mình và người bạn đời. Sự trải nghiệm nhận thức của bản thân sẽ giúp hai bên nhận ra nhiều giá trị: Vai trò, trách nhiệm, ý nghĩa của người bạn đời đối với mình và của mình với người bạn đời, đồng thời cũng nhận rõ được những hệ lụy của ly hôn để có quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, ly thân chỉ là giải pháp hữu hiệu với những ai có thiện chí hàn gắn đổ vỡ, vun đắp gia đình, biết nhìn nhận phần lỗi của mình và biết bỏ qua lỗi của nhau” .
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa: “Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhất là những gia đình trí thức thành thị, xu hướng ly thân ngày càng trở nên phổ biến. Vì không muốn đổ vỡ ngay để tránh tổn thương cho con cái và ảnh hưởng đến danh dự, địa vị đang có nên khi hôn nhân gặp vấn đề trầm trọng, nhiều cặp vợ chồng lựa chọn ly thân thay vì ly hôn. Mục đích của ly thân là giảm bớt những mâu thuẫn, xung đột gay gắt hiện tại, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Đây là khoảng thời gian để vợ chồng nhìn nhận lại mối quan hệ, tha thứ, khắc phục lỗi lầm để củng cố hôn nhân bền vững hơn. Bởi vậy, khi chọn ly thân, các cặp vợ chồng phải suy nghĩ thấu đáo, cân nhắc, lường trước được thiệt hơn và có kế hoạch cụ thể”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa – Đại học khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh thì “hầu hết vợ chồng khi quyết định ly hôn thường không chuẩn bị kỹ về tâm lý cho bản thân mình và cho con cái nên đã xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc, họ thường cảm thấy cuộc chia tay của mình là quá vội vàng, thủ tục ly hôn nhanh khiến họ không có thời gian để kiểm nghiệm xem quyết định của mình là đúng hay sai” .
Trên thực tế, nhiều Tòa án tại các địa phương lúng túng khi phải xử lý các tình huống tranh chấp của vợ chồng trong thời gian ly thân bởi luật không quy định. Những khó khăn, vướng mắc của Tòa án chủ yếu ở các vấn đề sau:
– Về con chung:
Cũng tương tự như ly hôn, trong thời kỳ ly thân vợ chồng thường xảy ra các mâu thuẫn, đặc biệt là vấn đề con chung. Câu hỏi đặt ra đó là trong giai đoạn vợ chồng quyết định ly thân thì con cái họ sẽ sống chung với ai? Ai có quyền trực tiếp nuôi, dạy con cái? Ai phải có nghĩa vụ cấp dưỡng? Trách nhiệm của cha, mẹ đối với con cái trong trường hợp này được đặt ra như thế nào? Và chế tài đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ đối với con cái của cha mẹ trong thời kỳ này là gì?... Rất nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra bởi hiện nay vấn đề ly thân hoàn toàn chưa có bất kỳ một quy phạm pháp luật nào điều chỉnh.
Chính vì vậy, Tòa án cũng sẽ gặp không ít khó khăn khi giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến con cái trong thời kỳ ly thân của hai vợ chồng. Thực tế đã chứng minh điều đó bởi rất nhiều trường hợp khi vợ chồng có tranh chấp trong việc nuôi con, thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, dạy dỗ đối với con cái khi họ quyết định “sống tách nhau”, Tòa án không thể viện dẫn quy định của pháp luật để giải quyết mà chỉ có thể đưa ra các khuyến nghị đối với các đương sự rằng: Mặc dù trong giai đoạn ly thân nhưng vợ chồng vẫn trong thời kỳ hôn nhân, do vậy mọi quyền và nghĩa vụ của họ đối với con cái đều phải tuân thủ theo Luật HNGĐ năm 2014.
Theo đó, cha, mẹ có nghĩa vụ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Đặc biệt, cha mẹ phải trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình...
Việc Tòa án giải thích cho các đương sự về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái trong thời kỳ hôn nhân sẽ rất khó để giải quyết các tranh chấp về vấn đề này trong giai đoạn ly thân. Bởi thực tế cho thấy, khi vợ chồng lâm vào tình cảnh ly thân thì chắc chắn trong mối quan hệ của họ đã có những mâu thuẫn xảy ra chưa thể “điều hòa” được. Vì vậy, việc sống “riêng” mà vẫn cùng nhau thực hiện tất cả các nghĩa vụ đối với con cái theo quy định của Luật HNGĐ là điều rất khó thực hiện trên thực tế. Mặc dù vợ chồng có thể thỏa thuận về vấn đề con chung trước khi tiến hành ly thân nhưng không phải mọi trường hợp đều làm đúng theo thỏa thuận đó.
Trong một số trường hợp, sau khi đã thỏa thuận rất cụ thể, rõ ràng việc ai trực tiếp nuôi dưỡng, ai phải có nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền và nghĩa vụ cụ thể của từng người đối với con cái của họ nhưng rất nhiều người lại không thực hiện hoặc chỉ thực hiện một phần thỏa thuận. Điều này dẫn đến việc quyền và lợi ích của người con không được bảo đảm, nhiều trường hợp con cái bị bỏ bê, không được nuôi, dạy đầy đủ bởi sự vô trách nhiệm của người cha, người mẹ. Do không cùng chung sống, nên ai là người có trách nhiệm trực tiếp nuôi dưỡng con cái cũng phát sinh nhiều mâu thuẫn.
Không ít đứa trẻ vì bố mẹ mâu thuẫn mà bị “đá bóng” trách nhiệm, lơ là việc nuôi dưỡng, dẫn đến buồn chán, bỏ bê học hành, sa vào tệ nạn xã hội, hoặc phạm pháp. Vậy trong những trường hợp này, pháp luật sẽ làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những đứa trẻ trong hoàn cảnh cha, mẹ chúng đang trong thời kỳ ly thân và không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dạy con cái? Hay có những trường hợp do không thể thỏa thuận được vấn đề ai nuôi, dạy trực tiếp con cái; ai có nghĩa vụ cấp dưỡng trong thời kỳ ly thân và pháp luật cũng không thể phân định được do chưa có quy định cụ thể. Điều này dẫn đến những mâu thuẫn ngày càng trầm trọng hơn trong quan hệ vợ chồng và hệ quả là họ buộc phải chọn giải pháp ly hôn để giải quyết những mâu thuẫn đó. Ly hôn trong những trường hợp này đã làm mất đi mục đích, ý nghĩa của việc vợ chồng mong muốn lựa chọn giải pháp ly thân để nhìn nhận, suy nghĩ và hàn gắn những mâu thuẫn của mình.
Mặt khác, nên chẳng cần đặt ra việc xem xét ý kiến của con cái trong vấn đề nuôi, dạy con cái của vợ chồng trong giai đoạn ly thân. Thiết nghĩ điều này là rất cần thiết bởi đối với những đứa trẻ đã lớn thì chúng đã có nhận thức về việc nên lựa chọn ở cùng bố hay mẹ – người nào có thể bảo đảm cho chúng những điều tốt nhất trong giai đoạn bố mẹ ly thân. Trong giải quyết vấn đề con chung khi ly hôn, đối với trường hợp người con từ đủ 7 tuổi trở lên có quyền đưa ra ý kiến của mình và Thẩm phán có trách nhiệm xem xét nguyện vọng đó.
Điều này hoàn toàn hợp lý bởi luật đã tính đến việc nhìn nhận thái độ, quan điểm và tình cảm của chính người con – đối tượng trực tiếp chịu sự ảnh hưởng từ việc ly hôn của cha mẹ chúng. Tương tự như vậy, trong vấn đề con chung khi vợ chồng trong giai đoạn ly thân cũng rất cần xem xét ý kiến, nguyện vọng của người con trong trường hợp này (đặc biệt là con từ đủ 07 tuổi trở lên – người đã có nhận thức, thái độ, quan điểm, tình cảm cá nhân của riêng mình).
Trên thực tế, không ít những vụ việc ly hôn mà trước đó vợ chồng đã ly thân nhằm suy nghĩ lại để hàn gắn mâu thuẫn, nhưng họ không đạt được mục đích bởi phát sinh thêm mâu thuẫn về con chung trong thời gian này. Khi vợ chồng đặt câu hỏi “làm thế nào để giành quyền trực tiếp nuôi con trong thời gian ly thân” cho Luật sư tư vấn thì nhận được câu trả lời là luật không quy định, để thực hiện được quyền này chỉ còn cách vợ chồng phải ly hôn.
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn T, sinh năm 1986, sống tại phường T, quận H, thành phố H đặt câu hỏi cho Luật sư: “Tôi và vợ tôi kết hôn từ năm 2011, hiện nay có một cháu hơn ba tuổi. Trong thời gian chung sống, vợ chồng tôi thường xuyên cãi vã. Lý do là tôi hay về muộn vì phải đi tiếp khách, đây là đặc thù công việc của tôi không thể làm khác được, nhưng vợ tôi không chịu hiểu và hay ghen, kiểm soát tội. Vợ tôi cho rằng tôi có bồ bịch bên ngoài. Trong một lần cãi nhau, tôi có lỡ đánh vợ tôi. Sau đó vợ tôi bế con về bên ngoại. Tôi có sang đó mấy lần nhưng vợ tôi không chịu gặp tôi và cũng không cho tôi gặp con. Chúng tôi cãi nhau vài lần nữa và hiện nay chúng tôi đã quyết định ly thân để tránh cãi vã, cô ấy và con ở nhà ngoại còn tôi ở nhà riêng. Từ khi vợ tôi và con bỏ về ngoại, tôi để ý thấy rằng vợ tôi không chú tâm chăm sóc con, không quan tâm con. Tôi nói rằng muốn đón con về để chăm sóc trực tiếp nhưng vợ tôi không chấp nhận. Vậy Luật sư cho tôi hỏi là trong thời gian ly thân chúng tôi ai có quyền nuôi con? Để giải quyết vấn đề này tôi phải làm gì để có thể nuôi con? Trên thực tế gia đình cô ấy giàu hơn gia đình tôi nhưng thu nhập mà tôi đi làm lại nhiều hơn cô ấy, vậy có ảnh hưởng gì không? Mong Luật sư tư vấn giúp tôi, tôi cảm ơn!” .
Nhận được câu hỏi này của anh Nguyễn Văn T, Luật sư tư vấn theo hướng: “Trên thực tế chưa có chế định cụ thể nào quy định về việc phân định nuôi con trong khoảng thời gian ly thân, bởi lẽ lúc này quan hệ hôn nhân của hai bên vẫn đang còn tồn tại. Thế nên trong khoảng thời gian ly thân không đặt ra trường hợp ai có quyền nuôi con. Để giành quyền nuôi con thì cần có thủ tục ly hôn khi đó hai bên thỏa thuận hoặc theo phán quyết mà Tòa án đưa ra. Để giải quyết vấn đề này bạn có thể thỏa thuận với vợ của mình về việc nuôi con, nếu việc thỏa thuận không được bạn có thể tiến hành thủ tục đơn phương ly hôn khi này
Theo câu chuyện thực tế trên có thể thấy, không ít vợ chồng ban đầu chỉ có mâu thuẫn nhỏ, có thể giải quyết được, họ đều có nguyện vọng ly thân để có thời gian nhìn nhận lại lỗi lầm của bản thân và đối phương, nhưng trong thời gian này, giữa họ lại phát sinh mâu thuẫn về con chung khó giải quyết. Nếu giữa vợ chồng không thể thỏa thuận và nhờ sự tư vấn của Luật sư thì hầu hết các Luật sư đều tư vấn vợ chồng chỉ còn cách ly hôn mới giải quyết được vấn đề con chung như tình huống nêu trên. Điều này đi ngược lại nguyện vọng ban đầu của vợ chồng, làm mất đi tính bền vững của gia đình và xã hội, gây ra nhiều hệ lụy xấu cho vợ chồng và con cái chỉ vì luật không quy định ly thân.
– Về tài sản và giao dịch với bên thứ ba:
Do pháp luật nước ta không công nhận ly thân pháp lý nên khi vợ chồng ly thân, vấn đề tài sản rất khó giải quyết. Tùy tình trạng vợ chồng thời điểm đó mà vợ chồng có những cách thức giải quyết về tài sản khác nhau. Một số vợ chồng thỏa thuận được về cách thức phân chia tài sản trong thời gian ly thân, một số khác không thỏa thuận được thì sẽ gửi đơn lên Tòa án để yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo Điều 38 Luật HNGĐ năm 2014.
Đây cũng là cách duy nhất Luật sư tư vấn cho các đương sự khi gặp phải câu hỏi “làm thế nào để chia tài sản trong thời gian ly thân”. Ví dụ vụ việc thực tế như sau:
– Vụ việc được ghi nhận tại Văn phòng luật Dương Gia: Chị Nguyễn Minh V lập gia đình đã 5 năm, có một con đã 5 tuổi, vì lý do hôn nhân không hạnh phúc nên chị Nguyễn Minh V muốn ly thân. Trong thời gian chung sống nhà chồng có cho 500m2 đất đã xây nhà, chồng chị Nguyễn Minh V đứng tên nhưng do chị V bỏ tiền xây. Chị V hỏi Luật sư tư vấn nếu vợ chồng chị ly thân thì chị có được chia đất và nhà không? Luật sư trả lời chị Nguyễn Minh V: “Quy định của Luật HNGĐ năm 2014 không đưa ra các vấn đề về ly thân. Tuy nhiên, việc tài sản trong thời kì hôn nhân được định đoạt theo Điều 33 (Tài sản chung của vợ chồng), Điều 38 (Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân) và Điều 39 (Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân). Như vậy, hai vợ chồng chị gái của bạn có thể làm biên bản thỏa thuận phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân để xác định tài sản chung và riêng. Nếu trong trường hợp bạn chứng minh được tài sản đều là công sức của hai vợ chồng thì thông thường tài sản đó sẽ được chia đôi”
Tuy nhiên, ly thân tại Việt Nam chủ yếu mang tính “tự phát”, vợ chồng chủ yếu chỉ thỏa thuận miệng, thậm chí không thỏa thuận về chia tài sản trong thời gian ly thân. Lý do một phần là bởi trình độ hiểu biết pháp luật của người dân Việt Nam còn thấp, họ không biết và không lường trước được những hệ quả pháp lý về tài sản của vợ chồng khi ly thân, họ cũng không đề cao sự tham vấn của Luật sư về vấn đề này. Vì vậy, cách thức chia tài sản trong thời gian ly thân thường do vợ chồng tự thỏa thuận nên không có căn cứ để chứng minh, hoặc bị vô tình “quên”, nên khi xảy ra tranh chấp thường rất phức tạp, khó thu thập chứng cứ. Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có chuẩn mực chung để giải quyết, điều này làm cho tình trạng xét xử “tùy hứng” xảy ra nhiều tại các địa phương. Tức là dễ xảy ra tình trạng với cùng một tình tiết về ly thân như nhau nhưng mỗi nơi lại viện dẫn căn cứ khác nhau để xét xử (tập quán, áp dụng tương tự pháp luật...). Điều này đi ngược lại với nguyên tắc pháp chế – pháp luật thống nhất trên cả nước.
Chính vì phần lớn vợ chồng tại Việt Nam khi ly thân không thỏa thuận về chia tài sản nên khi xảy ra tranh chấp có nhiều quan điểm trái chiều nhau về cách xử lý. Quan điểm thứ nhất cho rằng, tài sản phát sinh trong thời kỳ ly thân là tài sản chung, bởi ly thân vẫn là một giai đoạn của hôn nhân, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu của họ trong cuộc sống hàng ngày là nghĩa vụ chung của vợ chồng. Quan điểm thứ hai cho rằng, tài sản trong thời kỳ ly thân là tài sản riêng của vợ, chồng, bởi lẽ khi ly thân, mọi giao dịch do một bên vợ hoặc chồng thực hiện không nhằm mục đích phục vụ sinh hoạt chung của gia đình mà nó chỉ mang ý chí chủ quan của bên thực hiện giao dịch, không có sự đóng góp công sức chung để tạo ra tài sản.
Vì những quan điểm trái ngược nhau như trên nên Tòa án khi giải quyết vụ án ly hôn mà trước đó vợ chồng đã ly thân rất khó khăn và mất nhiều thời gian để xác định tài sản chung, riêng trong thời gian ly thân. Thông thường, Tòa án các địa phương sẽ áp dụng nguyên tắc về tài sản chung để giải quyết vụ án ly hôn mà vợ chồng có tranh chấp về tài sản khi ly thân trước đó. Điều này đôi khi không công bằng, thậm chí tạo điều kiện để người trực tiếp quản lý tẩu tán tài sản, hợp thức hóa tài sản chung thành tài sản riêng mặc dù vẫn sử dụng tài sản chung để kinh doanh hoặc tạo ra các nghĩa vụ về tài sản để buộc người còn lại phải chịu trách nhiệm chung.
Thực tế, rất nhiều vợ chồng tranh chấp gay gắt về tài sản trong khi đang ly thân bởi một người kinh doanh thua lỗ hoặc vay tiền bên thứ ba đến hạn không trả được, nhưng chủ nợ đến tìm người còn lại để đòi trong khi người này hoàn toàn không biết về sự việc đó. Câu chuyện “Ly thân rồi vợ vay tiền bắt chồng phải trả chung” được ghi nhận tại Báo điện tử Vietnamnet như sau: “Vợ chồng tôi đã ly thân được 8 tháng, chúng tôi mỗi người một công việc. Chúng tôi thống nhất sống với nhau trong một căn nhà chỉ là để con cái biết cha mẹ còn ở chung thôi.
Thực tình cả hai vợ chồng tôi đều có bồ, nhưng ngầm hiểu không can thiệp vào chuyện riêng của mỗi người. Lâu nay tài chính của ai người ấy tự lo phần góp chung là lo cho con cái. Tuy nhiên gần đây, vợ tôi nói là có vay hơn 100 triệu đồng để làm ăn và lo cho con cái ăn học. Vợ tôi muốn tôi góp tiền vào để trả khoản nợ đó. Vậy tôi có nghĩa vụ phải trả khoản nợ này không? Lúc vợ vay làm gì không nói với tôi mà sau này mới bắt tôi phải trả chung”. Luật sư của Báo Vietnamnet tư vấn cho độc giả: “...Theo khoản 1 Điều 27, khoản 1 Điều 30 và khoản 20 Điều 3 Luật hôn nhân gia đình thì trong trường hợp giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình chỉ do một bên thực hiện, phía bên kia dù không biết hoặc biết nhưng không đồng ý vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới...
Trường hợp của bạn, nếu vợ bạn vay tiền nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong gia đình thì bạn dù không biết vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới cùng bạn thực hiện việc chi trả khoản nợ. Luật hôn nhân gia đình không quy định rõ người nào có nghĩa vụ chứng minh giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nhưng để bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ chồng, quyền lợi với bên thứ ba thì bạn phải chứng minh được hành vi của bạn nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong gia đình. Vợ bạn cũng có quyền chứng minh ngược lại. Tòa án sẽ dựa vào tài liệu, chứng cứ và lời khai của các bên để đưa ra phán quyết. Về nguyên tắc hai bạn chưa ly hôn thì vẫn là vợ chồng vẫn được pháp luật công nhận” .
– Một số vấn đề khác:
Cấp dưỡng giữa vợ và chồng trong thời kỳ ly thân cũng là vấn đề đáng lưu ý. Hiện nay, chế định cấp dưỡng giữa vợ và chồng chỉ đặt ra khi vợ chồng ly hôn, được quy định tại Điều 115 Luật HNGĐ năm 2014 (nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn): “Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”. Theo đó, khi ly thân nếu một bên vợ hoặc chồng có nhu cầu cần được cấp dưỡng thì chỉ có cách thỏa thuận với bên kia; nếu không thỏa thuận được thì tranh chấp tất yếu xảy ra.
Do không quy định vấn đề này nên pháp luật không thể là công cụ để bảo vệ bên yếu thế (bên không có thế mạnh về kinh tế và cần được cấp dưỡng) khi ly thân – thường là người vợ không có công việc thường xuyên, ổn định mà nhà làm công việc nội trợ (không có thu nhập). Điều này dễ dẫn đến tình trạng bên cần cấp dưỡng túng quẫn, không còn cách nào khác ngoài chọn phương án ly hôn để giành lại các quyền lợi chính đáng cho mình, trong đó có quyền được cấp dưỡng. Từ đó, vô hình trung làm tỷ lệ ly hôn tăng lên đáng kể.
Bên cạnh đó, không ít vợ chồng nhận thức ly thân là được quyền sống chung như vợ chồng với người khác. Bởi pháp luật không quy định về ly thân nên người dân nhận thức về vấn đề này còn mơ hồ, không nhất quán, rõ ràng. Thêm vào đó, các cơ quan nhà nước đôi khi né tránh nói đến cụm từ “ly thân”, không đối diện với thực trạng này do không công nhận ly thân pháp lý, coi đây là chuyện riêng của vợ chồng.
Không ít người lầm tưởng rằng chỉ cần ly thân là được quyền sống chung như vợ chồng với người khác. Mặc dù Luật HNGĐ năm 2014 đã quy định về nghĩa vụ chung thủy của vợ chồng; Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Điều 182, Theo đó, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thì phải chịu hình phạt của Bộ luật Hình sự, cao nhất là bị phạt tù 03 năm.
Cũng trong giai đoạn hôn nhân không bền chặt này, vấn đề “cơ hội” cho “người thứ ba” cũng nhiều chuyện đáng bàn. Rất nhiều trường hợp, mâu thuẫn vợ chồng bắt nguồn từ việc một bên có quan hệ tình cảm với người khác, khi vợ chồng ly thân, thì người này chuyển đến ở cùng người mới. Tranh chấp tài sản, tranh chấp “quyền chính chủ” với vợ/chồng cũng từ đó mà thêm rắc rối vì người vợ/chồng lúc này lại cùng ăn ở, cùng xác lập khối tài sản chung với người thứ ba. Đặc biệt khi người chồng/vợ góp vốn làm ăn với người thứ ba nhưng sau đó thua lỗ, nợ nần, dẫn đến người vợ/chồng hợp pháp bị buộc trách nhiệm cùng trả nợ vì giữa vợ chồng chưa có thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân...
Ngoài ra, tình trạng bạo lực tình dục giữa vợ chồng trong thời gian ly thân diễn ra phổ biến hơn so với khi vợ chồng sống chung hòa thuận. Theo lẽ thông thường, vợ chồng yêu thương nhau và quan hệ tình dục. Tuy nhiên, khi ly thân, mong muốn quan hệ tình dục của một bên (thường là chồng) nhiều khi trái với ý muốn của bên kia (thường là vợ). Điều này tất yếu làm cho tình trạng bạo lực tình dục diễn ra mà khó bị phát hiện, xử lý và pháp luật khó có thể bảo vệ bên bị tấn công tình dục . Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định “cấm các hành vi về bạo lực tình dục”, nhưng trên thực tế do chưa có quy định về ly thân nên các hành vi bạo lực tình dục vẫn xảy ra trong giai đoạn này mà bị “làm lơ”, chính quyền không có căn cứ pháp lý để can thiệp khiến chồng tiếp tục bạo hành vợ.