Cuộc cách mạng 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế - xã hội, trong đó hoạt động công nghệ kỹ thuật hiện đại có nhiều bước tiến lớn nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của con người. Hiện nay, nhiều định nghĩa mới có tính chất ảo xuất hiện và được áp dụng rộng rãi, điển hình là hình thức hợp đồng thông minh (Smart Contract).
Hợp đồng thông minh (Smart Contract) được xem là một xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ, nhưng thực tế, hợp đồng thông minh vẫn còn gặp nhiều trở ngại xuất phát từ các vấn đề pháp lý khi pháp luật Việt Nam chưa có sự điều chỉnh cụ thể. Xuất phát từ đó bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề khái quát về hợp đồng thông minh, chỉ ra những thách thức pháp lý, từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.
Đặt vấn đề
Hiện nay, nhiều lĩnh vực đã vận dụng các nền tảng công nghệ với mục đích tăng tính hiệu quả và nhanh chóng, trong đó có lĩnh vực hợp đồng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có sự điều chỉnh và áp dụng hợp đồng thông minh có sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong việc giao kết và thực hiện các lĩnh vực như hợp đồng truyền thống. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và lĩnh vực pháp luật hợp đồng nói riêng, hợp đồng thông minh là một vấn đề mới và còn nhiều thách thức cho việc áp dụng trong thực tiễn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá, làm rõ các vấn đề lý luận và những lợi ích do hợp đồng thông minh mang lại cũng như chỉ ra những thách thức trong việc thừa nhận tính pháp lý của loại hợp đồng này tại Việt Nam để từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị về việc tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, thừa nhận loại hợp đồng này tại Việt Nam trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ pháp luật nước ngoài là điều rất quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Khái quát về hợp đồng thông minh
Đến thời điểm hiện nay, đã có nhiều khái niệm khác nhau về hợp đồng thông minh được đưa ra. Theo nhà khoa học máy tính và nhà mật mã Nick Szabo, hợp đồng thông minh được hiểu là các giao thức giao dịch được máy tính hóa để thực thi các điều khoản của hợp đồng. Cụ thể, hợp đồng thông minh là một tập hợp các thỏa thuận, được chỉ định ở dạng kỹ thuật số, bao gồm các giao thức mà các bên sẽ thực hiện theo những thỏa thuận ở dạng đơn giản nhất và là một chương trình có thể đọc được bằng máy. Mặc dù là định nghĩa được đưa ra đầu tiên nhưng lại là đánh giá tương đối toàn diện so với các định nghĩa sau này. Theo cách định nghĩa khác, hợp đồng thông minh được coi là các hình thức thỏa thuận mới tương tự như hợp đồng theo phương thức truyền thống và được viết bằng mã nguồn’. Đây cũng được xem là khái niệm tương đối rõ ràng nhưng có sự khác biệt với quan điểm của Nick Szabo là việc khẳng định hợp đồng thông minh cũng có tính chất tương tự như hợp đồng truyền thống. Theo quan điểm tác giả, ý nghĩa của điều này chính là hợp đồng thông minh sẽ mang các dấu hiệu pháp lý cơ bản của hợp đồng truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, các vấn đề pháp lý về loại hợp đồng mới này vẫn chưa được điều chỉnh và còn nhiều vướng mắc.
Bên cạnh đó, hợp đồng thông minh còn được định nghĩa dưới dạng cụ thể dựa trên cách thức giao dịch của nó, cụ thể hợp đồng này là một phần mềm được thiết kế ban đầu để sử dụng các tính năng tính toán đáng tin cậy của mạng Blockchain để tự động thực hiện các điều kiện mà hai bên có thể đồng ý khi họ ký hợp đồng trong một môi trường không đáng tin cậy. Hợp đồng này còn được coi là hợp đồng kỹ thuật số cho phép việc tạo các điều khoản phụ thuộc vào sự đồng thuận phi tập trung, có khả năng chống giả mạo và được thực thi một cách tự động, nhưng không có bản chất pháp lý của hợp đồng truyền thống và không sử dụng tài nguyên trí tuệ nhân tạo. Khái niệm này đưa ra có nội hàm khác với các khái niệm đã đề cập ở trên, cụ thể là hợp đồng thông minh không có tính chất pháp lý của một hợp đồng truyền thống.
Theo một quan điểm khác, khái niệm hợp đồng thông minh được định nghĩa là một hợp đồng tự động thực hiện với các điều khoản thỏa thuận giữa người mua và người bán, được viết trực tiếp thành các dòng mã. Mã và các thỏa thuận có trong đó tồn tại trên mạng blockchain phân tán, phi tập trung. Mã này kiểm soát việc thực hiện và các giao dịch sẽ được theo dõi và không thể đảo ngược. Hợp đồng thông minh cho phép các giao dịch và thỏa thuận được thực hiện giữa các bên khác nhau, có thể ẩn danh mà không cần cơ quan trung ương, hệ thống pháp luật hoặc cơ chế thực thi bên ngoài. Định nghĩa này được đưa ra có bao hàm cả một số đặc trưng của hợp đồng thông minh so với hợp đồng truyền thống. Có thể thấy rằng, hợp đồng thông minh chưa có một định nghĩa thống nhất.
Còn tại Việt Nam, theo Điều 385
Trên thực tế, sự ra đời của hợp đồng thông minh mang lại nhiều lợi ích’ cho hoạt động giao kết và thực hiện các thỏa thuận, đặc biệt loại hợp đồng này đã mở ra kỷ nguyên mới khi mà hầu như các lĩnh vực trong đời sống xã hội đang dần chuyển hướng và gắn liền với không gian mạng. Lợi ích do hợp đồng thông minh mang lại có thể kể đến như:
(i) Tính chính xác. Đây được xem là một lợi thế mà các tổ chức kinh doanh sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng hợp đồng thông minh. Trong quy trình thiết lập hợp đồng này, tất cả các thông tin liên quan sẽ được định dạng có điều kiện, tức là sử dụng lệnh cố định và việc thể hiện tất cả các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng phải rõ ràng và chính xác. Do vậy, sự xuất hiện các vấn đề về lỗi kỹ thuật trong hợp đồng thông minh sẽ rất hạn chế.
(ii) Tính rõ ràng và minh bạch. Hợp đồng thông minh có đặc trưng là một khi hợp đồng được thiết lập thì việc thay đổi điều khoản và điều kiện của hợp đồng sẽ rất khó được thực hiện bởi việc thiết lập loại hợp đồng này được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch trên cơ sở nền tảng công nghệ số. Chính vì vậy mà người dùng có thể tránh được các trường hợp nội dung hợp đồng bị thay đổi, có sự gian lận, lừa đảo.
(ii) Tính nhanh chóng và hiệu quả. Theo đó, hợp đồng thông minh sẽ không dựa vào sự can thiệp của con người mà dựa vào sự giám sát bởi một hệ thống công nghệ Blockchain. Tức là, việc thi hành hợp đồng sẽ không có sự phụ thuộc vào bất kể bên thứ ba. Ý nghĩa của việc loại bỏ bớt bên trung gian so với hợp đồng truyền thống chính là tiết kiệm chi phí.
(iv) Tính bảo mật. Vì các hợp đồng thông minh được thực hiện thông qua nền tảng công nghệ Blockchain mà công nghệ này có đặc trưng là sẽ được hoạt động thông qua hệ thống kỹ thuật mật mã nên các hợp đồng sẽ được mã hóa. Chính vì vậy mà bất kỳ hoạt động nào nhằm xâm nhập với mục đích đánh cắp dữ liệu thì sẽ nhanh chóng được ngăn chặn kịp thời.
(v) Tính bất biến. Vì hợp đồng thông minh được viết dưới dạng một đoạn mã, sau khi được thiết lập, các điều khoản đã giao kết trong hợp đồng này sẽ không thể bị sửa đổi một cách dễ dàng. Điều này đảm bảo rằng các thỏa thuận sẽ được đảm bảo thực hiện và tránh trường hợp thay đổi liên tục làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện hợp đồng.
Như vậy, có thể thấy rằng hợp đồng thông minh được xem là xu hướng tất yếu hiện nay khi nó đã, đang và sẽ mang lại nhiều lợi ích tích cực trong việc thực hiện các giao dịch.
Như đã phân tích, với những lợi ích mang lại, hợp đồng thông minh được xem là một xu thế tất yếu trong tương lai vì những đặc trưng ưu việt so với hợp đồng truyền thống. Tuy nhiên, loại hợp đồng này hiện nay chưa được áp dụng vì nhiều thách thức đang đặt ra và cần giải quyết. Do vậy, tác giả cho rằng, các nhà lập pháp cần nhanh chóng đưa ra những quy định để điều chỉnh hợp đồng thông minh trong hệ thống pháp luật về hợp đồng tại Việt Nam và có những nghiên cứu, đánh giá từ việc học hỏi kinh nghiệm của pháp luật nước ngoài để làm cơ sở cho việc áp dụng loại hợp đồng này một cách phổ biến trong tương lai.