Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm nổi tiếng, các đoạn trích của tác phẩm được biên soạn trong sách giáo khoa phổ thông, gắn liền với tên tuổi của nhà văn Nguyễn Dữ. Bài viết sau đây tìm hiểu về tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Dữ!
Mục lục bài viết
1. Tiểu sử cuộc đời của nhà văn Nguyễn Dữ:
Nguyễn Dữ hay có tên gọi khác là Nguyễn Dư, ông là người xã Đỗ Tùng, huyện Gia Phúc, tỉnh Hải Dương. Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng, là con trai cả của Tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu. Chưa có tài liệu nào xác định năm sinh và năm mất của Nguyễn Dữ, người ta chỉ biết theo dân gian lưu truyền thì ông sống cùng thời với thầy học là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), và bạn học là Phùng Khắc Khoan (1528-1613), tức là vào khoảng thế kỷ 16, vào thời Lê Sơ và thời Mạc.
Từ nhỏ, Nguyễn Dữ đã là một người rất chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Sau khi đậu Hương tiến (tức là thi đỗ Cử nhân), ông làm quan dưới triều nhà Mạc, sau đó về với nhà Lê làm Tri huyện Thanh Tuyền (nay là Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phú). Tuy nhiêm, mới được một năm, vì bất mãn với thời cuộc, ông lấy cớ về nuôi mẹ, xin về ở núi rừng Thanh Hóa. Từ đó ông không bước chân xuống đến thị thành rồi mất tại Thanh Hóa.
Phần thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác Truyền kỳ mạn lục, ở mỗi sách vẫn còn một vài điểm dị biệt.
2. Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Dữ:
Sáng tác duy nhất của ông là tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục”. Tác phẩm ghi chép tản mạn những truyện kì lạ được lưu truyền. Theo lời Tựa của Hà Thiện Hán viết năm 1547 thì ông viết ra tập lục này để ngụ ý trong thời gian ẩn cư ở rừng núi xứ Thanh. Sách gồm 20 truyện, viết bằng chữ Hán, theo thể loại tản văn, xen lẫn biền văn và thơ ca, cuối mỗi truyện đều có lời bình của tác giả hoặc của một người có cùng quan điểm của tác giả (trừ truyện 19 Kim hoa thi thoại ký). Tác phẩm được Hà Thiện Hán, người cùng thời, viết lời Tựa, Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính, Nguyễn Thế Nghi, dịch ra chữ Nôm; và đã được Tiến sĩ Vũ Khâm Lân (1702-?), đánh giá là một “thiên cổ kỳ bút”.
Truyền kỳ mạn lục là một sáng tác văn học với sự gia công hư cấu, sáng tạo, trau chuốt, gọt giũa của Nguyễn Dữ chứ không phải một công trình ghi chép đơn thuần. Mỗi câu chuyện trong tác phẩm đều thể hiện một quan điểm chính trị, một triết lí nhân sinh, một ý tưởng đạo đức sâu sắc của tác giả. Qua tác phẩm, người đọc thấy được số phận bi thảm của những con người nhỏ bé trong xã hội, những bi kịch tình yêu mà thiệt thòi thường rơi vào người phụ nữ. Tác phẩm cũng thể hiện tinh thần dân tộc, bộc lộ niềm tự hào về nhân tài, văn hóa nước Việt, đề cao đạo đức nhân hậu, thủy chung, đồng thời khẳng định quan điểm sống “lánh đục về trong” của lớp trí thực ẩn dật đương thời. Nó không chỉ là những mong muốn của tác giả mà còn là nỗi lòng của người dân mong muốn sự công bình, sự bác ái,… mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Truyền kỳ mạn lục vừa có giá trị hiện thực và nhân đạo cao, vừa là một tuyệt tác của thể loại truyền kì. Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài và được đánh giá cao trong số các tác phẩm truyền kì ở các nước đồng văn.
3. Giới thiệu tác phẩm Truyền kỳ mạn lục:
Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục gồm 20 chương với 20 truyện như sau:
Chương I: Câu chuyện ở đền Hạng Vương
Chương II: Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu
Chương III: Chuyện cây gạo
Chương IV: Chuyện gã trà đồng giáng sinh
Chương V: Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây
Chương VI: Chuyện đối tụng ở Long cung
Chương VII: Chuyện nghiệp oan của Đào Thị
Chương VIII: Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
Chương IX: Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên
Chương X: Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào
Chương XI: Chuyện yêu quái ở Xương Giang
Chương XII: Chuyện đối đáp của người tiều phu ở núi Na
Chương XIII: Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều
Chương XIV: Chuyện nàng Thúy Tiêu
Chương XV: Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang
Chương XVI: Chuyện người con gái Nam Xương
Chương XVII: Chuyện Lý tướng quân
Chương XVIII: Chuyện Lệ Nương
Chương XIX: Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa
Chương XX: Chuyện tướng Dạ Xoa
4. Giới thiệu Chuyện chức phán sự đề Tản Viên:
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là chương thứ VIII trong 20 chuyện của Truyền kì Mạn Lục, được biên soạn trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10. Chuyện được tóm tắt như sau:
Ngô Tư Văn được biết đến là chàng trai cương nghị, chính trực với nhiều phẩm chất tốt đẹp. Do không chịu đựng được sự tác oai tác quái của hồn ma tên tướng giặc, Ngô Tử Văn đã tắm gội sạch sẽ và đi đốt chùa – nơi tên tướng giặc ngự trị. Đêm đó về trong cơn sốt ngủ mơ, đầu óc miên man Ngô Tử Văn thấy hồn ma một người cao lớn về đe dọa đòi bắt chàng xuống âm phủ vì tội dám đốt đền. Nhưng đến chiều tối có một ông già đến xưng danh là Thổ Thần với tấm lòng cảm kích đến cảm ơn chàng và kể lại câu chuyện ngôi đền của ông đã bị tên tướng giặc chiếm lĩnh và chỉ cho Ngô Tử Văn tội ác, tung tích của tên tướng giặc cũng như cách ứng phó với tên tướng giặc đó ở dưới Minh Ti. Đến đêm, Tử Văn ốm nặng và có người đến đón Tử Văn đi. Do được căn dặn từ trước cũng như hiểu rõ lai lịch của tên tướng giặc mà Tử Văn đối mặt với Diêm Vương một cách cương nghị, chính trực và chiến thắng tên tướng giặc hung ác. Cuối cùng công lý được thực thi: tên tướng giặc và bọn phán sự vô trách nhiệm bị trừng trị, thổ thần được phục chức. Sau đó, Tử Văn được đưa trở về nhân gian và nhậm chức Phán Sự trông coi đền Tản Viên.
Nội dung của chuyện đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác trừ hại cho dân của nhân vân Ngô Tử Văn, một đại biểu của trí thức nước Việt. Thể hiện niềm tin công lý, chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng gian tà.
Như đã nói, chuyện trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ không chỉ đơn thuần là “viết lại”, xuyên xuốt trong chuyện là yếu tố truyền kỳ dày đặc, cách xây dựng cốt truyện đầy kịch tính với kết cấu chặt chẽ. Cách kể chuyện, dẫn dăt câu chuyện khéo léo và miêu tả sinh động, hấp dẫn.
5. Giới thiệu Chuyện người con gái Nam Xương:
Chuyện người con gái Nam Xương là chương thứ XVI trong 20 chuyển của Truyền Kỳ mạn lục, được biên soạn trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9. Chuyện được tóm tắt như sau:
Vũ Nương tên thật là Vũ Thị Thiết, là cô gái xinh đẹp, thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp, khiến chàng Trương Sinh con nhà khá giả, nhưng vô học, vũ phu đem lòng yêu mến và cưới về làm vợ. Cuộc sống vợ chồng chưa được bao lâu thì Trương Sinh phải tòng quân, nàng đau lòng, dặn dò và mong chồng bình an trở về. Mẹ chồng nàng vì nhớ thương con mà bệnh nặng, nàng một lòng một dạ chăm sóc mẹ chồng những ngày cuối đời cho đến khi bà qua đời. một mình Vũ Nương gánh vác mọi thứ, tự sinh con một mình đặt tên là Đản. Vì không có bố, để bù đắp cho con sự thiếu thốn tình cha, đêm đến, ánh sáng của đèn chiếu vào Vũ Nương tạo thành bóng hiện trên vách nhà, nàng chỉ vào bóng của mình và bảo với con mình đó là cha. Khi chồng trở về, bế con ra thăm mộ mẹ, nhưng nhất quyết đứa trẻ không chịu nhận cha và tiết lộ bố nó đêm nào cũng đến thăm khiến Trương Sinh đem lòng nghi ngờ, ghen tuông. Về nhà, hắn đã chửi mắng nàng và đuổi nàng đi mặc cho nàng van xin và hết lời thanh minh nhưng hắn đều không tin. Để chứng minh tấm lòng chung thủy của mình, Vũ Nương đã giao hình xuống sân Hoàng Hà tự vẫn. Ít lâu sau, khi đêm đến, Đản chỉ vào bóng Trương Sinh trên vách nhà và bảo đó là cha. Trương Sinh mới hiểu ra oan khuất của vợ đã vô cùng đau xót nhưng nàng không thể trở về nhân gian được nữa mà mãi ở lại nơi thủy cung. Cùng làng với Trương Sinh có Phan Lang vì đã cứu thần rùa Linh Phi nên được trả ơn. Trong một bữa tiệc dưới thủy cung, Phan Lang gặp và nhận ra Vũ Nương. Nghe Phan Lang kể chuyện nhà, Vũ Nương nhớ chồng con da diết và xin nói với Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng, nàng sẽ trở về. Khi Trương Sinh lập đàn giải oan thì Vũ Nương có hiện lên nhưng chỉ nói vài câu rồi biến mất.
Câu chuyện mang giá trị nội dung sâu sắc: Phản ánh hiện thực xã hội phong kiến bất công với chế độ nam quyền, chà đạp số phận người phụ nữ. Bên cạnh đó, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam như thùy mị, nết na, luôn giữ gìn khuôn phép, hết mực thủy chung với chồng thông qua nhân vật Vũ Nương. Bày tỏ niềm cảm thương của tác giả đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ.
Giá trị Nghệ thuật của chuyện cũng như được thể hiện trong toàn Truyền kỳ mạn lục: tác giả xây dựng tình huống truyện độc đáo. Sử dụng yếu tố kỳ ảo làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm. Cùng với nghệ thuật xây dựng nhân vật qua lời nói và hành động, các lời trần thuật và đối thoại của nhân vật sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ nhưng vẫn khắc hoạ đậm nét và chân thật nội tâm nhân vật.