Chứng cứ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết vụ án. Vậy tin nhắn, hình ảnh, ghi âm cuộc gọi có được coi là chứng cứ?
Mục lục bài viết
1. Chứng cứ được xác định như thế nào?
Khi giải quyết các vụ việc liên quan đến vi phạm pháp luật, để xác định đối tượng vi phạm, hình thức xử lý đối tượng vi phạm, người ta thường sử dụng đến chứng cứ. Về cơ bản, chứng cứ là một trong những thuật ngữ khá quen thuộc trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự. Nó đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các vụ việc.
Theo quy định tại Điều 86 Bộ luật hình sự 2015, chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Theo quy định tại Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, chứng cứ được xác định dựa trên những thông tin, nội dung cụ thể như sau:
– Chứng cứ có thể là tài liệu đọc được nội dung. Cụ thể, tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
– Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ. Chủ thể này được xem là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
– Chứng cứ được xác định dựa trên thông điệp dữ liệu điện tử. Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
– Chứng cứ được xác định dựa trên vật chứng. Ở đây, ta có thể hiểu vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.
– Chứng cứ được xác định vào lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng. Nó được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh.
– Chứng cứ còn được xác định dựa trên kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định; biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định; kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
– Chứng cứ còn xác định dựa trên các văn bản có giá trị pháp lý: Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định; Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
2. Tin nhắn, hình ảnh, ghi âm cuộc gọi có được coi là chứng cứ?
– Theo quy định tại Điều 95 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, chứng cứ được xác định dựa trên thông điệp dữ liệu điện tử. Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
– Cùng với đó, Điều 87 Bộ luật hình sự 2015 quy định về nguồn chứng cứ. Theo đó, nguồn của chứng cứ bao gồm:
+ Vật chứng;
+ Lời khai, lời trình bày;
+ Dữ liệu điện tử;
+ Kết luận giám định, định giá tài sản;
+ Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
+ Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
+ Các tài liệu, đồ vật khác.
Theo quy định trên, dữ liệu điện tử được xem là một trong những nguồn của chứng cứ. Tức, nó được xem là một trong những căn cứ xác định nguồn của chứng cứ trong vụ án.
– Khoản 2 và khoản 3 Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định một cách cụ thể và rõ ràng về dữ liệu điện tử như sau:
+ Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. Tức, dữ liệu điện tử là những nguồn thông tin được thu thập từ những phương tiện viễn thông, mạng internet,.. Thông qua những phương tiện điện tử này, cá nhân, tổ chức sẽ lấy được những thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc làm chứng cứ trong vụ việc bất kỳ.
+ Dữ liệu điện tử được xem là nguồn của chứng cứ. Về cơ bản, giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác. Thông qua các hoạt động này, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ xác định và tìm ra nguồn chứng cứ.
Dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ phục vụ công tác điều tra vụ án. Song, xét về thực tế, việc thu thập những thông tin về nguồn chứng cứ này thường tốn nhiều thời gian, đòi hỏi yếu tố kỹ thuật trong công tác điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan Nhà nước.
Từ những phân tích ở trên, có thể thấy, tin nhắn, hình ảnh, ghi âm cuộc gọi là những dữ liệu điện tử. Mà dữ liệu điện tử là nguồn của chứng cứ. Do đó, tin nhắn, hình ảnh, ghi âm cuộc gọi cũng được xem là chứng cứ trong việc giải quyết các vụ án.
Hiện nay, trong bối cảnh khoa học công nghệ thông tin bùng nổ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, tin nhắn, hình ảnh, ghi âm cuộc gọi được xem là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng để cơ quan Nhà nước giải quyết các vụ việc. Người dân thường sử dụng dữ liệu điện tử để lưu trữ những giao dịch liên quan. Khi xảy ra tranh chấp hay có yếu tố tội phạm xảy ra, họ sẽ sử dụng những dữ liệu này để tố giác tội phạm; bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Vậy nên, có thể khẳng định, tin nhắn, hình ảnh, ghi âm cuộc gọi là một trong những nguồn dữ liệu quan trọng, phục vụ cho công tác điều tra và giải quyết vụ án của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Trong thực tiễn ngày nay, rất nhiều vụ án đã được giải quyết dựa vào nguồn chứng cứ đặc biệt này.
3. Vai trò, ý nghĩa của chứng cứ trong việc điều tra, giải quyết các vụ án:
Tin nhắn, hình ảnh, ghi âm cuộc gọi và chứng cứ nói chung có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các cá nhân và tổ chức trong thực tiễn xã hội ngày nay.
– Đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích của công dân: Chứng cứ giúp các cá nhân, tổ chức có cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia vào vụ việc, vụ án bất kỳ. Nếu không có chứng ký, bị đơn, bị cáo rất khó có thể bảo vệ quyền lợi của mình trước những cáo buộc của đối phương. Trong một số vụ án hình sự, chứng cứ còn được xem là “bùa hộ mệnh”, giúp bị cáo bảo vệ được quyền lợi của mình trước những khung hình phạt bị đưa ra trước mặt.
– Đối với hoạt động pháp luật: Chứng cứ giúp các nhà làm luật, cơ quan chức năng có thẩm quyền dựa vào, giải quyết các vụ việc, vụ án một cách công bằng, khách quan, đảm bảo giải quyết đúng người đúng tội. Nếu không có chứng cứ, cơ quan chức năng rất khó có thể phát giác tội phạm, bỏ lọt tội phạm. Thậm chí, trong một số trường hợp, nếu không có chứng cứ sẽ rất dễ đến tình trạng oan sai. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của bộ máy hành pháp của Nhà nước Việt Nam.
Chứng cứ giúp đảm bảo sự an toàn, công bằng cho tất cả người dân. Điều này là yếu tố tiên quyết để xây dựng lên một hệ thống xã hội công bằng, trật tự và văn minh. Con người sẽ có điều kiện để phát triển trong một môi trường toàn diện, văn minh nhất.
Chính vì những ý nghĩa đặc biệt sâu sắc này, chứng cứ là một trong những yếu tố không thể thiếu trong quá trình giải quyết vụ án tại nước ta hiện nay. Đồng thời, cơ quan Nhà nước cũng thắt chặt công tác điều tra, quản lý để đảm bảo chất lượng, giá trị đúng đắn của chứng cứ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
- Bộ luật dân sự 2015;
- Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
- Bộ luật tố tụng hình sự 2015